Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9 (1748)
Tiến sĩ được ban thứ bậc, ghi họ tên, khắc hành trạng là để làm sáng rõ quy mô lớn lao khích lệ kẻ sĩ, làm đẹp điển lớn trọng dụng Nho gia. Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ sắp đặt kỷ cương bốn phương, nêu chuẩn mực cho muôn vật. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng ...
Tiến sĩ được ban thứ bậc, ghi họ tên, khắc hành trạng là để làm sáng rõ quy mô lớn lao khích lệ kẻ sĩ, làm đẹp điển lớn trọng dụng Nho gia.
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ sắp đặt kỷ cương bốn phương, nêu chuẩn mực cho muôn vật. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] hun đúc thành tựu, sáng suốt kinh luân, lập học hiệu nhà Hạ để trữ nhân tài, mở cung khuyết nhà Ngu mà người tài theo đến. Mùa xuân tháng 3 năm Mậu Thìn thi Hội các cống sĩ. Đặc sai Phó tướng Đô hiệu điểm ty Đô hiệu điểm Khanh Quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Công bộ Thượng thư Liêu Đình hầu Lê Hữu Kiều làm Tri Cống cử, Hình bộ Hữu Thị lang hành Lễ bộ Tả Thị lang Lâm Xuyên bá Nguyễn Phùng Thì, Công bộ Hữu Thị lang hànhPhó Đô Ngự sử kiêm Đông các Học sĩ Tả chính ngôn Thư Trạch hầu Vũ Công Trấn làm Giám thí, cùng các viên hữu ty chia giữ các việc.
Khi ấy người dự thi đông đến 3.000 người, viện quan chọn hạng xuất sắc được bọn Vũ Miên 13 người.
Ngày 25 tháng 5 gọi vào Điện thí, quan Độc quyển dâng quyển lên Hoàng thượng ngự lãm, lấy đỗ hạng Cập đệ, Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Bệ son loa truyền, tên yết cửa nhà Quốc học. Theo lệ cũ ban áo xanh đai thơm, yến Quỳnh hoa bạc, lễ nghi ưu đãi long trọng, ân điển chất chồng. Lại sai quan Bộ Công dựng đá đề tên, sai từ thần soạn bài ký.
Trộm nghĩ phép chọn kẻ sĩ ở nước Việt ta không gì trọng bằng khoa thi Tiến sĩ. Các đời đều sùng chuộng khoa cử, Nho sĩ được vẻ vang, các bậc hiền tướng danh thần cũng đều xuất thân từ đó. Nước nhà vì thế mà thu phục được nhân tài, vượt trăm vua mà hơn cả ngàn xưa vậy.
Kẻ sĩ được ghi tên vào bia đá này, ắt nên giữ lòng trong sạch, tiết tháo kiên trinh, giúp đời hành đạo, giúp vua ban ơn cho dân, ngõ hầu công danh sự nghiệp được khắc vào chuông đỉnh, thêu lên cờ hiệu, cùng với bia đá này soi tỏ mới không hổ thẹn với khoa danh. Thảng hoặc có kẻ quỳ gối uốn mình, tô vẽ giả dối, ngọc vết khó giấu, đá vết khó mài, công luận ngàn năm, há chẳng đáng sợ sao!
Thế thì dựng bia đá này chẳng phải riêng để bồi đắp nho phong mà còn để dồi mài sĩ khí, việc đó có quan hệ đến thanh danh giáo hoá thật lớn vậy.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tả Tư giảng Thiêm sai Tri Thị nội Thư tả Lại phiên Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú1 vâng sắc soạn.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 26 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh:
NGUYỄN HUY OÁNH 阮輝瑩2 người xã Lai Thạch huyện La Sơn, Tri phủ.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
TRỊNH XUÂN THỤ 鄭春澍3 người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn, Lang trung.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 11 người:
VŨ MIÊN 武棉4 người xã Xuân Lan huyện Lương Tài, đỗ đầu thi Hội, Nho sinh trúng thức.
NGUYỄN HUY DẬN 阮輝胤5 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Tri phủ.
NGUYỄN KỲ 阮琪6 người xã Yên Lão huyện Bình Lục, Sinh đồ.
NGUYỄN TRỌNG ĐỘT 阮仲突7 người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn, Tri huyện.
LÊ TRỌNG TÍN 黎仲信8 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào, Nho sinh.
HOÀNG PHẠM DỊCH 黃范奕9 người xã Từ Quán huyện Giao Thủy. Huấn đạo.
NGUYỄN QUỐC KHUÊ 阮國珪10 người xã Hoằng Liệt huyện Thanh Trì, Tri huyện.
TRẦN TIẾN 陳璡11 người xã Điền Trì huyện Chí Linh, Tư vụ.
Lê Doãn Thân 黎允伸12 người xã Đại Mão huyện Siêu Loại, Nho sinh trúng thức.
PHAN NHUỆ 潘銳13 người xã Phúc Xuyên huyện Tiên Phong, Giám sinh.
NGUYỄN HUY NGỌC 阮輝玉14 người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì, Nho sinh trúng thức.
Trung thư giám Cẩn sự lang Đồng Tri phủ người xã Đa Sĩ huyện Đường Hào là Đào Đăng Hài vâng mệnh viết chữ.
Hai đội ở xã An Hoạch huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ.
Chú thích:
1. Dương Công Chú: Xem chú thích 14, Bia số 65.
2. Nguyễn Huy Oánh (1731-?) hiệu Thạc Đình và tự là Thư Hiên, người xã Lai Thạch huyện La Sơn (nay thuộc xã Song Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh của Nguyễn Quýnh, là cha của Nguyễn Huy Tự. Ông giữ các chức quan, như: Đông các Đại học sĩ, Tả Thị lang Bộ Lại, tước Thạc Lĩnh bá, rồi thăng chức Đô Ngự sử và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
3. Trịnh Xuân Thụ (1704-?) người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Hoa Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông là con của Trịnh Đức Nhuận, làm quan Đông các Học sĩ, tước bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thị độc. Có tài liệu phiên là Trịnh Xuân Chú.
4. Vũ Miên (1718-1782) người xã Xuân Lan huyện Lang Tài (nay thuộc huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, tước Liên Khê hầu; thăng Nhập thị Bồi tụng, Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Quốc sử tổng tài, Tham tụng Tả Thị lang bộ Binh, tước Liên Khê hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thượng thư, thụy là Ôn Cẩn.
5. Nguyễn Huy Dận (1708-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cha của Nguyễn Huy Cận, con Nguyễn Huy Nhuận và làm quan Tự khanh, tước bá, về trí sĩ.
6. Nguyễn Kỳ (1718-?) người xã Yên Lão huyện Bình Lục (nay là xã Yên Lão huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ và làm Quốc tử giám Tế tửu.
7. Nguyễn Trọng Đột (1695-1777) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri huyện, sau làm quan Hàm lâm viện Đãi chế.
8. Lê Trọng Tín (1722-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là cháu nội của Lê Hữu Danh, con Lê Hữu Mưu, sự nghiệp hiện chưa rõ.
9. Hoàng Phạm Dịch (?-?) người xã Từ Quán huyện Giao Thủy (nay thuộc xã Nam Thịnh huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
10. Nguyễn Quốc Khuê (1714-?) người xã Hoằng Liệt huyện Thanh Trì (nay thuộc Hoàng Liệt quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
11. Trần Tiến (1709-?) người xã Điền Trì huyện Chí Linh (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Thị giảng. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công, tước bá.
12. Lê Doãn Thân (1720-1773) người xã Đại Mão huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa Chính sứ, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Tú Xuyên bá.
13. Phan Nhuệ (1712-?) người xã Phúc Xuyên huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Phú Châu huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đãi chế, Đốc đồng Tuyên Quang.
14. Nguyễn Huy Ngọc (1716-?) người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì (nay phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Thì Ngọc.