Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 39 (1778)
Nước nhà hưởng thái bình trường cửu, văn vận đại hanh thông. Hoàng thượng kế thừa mưu lược rộng xa, thụ hưởng phúc lành to lớn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] chấn chỉnh đất trời, mở rộng trị bình giáo hoá. Mùa xuân năm Mậu Tuất thi Hội cho các cống sĩ ...
Nước nhà hưởng thái bình trường cửu, văn vận đại hanh thông.
Hoàng thượng kế thừa mưu lược rộng xa, thụ hưởng phúc lành to lớn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] chấn chỉnh đất trời, mở rộng trị bình giáo hoá. Mùa xuân năm Mậu Tuất thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Phó Đô tướng Thự Phủ sự Thiếu phó Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Liên Khê hầu Vũ Miên làm Tri Cống cử, Đông các Học sĩ Phạm Bá Ưng quyền Giám thí.
Qua bốn trường lấy bọn Ninh Tốn 4 người trúng cách. Sang tháng sau Điện thí, ban cho bọn Nguyễn Duân đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào bia đá để lưu truyền bất hủ.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:
NGUYỄN DUÂN阮昀1 người xã Phật Tích huyện Tiên Du. Đỗ Tứ trọng2 khoa Mậu Tý, Tham nghị, thi đỗ năm 43 tuổi, Khoa trưởng.
CHU DOÃN MẠI朱允勱3 người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn, Tri huyện, thi đỗ năm 39 tuổi.
PHẠM TRỌNG HUYẾN范仲烜4 người xã Dũng Quyến huyện Ý Yên, đỗ năm 33 tuổi, Thiếu tuấn.
NINH TỐN寧遜5 người xã Côi Trì huyện Yên Mô, đỗ Tứ trọng năm Canh Dần, năm Ất Mùi tiến triều, được bổ chức Thiêm sai Tri Công phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, thi đỗ năm 35 tuổi, Hội nguyên.
Bia dựng ngày đầu tháng mùa xuân năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).
Tiến sĩ khoa Quý Hợi, Hữu tư giảng Tham tụng quốc lão Phụ đức công thần Thượng thư Bộ Lại kiêm Tri Đông các, trí sĩ khởi phục thái tể Viện Quận công Nguyễn Hoản6 vâng sắc soạn.
Chú thích:
1 Nguyễn Duân (1736-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu nội Nguyễn ĐứcÁnh, con Nguyễn Đức Vĩ và làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Kinh Bắc.
2 Tứ trọng: Ở Quốc tử giám mỗi tháng học quan cho thi một kỳ “Tiểu tập” để khảo hạch các học trò, tháng giữa quý quan giám khảo cho thi “Đại tập” để khảo các học trò. Ai thi bốn kỳ đều trúng tuyển, gọi là đỗ “Tứ trọng”, được giám khảo đứng ra bảo cử thì được Bộ Lại bổ dụng.
3 Chu Doãn Mại (1740-?) người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn (nay là xã Dục Tú huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Quốc tử giám Tuỳ giảng, Đông các Hiệu thư. Nhà Lê mất, ông không làm quan với Tây Sơn. Có tài liệu ghi ông là Chu Doãn Lệ.
4 Phạm Trọng Huyến (1746-?) người xã Dũng Quyết huyện Ý Yên (nay thuộc xã Yên Phú huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Tri Hộ phiên, Hàn lâm Thị thư.
5 Ninh Tốn (1744-1790) hiệu Chuyết Am, Mẫn Hiên, Chuyết Am Cư Sỹ, Song Am Cư Sĩvà tự là Hy Chí, Khiêm Như, người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông trước khi thi đỗ đã được tuyển dụng làm quan tại triều, giữ chức Hiệu thảo Thiêm sai Tri Công phiên. Sau giữ các chức Tri Binh phiên phụng Tá quân hải lộ, Tri Binh kiêm Toản tu Quốc sử, Quốc luật, Đông các Đại học sĩ, Thự Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp trấn đạo Thuận Quảng, Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng Tham tán quân vụ. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức Hàn lâm Trực học sĩ, Thượng thư Bộ Binh, tước Trường Nguyên bá.
6 Nguyễn Hoản: Xem chú thích 6, Bia số 69.