Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (1724)
Thánh nhân cổ vũ nhân tài, tất phải làm cho họ có danh tiếng trong thiên hạ. Vương giả tôn sùng Nho học, ắt phải biểu dương sự nghiệp nhà Nho đến vô cùng. Điển lệ khắc bia đề danh Tiến sĩ chính là theo ý nghĩa đó. Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ thống nhất thiên hạ, trị lý vạn vật kiêm cả ...
Thánh nhân cổ vũ nhân tài, tất phải làm cho họ có danh tiếng trong thiên hạ. Vương giả tôn sùng Nho học, ắt phải biểu dương sự nghiệp nhà Nho đến vô cùng. Điển lệ khắc bia đề danh Tiến sĩ chính là theo ý nghĩa đó.
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ thống nhất thiên hạ, trị lý vạn vật kiêm cả tam tài1. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] nối sáng đạo học thánh nhân, nắm chặt thời cơ, nền cai trị ngày một hanh thông mà khuya sớm chuyên cần không trễ nải. Chỗ thân quen có thừa mà vẫn giành chiếu cạnh để đón đợi hiền tài. Mùa xuân năm nay là năm Giáp Thìn, tháng 3 xuống chiếu thi Hội các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Đề điệu là Phó tướng đội Tiền trung uy Thiếu bảo Vịnh Quận công Trịnh Khuê, Tri Cống cử là Bồi tụng Hình bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Lỵ Quận công Trương Công Giai, Giám thí là Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, Lễ bộ Hữu Thị lang Phượng Sơn bá Tạ Đăng Huân và Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Ân Hải hầu Nguyễn Đình Hoàn, cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.
Bấy giờ sĩ tử về kinh dự thi đông đến gần 3.000 người, đến khi vào tứ trường chọn được hạng xuất sắc là bọn Chu Nguyên Lâm 18 người.
Tháng 4 nhuận, vào Điện thí. Hoàng thượng đích thân ra đề văn sách, hỏi về thể dụng của sự nghiệp thánh nhân. Ngày hôm sau, dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng sáng suốt xem đọc, xét định thứ bậc. Ban cho Hà Tông Huân đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh, Trần Danh Dĩnh và Lương Nguyễn Huyễn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Hoành 14 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày 26 gọi loa xướng tên người đỗ. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Tiếp đến Hoàng thượng ban cho áo mũ cân đai, yến Quỳnh hoa bạc, ân vinh theo từng thứ bậc, nhất nhất theo cũ. Lại lệnh cho quan Bộ Công mài đá khắc tên người đỗ để dựng ở Quốc tử giám, sai thần soạn bài ký.
Thần kính vâng lời ngọc, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Khoa mục đã có từ lâu, nhưng lựa chọn kỹ càng, ơn lễ trọng hậu mà gây được tiếng tăm vang lừng thì chưa có đời nào được như quốc triều ta chú trọng sự tuyển chọn của khoa thi Tiến sĩ. Kể từ năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo (1442) đến năm Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng (1595) cho đến ngày nay, các vị tiền thánh hậu vương truyền nối, đều coi khoa cử là công cụ để cất nhắc lựa chọn hiền tài, tô điểm cho nền thái bình. Kẻ sĩ xuất thân từ khoa cử, có kẻ nổi tiếng từ hồi đầu cuộc thái bình, có kẻ gắng chí kinh luân, trọng nghĩa đồng lòng hiệp đức. Từ ngày tái tạo cơ đồ, có người phò tá giúp vua rũ áo buông tay trị nước, ngước đợi ngày thành công. Phàm những người giúp mưu vua, phù vận nước cho được lâu dài muôn vạn năm không ai không phải là người xuất thân từ khoa thi Tiến sĩ.
Qui chế khắc đá đề danh Tiến sĩ đặt ra từ đời Thánh Tông Thuần hoàng đế nhằm để mở ra mẫu mực tốt đẹp lớn lao, khơi dậy Nho phong để tỏ rõ mãi mãi về sau.
Giờ đây mở rộng công xưa, chấn hưng sĩ khí, đối với khoa này, sau khi phong tước bổ quan, lại cho khắc họ tên khoa thứ vào đá tốt để truyền tới lâu dài. Thế thì sự bồi dưỡng khích lệ thật là rất mực, khó mà nói ra được bằng lời.
Than ôi! Kẻ sĩ ở chốn nhà tranh ngõ hẻm, sách vàng chiếu cỏ, một sớm được bước lên hàng khanh tướng, hầu cận ở chốn cửu trùng, lại được khắc tên vào vật báu không thể mài sửa, còn có vinh hạnh nào bằng. Cho nên phải mài khắc ơn sâu, gắng gỏi báo đức, sao cho khí tiết vững chắc như thành lũy, ruột gan cứng cáp như sắt đá, hạnh vi sáng rực như ánh bạch kim, tài đức như ngọc khuê đao sắc, mưu lược phải như đá châm thuốc tốt, trấn giữ ổn định phải như đá tảng cột trụ chống trời, làm viên đá mài của nhà Ân2, một lòng tin cậy, vững nền tảng nhà Chu, bốn nước trông vào, làm chim phượng đẹp đẽ của thời thái bình, làm rùa thiêng của thời thịnh trị, khiến cho những ai đến đây xem bia đều thuộc tên nhắc tên mà ca tụng: "Người này đây! Người này đây! Đúng là bậc quân tử vàng ngọc!" Nếu không được thế, thì chỉ là hạng tiểu nhân làng nhàng hoặc là kẻ tầm thường xoàng xĩnh thôi! Ngọc đá khác nhau, tì vết khó che giấu, công luận còn đó, há chẳng đáng sợ lắm sao?
Thế đủ biết bia này dựng cao vòi vọi cho người đời ngút mắt trông vào, một là để tỏ rõ sự yêu chuộng Nho học, một là để làm gương răn mãi mãi lưu truyền. Quan hệ của tấm bia này với nền giáo hóa là rất lớn, đâu phải chỉ chút ích nho nhỏ mà thôi!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Bồi tụng Hàn lâm viện Thừa chỉ Xuân Trì hầu Đỗ Lệnh Danh3 vâng sắc soạn.
Hiển cung đại phu Đông các Đại học sĩ Tri Thị nội thư tả Lại phiên Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 13 tháng 8 niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726) nước Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh:
HÀ TÔNG HUÂN 何宗勳4xã Kim Vực huyện Yên Định. Tự thừa.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
TRẦN DANH DĨNH 陳名穎5xã Hoàng Trường huyện Đông Thành. Huấn đạo.
LƯƠNG NGUYỄN HUYỄN 粱阮鉉6xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm. Giám sinh.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 14 người:
NGUYỄN ĐỨC HOÀNH 阮德宏7 người xã Nguyễn Xá huyện Thụy Nguyên, đỗ năm 18 tuổi.
VŨ CÔNG TRẤN 武公鎮8 người xã Đôn Thư huyện Thanh Oai, Nho sinh.
ĐỒNG HƯU 同休9 người xã Nhữ Thuỷ huyện Ngự Thiên, Huấn đạo.
LÊ HOÀNG TUYÊN 黎黃瑄10 người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì, Giám sinh.
TRẦN VĂN HOÁN 陳文煥11 người xã Từ Ô huyện Thanh Miện, Huấn đạo.
TRẦN VIÊM 陳炎12 người xã Hải Thiên huyện Tiên Lữ, Sinh đồ.
CAO NGUYỄN PHÁN 高阮頖13 người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên, Giám sinh.
PHẠM KINH VĨ 范經緯14 người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương, Giám sinh.
CHU NGUYÊN LÂM 朱元琳15 người xã Cát Động huyện Thanh Oai.
PHẠM HỮU DU范有瑜16 người xã Quán Các huyện Giao Thuỷ, Tri huyện.
BẠCH PHẤN ƯNG 白奮鷹17 người xã Cẩm Xá huyện Gia Định, Huấn đạo.
LÊ PHÚ THỨ 黎富庶18 người xã Diên Hà huyện Diên Hà, Giám sinh.
PHẠM ĐỈNH CHUNG 范鼎鍾19 người xã Tuấn Kiệt huyện Đường An, Điển bạ.
NGUYỄN TRỌNG CÔN 阮仲琨20 người xã Đan Trường huyện Cẩm Giàng, Huấn đạo.
Trung thư giám Tiến công Thứ lang Phạm Đăng Trù quê huyện Tứ Kỳ vâng viết chữ (chân).
Kim quang môn Đãi chiếu Cẩn sự lang Quang Học điện Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1. Tam tài: Thiên, địa, nhân (trời, đất, người).
2. Vua Vũ Định nhà Ân nói với Phó Duyệt: "Cũng như luyện vàng, ta dùng ông làm viên đá mài".
3. Đỗ Lệnh Danh: Xem chú thích 13, Bia số 58.
4. Hà Tông Huân (1697-1766) người xã Kim Vực huyện Yên Định (nay thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng kiêm Hiệp trấn thống lĩnh, Thượng thư bộ Binh, tước Huy Xuyên hầu. Năm 65 tuổi ông xin về trí sĩ được tặng hàm Thiếu bảo, tước Huy Quận công. Ông về trí sĩ mới một năm, lại được mời ra giữ công việc ở Quốc tử giám (7-1762), tôn làm một trong năm vị nguyên lão đại thần được đặc cách mời tham dự nghị bàn triều chính.
5. Trần Danh Dĩnh (1690-?) người xã Hoàng Trường huyện Đông Thành (nay là xã Quỳnh Diễn huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị thư.
6. Lương Nguyễn Huyễn (1693-?) người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiệu thư.
7. Nguyễn Đức Hoành (1698-?) người xã Nguyễn Xá huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Tâm huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Binh, tước hầu. Sau này ông đổi tên là Nguyễn Đức Huy.
8. Vũ Công Trấn (1685-1755) người xã Đôn Thư huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim Thư huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Chánh chưởng tả, Hữu pháp ty, Bồi tụng Tả Thị lang Bộ Binh kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Thư Trạch hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thượng thư Bộ Binh, tước Quận công.
9. Đồng Hưu (1687-?) người xã Nhữ Thủy huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tự khanh.
10. Lê Hoàng Tuyên (1692-1778) người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, tước hầu. Có tài liệu ghi ông là Lê Hoàng Diễn.
11. Trần Văn Hoán (1690-?) người xã Từ Ô huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Tân Trào huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông là cha của Trần Văn Trứ, làm quan Thừa chỉ và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình, tước hầu.
12. Trần Viêm (1696-?) người xã Hải Thiên huyện Tiên Lữ (nay là xã Hải Triều huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ. Sau khi mất, ông được tặng chức Đại học sĩ.
13. Cao Nguyễn Phán (1696-?) người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo. Có tài liệu ghi ông là Cao Nguyễn Loại.
14. Phạm Kinh Vĩ (1691-?) người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Thanh Giang huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thừa sứ. Sau ông bị bãi chức. Có tài liệu ghi sau ông đổi tên là Phạm Công Liêu.
15. Chu Nguyên Lâm (1687-?) hiệu là Cổ Nguyên , người xã Cát Động huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim An huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, bị chết trận. Sau khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang Bộ Công. Có tài liệu ghi ông là Chu Nguyễn Lâm.
16. Phạm Hữu Du (1682-?) người xã Quán Các huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thuỷ Nam Định). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.
17. Bạch Phấn Ưng (1690-?) người xã Cẩm Xá huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Chánh sứ Sơn Tây,Hàn lâm viện Thừa chỉ.
18. Lê Phú Thứ (1694-1782) hiệu là Trúc Am , người xã Diên Hà huyện Diên Hà (nay thuộc xã Độc Lập huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Cha của Lê Quý Đôn và giữ chức quan Giám quan, sau vì việc tranh cãi với Nguyễn Công Hãng mà bị miễn chức cho về quê. Không lâu sau lại được vời ra, rồi giữ các chức, như Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Diên Phượng bá, thăng đến chức Thượng thư Bộ Hình. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo, tước Hà Quận công. Sau ông đổi tên là Lê Trọng Thứ.
19. Phạm Đỉnh Chung (1687-?) người xã Tuấn Kiệt huyện Đường An (nay thuộc xã Cẩm Phúc huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hộ.
20. Nguyễn Trọng Côn (1689-?) người xã Đan Trường huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Việt Hòa thị xã Hải Dương tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến hàm Đãi chế. Có tài liệu ghi ông là Phạm Trọng Côn.