Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 27 (1766)
Mừng nay hoàng đồ bền vững nam phương, quẻ Thái mở ra văn vận. Kính nghĩ: Hoàng thượng nắm tượng quẻ Càn, thân lĩnh mệnh Tốn. [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] thánh thần phò tá, văn võ kinh luân. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân ...
Mừng nay hoàng đồ bền vững nam phương, quẻ Thái mở ra văn vận.
Kính nghĩ: Hoàng thượng nắm tượng quẻ Càn, thân lĩnh mệnh Tốn. [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] thánh thần phò tá, văn võ kinh luân. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm Chưởng chính cơ Thái uý Tĩnh quốc công]1đứng đầu trăm quan, tạo tác muôn việc. Năm Bính Tuất, mùa hạ tháng tư, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Thái uý Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Thượng thư Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Du Nhạc hầu Trần Lâm, Trí sĩ khởi phục Hộ bộ Hữu Thị lang Diễn Phái bá Lê Trọng Thứ làm Giám thí.
Tháng năm, qua trường bốn lấy trúng cách bọn Ngô Thì Sĩ 11 người. Qua tháng sau vào Điện thí, ban cho bọn Ngô Thì Sĩ đỗ Tiến sĩ, đồng Tiến sĩ có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên trên đá để lưu truyền bất hủ.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGÔ THÌ SĨ 吳時仕2 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Đốc đồng, Cấp sự trung.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 10 người:
LÝ TRẦN QUÁN 李陳貫3 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Huấn đạo, nguyên họ Đặng.
ĐẶNG DỤNG CHU 鄧用周4 người xã Động Phí huyện Sơn Minh, Giám sinh.
NGUYỄN DUY TRUNG 阮惟忠5 người xã La Khê huyện Từ Liêm, Thiêm tri Tự thừa, nguyên tên là Duy Nghi 惟宜.
UÔNG SĨ ĐIỂN 汪仕琠6 người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan, Thiêm tri, Huấn đạo, nguyên họ Giang, sau đổi tên là Lãng.
TRƯƠNG ĐĂNG QUỸ 張登揆7 người xã Thanh Nê huyện Chân Định, Giáo thụ.
NGUYỄN QUÝNH 阮囧8 người xã Phật Tích huyện Tiên Du.
NGUYỄN BÁ DƯƠNG 阮伯暘9 người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê, đỗ năm 18 tuổi, Thiếu tuấn10.
NGÔ PHÚC LÂM 吳福臨11 người xã Trảo Nha huyện Thạch Hà, Huấn đạo.
NGUYỄN TRỌNG HOÀNH 阮仲鈜12 người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức, Giám sinh.
PHẠM ĐỒNG VIỆN 范同院13 người xã La Đôi huyện Thanh Lâm, Huấn đạo, Khoa trưởng14.
Triều Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766).
Chính Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa Tân Hợi, Nhập thị Tham chính Công bộ Thượng thư Thái tử Thái bảo Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm vâng sắc soạn.
Chú thích:
1. Tước phong của Trịnh Sâm (năm 1758).
2. Ngô Thì Sĩ (1725-1780) hiệu là Ngọ Phong Tiên sinh, đạo hiệu là Nhị Thanh Cư Sĩ và tự là Thế Lộc , người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội). Ông là cha của Ngô Thời Nhậm và giữ các chức quan, như Công khoa Cấp sự trung, Đốc đồng Thái Nguyên, Hiến sát sứ Thanh Hoa, Tham chính Nghệ An, Hàn lâm viện Hiệu lý, Thiêm đô Ngự sử, Đốc trấn Lạng Sơn. Sinh thời, ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học có tài và để lại nhiều công trình có giá trị.
3. Lý Trần Quán (1735-1786) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thiêm sai Lại phiên, Hiến sát sứ Hải Dương, Đốc đồng Cao Bằng, Hiệp trấn Sơn Tây, Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám Tư nghiệp. Sau vì việc Trịnh Khải bị nghĩa quân Tây Sơn bắt, ông kêu khóc thảm thiết rồi đào huyệt tự chôn sống mình. Đời vua Chiêu Thống, ông được tuyên dương Tiết nghĩa công thần, tặng hàm Thượng thư, tước Quận công và phong phúc thần.
4. Đặng Dụng Chu (1737-?) người xã Động Phí huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Phương Tú huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Tham chính Thái Nguyên.
5. Nguyễn Duy Trung (1731-1793) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay là xã La Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thị độc, Thiêm sai Tri lễ phiên, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Đông các Đại học sĩ. Ông nguyên tên là Nguyễn Duy Nghi.
6. Uông Sĩ Điển (1737-?) người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Hưng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông là con của Uông Sĩ Đoan và giữ các chức quan, như Nhập thị Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Ngự sử đài Thiêm đô Ngự sử, Đốc thị đạo Thuận Quảng, Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Thao Đường bá. Ông nguyên họ Giang, sau kiêng huý chúa Trịnh Giang (1729-1740) đổi làm họ Uông. Sau ông đổi tên là Uông Sĩ Lãng.
7. Trương Đăng Quỹ (1733-?) người xã Thanh Nê huyện Chân Định (nay thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Bồi tụng, Đồng bình chương sự. Ông là một trong những cận thần theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh (Trung Quốc), cuộc đời về sau không rõ.
8. Nguyễn Quýnh (1734-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị thư, Đốc đồng Tuyên Quang.
9. Nguyễn Bá Dương (1740- ) người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê (nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế.
10. Người trẻ tuổi thi đỗ (20 tuổi trở xuống).
11. Ngô Phúc Lâm (1722-1784) hiệu là Thuận Hiên và tự Hồng Tích , người xã Trảo Nha huyện Thạch Hà (nay thuộc thị trấn Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Ngô Phúc Bình và giữ Hiến sát sứ Thanh Hoa, Tri Thị nội thư Tả binh phiên, Tham chính xứ Sơn Nam, Đốc thị quân doanh Thuận Hoá. Sau khi mất, ông được tặng Gia Hạnh đại phu Hữu Thị lang Bộ Công.
12. Nguyễn Trọng Hoành (1737-?) người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên An huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị giảng, Tri Công phiên, Đông các Đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Duy Hoành.
13. Phạm Đồng Viện (1717-?) người xã La Đôi huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Hợp Tiến huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thị giảng. Sau ông đổi tên là Phạm Đình Toại.
14. Người nhiều tuổi nhất trong số người đỗ cùng khoa.