Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 2 (1664)
Khoa cử đặt ra cốt để thu hút hiền sĩ, vời đón anh tài. Các bậc đế vương từ xưa không vị nào không mượn dùng phép ấy để kén chọn kẻ sĩ làm công cụ cho nền trị bình. Kính nghĩ: Quốc triều Huyền Tông Mục hoàng đế thiên tư thánh triết nhân hậu, phong thái đoan nghiêm. Thực nhờ [Đại nguyên ...
Khoa cử đặt ra cốt để thu hút hiền sĩ, vời đón anh tài. Các bậc đế vương từ xưa không vị nào không mượn dùng phép ấy để kén chọn kẻ sĩ làm công cụ cho nền trị bình.
Kính nghĩ: Quốc triều Huyền Tông Mục hoàng đế thiên tư thánh triết nhân hậu, phong thái đoan nghiêm. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tây vương] giúp nên công đức của thánh đế, chuyên cần tuân hành đức sáng, vun đắp anh tài kinh luân lỗi lạc để làm khí dụng cho thiên hạ nước nhà. Bèn vào năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664) Hội thí các Cử nhân trong nước, đặc sai các viên Đề điệu, Tri Cống cử và Giám thí chia giữ các việc, lấy được hạng trúng cách là bọn Vũ Duy Đoán 13 người.
Đến tháng 6 vào thi Đình làm bài thi văn sách, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự trên dưới, ban cho Nguyễn Viết Thứ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lương Mậu Huân 12 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Nêu tên trên bảng vàng, ban yến Quỳnh Lâm, thứ lớp ban ơn đều theo lệ cũ. Lễ nghi đãi ngộ hết sức long trọng đầy đủ. Riêng một việc dựng bia đề danh là chưa kịp cử hành, có lẽ còn chờ thời vậy.
Nay Hoàng thượng bệ hạ nắm giữ cơ đồ lớn lao, noi theo chí trước. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] khuếch trương công cụ trị nước, vui nuôi nhân tài, tôn trọng Nho khoa, sửa nhà Quốc học, trang sức xa giá đến tận nơi bái yết. Trong khi xem các tấm bia xưa, chạnh lòng muốn khôi phục việc cổ, bèn sai truy dựng hết bia các khoa còn thiếu; đặc cách phát tiền kho, giao cho quan Bộ Công mài đá khắc họ tên người thi đỗ để lưu truyền lâu dài. Lại sai từ thần chia nhau soạn bài văn bài ký để chép sự thật.
Bọn thần đang giữ chức việc, không dám lấy cớ vụng về chối từ, vậy xin kính cẩn dâng lời rằng:
Đặt khoa mục là việc đã có từ lâu, mà khoa thi Tiến sĩ chọn được nhân tài rất nhiều. Cho nên đời Đường gọi là bảng Long hổ, nhà Tống gọi là khoa Tướng tướng. Nước Việt ta từ đời Lý, Trần chấn hưng cũng dùng khoa thi ấy, vì đó là con đường chân chính của kẻ hào kiệt, và điển lệ tốt đẹp của nước nhà.
Hoàng triều ta, từ khi mới sáng nghiệp cũng như từ khi Trung hưng khôi phục về sau, thánh nối thần truyền, giữ pháp độ quy tắc cũ, ba năm mở một khoa thi lớn, một ý tuân hành, phép thi rất nghiêm, ơn lễ rất hậu. Những người tài cao học rộng nối nhau xuất hiện. Lại có lệ khắc đá đề danh, có bài văn ghi lại sự việc, dựng ở trước cửa trường Thái học để treo gương cho sĩ tử. Sự tôn sùng tác thành cho đạo Nho, cách biểu dương khuyến khích như thế thực không những đã hơn hẳn đời Lý, Trần mà cũng vượt qua cả đời Đường, Tống. Nhưng từ năm Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức đến nay, lệ khắc đá đề đanh làm chưa được đủ.
Nay Thánh thượng sáng suốt quyết đoán, tô điểm rạng rỡ nhân văn, muốn biểu dương đủ hết các khoa để hoàn thành chí nguyện tiên vương còn dang dở, làm cho đủ những việc tiền thánh chưa làm hết. Ngày nay bia đá cao ngất dựng trước trường Quốc Tử, vừa là nêu cao tiếng thơm trung nghĩa thuở trước, vừa là để phát dương danh thơm của những người trung nghĩa thời xưa, vừa là để cổ vũ chí khí của các bậc hào kiệt đời nay; đối với công cuộc chấn hưng Nho phong, bồi đắp thế giáo, thực không còn gì tốt đẹp hơn.
Hãy nhìn vào nhân phẩm sự nghiệp của những người thi đỗ khoa này mà xem: Có người tài tuấn lừng danh mà theo việc soạn thảo ở Bắc môn, có người học hạnh kiêm toàn mà nhậm chức văn hàn ở tòa Đông các; có người được ký thác trọng trách tham vấn mưu cơ, tuyên bố uy đức của triều đình, có người giữ chức thị tòng theo sát bên vua, hoặc đội mũ tua xanh đến trường thi làm giám khảo, hoặc vâng mệnh đi sứ ngâm vịnh nhã khúc Hoàng hoa, cùng là những vị đã làm quan Tam công, điều hoà thiên công huyền diệu; hoặc giữ chức tứ phụ, trách nhiệm nặng nề bồi đắp gốc nước. Họ đều là bậc nổi tiếng học rộng ra giúp đời làm mưa nhuần móc ngọt ở đời thịnh sáng, làm lợi ích cho nước nhà. Nhưng từ khi các vị ấy đăng tên bảng vàng đến nay đã 54 năm, đều đã cưỡi sao Cơ sao Tỉ về trời; thu khí trả về cho rừng núi. Con người của các vị ấy đã không thể đuổi theo được nữa, chỉ lưu lại tiếng tăm và sự tích mà thôi. Trong số đó, vị nào chính trực trung hậu, kẻ nào hiểm độc gian tà, đúng sai được mất ra sao rốt cuộc cũng không thể tránh khỏi sự đánh giá của người đời. Thế mới biết tấm bia này dựng lên là để phân biệt vàng đá, khích lệ sĩ phu, khiến người thiện biết sự khuyến khích, kẻ ác biết sự răn đe, há chỉ để làm cảnh cho đẹp mà thôi đâu!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham1 vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc sắc nhuận.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGUYỄN VIẾT THỨ 阮曰庶2 người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 12 người:
LƯƠNG MẬU HUÂN 粱茂勳3 người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc.
VŨ DUY ĐOÁN 武惟斷4 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
VŨ CÔNG BÌNH 武公平5 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
NGÔ SÁCH DỤ 吳策諭6 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN QUANG THIỆN 阮光繕7 người xã Triều Khẩu huyện Hưng Nguyên.
NHỮ TIẾN DỤNG 汝進用8 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An.
NGUYỄN SĨ GIÁO 阮仕教9 người xã Mi Sơn huyện Thanh Chương.
NGUYỄN TIẾN TÀI 阮進材10 người xã Nhân Thành huyện Thanh Chương.
TRẦN LƯƠNG BẬT 陳良弼11 người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại.
NGÔ HẢI 吳海12 người xã Đường Hào huyện Đường Hào.
BÙI TÔNG 裴宗13 người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc.
LÊ HY 黎僖14 người xã Thạch Khê huyện Đông Sơn.
Thư tả Tướng thần lại phiên, người xã Phù Nội huyện Thanh Miện, Phạm Quốc Trinh vâng sắc viết chữ (chân).
Thư tả Công văn phiên, người xã Hạ Thanh Oai huyện Thanh Oai là Trịnh Thế Khoa vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1. Nguyễn Nham (1676-?) người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Ông làm quan Học sĩ, Thự Tham chính Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh. Ông là tác giả 4 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1664, khoa 1680, khoa 1694 và khoa 1710.
2. Nguyễn Viết Thứ (1644-?) người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là cha của Nguyễn Văn Quảng, giữ các chức quan, như Hàn lâm viện, Tham tụng, Thượng thư Bộ Hình, tước Mai Sơn nam và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Lại, tước tử.
3. Lương Mậu Huân (1633-?) người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc (nay là xã Chương Dương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
4. Vũ Duy Đoán (1621-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay là xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là con của Vũ Bạt Tụy và là cha của Vũ Duy Khuông. Ông làm quan Thượng thư Bộ Công, tước bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hộ.
5. Vũ Công Bình (1540-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay là xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sứ.
6. Ngô Sách Dụ (1640-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Ngô Sách Thi và là anh Ngô Sách Tuân. Ông làm quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên.
7. Nguyễn Quang Thiện (1625-?) người xã Triều Khẩu huyện Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Phú huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
8. Nhữ Tiến Dụng (1623-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cha của Nhữ Tiến Hiền, là ông của Nhữ Trọng Đài và Nhữ Đình Toản. Ông giữ các chức quan, như Cấp sự trung Bộ Lễ, Lễ khoa Đô Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng chức Thái thường tự khanh.
9. Nguyễn Sĩ Giáo (1638-?) người xã Mi Sơn huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Thanh Mai huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Thiêm Đô Ngự sử, Hàn lâm Thị độc, Hộ khoa Đô Cấp sự trung.
10. Nguyễn Tiến Tài (1642-1698) người xã Nhân Thành huyện Thanh Chương (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước nam và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hộ, tước tử.
11. Trần Lương Bật (1631-?) người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước nam. Sau khi mất, ông đước tặng chức Tả Thị lang.
12. Ngô Hải (1638-?) người xã Đường Hào huyện Đường Hào (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Phó Đô Ngự sử, nhưng vì phạm lỗi, nên bị bãi. Sau được phục chức Tế tửu.
13. Bùi Tông (1637-?) người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Cấp sự trung, nhưng vì nhận hối lộ, nên bị bãi.
14. Lê Hy (1646-1702) hiệu là Trạm Khê ,người xã Thạch Khê huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Khê huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, Tri trung thư giám, tước bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Quận công.