25/05/2018, 17:57

Tư duy - Nhận thức ở trình độ cao của con người

(ĐHVH HN) - Mác nhận xét, con người cũng như con vật muốn tồn tại phải có những hoạt động sinh sống. Nhưng ông phân biệt: “Con vật đồng nhất trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó. Nó không tự phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó, nó là hoạt động sinh sống ấy. Còn con người thì làm ...

(ĐHVH HN) - Mác nhận xét, con người cũng  như con vật muốn tồn tại phải có những hoạt động sinh sống. Nhưng ông phân biệt: “Con vật đồng nhất trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó. Nó không tự phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó, nó là hoạt động sinh sống ấy. Còn con người thì làm cho bản thân hoạt động sinh sống của mình. Trở thành đối tượng của ý chí và của ý thức của mình. Hoạt động sinh sống của con người là hoạt động sinh sống có ý thức. Đó không phải là cái tính qui định mà con người trực tiếp hòa làm một với nó. Hoạt động sinh sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sinh sống của con vật (2,136). Con người phân biệt với con vật bởi hoạt động sinh sống có ý thức của họ. Nhưng ý thức là gì mà với nó trong hoạt động của mình con người tự phận biệt với con vật, Mác coi ý thức “chẳng qua chỉ là cái vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc người và được cải biến đi ở trong đó (41,35) và Lênin cho rằng ý thức là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan (41,138). Vậy có thể khái quát theo quan điểm duy vật biện chứng, ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan trong bộ não người một cách năng động và sáng tạo.

Lao động là phương thức hoạt động sinh sống của con người. Trong lao động diễn ra một quá trình gồm hai chiều liên quan mật thiết với nhau. Chiều thứ nhất, hoạt động được vật hóa vào trong sản phẩm, tức lao động chuyển từ hình thái “động” sang hình thái “tĩnh” (1,271). Chiều thứ hai, “di chuyển” các khách thể vào bộ não người, cải biến đi và tạo ra trong đó những hình ảnh chủ quan hay ý thức. Chiều thứ hai chính là hoạt động phản ánh của con người, sản sinh ra ý thức.

Hoạt động phản ánh của con người rất phức tạp, song về đại thể có thể chia thành hai mặt: xúc cảm và mặt nhận thức. Xúc cảm tạo ra những tình cảm nói lên mục đích và điều khiển các hành động của con người với đối tượng bằng cách gán giá trị cho các mục tiêu của nó. Nhận thức thể hiện sự phản ánh hướng đến nắm bắt khách thể cùng các phương tiện, phương pháp hoạt động và sản sinh ra những tri thức cung cấp “cái kỹ thuật” cho con người trong các hành động của họ. Xúc cảm và nhận thức trong hoạt động phản ánh của con người gắn bó mật thiết với nhau. Chúng ta thấy ở các hiện tượng ý thức, không hiểu biết nào mà không đi kèm những tình cảm nhất định và cũng không tình cảm nào lại không hàm chứa một tối thiểu hiểu biết nhất định. Sự gắn bó hữu cơ giữa xúc cảm và nhận thức làm cho có thể coi hoạt động phản ánh của con người như là nhận thức và do đó không có nhận thức thì nói chung cũng không có ý thức.

Thoạt đầu ý thức thường chỉ là những hình ảnh cho con người thấy được thế giới sự vật, hiện tượng bên ngoài. Sự phát triển xã hội ngày càng làm cho lao động trở thành phương thức sinh sống duy nhất của tồn tại người và do đó cũng làm cho ý thức trở thành hình thức phản ánh phổ biến mang đặc trưng người. Khi đó ý thức được mở rộng ra bao quát toàn bộ đời sống con người, gồm thế giới sự vật bên ngoài và cả hoạt động của họ. Thế là bản thân hoạt động với đối tượng cũng được con người ý thức, tức con người ý thức về các hành động của mình. Đây chính là điều Mác đã nhận xét rằng, con vật không tự phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó, còn con người thì biến bản thân hoạt động sinh sống của mình thành đối tượng của ý thức.

Mặt xúc cảm vẫn tạo ra những tình cảm xác định mục đích và gán giá trị cho các mục tiêu hành động của con người. Nhưng lúc này xúc cảm có trình độ cao hơn, nó trở thành một hoạt động bên trong ý thức, những đánh giá của nó được nâng lên dưới sự chỉ dẫn của tri thức làm cho các tình cảm hàm chứa yếu tố trí tuệ nhiều hơn. Mặt nhận thức vẫn là hoạt động nắm hiểu khách thể cùng các phương thức và phương tiện hoạt động, sản sinh ra những tri thức cung cấp kỹ thuật cho các hành động của con người. Song lúc này nhận thức được nâng lên trình độ cao hơn, trở thành một hoạt động trí óc diễn ra ngay bên trong các hiện tượng ý thức. Nhận thức trở thành hoạt động của tri thức sản sinh ra tri thức. Ở bình diện ý thức  - hoạt động, nhận thức con người phản ánh được cả bản thân hoạt động của họ. Khi hoạt động được nhận thức thì các tri thức được sản sinh ra trở nên có nội dung hoạt động; nói cách khác nhận thức sản sinh ra những tri thức và truyền cho chúng cả nội dung hoạt động. Mỗi tri thức có nội dung hoạt động bao giờ cũng là  một “hình ảnh tổng thể” về đối tượng, về phương tiện và phương pháp hoạt động, về những hành động và thao tác thực tiễn của con người với đối tượng và về cả bản thân chủ thể hoạt động. Vì vậy tri thức có nội dung hoạt động thực sự là một hệ thống. Nội dung hoạt động của tri thức là thực tiễn của con người đã được phản ánh trong nhận thức của họ.

Với những tri thức có nội dung hoạt động thì một dạng nhận thức cao hơn của con người xuất hiện, đó là tư duy. Nếu nhận thức nói chung được hiểu là sự phản ánh có cải biến thế giới khách quan trong đầu óc con người và sản sinh ra ở trong đó những tri thức, thì tư duy là hệ tri thức hoạt động sản sinh ra tri thức. Tư duy là mặt nhận thức của ý thức - hoạt động, cho nên nếu không có nhận thức, không có ý thức thì con người cũng không có tư duy. Dĩ nhiên cũng không phải cứ có nhận thức và ý thức là con người đã có ngay tư duy. Con người có tư duy khi nhận thức của họ phản ánh được hoạt động vào trong ý thức. Điều đó cho thấy tư duy không hoàn toàn đồng nhất với ý thức, nó là mặt nhận thức của ý thức - hoạt động, tư duy cũng không đồng nhất với nhận thức nói chung mà là nhận thức ở trình độ cao, trình độ con người phản ánh được hoạt động của họ vào trong ý thức. Sự xuất hiện của tư duy đánh dấu bước phát triển căn bản của nhận thức con người, đạt tới trình độ có thể nắm bắt được bản chất, quy luật của hiện thực khách quan. Cùng với tư duy của mình, con người chính thức trở thành chủ thể của các quá trình cải tạo tự nhiên và xã hội của họ. Tất cả những điều đó nói lên các đặc trưng sau đây của tư duy.

Đặc trưng thứ nhất, tư duy là dạng hoạt động tri thức diễn ra bên trong ý thức của con người có nguồn gốc thực tiễn. Dạng hoạt động này có cơ cấu gồm các hành động và thao tác trí óc. Những hành động và thao tác trí óc có nguồn gốc từ những hành động và thao tác thực tiễn trong lao động của con người (lao động xét như là phương thức tồn tại phổ biến của cộng đồng người). Chính là nhận thức đã phản ánh lao động vào trong bộ não người, cải biến đi ở trong đó thành các hành động và thao tác trí óc. Sự phát triển của lao động quyết định sự xuất hiện và hoàn thiện các hành động, các thao tác trí óc trong tư duy của con người, ngược lại sự phát triển tư duy con người cũng có tác dụng hoàn thiện các hành động và thao tác thực tiễn trong lao động của họ.

Đặc trưng thứ hai, tư duy là một dạng nhận thức nảy sinh khi có những hệ thống tri thức làm tiền đề. Các tri thức tiền đề đều được đem lại bởi nhận thức, nhưng để đưa vào quá trình tư duy nào đó chúng phải có nội dung hoạt động và phù hợp với logic hoạt động của lao động, tức là phù hợp với những hành động và thao tác thực tiễn của lao động. Tư duy sản sinh ra tri thức dựa trên hệ tri thức có trước là tiền đề cho nên đây là dạng nhận thức gián tiếp. Không có hệ tri thức làm tiền đề, thì chỉ có thể có nhận thức mà chưa có tư duy. Tư duy cũng là sự vận  động của các hệ thống tri thức. Nếu chỉ dựa trên một số hữu hạn những tri thức làm tiền đề thì quá trình tư duy sẽ có lúc phải dừng lại. Cho nên để tư duy liên tục diễn ra phải thường xuyên bổ sung thêm những tri thức mới, những tài liệu mới  được đem lại bởi nhận thức trên cơ sở sự vận động của nhận thức và sự phát triển của lao động.

Đặc trưng thứ ba, với tính cách hệ tri thức hoạt động sản sinh ra tri thức, tư duy đòi hỏi một bộ máy công cụ và phương tiện. Không có bộ máy này tri thức không thể đi vào hoạt động và vì thế cũng không có tư duy. Các công cụ tư duy như khái niệm, phán đoán, suy lí v.v..., là những hình thức trong đó tri thức được tập trung, tổ chức lại và đi vào hoạt động. Tư duy còn đòi hỏi các phương tiện để cố định lại (nói một cách tương đối) khách quan hóa và truyền bá tri thức. Chính các tín hiệu, dấu hiệu và ngôn ngữ là những phương tiện của tư duy con người, trong đó ngôn ngữ là phương tiện phổ biến và hữu hiệu nhất. Ngôn ngữ tham gia vào các quá trình tư duy với tính cách là cái chứa đựng các nghĩa biểu đạt cho sự vật, lúc đầu có hình thái vật chất bên ngoài với chức năng phát âm thông báo, về sau chức năng này giảm dần chuyển thành lời nói bên trong có chức năng chuyên chở các ý nghĩ. Dù vậy sự phát triển của tư duy cũng không làm cho vật chất bên ngoài của ngôn ngữ mất đi, ngược lại nó luôn được duy trì và phát triển. Nhờ có bộ máy công cụ và phương tiện đó mà các quá trình tư duy không bị hỗn loạn, trở nên xác định và được duy trì.

Đặc trưng thứ tư, tư duy xuất hiện khi trong cuộc sống con người vấp phải những vấn đề và do đó nó luôn có đối tượng nhất định. Tư duy không xảy ra nếu con người không vấp phải những vấn đề trong cuộc sống của họ và với tính cách là hoạt động, tư duy không thể không có đối tượng. Khi có một vấn đề thực tiễn hay nhận thức mà với những tri thức cũ hay cách làm cũ con người không giải quyết được hoặc giải quyết không có hiệu quả thì quá trình tư duy diễn ra là huy động khối tri thức mà họ đã lĩnh hội được để tìm ra các giải pháp mới. Vì đó là các giải pháp cho hoạt động, cho nên tư duy chỉ tìm ra chúng trên những đối tượng nhất định. Cùng với việc tìm ra các giải pháp cho hoạt động của con người, tư duy sản sinh ra cho họ những tri thức mới.

Đặc trưng thứ năm, tư duy là một chức năng của não người và với tư cách đó nó là một quá trình tự nhiên, mặt khác tư duy cũng không tồn tại bên ngoài xã hội, bên ngoài khối kiến thức cùng các phương thức hoạt động mà loài người đã sáng tạo ra và tích lũy được. Mỗi con người cụ thể trở thành chủ thể tư duy không chỉ vì họ có bộ não mà quan trọng hơn vì trong quan hệ xã hội giao tiếp họ nắm được ngôn ngữ và thông qua ngôn ngữ họ lĩnh hội được các tri thức, các công cụ, các thao tác logic do loài người sáng tạo ra. Vậy tư duy là một chức năng của bộ não người có tính xã hội - lịch sử và là sản phẩm của lịch sử xã hội.

Những đặc trưng trên đây cho phép chúng ta hình dung mỗi quá trình tư duy với hai chiều. Chiều thứ nhất thể hiện tư duy là quá trình gồm các hành động và thao tác trí óc thâm nhập vào thế giới đối tượng bằng cách sử dụng các công cụ, các phương tiện nhận thức để sản sinh ra những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề thực tiễn và nhận thức mà con người đang đặt ra. Chiều thứ hai thể hiện tư duy là quá trình cũng thông qua việc sử dụng các công cụ, các phương tiện nhận thức nhưng để củng cố hệ thống hóa và duy trì khối tri thức mà con người đã có. Đây là hai chiều đồng thời và thống nhất với nhau trong mỗi quá trình tư duy nhất định, nhưng có tác dụng khác nhau: Chiều thứ nhất đảm bảo cho tư duy một sự phát triển và biến hóa, chiều thứ hai lại đảm bảo cho các quá trình tư duy có tính xác định, cho phép nó tạm thời chấm dứt để được khách quan hóa và hiện thực hóa.
 
Bài: Nguyễn Mạnh Cương - Khoa LLCT và KHCB
 
Tài liệu tham khảo:
  1. C. Mác và Ph.ăngghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
  2. C.Mác và Ph.ăngghen (2000), Toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Lê Hữu Nghĩa (1987), Logic và lịch sử, Nxb Sách giáo khoa Mác- Lênin.
0