25/05/2018, 17:57

Học tương tác trong hoạt động nói tiếng Anh

(ĐHVH HN) - Làm thế nào để sinh viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh một cách hiệu quả bên ngoài lớp học là vấn đề được quan tâm từ lâu. Có nhiều phương pháp đã và đang được áp dụng để giải quyết vấn đề này, trong đó có học tương tác. Trong bài viết này, tôi xin trình bày học tương tác là gì, và ...

(ĐHVH HN) - Làm thế nào để sinh viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh một cách hiệu quả bên ngoài lớp học là vấn đề được quan tâm từ lâu. Có nhiều phương pháp đã và đang được áp dụng để giải quyết vấn đề này, trong đó có học tương tác. Trong bài viết này, tôi xin trình bày học tương tác là gì, và nêu một số hoạt động học tương tác phổ biến.
 
Học tương tác là gì? Học tương tác có thể hiểu đơn giản là học thông qua các hoạt động tương tác, chủ yếu liên quan đến giao tiếp giữa con người với con người. Học tương tác mô tả phương pháp tiếp cận thông tin, kiến thức ngôn ngữ thông qua thực hành, tương tác, đối lập với học thụ động, chỉ thông qua quan sát hoặc chỉ nghe thông tin. Học tương tác bao gồm nhiều hoạt động theo cặp và theo nhóm trên lớp học và ngôn ngữ được cung cấp là ngôn ngữ được dùng trong các tình huống thực tế để giao tiếp. Ý tưởng về học tương tác dựa trên sự ảnh hưởng tích cực từ những hoạt động tương tác giữa người học ngôn ngữ với người bản địa và với những người không phải bản địa nhưng sử dụng ngôn ngữ thành thạo tới quá trình phát triển ngôn ngữ của những người học ngôn ngữ đó. Trong suốt quá trình tương tác, việc giao tiếp có thể bị gián đoạn và khi đó người nghe sẽ cho người nói biết họ không hiểu ý người nói bằng cách yêu cầu người nói làm rõ ý của mình, xác nhận hay nói lại thông điệp mà họ muốn truyền tải hoặc sửa lỗi cho người nói. Người nói có thể đáp lại bằng cách thay đổi thông điệp của mình hoặc cách truyền đạt để ý của mình dễ hiểu hơn. Quá trình này giúp người nói xây dựng hoặc xây dựng lại kiến thức về ngôn ngữ đích và thúc đẩy việc học.  Khi học tương tác, người học ở trung tâm, lĩnh hội những kiến thức một cách chủ động thông qua các hoạt động học tập. Ngoài ra, họ có cơ hội tiếp thu và thực hành ngôn ngữ trực tiếp với người khác trong những tình huống gần với cuộc sống thực tế. Người dạy chỉ đóng vai trò khơi dậy, hướng dẫn và điều hướng người học.

Có nhiều hoạt động học tương tác trong đó có một số hoạt động học tương tác phổ biến như information gap, discussion, conversation grid, ranking, problem solving. Information gap là một hoạt động trao đổi thông tin giữa sinh viên. Cụ thể là từng sinh viên sẽ có những thông tin khác nhau. Người này có thông tin mà người khác cần để hoàn thành nhiệm vụ nào đó. Để có được thông tin đó, họ phải nói, giao tiếp với nhau. Ví dụ sinh viên A có thông tin về những bộ phim ở rạp chiếu phim. Sinh viên B cần tìm hiểu về những bộ phim của A, nên B sẽ phải đặt những câu hỏi cho A và A sử dụng thông tin mình có để cung cấp cho B.

Discussion là một hoạt động hay được thực hiện trên lớp. Sinh viên được giao một chủ đề về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Sau khi suy nghĩ và chuẩn bị về chủ đề đó, sinh viên sẽ thảo luận với nhau, theo cặp hoặc theo nhóm và trình bày ý kiến của mình hay nhóm mình trước cả lớp. Mục đích chính của các hoạt động thảo luận là để sinh viên có cơ hội nói bằng tiếng Anh và tạo hứng thú cũng như khơi gợi khả năng sáng tạo của sinh viên. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể sử dụng các hoạt động thảo luận để cải thiện không khí học trong lớp, giúp sinh viên hợp tác với nhau hiệu quả hơn.

Conversation grid là một hoạt động mà giáo viên đưa cho sinh viên một bảng gồm các ô vuông để trống và sinh viên sẽ phải di chuyển quanh lớp học để hỏi, trả lời và điền thông tin vào bảng ô đó bằng cách sử dụng thông tin của các bạn trong lớp.

Ranking là kiểu hoạt động trong đó sinh viên được cung cấp một tình huống và một danh sách các lựa chọn. Nhiệm vụ của sinh viên phải thảo luận và đưa ra một nhóm các đối tượng họ chọn theo thứ tự nhất định, theo tầm quan trọng hoặc do sở thích. Sau đó họ sẽ phải giải thích hoặc bảo vệ sự lựa chọn này theo cặp hoặc theo nhóm. Có nhiều cách để thực hiện hoạt động này nhưng bao giờ sinh viên cũng phải được làm quen với nhiệm vụ phải làm đầu tiên thông qua việc giáo viên giảng giải nhiệm vụ hoặc phát tài liệu cho sinh viên đọc. Sau đó thực hiện hoạt dộng xếp theo thứ tự như một vài cách sau: Mỗi sinh viên tự làm và viết lựa chọn của mình sau đó so sánh và thảo luận danh sách lựa chọn  đó theo cặp hoặc nhóm hoặc sau khi mỗi sinh viên có danh sách cho riêng mình thì họ sẽ được phân ngồi theo nhóm để thảo luận và cố gắng đưa ra một danh sách chung nhất cho cả nhóm để sau đó thuyết trình trước lớp và bảo vệ ý kiến của mình trước các nhóm khác; Các nhóm thảo luận với số lượng tăng dần (từ hai rồi bốn, và tám) thảo luận danh sách các lựa chọn và mục đích để có được một danh sách được cả nhóm cùng đồng ý hay tất cả các sinh viên có cùng lựa chọn sẽ tập hợp thành một nhóm và cố gắng tìm các lý do càng nhiều càng tốt để bảo vệ ý kiến của mình trước các nhóm khác.

Problem solving là hoạt động mà trong đó giáo viên giao sinh viên một vấn đề nào đó để đưa ra các biện pháp giải quyết, ví dụ như làm thế nào để nói tiếng Anh trôi chảy, cách xử lý một số vấn đề thường nhật, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ với một lượng tiền cho trước,... Ngôn ngữ sử dụng cho các hoạt động đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề tùy thuộc vào chủ đề của từng hoạt động nhưng nhìn chung sinh viên phải đưa ra đề xuất, giải thích lý do, làm sáng tỏ ý kiến và đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến của người khác.
 
Hy vọng sau bài viết này, nhiều hoạt động học tương tác sẽ được sử dụng nhiều hơn trong dạy và học tiếng Anh tại trường ta.
 
 Tài liệu tham khảo:
1. Harmer, J.  2003. Popular culture, methods and context. ELT Journal 57 (3): 287-94.
2. Klippel F., 2004. Keep Talking: Communicative fluency activities for language teaching.
 
 
Bài: Phạm Thị Tuyết Nhung - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế

 
0