25/05/2018, 17:57

Cửu Trại Câu - thiên đường hạ giới

(ĐHVH HN) - Cửu trại câu (Jiuzhaigou) là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng với diện tích hơn 60.000 ha, nằm ở phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tên gọi Cửu Trại Câu có nghĩa là thung lũng 9 làng, bắt nguồn từ việc khu thắng cảnh này thuộc địa phận của châu tự trị của ...

(ĐHVH HN) - Cửu trại câu (Jiuzhaigou) là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng với diện tích hơn 60.000 ha, nằm ở phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tên gọi Cửu Trại Câu có nghĩa là thung lũng 9 làng, bắt nguồn từ việc khu thắng cảnh này thuộc địa phận của châu tự trị của người Tạng A Bá, toàn bộ khu vực này có 9 ngôi làng người Tây Tạng sinh sống rải rác. Nằm trên vùng bình nguyên cao nhất thế giới giữa lưu vực Tứ Xuyên và cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, thung lũng Cửu Trại Câu bao phủ độ cao từ 2000m đến khoảng 4300m. Đây là một trong những địa điểm hiếm hoi trên thế giới gần như còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ của núi rừng, sông nước cùng hệ động thực vật hoang dã quý hiếm.

Mặc dù rất nổi tiếng trong nước nhưng Cửu Trại Câu chưa được khách du lịch phương Tây biết đến do sự xa xôi hẻo lánh và khó tiếp cận. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế du khách để bảo tồn vẻ đẹp hoang sơ, dễ bị tổn thương một cách đầy đủ và toàn diện. Cửu Trại Câu được biết đến lần đầu vào năm 1300, khi một nhóm người hành hương Tây Tạng tìm nơi ẩn náu và quyết định ở lại nơi đây trong hơn 6 thế kỷ. Đến năm 1972, một người thợ săn vô tình phát hiện ra Cửu Trại Câu. Từ đó, những ngọn núi đá vôi, thác nước hùng vĩ hay các loài động vật hoang dã quý hiếm bắt đầu được du khách biết tới. Nhiều người cho biết, cảnh đẹp thung lũng có thể so sánh với dãy núi nổi tiếng ở châu Âu và châu Mỹ.

Kể từ khi bắt đầu được đưa vào khai thác năm 1984, Cửu Trại Câu luôn thu hút được lượng lớn khách đến tham quan, du lịch mỗi năm và đem lại doanh thu rất lớn cho địa phương. Đây là một trong số những di sản thiên nhiên giá trị và lớn nhất Trung Quốc. Cửu Trại Câu đã được được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1992 và tổ chức Con người và Sinh quyển của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Ngoài ra, khu bảo tồn cũng nhận được một chuỗi các danh hiệu khác bao gồm: công viên địa chất quốc gia, điểm cảnh quan AAAA tại Trung Quốc và đạt tiêu chuẩn du lịch sinh thái quốc tế Green Globe 21.


Vẻ đẹp Cửu Trại Câu

Được tạo nên bởi thể đối xứng hình chữ Y với ba con kênh là Nhật Tắc Câu, Tắc Tra Oa Câu và Thụ Chính Câu nên Cửu Trại Câu là một không gian đa chiều, đa sắc, đa âm. Đến Cửu Trại Câu, du khách bắt gặp ngay Thụ Chính Câu được ví như chiếc cổng chào đưa du khách vào hành trình khám phá.
 


Sơ đồ khu du lịch Cử Trại Câu

Ngay trên con đường quanh co uốn lượn lên Cửu Trại Câu, du khách đã nghe thấy tiếng thác nước đổ ào ào như sấm dậy và bụi nước mờ ảo như sương khói, cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bởi vậy, người Trung Quốc mới có câu: “Hoàng Sơn quy lai bất khán sơn, Cửu Trại quy lai bất khán thủy”, nghĩa là, nếu đã đến Hoàng Sơn rồi thì sẽ không còn muốn ngắm núi khác, đã tới Cửu Trại thì sẽ không còn nguồn nước nào còn làm bạn hứng thú nữa.

Cửu Trại Câu được hình thành trên núi đá vôi trầm tích với những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, rừng thông xanh trùng điệp, hàng trăm hồ đa sắc quyến rũ và nhiều ghềnh, thác nước nhiều tầng đẹp như tranh vẽ. Trong đó, có một số thắng cảnh đẹp, ấn tượng mà du khách không thể bỏ qua là hồ Gương, hồ Ngũ Sắc, hồ Thiên Nga, hồ Ngũ Hoa, hồ Trường Hải, hồ Gấu Trúc, thác Trân Châu, thác Thụ Chính, thác Nhược Nhật. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh tươi tốt và nhiều loài động vật quý hiếm. Các hồ nước này đều có màu sắc rất kỳ ảo, kết hợp với các dãy núi đá bao quanh tạo thành phong cảnh đẹp như trong những bức tranh. Điều đặc biệt là màu nước trong hồ có thể thay đổi tùy theo độ tương phản của ánh sáng mặt trời và thay đổi theo những góc nhìn khác nhau.

 


Hồ Ngũ Hoa



Hồ Lạc Nhật Lang

Cửu Trại Câu đẹp cả bốn mùa trong năm, mỗi mùa nơi này lại như thay một chiếc áo mới, đẹp kỳ diệu. Tuy nhiên, thời gian thích hợp nhất để khám phá Cửu Trại Câu là mùa thu, từ tháng 10 đến đầu tháng 11(đẹp nhất là từ 15-25/10) khi những khu rừng đã ngả màu vàng. Những thảm lá đỏ, vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đây cũng là mùa cao điểm, đông khách nhất ở CửuTrại Câu.

Với cảnh đẹp có sức hấp dẫn bậc nhất trên trái đất, khu bảo tồn này được coi là thánh địa của người Tây Tạng và người Choang bản địa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều huyền thoại bao quanh cảnh quan tuyệt vời của Cửu Trại Câu. Truyền thuyết kể rằng, hồ nước màu xanh ngọc lam ở đây được tạo ra bởi những mảnh vỡ huyền ảo từ một chiếc gương của quỷ thần tặng một nữ thần. Về mặt lịch sử, khu vực này là nơi cư trú của tộc người Tây Tạng và tộc người Choang thiểu số ở Trung Quốc. Vì vậy, khi đến đây du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương. Vào buổi tối, du khách nên tham gia show diễn; “Cửu Trại thiên cổ tình” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Đây là show diễn được đánh giá là nhất định phải xem trong cuộc đời.

 


Nơi biểu diễn show Cửu Trại thiên cổ tình

Cửu Trại Câu gồm tổng cộng 114 hồ lớn nhỏ và hơn 17 thác nước, bạn sẽ không thể đi hết trong 1 ngày nhưng có một số điểm nổi bật nhất mà bạn không nên bỏ qua, đó là:

- Thác Trân Châu: là thác nước ngọc trai, ngọn thác hoang dã nhất trong 17 thác nước của Cửu Trại Câu. Đây là điểm hội tụ của những dòng suối, hồ nước trên dãy núi cao 2.700m. Với vị trí nằm ngay trước cánh rừng nguyên sinh với những thảm lá đã chuyển sang màu đỏ và vàng rực rỡ, thác nước này là nơi lý tưởng để du khách thả bộ và ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên.

 


Thác Trân Châu- Bối cảnh chính phim Tây Du Ký

-  Hồ Ngũ Sắc: là hồ sâu 6,6m, rộng gần 3.000m với màu nước biếc trong vắt đến kỳ lạ nhìn sâu xuống tận đáy. Hồ nước là một điểm nhấn giữa cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ của rừng cây cùng với đồi núi hoang sơ nguyên thủy.
 


 Hồ Ngũ Sắc

- Hồ Trường Hải - vị trí cao nhất, là điểm tận cùng và cũng là hồ lớn nhất trong hệ thống du lịch Cửu Trại Câu với chu vi 7,5km, sâu hơn 100m, nước hồ được tích tụ từ băng tan trên những đỉnh núi xung quanh. Điều đặc biệt là dù không gian có lạnh giá thì nước hồ cũng không hề bị đóng băng.
 


Hồ Trường Hải

Nằm ở vị trí biệt lập nên những năm trước du khách sẽ khó tiếp cận được điểm du lịch này. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã cho xây dựng đường vành đai nối liền sân bay Thành Đô và sân bay Cửu Hoàng đến khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu. Từ Hà Nội đến Thành Đô, du khách không phải quá cảnh ở Quảng Châu hoặc Nam Ninh như trước mà Hãng hàng không Vietnam Airlines đã triển khai đường bay thẳng tới Thành Đô với thời gian bay ngắn (3 tiếng). Từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu du khách có thể bay đến sân bay Cửu Hoàng rồi đi 90km nữa đến Cửu Trại Câu hoặc đi bằng đường bộ từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu (khoảng 9- 10 tiếng). Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách phải quá cảnh ở Hà Nội, Quảng Châu, Bangkok, HongKong sau đó mới có thể bay tiếp đến Thành Đô. Có nhiều hãng hàng không có đường bay đến Cửu Trại Câu như: China Airlines, China Southern Airlines… cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu muốn khám phá nhiều cảnh đẹp trên suốt dọc đường đi thì du khách nên di chuyển bằng đường bộ để được trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn.

Hiện nay, Cửu Trại Câu đang là điểm du lịch “hot”, thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới đến tham quan. Vé tham quan áp dụng trong một ngày cho dịp cao điểm khá đắt: 310 nhân dân tệ/ người (hơn một triệu đồng). Mức giá này đã bao gồm vé vào cửa 220 tệ và vé xe buýt 90 tệ. Nếu có thẻ sinh viên quốc tế, giá chỉ còn 200 nhân dân tệ ( khoảng 600.000 đồng). Tuy nhiên từ giữa tháng 11 trở đi sẽ là mùa thấp điểm, vé vào cổng giảm chỉ còn 80-100 tệ.

Quanh Cửu Trại Câu có rất nhiều khách sạn và hệ thống nhà nghỉ ở cùng người dân (homestay) của người dân tộc Tạng, chỉ cách cổng chào chừng 15 phút đi xe. Dù chưa đạt mức tiện nghi cao nhất như nhiều điểm du lịch khác ở Trung Quốc, nhưng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách sau khi tham quan thì các homestay và khách sạn ở đây đều ở mức chấp nhận được.

Một số khu nghĩ dưỡng, khách sạn 5 sao phổ biến ở quanh khu vực Cửu Trại Câu như InterContinental Resort Jiuzha Paradise hay Sheraton Jiuzhaigou Resort có giá khoảng 6-7 triệu đồng/đêm; khách sạn 4 sao như Jiuzhai Jin Jing Hotel hay Jiuzhaigou Xunji Hotel có giá khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/đêm. Vào mùa cao điểm, giá phòng ở đây đều cao hơn bình thường khá nhiều.

Để du lịch tiết kiệm và hợp lý nhất, du khách nên sử dụng dịch vụ homestay. Không chỉ có giá cả bình dân, du khách còn có cơ hội thưởng thức đêm tối đầy thú vị, ngập tràn truyền thống văn hóa người Tạng, lại vừa được ngắm bình minh sớm ngay trước cửa nhà.

Đến Cửu Trại Câu, du khách có thể tìm mua các loại thuốc bắc, nấm, thảo dược của người Tạng A Bá sống ở đây. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua thịt bò khô, hoa quả, các đồ thủ công mỹ nghệ như đồ đan lát, các sản phẩm từ nghề thêu, các bức tranh vẽ,… Đây cũng là sản phẩm nổi tiếng khắp tỉnh Tứ Xuyên của người Tạng và người Khương.

Bên cạnh đó, Tứ Xuyên còn có các điểm du lịch nổi tiếng khác như: Lạc Sơn Đại Phật, Nga My Sơn, Báo Quốc tự, Vũ Hầu Tự, phố cổ Cẩm Lý, khu thắng cảnh Hoàng Long,…Những điểm du lịch đặc sắc này có sự kết nối với Cửu Trại Câu thành tuyến du lịch hấp dẫn. Hãy đến với Tứ Xuyên, đến với Cửu Trại Câu để khám phá vẻ đẹp của chốn tiên cảnh nơi hạ giới.


Bài : Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Gv Khoa VHDL
Ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Phạm Ngọc Minh



TLTK:
  1. Lam Linh,  Tháng 10 đến Cửu Trại Câu, Vnexpress, 9/10/2013
  2. Cửu Trại Câu - tiên cảnh nơi hạ giới, Vnexpress 01/8/2015
  3. Jiuzhaigou Travel Guide, Travelchinaguide.com
  4. Jiuzhai Valley National park, jiuzhai.com
  5. Truyền thuyết thung lũng 9 làng ở Trung Quốc, Vnexpress 17/12/2016
0