23/05/2018, 15:07

Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cho gà

Gà sử dụng thức ăn nhằm đảm bảo các hoạt động duy trì cơ thể và sản xuất (sinh trưởng, sản xuất trứng). Năng lượng và protein là 2 yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất trong khẩu phần thức ăn cho gà, ngoài ra trong dinh dưỡng của gà, các thành phần như acid béo, khoáng, vitamin và nước cũng không thể ...

Gà sử dụng thức ăn nhằm đảm bảo các hoạt động duy trì cơ thể và sản xuất (sinh trưởng, sản xuất trứng). Năng lượng và protein là 2 yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất trong khẩu phần thức ăn cho gà, ngoài ra trong dinh dưỡng của gà, các thành phần như acid béo, khoáng, vitamin và nước cũng không thể thiếu được.

Năng lượng

Gà có khả năng chuyển hoá năng lượng từ những carbonhydrate đơn giản, một vài carbonhydrate phức tạp như dầu và mỡ, nhưng những carbonhydrate quá phức tạp như cellulose thì gà không thể sử dụng được. Mặc dù vậy nhưng gà cũng cần môt lượng cellulose nhất định để làm chất đệm giúp quá trình tiêu hoá được dễ dàng. Tỷ lệ chất xơ trong khẩu phần không được vượt quá 4%. Nhu cầu về năng lượng cho các mục đích trao đổi rất khác nhau, do vậy nếu thiếu năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các quá trình sản xuất. Đối với gà nuôi lấy thịt nhu cầu năng lượng thường cao hơn gà đẻ.

Protein

Protein tham gia cấu tạo tế bào là thành phần quan trọng của sự sống, chiếm 1/5 – 1/6 khối lượng cơ thể. Protein tham gia cấu tạo các men sinh học, các hormon xúc tác, điều hoà quá trình đồng hoá các chất đinh dưỡng trong cơ thể. Protein không chỉ cung cấp các chất cơ bản để tạo tế bào mới mà còn là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể (1 g protein cung cấp 4,1 Kcal). Hơn nữa mỡ và carbonhydrate đều được tổng hợp từ protein trong cơ thể.

Protein trong thức ăn thường chứa khoảng 22 acid amin, trong đó có một số acid amin không thay thế mà gà không thể tự tổng hợp được như: arginine, histidine, lysine, trypthophan, methionine, threonine, valine, isoleucine, leusine, phenylalanine. Theo các tác giả Lê Hồng và Bùi Đức Lũng – 2003 cho biết:

Arginine: có vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng cùa gia cầm non, tạo sụn xương, lông. Khẩu phần thiếu arginine gây nên tỷ lệ chết phôi cao, làm rối loạn trao đổi carbonhydrate và protein dẫn đến giảm sự phát triển cửa gia cầm. Arginine chiếm 33,4% trong protein thô của khô dầu đỗ tương, 30,5 – 40% trong bột cá, 4 – 5% trong ngô, 4% trong thóc

Methionine là một acid amin quan trọng có chứa lưu huỳnh, có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cơ thể, đến chức năng của gan, tụy. Methionine cần thiết cho sự sản sinh tế bào, tham gia vào quá trình đồng hoá, cùng với systine tạo lông, điều hoà trao đổi lipit. Chống mỡ hoá gan, tham gia tạo nên serine, choline và systine. Thiếu methionine trong thức ăn làm mất tính thèm ăn, thoái hóa cơ, thiếu máu, gan nhiễm mỡ, giảm sự đào thải chất độc, hạn chế tổng hợp hemoglobin. Bột cá, khô dầu hướng dương có chứa nhiều methionine 2,4 – 3,2%.

Lysine là acid amin quan trọng nhất có tác dụng làm tăng tốc độ sinh trưởng, tăng khả năng sản xuất trứng. Giúp cơ thể tổng hợp nucleotit, hồng cầu, tạo sắc tố melanine. Thiếu lysine làm gia cầm chậm lớn, giảm năng suất thịt, trứng, giảm hồng cầu, huyết sắc tố, giảm tốc độ chuyển hoá canxi, phosphor, gây còi xương, thoái hoá cơ… Bột cá có chứa tới 8,9% lysine, khô đổ tương có chứa 5,9%.

Trypthophan đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của gia cầm non và duy trì hoạt động của gia cầm trưởng thành, tham gia tổng hợp hemoglobin, điều hoà chức năng các tuyến nội tiết, cần cho sự phát triển của phôi và tinh trùng…Thiếu trypthophan làm giảm tỉ lệ ấp nở, giảm khối lượng cơ thể. Trypthophan có nhiều trong các loại hạt ngũ cốc và khô dầu đậu tương.

Valine cần cho sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Trong thức ăn của gà thường chứa đủ valine.

Isoleusine cần thiết trong sử dụng và trao đổi các acid amin trong thức ăn. Thiếu isoleucine làm mất tính ngon miệng, giảm tăng trọng.

Leusine duy trì hoạt động của tuyến nội tiết, tham gia tổng hợp protein của plasma. Thiếu leusine cũng làm giảm tính thèm ăn, giảm tốc độ phát triển. Protein từ các loại đậu, khô đậu giàu leusinc.

Phenylalanine tham gia duy trì hoạt động của tuyến thượng thận, tuyến giáp, tham gia tạo sắc tố…

Histindine cần cho tổng hợp acid nucleotit và hemoglobin, điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Thiếu histidin gây thiếu máu, giảm tính thèm ăn, giảm khả năng sử dụng thức ăn, làm cho gia cầm chậm lớn.

Acid béo

Các acid béo là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng lớn nhất, là dung môi hoà tan vitamin (vitamin A, caroten), tham gia vào quá trình xây dựng màng tế bào và nhiều phản ứng khác nhau của cơ thể. Nếu hàm lượng mỡ trong khẩu phần ăn của gà tăng lên từ 0,07 lên 4% thì lượng caroten được hấp thụ sẽ tăng lên từ 20 – 60%. Thiếu acid béo sẽ làm phá vỡ chức nàng của da, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, tăng tỷ lệ chết phôi, giảm sản lượng trứng, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật, giảm khả năng sinh trưởng, làm thay đổi các acid béo trong mô, trong các cơ quan.

Chất khoáng

Các chất khoáng hữu cơ và vô cơ đều quan trọng như nhau cho một cơ thể hoạt động bình thường. Phá vỡ sự cân bằng này sẽ gây ra một số những biến dạng trong cơ thể. Chất khoáng hình thành các chức năng sau đây của cơ thể gà.

Định hình một phần không thể thiếu được cấu trúc xương và vỏ trứng của gà (Calcium, Kalium, Phosphor), là thành phần quan trọng của các mô trong cơ thể (lưu huỳnh trong mô cơ),

♦ Điều chỉnh áp suất thẩm thấu trong mô và trong dịch thể, giúp cho trao đổi chất giữa tế bào và dịch thể dễ dàng hơn.

♦ Điều chỉnh liên tục độ pH của máu và dịch tiêu hoá cũng như các dịch thể khác (giữ cân bằng acid – kiềm).

♦ Điều chỉnh điện tích trong thành tế bào thần kinh và sợi cơ, điều hoà hoạt động của các cơ quan này (Na, K).

♦ Tăng cường hoạt động của enzyme, vitamin và hormone.

Đối với gia cầm có khoảng 18 nguyên tố khoáng quan trọng. Các nguyên tố khoáng đa lượng như: Calcium, Phosphor, Magnesium, Natrium, Kalium, Chlor, Lưu huỳnh. Các nguyên tố khoáng vi lượng như: sắt, Man gan, Iod, Đồng, Coban, Kẽm, Molypdat, Flour Selen, Nikel, Qirom.

Các ion K-, Na- có chức năng duy trì áp suất thẩm thấu và độ pH trong tế bào và dịch thể, cùng với Ca, Mg các ion này còn có chức năng vận chuyển các chất kích thích. Thiếu Na sẽ làm giảm tiêu thụ thức ăn và tăng trọng.

Chức năng của Calcium (Ca) cấu tạo xương và vỏ trứng, làm biến đổi hemoglobin, điều hoà các chức năng bình thường của hệ thần kinh, các ion C++ rất cần thiết điều hoà chức năng của tim, xương và cơ trơn, điểu hoà quá trình oxy hoá phosphor và hoạt động của hormone, thiếu Ca sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hormone, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, gây rụng lông, đẻ trứng vỏ mỏng.

Sắt là nguyên tố tạo hemoglobin, myoglobin và các enzyme chứa sắt (Zytochrome). Thiếu sắt sẽ dần đến thiếu máu, giảm khả năng sinh sản…

Nguồn Calcium có nhiều trong bột đá, bột vỏ sò, vỏ hến (35%), bột xương (28%), bột cá (5 – 7%), Photpho có nhiều trong thức ăn động vật như bột xương (9 – 10%).

Vitamin

Vitamin là các hợp chất hữu cơ tham gia trong mọi hoạt động sinh lý, sinh hoá của cơ thể gia cầm và xúc tác trong quá trình chuyển hoá các chất dinh dưỡng, các hoạt động của hormone và enzyme trong cơ thể. Thừa hoặc thiếu bất cứ một loại vitamin nào đều có ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản của động vật. Vitamin có 2 nhóm; Nhóm hoà tan trong mô (A, D, E, K) và nhóm hoà tan trong nước (nhóm B, vitamin C).

Vitamin A đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình tổng hợp protein, thẩm thấu của tế bào, xây dựng và bảo vệ biểu mô của cơ quan hô hấp, tiêu hoá, cơ quan sinh sản, tổng hợp steroid (hormone sinh sản, hormone tuyến trên thận) và tiêu hoá carbonhydrate, cấu thành nên bộ xương. Thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, làm rối loạn sinh sản, gây dị dạng ở phôi, gây bệnh đường ruột, gây rối loạn thị lực, làm đình trệ hoặc rối loạn các quá trình vận động. Vitamin A có nhiều trong dầu cá, lòng đỏ trứng, ngô, cà rốt…

Vitamin B1, Thiaminpyrophosphat là hình thái biến đổi của vitamin B1, tham gia vào thành phần Co-enzyme của các enzyme tế bào khác nhau trong quá trình trao đổi carbonhydrate. Thiếu vitamin sẽ gây hiện tượng bại liệt, hoại tử não, tăng huyết áp, động kinh, gà mất tính thèm ăn, rối loạn tiêu hoá, rối loạn thần kinh, xù lông, kém tăng trọng, đẻ giảm, thiếu vitamin B1 còn dẫn đến thiếu vitamin B2 và từ đó làm giảm khả năng sử dụng vitamin C. Vitamin B1 có nhiều trong thức ăn men vi sinh vật, cám gạo, mầm thóc, mầm ngô 25 – 120 mg/kg thức ăn.

Các tác giả Lê Hồng Mận và Bùi Đức Lũng cho biết:

Vitamin D chống bệnh còi xương, có khoảng 10 loại vitamin D nhưng D2 có hoạt tính cao đối với cơ thể động vật. Vitamin D3 được lạo ra từ dehydrocolesterol có trong cơ thể gia cảm khi tiếp xúc với tia cực tím với bước sóng 265 – 300 nm và hình thành dưới da, là vitamin chủ đạo chuyển hoá Calcium và Phosphor, làn tảng hấp thu 2 nguyên tố này ở ruột non dưới dạng ion D+,Ca++ và tăng tích luỹ ở xương, Vitamin cần cho sự tổng hợp protein. Thiếu vitamin D trong thức ăn, gà bị còi xương, chậm lớn, đẻ trứng giảm. Vitamin D có nhiều trong thức ăn men, thức ăn xanh, bột cá, dầu cá, lòng đỏ trứng…

Vitamin E (tocopherol) có 7 loại tự nhiên, nhưng chỉ có 3 dạng có ý nghĩa đối với thức ăn gia cầm là alpha, Beta, gama. Vitamin E cần thiết cho hoạt đồng sinh dục, ảnh hưởng đến tổng hợp Coenzyme, trao đổi nucleic và quá trình phosphoryl hoá, chống rối loạn đường. Thiếu vitamin E gà sẽ chậm lớn, sản lượng trứng giảm, tỷ lệ ấp nở kém, trứng chết phôi ở giai đoạn đầu tăng. Vitamin E có nhiều trong thức ăn nguồn gốc thực vật như đậu, lạc, cám gạo, mầm thóc.

Vitamin C (acid ascorbic) không bền trong môi trường kiềm và khi tiếp xúc với kim loại. Vitamin C có vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp của tế bào, trao đổi hydratcarbon, protein, lipit và làm vô hiệu hoá các sản phẩm độc tố sinh ra trong quá trình trao đổi chất, cần cho hấp thụ acid folic và sắt. Thiếu vitamin c trong thức ăn gây nên xơ cứng động mạch, chảy máu dưới da và cơ, giảm sức đề kháng. Vitamin C có nhiều trong củ, quả, rau xanh, mầm ngô, thóc, giá đậu…

0