Ðặc điểm hoạt động sinh dục của trâu bò cái
Tuổi thành thục sinh dục của trâu bò(sexual maturity ) Khi cơ quan sinh dục đã phát triển hoàn thiện, trong buồng trứng đã có các noãn bào chín và có khả năng thụ thai, đến tuổi đó được gọi là tuổi thành thục sinh dục. Tuổi thành thục sinh dục sớm hơn tuổi thành thục thể vóc. Tuổi thành thục sinh ...
Tuổi thành thục sinh dục của trâu bò(sexual maturity )
Khi cơ quan sinh dục đã phát triển hoàn thiện, trong buồng trứng đã có các noãn bào chín và có khả năng thụ thai, đến tuổi đó được gọi là tuổi thành thục sinh dục. Tuổi thành thục sinh dục sớm hơn tuổi thành thục thể vóc. Tuổi thành thục sinh dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, cá thể, điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt là chế độ chăm sóc nuôi dưỡng.
Bò Holstein Friesian : 13 tháng; bò Việt Nam: 15 tháng; bò châu Phi: 21 tháng; bò Jerey: 12 – 13 tháng; trâu : 20 – 25 tháng.
Thời gian phối giống thích hợp khi trọng lượng cơ thể đạt 70% trọng lượng lúc trưởng thành, Ở Hà Lan đối với bò HF phối giống lần đầu khi bò tơ đạt khối lượng 375 kg (khoảng 60% khối lượng lúc trưởng thành). bò mẹ
Chu kỳ sinh dục
Chu kỳ sinh dục là khoảng cách giữa hai lần động dục cao độ có liên quan đến sự chín và rụng trứng trong buồng trứng.
Chu kỳ sinh dục của trâu và bò không giống nhau.
Thời gian chu kỳ sinh dục của bò là 18 – 24 ngày, bình quân 21 ngày.
Thời gian chu kỳ sinh dục của trâu là 25 – 30 ngày (dao động 18 – 36 ngày)
Nhìn chung chu kỳ sinh dục ở bò là ổn định hơn ở trâu nhiều. Ở trâu có sự sai khác lớn giữa các giống, các cá thể trong một giống và các giai đoạn phát triển khác nhau của một cơ thể. Trâu động dục còn mang tính chất mùa vụ, phụ thuộc vào thời tiết khí hậu rất lớn.
Triệu chứng động và các giai đoạn động dục
Khi các nang trứng phát triển và chín, hocmon oestrogen tiết ra càng nhiều. Hocmon này sẽ tác động vào bán cầu đại não, gây hưng phấn trung khu sinh dục và bằng con đường phản xạ thần kinh – thể dịch con vật sẽ xuất hiện các triệu chứng động dục.
Thời điểm chịu đựng là lúc hàm lượng hocmon oestrogen trong máu cao cực đại và liên quan đến sự rụng trứng trong buồng trứng. Lúc này các triệu chứng động dục sẽ biểu hiện rõ ràng nhất. Ðể nâng cao tỷ lệ thụ thai cần phải nắm chắc các diễn biến của các triệu chứng động dục để phối giống đúng thời điểm thích hợp.
Quá trình động dục được chia làm 3 giai đoạn. Diễn biến của các triệu chứng trong 3 giai đoạn là căn cứ để xác định thời điểm phối tinh thích hợp.
Giai đoạn 1 (giai đoạn trước chịu đực): tính từ lúc bắt đầu có triệu chứng động dục đến chịu đực.
Triệu chứng của giai đoạn này là biểu hiện thần kinh, con vật thường tách đàn, ít ăn hoặc bỏ ăn hay đi lại nghe ngóng, kêu la, trạng thái băn khoăn. Thời kỳ này có con đực bắt đầu đi theo những con cái không cho nhảy. Âm hộ có những thay đổi về kích thước, sưng mọng. Niêm mạc có màu hồng nhạt, đặc điểm này thấy rõ ở bò còn ở trâu khó phát hiện, trâu âm hộ hơi ươn ướt. Niêm dịch trong suốt, loãng. Càng gần điểm chịu đực niêm dịch tiết ra càng nhiều, độ keo dính càng tăng lên. Màu sắc cũng biến đổi dần từ màu trắng sang màu trắng đục và đục lờ lờ, lúc chịu đực thì trạng thái trắng đục như hồ nếp.
Thời gian này ở bò kéo dài khoảng 6 – 10 giờ.
Ở trâu có sự dao động lớn hơn: trung bình 11 – 12 giờ. Trâu tại Nam Ninh, Trung Quốc là 15 giờ 43 phút (Wang và cộng sự, 1965)
Giai đoạn 2: (giai đoạn chịu đực) tính từ lúc bắt đầu chịu đực đến hết chịu đực
Giai đoạn này con vật hưng phấn cao độ, nhảy lên lưng con khác và cho con khác nhảy lên mình, âm hộ sưng to, mất hết nếp nhăn, niêm mạc màu đỏ hồng, miệng cổ tử cung mở, lúc bắt đầu chịu đực hé mở (1 – 2 mm) sau đó mở rộng (4 – 5mm). Niêm dịch trắng đục như hồ nếp quấy loãng, độ dính tăng lên, số lượng nhiều, cuối giai đoạn niêm dịch đó vẫn đục, độ keo dính ít hơn nên thường đứt đoạn.
Ở bò giai đoạn này kéo dài 7 – 12 giờ, ở trâu biến động 6 – 35 giờ (khoảng tập trung 6 – 24 giờ) và trung bình 12 giờ 45 phút. Trâu Trung Quốc 22 giờ 6 phút (Wang và cộng sự, 1965). Ở giai đoạn này khám qua trực tràng thấy tử cung sưng sắn và cong hơn bình thường. Ðây là thời điểm phối giống thích hợp.
Giai đoạn 3: tính từ khi hết chịu đực đến yên tĩnh
Lúc này gia súc lẩn tránh con đực, các cơ quan sinh dục trở lại bình thường, con vật chịu ăn, niêm dịch trắng như sữa và chuyển sang màu vàng nhạt. Ở bò diễn biến khoảng: 6 – 12 giờ. Ở trâu diễn biến khoảng: 7,5 giờ. Một số nghiên cứu thấy rằng thời gian động dục của bò trung bình là 18 giờ (bò Việt Nam là 15 giờ). Thời gian rụng trứng 12 – 14 giờ. Thời gian phối tinh thích hợp từ 9 – 24 giờ kể từ lúc xuất hiện triệu chứng động dục (kết quả nghiên cứu ÐHNN II).
Các triệu chứng động ở trâu không mạnh mẽ như ở bò. Khoảng 86% trâu Ai Cập động dục thầm lặng (Hafferz ,1954) và ông cũng thông báo rằng thời kỳ động dục chỉ xảy ra từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều ở 84% trâu quan sát.
Các biện pháp để phát hiện động dục và thời điểm phối tinh thích hợp
+ Quan sát, theo dõi liên tục diễn biến của các triệu chứng động dục.
Tỷ lệ gia súc được phát hiện động dục trong đàn tùy thuộc rất lớn vào trình độ quản lý của người chăn nuôi. Tỷ lệ phát hiện động dục sẽ tăng theo số lần quan sát đàn gia súc, vì vậy ít nhất một ngày phải quan sát đàn trâu bò 3 lần (sáng sớm, chiều và tối). Việc quan sát các diễn biến các triệu chứng động dục phải kết hợp với ghi chép theo dõi đàn gia súc thì kết quả phát hiện động dục sẽ cao hơn.
Trong một trang trại chăn nuôi trâu bò sinh sản tỷ lệ phát hiện động dục được tính bằng:
DR = 21 x 100 /Khoảng cách trung bình giữa hai lần phối giống
Hoặc
DR = Số khoảng cách giữa hai lần phối giống thực tế x 100/(Số khoảng cách giữa hai lần phối + Số chu kỳ động dục không phát hiện + Sử dụng đực thí tinh)
Do đặc điểm khi gia súc cái động dục tiết ra mùi đặc biệt và làm hấp dẫn, kích thích con đực. Dựa vào nguyên lý này ở các trang trại chăn nuôi lớn người ta sử dụng những con đực thí tinh (con đực khỏe, trẻ, có tính hăng cao và bị làm lệch dương vật hoặc cắt ống dẫn tinh) để phát hiện gia súc động dục trong đàn. Ðây là phương pháp có độ chính xác cao và rẻ tiền. Phương pháp này rất có ý nghĩa đối với các trang trại chăn nuôi trâu (trâu có tỷ lệ động dục cao).
+ Ðo điện trở âm đạo: điện trở âm đạo sẽ xuống thấp vào thời điểm trứng rụng
+ Biện pháp kiểm tra tử cung qua trực tràng
Khi đưa tay qua trực tràng để kiểm tra tử cung, ở những con đang động dục thì sừng tử cung cong, trương lực tăng, tử cung to hơn bình thường và có dịch chảy ra. Ở những người có kinh nghiệm thì có thể sờ được bao noãn và càng khẳng định được gia súc động dục hay không. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia Hà Lan thì việc xoa (massage) tử cung còn có tác dụng kích thích gia súc sớm động dục trở lại ở những con chậm sinh sản.
+ Nghiên cứu dịch âm đạo.
Thời điểm phát giống thích hợp là lúc con vật chịu đực, mệt nhất. Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho rằng thời điểm phối giống thích hợp nằm trong khoảng 12 – 24 giờ sau khi có triệu chứng xuất hiện động dục đầu tiên (ABS Mỹ, 1991). Trong thực hành ở nông thôn thường áp dụng quy tắc “Sáng – Chiều”, có nghĩa là nếu phát hiện động dục buổi sáng thì chiều phối và nếu phát hiện được bò động dục vào buổi chiều thì sáng hôm sau phối.
Thụ tinh và mang thai
Trong chu kỳ sinh dục nếu trứng chín rụng được gặp tinh trùng thì quá trình thụ tinh sẽ được xảy ra (thường diễn ra ở 1/3 phía trên ống dẫn trứng). Nếu điều kiện tử cung thích hợp cho hợp tử làm tổ thì con vật vào thời kỳ mang thai (thường là mang thai ở sừng tử cung bên phải)
Thời gian mang thai ở trâu: 315 – 320 ngày
Thời gian mang thai ở bò: 280 – 285 ngày
Nhiều nghiên cứu thấy rằng thời gian chửa nghé đực dài hơn chửa nghé cái (317,5 ngày so với 315,8 ngày) (Ragab và Asker, 1951). Song sự thay đổi về thời gian mang thai không cao.
Trong thời gian mang thai con mẹ có nhiều thay đổi như sau:
Thay đổi về trao đổi chất
Khi con vật bắt đầu mang thai, trao đổi chất bắt đầu thay đổi theo hướng tăng quá trình đồng hóa và giảm quá trình dị hóa, được thể hiện ở các khía cạnh:
Gia súc cái có chửa tăng khả năng ăn vào. Tỷ lệ tiêu hóa cũng tăng lên.
+ Con vật tích lũy nhiều hơn. Sự thay đổi của quá trình này nhằm mục đích giúp cho bào thai phát triển tốt trong bụng mẹ và sau khi đẻ ra ngoài.
Chúng ta có thể chia thời kỳ có chửa thành 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: (chửa kỳ 1) từ 0 – 4 tháng
+ Giai đoạn 2: (chửa kỳ 2) từ 5 tháng đến khi đẻ
Sự phát triển của thai ở các giai đoạn không giống nhau. 2/3 trọng lượng của thai phát triển vào giai đoạn cuối, nhất là 1,5 – 2 tháng trước khi đẻ. Bên cạnh sự phát triển của phôi thai thì các cơ quan khác cũng tăng lên như dạ con, tuyến vú … cũng phát triển mạnh.
Nếu lấy mốc bò mẹ không có chửa nhu cầu là 100% thì có chửa 4 tháng thì nhu cầu 107 %, 8 tháng là 129% và 9 tháng là 140%. Nếu lấy nhu cầu dinh dưỡng cho cả toàn bộ quá trình phát triển bào thai là 100% thì giai đoạn 1 nhu cầu là 14%, còn 86% tập trung ở giai đoạn 2.
Mặc dù vậy thức ăn cho bò mẹ phải tập trung tốt ngay từ đầu để giúp cho con mẹ tích lũy từ từ. Quá trình tích lũy này không những ảnh hưởng đến bào thai mà còn ảnh hưởng đến sản lượng sữa sau này. Trong chăn nuôi bò sữa việc thường xuyên đánh giá điểm trạng thái cơ thể là rất cần thiết để từ đó phát hiện được các vấn đề bất hợp lý trong quá trình nuôi dưỡng.
Thay đổi về máu
Trong thời gian có chửa lượng máu lưu thông được huy động nhiều hơn, thể tích máu lưu thông tăng 37, 8%, hàm lượng hemoglobin tăng 17,8%; thể tích huyết tương tăng 47,6% và thể tích hồng cầu tăng 20%. Tốc độ lắng máu cũng tăng lên do tăng các yếu tố hữu hình trong máu tăng lên, cho nên gia súc dễ bị choáng đặc biệt lưu ý với gia súc cày kéo kết hợp với sinh sản.
Hệ thống đông máu thay đổi. Hàm lượng fibrinozen tăng lên và tăng tiểu cầu, và các thành phần trên tăng cao vào lúc đẻ.
Thành phần protid cũng có sự thay đổi đặc biệt vào cuối thời kỳ có chửa. Albumin tăng từ đầu do nhu cầu tăng lên. Vào giai đoạn có chửa kỳ cuối hàm lượng (globulin tăng cao, càng gần ngày đẻ càng tăng cao và tăng cao nhất vài giờ sau khi đẻ cho nên cần lưu ý đảm bảo đủ protein trong thức ăn trong giai đoạn này để tạo điều kiện cho con mẹ sinh sản nhiều (globulin giúp con con tiếp thu được nhiều thông qua sữa đầu.
Hàm lượng Ca++, P++, Na+, K+ cũng có sự thay đổi Ca, P, giảm Na, K tăng do nhu cầu tạo xương của con con gây ra. Do đó cân bằng kiềm, toan có sự thay đổi theo, lượng kiềm dự trữ giảm xuống do đó con vật dễ bị hiện tượng xeto huyết, sau khi đẻ một thời gian trở lại bình thường.
Bạch cầu trung tính, đa nhân có tăng lên về cường độ hoạt lực, cường độ thực bào của chúng cũng tăng lên.
Sự thay đổi về sự hoạt động của hormon
Khi gia súc có chửa các hormon bắt đầu thay đổi vềthành phần, tính chất và hướng tác động. Trong giai đoạn có chửa hầu hết các tuyến nội tiết đều tăng cường hoạt động để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thúc đẩy quá trình tích lũy ở con mẹ. Hàm lượng hormon progesterone tăng lên nhằm bảo vệ thai (an thai), đồng thời ức chế sự tổng hợp và phân tiết FSH và LH cho nên trong thời kỳ có chửa không có trứng chín, rụng và không động dục. Mặt khác progesterone làm giảm sự co bóp của cơ trơn tử cung. Vào cuối giai đoạn có chửa trong máu xuất hiện lượng lớn oxytoxin nhằm thúc đẩy quá trình đẻ được thuận lợi. Hàm lượng oestrogen cũng tăng lên vào cuối thời kỳ có chửa nhưng hướng tác động cũng khác, lúc này chủ yếu tác động theo hướng dinh dưỡng, tăng cường quá trình trao đổi chất. Một số hormon nhau thai cũng được tiết ra.
Sau khi đẻ một thời gian thì thành phần và hướng tác động của hormon trở lại trạng thái bình thường.
Ðẻ
Ðẻ là quá trình sinh lý đưa thai đã thành thục từ đường sinh dục con mẹ ra ngoài.
Triệu chứng khi sắp đẻ thể hiện rõ nhất ở bụng xệ xuống, dây chằng mông khum nhảo, hai mông bên sụt xuống, có niêm dịch chảy ra ngoài. Vú căng to, màu hồng đỏ, khi sắp đẻ sữa đã căng đầy trong tuyến vú. Quá trình đẻ thường được chia ra làm 3 thời kỳ:
+ Kỳ mở cửa cổ tử cung: Từ bắt đầu rặn đẻ đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn, bọc thai ló ra.
Sừng tử cung co bóp, vị trí thai chuyển xuống thân tử cung rồi cổ tử cung, bọc thai sẽ vỡ ra, có thể là màng niệu vỡ trước, rồi đến màng ối vỡ sau, cũng có thể hai màng vỡ một lúc, mõm hoặc móng chân thò ra ngoài âm đạo.
+ Thời kỳ đẻ: Từ lúc cổ tử cung mở hoàn toàn đến khi thai đẻ ra ngoài, lúc này con vật bắt đầu rặn mạnh. Nếu vị trí thai thuận (mõm và hai chân trước ra hoặc hai chân sau ra). Thời kỳ này biến động 1 – 12 giờ, trung bình là 6 giờ, không cần phải can thiệp.
Nhưng nếu thai quá to, tư thế không thuận lợi như đầu ngoẹo vào, một chân co lại …hoặc sức rặn quá yếu, chúng ta phải can thiệp bằng cách điều chỉnh lại đúng như tư thế bình thường, dùng hai tay kéo thai ra.
+ Thời kỳ ra nhau: giai đoạn này tính từ lúc thai ra đến lúc bong nhau thai ra.
Khoảng thời gian 4 – 6 giờ, nếu sau 10 – 12 giờ không thấy nhau thai ra là hiện tượng bệnh lý cần phải can thiệp. Ðể đảm bảo cho nhau thai ra hết thường cho trâu bò uống nước ối của chính nó. Cho bò mẹ ăn cháo pha muối. Một số nơi dùng nước muối 10% để tiệt trùng bơm vào tử cung (2 lít) vừa có tác dụng tiệt trùng vừa kích thích tử cung co bóp đẩy nhau ra ngoài. Nếu nhau thai không ra thì có thể phải bóc nhau hoặc theo xử lý của bác sỹ thú y.
Ðộng dục trở lại sau khi đẻ
Ðộng dục lại sau khi đẻ là khoảng thời gian sau khi đẻ đến khi xuất hiện chu kỳ động dục đầu tiên.
Thời gian động dục lại sau khi đẻ là chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh sản của gia súc, ảnh hưởng lớn đến tính năng sản xuất của trâu bò cái. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào từng giống. Thường các giống đã được cải tạo ngắn hơn giống chưa được cải tạo. Phụ thuộc vào từng cá thể, lứa đẻ và đặc biệt khoảng thời gian này phụ thuộc vào tình trạng lúc đẻ bởi vì động dục lại sau khi đẻ gắn liền với sự hồi phục tử cung sau khi đẻ. Thời gian động dục sau khi đẻ còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, nếu dinh dưỡng tốt thì thời gian động dục lại được rút ngắn.