23/05/2018, 15:50

Sâu khoang hại hoa lily, hoa loa kèn

Sâu khoang là loài sâu đa thực, nó có thể gây hại trên 290 loài thuộc nhiều họ thực vật khác nhau. Ở Việt Nam sâu khoang là một loài sâu hại quan trọng trên các cây rau trong họ hoa thập tự, cây cà chua, các cây trong họ hoa Lily, hoa Loa kèn, thuốc lá , bầu bí, rau muống, khoai tây, khoai lang, ...

Sâu khoang là loài sâu đa thực, nó có thể gây hại trên 290 loài thuộc nhiều họ thực vật khác nhau. Ở Việt Nam sâu khoang là một loài sâu hại quan trọng trên các cây rau trong họ hoa thập tự, cây cà chua, các cây trong họ hoa Lily, hoa Loa kèn, thuốc lá , bầu bí, rau muống, khoai tây, khoai lang, bông…

Mức độ và triệu chứng gây hại của sâu khoang

Sâu non tuổi nhỏ sống thành từng đám dưới lá hoặc trên hoa gặm ăn phần nhu mô của lá chỉ chừa lại lớp biểu bì trên và gân lá, đục thủng bông hoa.

Sâu non tuổi lớn gặm thủng lá, chỉ để lại gân lá và đôi khi nó cắn trụi cả cành hoa, cuống hoa làm hoa rụng rất nhiều.

Sâu khoang là loài sâu ăn lá là chính nên nó làm giảm diện tích quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất nếu sâu phát sinh số lượng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thương phẩm và thẩm mỹ của hoa. Vòng đời của sâu khoangVòng đời của sâu khoang

Trưởng thành: thân dài 16 – 21 mm, sải cánh 37 – 42 mm, toàn thân có màu xám bạc hay nâu đỏ. Cánh trước màu nâu vàng.

Phần giữa từ mép trước cánh tới mép sau cánh có một đường vân ngang rộng màu trắng. Trong đường vân này có 2 đường vân màu nâu (ở con đực không nhìn rõ). Cánh sau màu trắng loáng phản quang màu tím.

Trứng: có hình bán cầu, có đường kính 0,5 mm, trên bề mặt có những đường khía dọc từ đỉnh xuống đáy quả (có khoảng 36 – 39 đường) và có những đường khía ngang do đó tạo nên những ô nhỏ. Trứng mới đẻ có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng xám, lúc sắp nở có màu xám, trứng được đẻ thành từng ổ và trên bề mặt ổ trứng có phủ lớp lông màu nâu vàng.

Sâu non: đẫy sức dài 38 – 51 mm, cơ thể chủ yếu có màu nâu đen hoặc nâu tối, một số ít cơ thể có màu xanh lục. Vạch lưng và vạch phụ lưng có màu vàng. Trên mỗi đốt bụng dọc theo vạch phụ lưng có một vệt hình bán nguyệt, trong các vệt đen hình bán nguyệt đó thì vệt đen ở đốt bụng thứ nhất và thứ tám là to nhất.

Nhộng: dài 18 – 20 mm, cơ thể có màu nâu tươi hoặc nâu tối, có hình ống tròn, có mắt trước đốt bụng thứ tư và vòng quanh các đốt bụng thứ 5, 6, 7 có nhiều chấm lõm. Cuối bụng có một đôi gai ngắn.

Quy luật phát sinh, phát triển và gây hại của sâu khoang

Ngài hoạt động về ban đêm (từ chập tối đến nửa đêm) còn ban ngày thì ẩn nấp dưới mặt dưới của lá, ở những nơi kín đáo trong bụi cây lùm cỏ. Trưởng thành có sức bay khoẻ, khi bị khua động có thể bay xa vài chục mét ở độ cao 6 – 7 m so với mặt đất.

Ngài có xu tính mạnh với mùi vị chua ngọt, có tính ăn thêm và có xu tính với ánh sáng đèn nhất là các loại đèn có bước sóng ánh sáng ngắn (3650 A).

Nhộng thường vụ hoá vào buổi chiều mát và vào lúc chập tối, sau khi vụ hoá vài giờ ngài có thể bắt đầu giao phối và vào đêm hôm sau thì bắt đầu đẻ trứng. Một trưởng thành cái có thể giao phối 3 – 4 lần trong một đời còn với một trưởng thành đực có thể giao phối tới 10 lần.sau khoang

Ngài có tính chọn lọc ký chủ để đẻ trứng, nên số lượng trứng trên các cây ký chủ khác nhau rõ rệt, nếu trong khu vực trồng rau mà có trồng thêm cây thầu dầu, điền thanh thì số lượng ổ trứng trên các cây này sẽ cao hơn trên cây rau. Trứng được đẻ thành từng ổ ở mặt dưới lá rau, trên mặt ổ trứng có phủ một lớp lông màu nâu nhạt.

Mỗi ổ trứng có khoảng vài trăm quả, trung bình một trưởng thành cái có thể đẻ được 2000 – 2600 quả, thời gian đẻ kéo dài 6 – 8 ngày.

[AdSense-A]

Thời gian sống của trưởng thành phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ và tính ăn thêm của trưởng thành, nếu ngài được ăn thêm hoặc ngài sống ở vụ đông xuân thì thời gian sống dài hơn so với ngài sống ở vụ hè thu (có nhiệt độ cao) và không được ăn thêm.

Sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1) có tập quán sống quần tụ với nhau quanh ổ trứng để gây hại nếu bị khua động sâu có thể phát tán đi chỗ khác bằng 2 cách là bò trực tiếp đi nơi khác hoặc nhả tơ rong mình rơi xuống đất hay sang lá khác.

Sâu non tuổi nhỏ không lẩn chốn ánh sáng nhưng với sâu non tuổi lớn (từ tuổi 4 trở đi) có hiện tượng lấn chốn ánh sáng nên ban ngày thường ẩn nấp ở những chỗ kín trên mặt đất, hoặc chui xuống những khe nẻ ở dưới mặt đất và đến tối thì chui lên để gây hại.

Tuy nhiên vào những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ thì vẫn bắt gặp sâu phá hại trên cây. Sâu non có sức di chuyển lớn khi thiếu thức ăn nó có thể dí chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, ở những chân đất cát pha hay thịt nhẹ sâu non còn gây hại cả ở những bộ phận của cây rau ở dưới mặt đất trong thời gian nó ẩn nấp vào ban ngày.

Sâu non đẫy sức có thể nặng tới 800mg, một đời sâu non ăn hết khoảng 4g lá trong đó 80% lượng thức ăn tập trung vào sâu non tuổi cuối (tuổi 6).

Sâu non có 6 tuổi (lột xác 5 lần), khi đẫy sức chui  xuống đất hoá nhộng, trước khi hoá nhộng nó làm một kén bằng đất có hình bầu dục rồi chui vào đó hoá nhộng.

Quá trình phát triển cá thể trải qua 4 giai đoạn, thời gian phát dục các giai đoạn có liên quan chặt chẽ với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm nhưng nhìn chung ở điều kiện nhiệt độ bình thường vòng đời trung bình của sâu khoang ở đồng bằng Sông Hồng là từ 20 – 60 ngày.

Quy luật phát sinh gây hại của sâu non trên đồng ruộng có liên quan chặt chẽ với:

Điều kiện nhiệt độ, ẩm độ: sâu khoang là loài ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của sâu khoang là 29 – 30C, độ ẩm thích hợp là > 90 %.

Với yêu cầu về điều kiện nhiệt độ và độ ẩm như vậy nên ở Việt Nam sâu khoang phát sinh phát triển và thường gây hại nặng cho trồng vào các tháng nóng ẩm trong mùa hè và mùa thu (từ tháng 10 – tháng 4) vụ này gây hại chủ yếu cho cây hoa loa kèn, còn trong các tháng còn lại sâu khoang có thể gây hại nặng hay nhẹ là phụ thuộc vào điều kiện khí hậu riêng của từng vùng ở từng năm và loại cây trồng.

Độ ẩm đất: Đất qua khô hay quá ẩm đều không thuân lợi cho sự sinh trưởng và phát dục của sâu đặc biệt là ở 2 pha là pha nhộng và pha sâu non tuổi lớn. Đất có hàm lượng nước 20 % là thích hợp nhất cho sâu non hoá nhộng.

Chân đất: Sâu khoang phát sinh và gây hại nặng trên chân đất cát pha hay thịt nhẹ.

Thiên địch: ở đồng bằng sông Hồng, trong các tháng 12 đến tháng 4 có nhiệt độ trung bình thấp, các đợt mưa phùn kéo dài nên đã tạo điều kiện cho nấm Beauveria sp phát triển mạnh và có tác dụng rất lớn trong việc làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng.

[AdSense-B]

Trong khoảng tháng 5 đến tháng 11 có các trận mưa lớn, độ ẩm cao, mưa gió nhiều đã tạo điều kiện cho virus nhân đa diện NPV phát triển và là nguyên nhân chủ yếu làm giảm mật độ sâu khoang trên đồng ruộng.

Bắt mồi ăn thịt: Conocephalus sp.

Bọ chân chạy Chlaevius bicutatus Chaudoir

Ngoài ra còn có bọ xít gai viền trắng: Androllus, Spinidae

Ong ký sinh trên sâu non:

Apanteles ruficrus

C.marginniventris, A.karzak

Campoletes chloridae, Peribaea orbata

Hyposoter didymator, Telennomus remus

Sâu khoang phát sinh gây hại quanh năm trên đồng ruộng, tuy nhiên trong một năm có 7 đỉnh cao mật độ trên đồng ruộng, thời gian giữa 2 đỉnh cao là 20 – 26 ngày.

Biện pháp phòng chống sâu khoang

Cày ải, phơi ruộng kỹ sau mỗi vụ trồng để tiêu diệt sâu non và nhộng còn tồn tại trong đất.

Tưới nước đủ ẩm để tạo điều kiện cho cây hoa sinh trưởng phát triển tốt đồng thời tạo điều kiện không thuận lợi cho 2 pha phát triển của sâu khoang sống trong đất. Trong quá trình cây hoa sinh trưởng phát triển nếu điều kiện cho phép có thể xới xáo vừa có tác dụng tiêu diệt cỏ dại vừa có tác dụng hạn chế các khe hở tự nhiên hay lấp các khe hở tự nhiên làm cho sâu non không có chỗ để chui xuống đất hoá nhộng hay nếu đã hoá nhộng ở trong đất rồi thì không chui lên được.

Sử dụng bẫy đèn (tốt nhất là sử dụng các loại đèn có bước sóng ánh sáng ngắn ) và bằng chua ngọt để tiêu diệt trưởng thành trước khi chúng giao phối đẻ trứng nhưng lại có ý nghĩa lớn trong công tác dự tính dự báo.

Khi dự tính được trưởng thành ra rộ thì cứ định kỳ 2 – 3 ngày một lần để thu bắt sâu non tuổi nhỏ vẫn còn sống tập trung với nhau và ngắt các ổ trứng chưa nở.

Khi sâu phát sinh với số lượng thấp thì vào lúc sáng sớm hay chiều mát có thể thu bắt bằng tay để tiêu diệt sâu non.

Trồng cây dẫn dụ xung quanh cánh đồng hoặc thành từng hàng ở giữa cánh đồng để dẫn dụ sâu khoang đến đó đẻ trứng. Sau đó sử dụng các biện pháp quản lý quyết liệt tại đó bằng các phương pháp như: ngắt ổ trứng, dùng vợt thu bắt trưởng thành, phun thuốc trừ sâu non tuổi nhỏ ra rộ hay là bắt bằng tay. Các cây trồng dẫn dụ có thể sử dụng là: cây điền thanh, cây thầu dầu, cây hướng dương.

Sử dụng bẫy Pheromone

Bảo vệ và khích lệ sự hoạt động của tập đoàn thiên địch của sâu khoang.

Sử dụng chế phẩm sinh học: Bt, NV, NPV…

Khi sâu khoang phát sinh với số lượng lớn có thể sử dụng thuốc trừ sâu hoá học để tiêu diệt sâu non, các thuốc cho hiệu quả tốt như: Faxtac, Cymbush, Sherpa, Pegasus, Trebon, Supracid…

0