23/05/2018, 15:31

Đặc điểm sinh học của kỳ đà

Đặc điểm cấu tạo cơ thể của kỳ đà Đặc điểm cấu tạo chung của giống Kỳ đà thuộc họ kỳ đà (Varanidae) là giống bò sát cỡ lớn, đuôi dài và nhọn, lưỡi dài chẻ đôi. Kỳ đà là động vật hoang dã và quí hiếm nên việc nuôi kỳ đà ở Việt Nam phải có sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Kỳ đà có rất nhiều ...

Đặc điểm cấu tạo cơ thể của kỳ đà

Đặc điểm cấu tạo chung của giống

Kỳ đà thuộc họ kỳ đà (Varanidae) là giống bò sát cỡ lớn, đuôi dài và nhọn, lưỡi dài chẻ đôi.

Kỳ đà là động vật hoang dã và quí hiếm nên việc nuôi kỳ đà ở Việt Nam phải có sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Kỳ đà có rất nhiều loài, có loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Kỳ đà có hình dạng giống thằn lằn nhưng to hơn, dài hơn. Loài bò sát này vẫn được người dân quen gọi là thằn lằn, rắn khổng lồ.

Kỳ đà là động vật hoang dã sống trong rừng gần khu vực có sông, suối, nơi đầm lầy ẩm thấp. Người ta cũng gặp kỳ đà ở vùng đất cao như ở miền Đông Nam Bộ và ở các khu rừng ẩm thấp ở miền Tây Nam Bộ. Kỳ đà đang được thuần hóa nhân nuôi. Với sức đề kháng cao, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng, ít dịch bệnh nên rất dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ thịt và trứng kỳ đà cũng như bộ da và đặc biệt là túi mật của kỳ đà mà số lượng kỳ đà ngoài tự nhiên hiện nay không còn nhiều vì bị con người săn bắt, khai thác mạnh. Bởi lẽ đó cả 2 loài kỳ đà ở nước ta đều đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2000). Do vậy, cần thiết phải có biện pháp thuần dưỡng và nhân nuôi loài bò sát hoang dã này.

Từ năm 2001, một đề tài khoa học cấp nhà nước do GS.TSKH Trần Kiên (ĐHSPHN) chủ trì đã tiến hành theo dõi các đặc điểm sinh thái, sinh học của loài kỳ đà vân (Varanus bengalensis) trong điều kiện nhân nuôi ở miền Bắc. Đây là một bước đi mang tính đột phá bởi chúng thuộc nhóm động vật biến nhiệt, hoạt động nhiều ở nhiệt độ môi trường từ 20ºC đến 40ºC nên chỉ phân bố tại các vùng phía nam (từ Quảng Trị tới Cà Mau). Kỳ đà con 2 ngày tuổiKỳ đà con 2 ngày tuổi

Vóc dáng: Kỳ đà thuộc lớp động vật bò sát, hình dáng bên ngoài trông giống như con thạch sùng (thằn lằn) nhưng to và dài hơn, có thể dài đến 2,5 – 3m, nặng khoảng 10 kg. Đầu hình tam giác nhọn về phía mõm, mắt có con ngươi thẳng đứng. Có hai chân trước và hai chân sau, mỗi chân có 5 ngón tòe rộng, mặt dưới ngón có các nút bám để con vật dễ leo trèo.

Màu sắc của con vật thay đổi theo màu sắc của môi trường sống để ngụy trang và săn bắt mồi.

Da của kỳ đà dày hơn da của lưỡng cư. Lớp biểu bì có tầng ngoài hóa sừng và tạo thành vảy. Vảy thường xếp kiểu ngói lợp, vảy phía trước đè lên một phần vảy phía sau, phần gốc vảy gắn với nhau. Trên vảy có những mấu sừng. Vảy được thay thế định kỳ bởi các tế bào bên trong.

Kỳ đà có thể lột xác (lột da) mỗi năm một lần vào khoảng tháng  8 đến tháng 10.

Kỳ đà là con vật ưa nóng, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 60ºC nhưng không chịu được lạnh dưới 10ºC. Da của kỳ đà với vảy xếp kiểu ngói lợpDa của kỳ đà với vảy xếp kiểu ngói lợp Da của kỳ đà hoaDa của kỳ đà hoa

Đặc điểm cấu tạo và hoạt động sinh lý cơ bản của cơ quan hô hấp, tuần hoàn

Hô hấp

Đường hô hấp trên

Kỳ đà có 2 lỗ mũi nằm trên xương hàm trên, gần mỏ. Tại đây một số loài kỳ đà có tuyến bài tiết chất muối dư thừa trong cơ thể để giữ nước, các tinh thể muối màu trắng thường lắng đọng ở mũi và kỳ đà thường hắt hơi để đẩy muối đi.

Thanh quản kém phát triển nằm ở đầu khí quản, thường không có nắp che khí quản. Một số loài có bộ phận phát ra âm thanh. Ở đa số các loài thanh quản là các tấm sụn có hình chữ C như ở chó và mèo.

Đường hô hấp dưới

Ở ngực khí quản chia thành 2 phế quản trước khi vào phổi, phổi giống như ở thú gồm nhiều phế nang. Khi bị đe doạ kỳ đà phồng phổi trông lớn hơn.

Giống như ở rắn và chim, kỳ đà không có hoành cách mô, chỉ có xoang cơ thể. Hô hấp được thực hiện nhờ sự co thắt của các cơ liên sườn.

Hô hấp tuần hoàn bằng phổi. Sự thông khí tại phổi được thực hiện rất khác nhau trong mỗi nhóm bò sát chính. Ở kỳ đà thì các phổi được thông khí gần như là chỉ bằng hệ thống cơ quanh trục. Đây cũng là hệ thống cơ được sử dụng khi chúng vận động. Do sự ép buộc này, phần lớn bò sát thuộc nhóm có vảy buộc phải nín thở khi phải chạy nhanh. Các loài kỳ đà, và một số ít loài thằn lằn khác đã tận dụng cơ chế bơm miệng (thở bằng miệng) như là sự bổ sung cho “hô hấp trục” thông thường của chúng. Điều này cho phép chúng thu đủ lượng không khí cần thiết cho phổi khi phải vận động mạnh, và vì thế chúng duy trì được các hoạt động hô hấp trong một thời gian dài.

Tuần hoàn

Tim

Tim kỳ đà giống như tim trăn, với 2 tâm nhĩ và 1 tâm thất có chức năng như 2 tâm thất. Máu không có oxy theo động mạch phổi và máu có oxy đi ra theo động mạch chủ.

Mạch máu

– Hai động mạch chủ hoà lẫn sau khi toả ra từ động mạch cảnh tạo nên động mạch chủ bụng. Kỳ đà cũng có hệ tĩnh mạch cửa gan và hệ tĩnh mạch cửa thận. Vì thế giống như chim và rắn nếu chích thuốc vào tĩnh mạch cửa đuôi, sẽ bài tiết qua thận, gây độc thận và không đủ nồng độ thuốc cần thiết ở các phần khác của cơ thể.

– Kỳ đà và trăn có các tĩnh mạch bụng khá lớn nằm dưới thành bụng ngay đường giữa, cần lưu ý khi giải phẫu. Lấy máu ở tĩnh mạch đuôi.

– Kỳ đà có hệ bạch huyết tương tự trăn. Bò sát không có các cơ quan lympho riêng biệt như ở thú, thay vào đó giống như ở chim, các mô lympho tích tụ lại ở một số cơ quan chính như gan, ruột, lách. Mạch bạch huyết có khắp cơ thể. Xoang bạch huyết chạy theo chiều dài từ bụng bên ở dưới da hai bên cơ thể. Mô hình tim kỳ đàMô hình tim kỳ đà

Kỳ đà là động vật máu lạnh. Vì vậy nhiệt độ cơ thể của chúng biến nhiệt theo môi trường. Khi nhiệt độ xuống thấp khả năng tiêu hóa của nó chậm hơn so với bình thường. Khi trời lạnh khả năng chuyển hóa thức ăn trong ruột bị giảm nên ăn ít hoặc ngừng ăn. Khi nhiệt độ thấp thì khả năng tuần hoàn của kỳ đà thấp do trời lạnh các mạch máu co lại. Trong khi kỳ đà phải dùng cơ chế của tuần hoàn để điều chỉnh không cho nhiệt độ của cơ thể xuống quá thấp theo nhiệt độ môi trường. Để khắc phục tình trạng kỳ đà ăn ít khi trời lạnh cần điều chỉnh nhiệt độ phòng nuôi bằng đèn điện, điều hòa, bếp than để nâng nhiệt độ lên.

Hệ thần kinh và giác quan phát triển. Não trước và tiểu não lớn, vòm bán cầu não có chất thần kinh làm thành vòm não mới. Mắt có 2 mí (mí trên, mí dưới) và màng nháy bảo vệ.

Đặc điểm cấu tạo và hoạt động sinh lý cơ bản của cơ quan tiêu hoá

Một số loài kỳ đà có lưỡi dài có thể thò ra xa để bắt côn trùng và con mồi, dạ dày như một túi đơn giản, tiết ra axít chlohydrid và pepsin và các tuyến tiết ra chất nhầy để bôi trơn.

Kỳ đà là loài ăn thịt, có ruột non phát triển hơn các loài ăn thực vật. Gan có 2 thuỳ, nằm gần dạ dày và phổi. Các sắc tố mật là biliverdin giống như ở chim (ở thú là bilirubin). Ruột già đổ ra ruột cùng của lỗ huyệt. Lỗ huyệt gồm huyệt niệu sinh dục tiếp nhận các lỗ niệu sinh dục và ống hậu môn là ngăn cuối cùng trước khi chất thải đi qua lỗ huyệt ra ngoài.

Đặc điểm cấu tạo và hoạt động sinh lý cơ bản của cơ quan sinh sản, bài tiết

Cơ quan sinh sản

Kỳ đà đực

– Hai dịch hoàn nằm ở phía trên thận, thận kỳ đà ở phía bụng.

– Một vài động mạch và tĩnh mạch nối với dịch hoàn. Dịch hoàn trái tách biệt với tĩnh mạch thận bởi tuyến thượng thận trái. Dịch hoàn phải dính với tĩnh mạch thận phải, được ngăn bởi tuyến thượng thận phải. Do cấu tạo này việc thiến các kỳ đà đực rất phức tạp.

– Kỳ đà đực cũng có một đôi dương vật như ở trăn, nằm ở hai bên gốc đuôi. Lúc bình thường dương vật nằm trong đuôi, khi giao phối dương vật lộn ngược ra ngoài và đưa vào lỗ huyệt con cái.

Kỳ đà cái

Có 2 buồng trứng với 2 ống dẫn trứng đổ vào âm đạo, âm đạo liên thông với huyệt niệu sinh dục của xoang lỗ huyệt.

Xác định đực cái: Cách nhận biết kỳ đà đực, kỳ đà cái bằng cách lật ngửa bụng con kỳ đà để quan sát gốc đuôi và lỗ huyệt:

Gai sinh dục hai bên gốc đuôi của kỳ đà đựcGai sinh dục hai bên gốc đuôi của kỳ đà đực Vảy trên sống đuôi của kỳ đà đựcVảy trên sống đuôi của kỳ đà đực

– Kỳ đà đực: Gốc đuôi phồng to, lỗ huyệt lồi và có gờ, khi bóp vào gốc đuôi sẽ thấy gai giao cấu màu đỏ thẫm lòi ra ở lỗ huyệt, vảy trên sống đuôi của kỳ đà đực to, rõ hơn.

– Kỳ đà cái: Đuôi thon nhỏ ngắn hơn kỳ đà đực, lỗ huyệt nhỏ lép, khi bóp vào gốc đuôi không có gai giao cấu lòi ra.

Hệ bài tiết

Hai thận có hình như hạt đậu, gắn vào thành lưng ở vị trí xương chậu. Ống niệu từ thận đi vào huyệt niệu sinh dục của lỗ huyệt.

Bàng quan (bọng đáy) kỳ đà không giống như bàng quan thú, bàng quan không nối trực tiếp vào ống dẫn tiểu từ thận. Bàng quan nối với lỗ huyệt, do đó nước tiểu đi vào lỗ huyệt trước khi đi vào bàng quan. Bàng quan hấp thu nước từ dịch ở lỗ huyệt và hoạt động như 1 ngăn chứa nước, và đẩy nước ngược về ruột già để tái hấp thu.

Kỳ đà tiết chất thải chứa nitrogen dưới dạng axít uríc như ở chim, không phải urê. Hỗn hợp này không hoà tan trong nước giúp tránh mất nước. Điều này rất quan trọng vì bò sát không có quai hen-lê ở thận không thể tái hấp thu nước như ở thú. Nếu kỳ đà bị mất nước, thận bị tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng, làm giảm bài tiết axít uríc sẽ đưa đến bệnh gút như ở chim.

Lượng muối dư thừa cũng được bài tiết ra nhờ các tuyến muối ở khoang mũi hay lưỡi.

Nhận biết về ngoại hình và sức sản xuất

Nhận biết ngoại hình

Kỳ đà thuộc lớp động vật bò sát, hình dáng bên ngoài trông giống như con thạch sùng (thằn lằn) nhưng to và dài hơn nhiều, có thể dài 2,5 – 3m, nặng khoảng 10kg.

Đầu hình tam giác nhọn về phía mõm. Mắt có con ngươi thẳng đứng. Có hai chân trước và hai chân sau, mỗi chân có 5 ngón toè rộng, mặt dưới ngón có các nút bám để con vật dễ leo trèo. Màu sắc của con vật thay đổi theo màu sắc của môi trường sống để ngụy trang và săn bắt mồi.

Nhận biết về sức sản xuất

Kỳ đà sinh trưởng, phát triển mạnh mỗi lần lột xác (lột da). Sau mỗi lần lột da, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt tốc độ tăng trưởng của kỳ đà có thể tăng thêm 2 – 3 lần. Kỳ đà có thể lột da mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Kỳ đà trưởng thành sau 18 tháng tuổi có thể dài 2,5m, nặng 7 – 8 kg và bắt đầu đẻ trứng.

Trong tự nhiên kỳ đà đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa 15 – 17 trứng và chỉ khoảng 30 – 35% trứng có khả năng nở con. Nếu tổ chức ấp nở nhân tạo có thể tăng tỷ lệ đẻ lên 70 – 80%.

Nhận biết về tập tính

Tập tính bầy đàn

Môi trường sống của kỳ đà phong phú và đa dạng. Kỳ đà có mặt hầu hết các nước có khí hậu nhiệt đới, nhất là những vùng rừng núi và thường sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở đất, đá… ban ngày thường ngủ, nghỉ, ban đêm đi kiếm ăn. Tuy nhiên kỳ đà thích ở nơi có khí hậu ôn hoà, mát mẻ. Chúng sợ nóng và cũng sợ lạnh.

Kỳ đà thích ẩn mình trong các hang hốc, thích ngâm mình, săn mồi ở sông, suối như cá sấu.

Trong đời sống hoang dã khi đến mùa sinh sản kỳ đà đực, cái mới tìm đến nhau và bắt cặp chung sống với nhau suốt mấy tháng liền. Một con đực có thể sống chung với nhiều con cái.

Tập tính ăn uống

Thức ăn của kỳ đà là sâu bọ, côn trùng, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, cánh cam, nhện, mối, gián, ong, bướm, cóc, ếch nhái, gà vịt, chim chóc hoặc có thể tập cho kỳ đà ăn mồi không cử động như trứng gia cầm, cua, tôm, cá hay thịt, lòng gia súc, gia cầm (chú ý: tránh sừ dụng mỡ sa của heo vì khó tiêu hóa, và gây sưng phù nề và tổn thương đến gan). Chiều tối thả mồi côn trùng, sâu bọ hay chuột vào chuồng cho kỳ đà ăn. Mỗi con kỳ đà ăn khoảng 2 – 3 con chuột hay ếch nhái… là đủ bữa cho cả ngày. Tuy nhiên, trong chuồng nên đặt sẵn máng đựng thức ăn, nước uống cho kỳ đà ăn, uống tự do.

Thích ăn mồi di động: cũng như các loài lưỡng cư ếch, nhái. Mặc dù thị lực không kém như ếch, nhái nhưng sở thích của kỳ đà là ăn mồi di động, tức con mồi còn sống chạy nhảy trước mặt nó. Nó thích vồ chụp con chuột chạy phía trước, thích rướn mình lên táp con bướm đang bay,…Nhưng khi nuôi nhốt trong chuồng, kỳ đà cũng thích ăn những thức ăn do người nuôi chế biến. Thức ăn khoái khẩu nhất của kỳ đà là xác động vật đã bốc mùi thối rữa. Tuy nhiên khi nuôi nhốt hạn chế thức ăn này vì dễ gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi, mang mầm bệnh,…

Trong tự nhiên, kỳ đà có ích cho con người, tiêu diệt chuột, côn trùng. Nuôi kỳ đà không tốn thức ăn đắt tiền mà còn tiêu diệt được chuột, côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa màng.

Không đưa mồi nhiều vào chuồng và phải thường xuyên phân loại vì lý do:

– Không kiểm tra được khẩu phần ăn của từng con.

– Dư thừa thức ăn gây tốn kém và lãng phí, chán ăn và gây ô nhiễm.

– Trưởng thành không đồng đều.

– Ảnh hưởng đến chất lượng và giảm số đầu con.

– Ngăn ngừa cắn nhau, tránh thất thoát.

– Phát hiện kịp thời những con ăn kém hoặc không ăn để và cách ly theo dõi bệnh để điều trị.

Tập tính sinh sản

Kỳ đà trưởng thành sau 18 tháng tuổi có thể dài 2,5 m, nặng 7 – 8 kg và bắt đầu đẻ trứng. Trong tự nhiên, kỳ đà đẻ trứng mỗi năm một lứa, mỗi lứa 15 – 17 trứng và chỉ khoảng 30% – 35% trứng có khả năng nở con. Nếu chúng ta tổ chức nhân tạo đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì tỷ lệ ấp nở có thể đạt 70% – 80%.

Giống như cá sấu, rùa, ba ba, kỳ đà đẻ trứng nhưng không biết ấp. Trong đời sống hoang dã khi đến mùa sinh sản kỳ đà đực, cái mới tìm đến nhau và bắt cặp chung sống với nhau suốt mấy tháng liền. Một con đực có thể sống chung với nhiều con cái.

Khi đẻ trứng kỳ đà tìm đến các bộng cây, hốc đất, hốc đá ở ven sông,  suối để đẻ trứng. Có bao nhiêu trứng trong bụng kỳ đà đẻ hết 1 lần giống như cá sấu cho đến hết trứng thì thôi. Đẻ xong kỳ đà cái biết cách ngụy trang khéo léo bằng cách tha đất, cát, lá cây phủ lấp ổ trứng của nó để che giấu kẻ thù. Tuy nhiên, khi nuôi nhốt, kỳ đà mất tập tính này và khi kỳ đà mẹ đẻ trong chuồng nuôi, sau khi đẻ xong ăn lại trứng hoặc bị kỳ đà khác trong chuồng ăn trứng, vì vậy người nuôi cần lưu ý thời gian kỳ đà đẻ trứng để thu lượm tránh hao hụt.

Tập tính phòng vệ

Chạy nhanh: Kỳ đà thuộc loài bò sát nhưng có biệt tài bò hay, chạy giỏi và leo trèo rất tài tình. Trông dáng kỳ đà dài và nặng nề nhưng ngoài tự nhiên khi sục sạo tìm mồi kỳ đà bò rất nhanh, khi bị rượt đuổi chạy rất nhanh.

Leo trèo: Kỳ đà có 4 chân, mỗi chân có 5 ngón. Đặc biệt mặt dưới mỗi ngón đều có giác hút, nhờ đó mà bám chặt được vào mặt phẳng trơn láng và cứ thế mà leo lên, leo xuống dễ dàng. Vì vậy, khi làm chuồng nuôi kỳ đà cần lưu ý độ cao cũng như độ trơn láng của tường rào để khống chế kỳ đà trong chuồng. Chân kỳ đà có 5 ngónChân kỳ đà có 5 ngón

Có tập tính nhịn ăn: kỳ đà có thể nhịn ăn 1 vài tuần không chết mà vẫn khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, khi nuôi nhốt trong chuồng ta  không lợi dụng đặc tính này mà cho chúng ăn uống thất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản.

Bơi lội giỏi: tuy là động vật sống trên cạn nhưng kỳ đà bơi lội giỏi không thua gì cá sấu. Chúng có khả năng ngâm mình dưới nước hàng giờ để trốn hay rình mồi như cá sấu. Tuy nhiên kỳ đà chỉ săn mồi dọc sông, suối. Khi bị rượt đuổi cùng đường trốn tránh kỳ đà mới lao xuống nước để thoát thân.

Lột da: mỗi năm kỳ đà lột da một lần vào khoảng tháng tám, tháng chín. Cách lột da của nó cũng như cách lột da của rắn: tìm nơi yên tĩnh nằm im trong 1 – 2 ngày rồi bộ da cũ phồng rộp bong tróc ra giúp nó có bộ da mới bóng bẩy.

Sau thời kỳ lột da, tốc độ tăng trưởng kỳ đà tăng rất nhanh, gấp 2 – 3 lần so với trước đó.

Thay đổi màu da: Để kẻ thù và con mồi khó phát hiện ra mình, con kỳ đà được trời phú cho cái tài ngụy trang một cách tài tình và khéo léo bằng cách thay đổi màu da trên khắp mình nó hợp với màu sắc môi trường xung quanh một cách nhanh chóng và dễ dàng. VD: Nếu nằm trong tán lá xanh tươi thì da đổi màu xanh lá cho tiệp, nếu bám vào thân cây khô thì bộ da biến màu xám mốc giống màu của cây khô.

Tập tính chống trả: Kỳ đà là con vật hiền nhưng lại nhát. Bình thường khi nghe tiếng động hoặc thấy người kỳ đà trốn chạy. Nhưng khi bị dồn vào đường cùng không còn lối thoát, chúng trở nên hung dữ. Người chăn nuôi cần biết cách khống chế kỳ đà, tránh để bị kỳ đà cắn vì khi kỳ đà cắn sẽ không nhả miệng ra và lúc này phải dùng vật cứng cạy miệng kỳ đà.

0