Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng xiêm
Hồng xiêm là cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc ở vùng tây nam Mêhicô nhập vào nước ta từ 1890, được trồng ở nhiều vùng trong nước. Quả hồng xiêm chín ăn rất ngọt, có mùi thơm nhẹ mát và mềm ngon. Hồng xiêm dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu được úng. Trồng được và cho quả tốt ở vùng đồng ...
Hồng xiêm là cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc ở vùng tây nam Mêhicô nhập vào nước ta từ 1890, được trồng ở nhiều vùng trong nước. Quả hồng xiêm chín ăn rất ngọt, có mùi thơm nhẹ mát và mềm ngon. Hồng xiêm dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu được úng. Trồng được và cho quả tốt ở vùng đồng bằng, vùng đồi, vùng đất hơi chua mặn. Trồng bằng cành chiết sau khoảng 3 năm có quả, sản lượng tương đối cao và ổn định, ít mất mùa. Hồng xiêm, là cây thân gỗ cao có tán đẹp, lá xanh quanh năm vừa là cây cho quả, cây bóng mát, vừa là . Trồng hồng xiêm cho thu nhập khá, nhất là các tháng hiếm quả trên thị trường.
Hồng xiêm gồm có các giống
Hồng xiêm Xuân Đỉnh: Trồng nhiều ở xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Tán cây có hình chổi xể, cây thưa thoáng. Lá màu xanh vàng, mặt lá hơi vênh, mép lá có gợn sóng, đầu lá tù. Quả hình tim, trọng lượng trung bình 100g, chín ăn rất ngọt, thơm nhẹ, rất ít xơ, không có cát. Là giống chín sớm nhất trong các giống hồng xiêm hiện có.
Hồng xiêm Thanh Hà: Trồng nhiều ở Hải Dương. Tán cây có dạng hình cầu, cây rậm rạp, khoẻ, nhiều cành. Lá nhỏ và dài hơn hồng xiêm Xuân Đỉnh, quả nặng trung bình 80g, cây sai quả, khi chín ăn có nhiều cát nên ít hấp dần người mua. Quả chín muộn hơn hồng xiêm Xuân Đỉnh.
Hồng xiêm quả trám: Tán cây có dạng hình tháp, phân tầng, cành nhỏ. Lá màu xanh, nhỏ, thuôn dài về hai đầu. Quả nhọn có hình quả trám, trọng lượng trung bình 66g, rất sai quả, quả đậu thành chùm. Quả chín ăn rất ngọt, không có cát, nhưng thịt quả hơi nhão, quả nhỏ hơn hồng xiêm Xuân Đỉnh.
Hồng xiêm quả nhót: Tán cây dạng hình tháp, phân tầng, góc độ phân cành so với thân chính tương đối đồng đều, lá nhỏ, thon dài màu xanh đậm, mép lá không gợn sóng. Quả hình nhót, thường đậu quả thành chùm, quả nhỏ – trung bình 56g. Quả chín ăn ngọt, ngon, không có cát.
Hồng xiêm quả dài: Tán cây hình chổi xể, cành lá xoè rộng. Lá to màu xanh nhạt, mép lá gợn sóng. Quả to hơn hồng xiêm quả nhót, quả dài có dạng hình ôvan. Quả chín thì ngọt, ăn ngon, không có cát.
Hồng xiêm Đồ Trạch (còn gọi là hồng Dăm): Tán cây có dạng hình tháp, cành lá rậm rạp, lò màu xanh đậm, lá to và dài hơn so với hồng xiêm Xuân Đỉnh và Thanh Hà, mép lá không có gợn sóng, lá bóng và nhẵn. Quả to trung bình 120g, không có cát là giống quả chín muộn nhất (sang tháng 4).
Ngoài các giống hồng xiêm kể trên, ở Huế còn có các giống quả dài trông tựa quả xoài: Quả to, có trọng lượng 200 – 300g, ngoài ra còn có giống quả tròn, quả to cỏ thể đến 300g, ăn ngọt, nhiều nước. Cả hai loại này thịt quả không chắc và mịn như hồng xiêm Xuân Đỉnh.
Yêu cầu ngoại cảnh
Khí hậu thích hợp nhất cho hồng xiêm là nhiệt độ nhiệt cao vào khoảng 11 – 34°C, không có sương muối, mưa nhiều và đều trong năm khoảng 1000 – 1500mm, độ ẩm cao, ánh sáng nhiều. Hồng xiêm không ưa khí hậu nóng và khô, cây có thể chịu được chua mặn ở một độ nhất định. Khi cây đã lớn có khả năng chịu hạn tốt.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Thời vụ: Hồng xiêm có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa cây dễ sống hơn cả. Không trồng rễ trần mà phải trồng bằng bầu đất. Vườn nhà không nên trồng quá dày. Khoảng cách thường là 8 – 10m. Khi mới trồng phải tưới thường xuyên, nhất là khi trồng vào mùa khô.
Bón phân: Hồng xiêm có nhu cầu cao về phân bón. Khi cây còn nhỏ chủ yếu tưới nước phân chuồng, phân lợn, phân ngâm ủ hoà loãng với nồng độ tăng dần từ 1: 100 đến 1: 3 – 5. Cây bước vào thời kỳ lớn đang cho nhiều quả thì phải bổ sung thường xuyên lượng phân cho cây. Phân chuồng 50 -100kg, urê 0,6 – 1kg, supe lân 0,8 – 1kg, sulfat kali 0,6 – 1,0kg cho một cây.
Cách bón: đào rãnh sâu 30cm, rộng 30 – 40cm theo hình chiếu của tán cây. Cho toàn bộ phân chuồng, phân lân và 1/2 phân kali xuống, lấp kín đất. Số phân còn lại dùng để bón thúc. Thời vụ bón thích hợp là tháng 2 – 3 và tháng 6 – 7. Ngoài ra còn tập trung bón cho cây sau đợt thu hoạch quả vụ màu nhằm hồi sức cho cây, chuẩn bị đón đợt lộc mới. Nhiều nơi còn dùng bùn ao (phơi khô) bón vào gốc cho hồng xiêm vừa có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa cạp thêm đất cho bền gốc, chống được bão.
Phòng trừ sâu bệnh: Hồng xiêm được xem như cây ăn quả ít có sâu bệnh, nhưng để đảm bảo cây sinh trưởng tốt ra hoa đậu quả nhiều cần chú ý các loại sâu sau:
Rệp hại hồng xiêm: Như một lớp bông trắng bám dính vào phía gốc cuống lá, cuống hoa ở các ngọn cành. Sâu trưởng thành, sâu nọn đều chích hút dịch của mầm, chồi hoa làm cho bộ phận bị hại khô héo từ đám, cành lá phát triển chậm, gây rụng hoa. Rệp thường hại từ tháng 4 – 5 trở đi, khi rệp hoạt động gây hại còn quyến rũ cả kiến tạo điều kiện cho các loại nấm phát triển ảnh hưởng đến quanh hợp của cây. Cách phòng trừ: nếu ít thì bắt diệt bằng tay, nếu nhiều thì dùng Wofatox 0,1 – 0,2 % hoặc BI 58 0,1 – 0,2% để phun. Cũng có thể dùng Basudin 10% phun lên lá để trừ sâu non.
Sâu hại lá non, nụ hoa, quả non: Sâu xuất hiện và gây hại quanh năm nhưng hoạt động mạnh vào lúc hồng xiêm có cành non và xuất hiện chồi non (tháng 4 – 5, tháng 7 – 9). Dùng BI 58 nồng độ 0,1% – 0,2% để phun. Nếu ở gần nhà có thể phun dùng Dipterex 0,1 – 0,2 để đỡ độc hại cho người.
Dơi: Xuất hiện khi có quả chính trên cây. Cách phòng tốt nhất là giăng lưới bắt cho được một vài con, sau đó treo ngược lên cây, các con khác trong bẫy sợ sẽ bỏ đi. Hoặc có thể dùng cây nứa chẻ nhỏ thành nhiều thanh nhỏ ở đằng ngọn, cằm một số cây xung quanh cây hồng xiêm gặp gió các thanh này va vào nhau phát thành tiếng, và các cạnh sắc của nứa làm cho dơi sợ phải bay đi.
Chống bão cho hồng xiêm: cần áp dụng một sô biện pháp trước khi có bão:
Lấy rơm rạ hoặc bổi (cỏ khô) bó lại chèn vào giữa các cành lớn và ghì các cành ấy vào bó rạ, để khi có bão gió đập mạnh rạ và bổi giúp cành cây không bị lay nhiều, không bị gió to bẻ gãy cành.
Lấy cọc buộc giấy néo cây nọ sang cây kia, nhất là đối với thân cây lớn, các cành chính, giữ chặt lấy nhau không cho gió lay mạnh, tránh bị gãy thân, gãy những cành lớn. Có thể lợi dụng thân cây cau hay những cây lớn khác dùng làm điểm tựa để buộc cố định thân và cành cây hồng xiêm.
Khi có bão thường có mưa to kèm theo nếu có thể dùng nilông phủ kín mặt đất theo hình chiếu của tán cây, từ trong gốc trở ra để chống nước mưa vào gốc làm nhão đất, gốc bị lung lay, đứt rễ, sau bão cây không gãy cành nhưng vẫn bị chết do bộ rễ bị thương.
Nếu biết có bão lớn thì dùng kéo cắt bớt cành ở ngoài tán để cây nhẹ, tăng sức chịu đựng khi gió to. Ở vùng hay có bão nên tạo hình cây thấp có tán xoè rộng ra bốn phía là tốt hơn cả.
Bón vun vào gốc một lớp bùn ao phơi khô vừa là nguồn bổ sung dinh dưỡng vừa có tác dụng cạp thêm đất cho bộ rễ, nên làm vào sau mùa thu hoạch quả.
Hái quả và rấm quả: ở miền Bắc sau khi thụ phấn phải 8 – 10 tháng quả mới chín, còn ở miền Nam chỉ cần sau 4 – 6 tháng.
Tiêu chuẩn xác định độ già để thu hái là: Cuống quả nhỏ lại, tai vểnh lên (lá đài vểnh lên không dính sát vào quả như trước), lớp phấn nâu xám ngoài quả rạn nứt và bong ra, vỏ quả chuyển màu xanh vàng và nhẵn.
Bổ đôi quả, thấy thịt quả đã chuyển màu nâu vàng là có thể hái xuống để rấm.
Sau khi hái quả xuống đem ngâm nước 30 phút. Có thể ngâm trong nước vôi trong, sau đó lấy giẻ ướt lau sạch phấn nâu ở vỏ quả và nhựa ở cuống quả rồi hong khô nơi thoáng gió, mát mẻ. Khi quả đã khô cho vào thùng phuy, chum vại hoặc thùng gỗ lót rơm rạ xung quanh thành, đốt hương thẻ hoặc hương đen, đậy kín bằng nilông. Mùa hè chỉ cần ủ 2 ngày với 2 lần thắp hương, còn mùa đông khi hái quả xuống không ngâm nước chỉ lấy giẻ lau sạch phấn và nhựa rồi rấm trong điều kiện đủ ấm xung quanh trong 4 – 6 ngày với 4 – 6 lần hương (7 – 10 nén) quả mới chín.