23/05/2018, 15:24

Phương pháp chăm sóc lươn

Tuy lươn sống trong bùn lầy, nơi ao tù nước đọng, nhưng nuôi nó không phải nhẹ công chăm sóc lươn. Vì vậy, nuôi lươn mà xem nhẹ khâu này dễ bị thất bại. Thật ra, công chăm sóc dành cho lươn nuôi cũng không có gì khó khăn và nặng nhọc, so với việc nuôi tôm cá hay các loài thủy sinh khác. Tất cả ...

Tuy lươn sống trong bùn lầy, nơi ao tù nước đọng, nhưng nuôi nó không phải nhẹ công chăm sóc lươn. Vì vậy, nuôi lươn mà xem nhẹ khâu này dễ bị thất bại.

Thật ra, công chăm sóc dành cho lươn nuôi cũng không có gì khó khăn và nặng nhọc, so với việc nuôi tôm cá hay các loài thủy sinh khác. Tất cả mọi việc cũng không ngoài khâu cung cấp nước sạch vào ao, hồ, rồi cho ăn nống no đủ, và tu bổ hồ nuôi lươn để tránh việc chúng đào thoát hết ra ngoài.

Trong việc chăm sóc này, có một số ít công việc phải cập nhật hóa, nhưng cũng có công việc chỉ thực hiện có định kỳ. Do đó, nếu biết tổ chức có khoa học, thì dù việc có nhiêu khê đi nữa cũng thực hiện dễ dàng và nhẹ nhàng. chăm sóc lươnchăm sóc lươn

Giữ nước sạch

Mực nước trong ao, hồ nuôi lươn thường không sâu, chỉ khoảng 20cm. Sở dĩ mực nước trong ao chủ nuôi cố tình hạ thấp như vậy là vì tránh cho lươn bơi lội nhiều khiến phải tiêu hao nhiều năng lượng. Nhất là những ao hồ nuôi lươn thịt.

Do lượng nước bị hạn chế như vậy nên mau bẩn. Góp phần nhiều nhất vào việc gây bẩn này là do thức ăn thừa rơi vãi dễ làm thối nước. Vì vậy, nếu để lâu ngày, môi trường sống của lươn sẽ nhiễm độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của lươn.

Nguồn nước bị ô nhiễm lươn sẽ bị ngộ độc, hô hấp khó khăn nên chúng nổi đầu lên mặt nước để thở, trong khi thân mình nó dựng đứng lên gần như bất động. Trong trường hợp này ta phải cấp tốc thay nước mới vào ngay. Cách cấp cứu tốt nhất là vừa tháo nước cũ trong ao ra, đồng thời cấp ngay nước mới vào, cho đến một lúc nào đó nước trong ao sạch sẽ, và sức khỏe của đàn lươn đã trở lại bình thường thì mới ngưng. Nếu chờ rút một phần nước cũ ra, sau đó mới châm nước mới vào e rằng không kịp!

Để tránh tình trạng xấu này, tốt nhất là hàng ngày hay hai ngày một lần, nên thay nước mới vào ao lươn. Mỗi lần thay, tháo bớt 2/3 nước cũ trong ao, hồ ra ngoài, và bơm nước mới vào vừa mức ấn định. Xin lưu ý: lươn có thể nhịn đói lâu ngày không chết, nhưng rất dễ chết khi bị ngộ độc nước.

Cho ăn no đủ và đúng giờ

Nuôi lươn mỗi ngày chỉ cho ăn có một bữa, mà là bữa tối. Vì vậy, mọi việc cụ bị cho bữa ăn đó không có gì khó khăn đối với người nuôi lươn cả. Như vậy, không vì lý do để ta bắt lươn phải ăn thất thường bữa đói bữa no!

Lươn tuy có tài nhịn ăn một hai tuần mà không chết, nhưng không chết không có nghĩa là nó vẫn mập mạp. Điều tai hại mà chúng ta đã biết, hễ quá đói lươn sẽ ăn thịt lẫn nhau. Vì vậy hàng ngày ta nên cho lươn ăn no đủ, và tập cho chúng ăn đúng giờ, đúng chỗ. Như vậy là tập cho chúng đi vào nề nếp: hễ đến giờ nào đó là rủ nhau đến nơi nhất định để được ăn no.

Điều quan trọng trong khâu cho ăn là phải tính toán đúng mức lượng thức ăn vừa đủ: nếu cung cấp thiếu lươn sẽ đói, mà hễ thường xuyên bị đói thì lấy đâu ra năng lượng để sinh trưởng tốt được; mà cung cấp thức ăn dư thừa sẽ dẫn đến hai điều hại, một là hao phí thức ăn, hai là làm ô nhiễm môi trường sống của lươn. Nên nhớ sức ăn mạnh hay yếu của lươn là tùy theo mùa. Tốt nhất là nên theo dõi lượng thức ăn thừa, thiếu của bữa ăn hôm trước ra sao để theo đó mà gia giảm đúng mức lượng thức ăn cho ngày kế tiếp. Nhất là trong trường hợp phải thay loại thức ăn mới.

Che mát cho lươn

Tập tính của lươn là thích sống ở nơi yên tĩnh và tăm tối, vì vậy ban ngày chúng chỉ sống ru rú trong hang, hay ẩn mình dưới những bè rong bèo, cây cỏ um tùm, hoặc lủi vào lớp bùn sình. Chỉ có ban đêm tối trời, lươn mới đi kiếm ăn bên ngoài mà thôi.

Vì vậy, nếu ao hồ nuôi lươn làm ở bên ngoài, nếu không lợp mái cho kín đáo thì ta cũng nên làm giàn che mát bên trên cho lươn được mát mẻ, nhất là trong mùa nắng nóng. Nếu không, nên thả nhiều lục bình hay các loại cỏ nước vào ao, sao cho chiếm khoảng 2/3 mặt ao vừa che mát vừa làm nơi trú ẩn kín đáo cho lươn, lại giúp nước trong ao hồ được sạch (rễ lục bình có khả năng hút các chất bẩn trong ao giúp nước ao trong sạch). Trước khi thả lục bình vào ao, ta nên ngâm bộ rễ vào nước sạch bên ngoài một vài ngày để “tẩy rửa” hết những tạp chất cũng như các côn trùng khác đeo bám.

Giữ ấm cho lươn

Lươn có khả năng chịu nóng giỏi hơn chịu lạnh. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với lươn như ta đã biết là từ 24 độ c đến 28 độ c. Nhiệt độ nếu dưới 10 độ c, lươn ngừng mọi hoạt động, kể cả ăn mồi để tìm chỗ trú rét.

Vào mùa lạnh, mực nước trong ao hồ nuôi lươn nên hạ xuống mức 20cm, rồi chất đống rơm rạ vào một góc ao để lươn chui vào đó tránh rét. Nếu không sẵn rơm rạ, có thể dùng chuối cây chất lên nhau vài lớp cũng tốt.

Ngăn giữ lươn đào thoát

Lươn tuy chỉ biết ngoằn ngoèo chậm chạp trên cạn, nhưng chúng có nhiều cách để đào thoát ra khỏi khu vực nuôi chúng. Nếu nuôi mà không có biện pháp hữu hiệu để giữ lươn lại trong ao thì không cách nào tránh được sự lỗ lã. Có nhiều cách để ngăn lươn đào thoát ra ngoài:

Tu bổ bờ bao: Bình thường bờ bao quanh ao hồ nuôi lươn ở ngoài trời chỉ cần cao hơn mực nước bên trong khoảng 30cm đã là an toàn, vì lươn không thể rướn hết thân mình lên để trườn ra ngoài được. Nhưng khi trời mưa, nếu nước tràn đầy mà không có cống xả tràn hữu hiệu thì lươn sẽ nương theo mực nước tràn để thoát hết ra khỏi ao nuôi một cách dễ dàng. Đó là chưa nói tai họa do bờ bao bị sạt lở. Vì vậy, tốt nhất mỗi ao nuôi lươn nên đặt cống xả tràn, đồng thời thường xuyên phải tu bổ bờ bao cho chắc chắn.

Sau cơn mưa, đất bờ bao trơn trợt, dù bờ bao đủ cao, lươn vẫn có thể bò được ra ngoài. Do đó, khắp bề mặt bờ bao nên phủ bạt ni lông. Và bên trên bờ bao nên cẩn thận làm hàng rào lưới kẽm bao quanh, nếu không cũng nên căng bạt để ngăn ngừa kẻ thù của lươn như rắn, rái cá (nếu ở khu vực gần sống suối) bò vào ao nuôi để sát hại lươn.

Tu bổ cống bộng: Lươn thường nương theo những khe nứt, những lỗ mọi, hoặc hang cua còng, những chỗ sụp lở ở cống bộng mà đào thoát ra ngoài, cống bộng là nơi thường xuyên bị luồng nước tác động vào nên dễ bị sụp lở, nhất là trong mùa mưa bão. Vì vậy, trong mùa mưa, nhất là khi có cơn mưa lớn ập đến, ta nên chịu khó đến tận nơi để quan sát, nếu thấy nơi nào cống bộng gặp sự cố thì nên tu bổ kịp thời.

Với hồ nuôi lươn bằng gạch, lươn gần như không còn phương cách để đào thoát ra ngoài được.

Ngăn ngừa kẻ thù của lươn

Lươn là mồi ngon của các loài gia cầm và thú ăn thịt. May một điều là ban ngày lươn không lộ diện nên gà vịt, ngan ngỗng mới buông tha cho chúng. Chỉ ban đêm lươn đi ăn, lại có thói quen trồi lên chỗ cạn nên mới bị chó, mèo và các loài chim ăn đêm như cú mèo rình rập tàn sát mà thôi. Nếu ao hồ nuôi lươn ở vùng gần sống rạch, nên ngăn ngừa rái cá, kỳ đà… Những giống này khi đã ăn quen lọt vô ao là bầy lươn coi như gặp đại họa.

0