Phương pháp nuôi lươn thịt
không khó. Những vị nào đã từng có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá đều có khả năng nuôi lươn thịt thành công. Trước đây, hơn 40 năm, nhiều nông dân mình cũng đã làm quen với nghề nuôi lươn thịt, tiếc là thời đó do điều kiện khách quan có mà chủ quan cũng có nên kết quả là số người thành công ...
không khó. Những vị nào đã từng có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá đều có khả năng nuôi lươn thịt thành công.
Trước đây, hơn 40 năm, nhiều nông dân mình cũng đã làm quen với nghề nuôi lươn thịt, tiếc là thời đó do điều kiện khách quan có mà chủ quan cũng có nên kết quả là số người thành công thì ít mà người thất bại lại chiếm số đông.
Ngày nay, phong trào nuôi lươn thịt được đồng bào cả nước đã và đang hăng hái nhập cuộc, nhất là tại nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long… và nhiều người đã gặt hái được thành công như ý muốn. nuôi lươn thịt
Lươn thịt ngày nay là mặt hàng được ưa chuộng nhất và bán chạy nhất, có giá cao nhất so với các loại cá đồng khác, kể cả cá lóc. Lúc hút hàng, có thể bán được đến bốn năm chục ngàn một ký, còn bình thường cũng có giá trên dưới 30 ngàn. Dĩ nhiên, loại lươn càng lớn con càng bán được giá cao hơn, vì được thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu ưa chuộng hơn. Những con lươn có trọng lượng từ một ký trở lên bao giờ cũng bán được giá cao hơn so với loại lươn bốn năm con mới được một ký. Và dĩ nhiên loại lươn chỉ nhỉnh hơn ngón tay, mười con một ký coi như chỉ bán mớ mà thôi, không được bao nhiêu tiền!
Cách chọn lươn giống
Ngày nay hình như chưa có trại nuôi lươn nào trong nước ta sản xuất được lươn con làm giống. Và, trong giai đoạn đầu này, nếu có nơi nào sản xuất được chắc cũng chỉ vừa đủ để họ dùng chứ chưa đủ để bán đại trà ra ngoài được. Do lẽ đó, người nuôi lươn thịt hiện nay, đa số chỉ còn cách tìm mua lươn giống tại các chợ, các vựa mà nuôi, số người vớt được lươn bột, lươn con ngoài tự nhiên đem về ương lên làm giống chắc cũng không nhiều.
Số lươn mua tại chợ, tại vựa, một số là lươn nuôi, một số săn bắt ngoài tự nhiên, trong đó nhiều nhất là thu hoạch được trong các vụ tát bàu, đìa, đặt trúm và cả lươn câu được.
Loại lươn săn bắt ngoài tự nhiên mua về nuôi thịt rất tốt, vì đa số khỏe mạnh. Nhưng loại lươn câu được thì dứt khoát không nuôi. Vì lẽ con lươn khi ăn mồi thường nuốt trọng, có nghĩa nuốt cả lưỡi câu lẫn miếng mồi vào bụng. Người thợ câu chỉ việc cắt đứt sợi dây câu sát miệng lươn rồi đem ra chợ bán cho người mua đem về ăn thịt. Nếu lỡ mua những con lươn này về nuôi, chắc chắn không con nào sống được. Ngay những con lươn dính lưỡi câu bị rách mép cũng không nên chọn nuôi, dù biết nó có thể sống.
Còn loại lươn nhỏ mua tại các vựa do người bán đã “rộng” lại để bán dần lâu ngày, bản thân chúng bị bầm giập do nhiều lần bị bắt lên thả xuống để lựa chọn nên hầu hết đều suy yếu. Nhiều con chỉ ốm tong teo, chơ vơ cái đầu là nổi bật, còn thân mình cơ hồ chỉ còn da bọc xương! Nói cách khác, đây là những con lươn đã bị ế chợ, do không đủ cân lượng, đã nhỏ lại ốm yếu. Loại lươn này tất nhiên bán với giá rẻ.
Mua lươn về làm giống, dù là nuôi thịt, cũng phải cẩn thận trong việc chọn lựa kỹ càng. Nên chọn những con thực sự khỏe mạnh, còn khả năng trườn bò, luồn lách khá giỏi. Dứt khoát loại bỏ những con bị thương tật như trầy da, cụt đuôi, và những con quá ốm…
Về kích cỡ, không nên chọn lươn to mà là lươn nhỏ, khoảng ba bốn mươi con một ký, cỡ này nuôi mau lớn lại rẻ tiền.
Ao, hồ nuôi lươn thịt
Nuôi lươn thịt có thể tiến hành ngoài ao đất hay hồ xi măng. Loại ao hồ này làm theo kiểu cách như chúng tôi đã trình bày ở bài trước. Có điều, lươn thịt thường nuôi với số lượng nhiều nên ít ai nuôi trong ao hồ có diện tích nhỏ như cách nuôi lươn con, lươn giống. Vì vậy nuôi lươn thịt trong ao đất có vẻ tiện lợi hơn.
Loại ao đất nuôi lươn thịt theo cách mà nhiều người dang nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay do hợp với môi trường sống của lươn ngoài thiên nhiên nên lươn nuôi mới sinh trưởng tốt và tăng trọng nhanh, nhờ đó mà nhiều người “thắng” lớn.
Ao rộng chừng ba bốn chục mét vuông đến cả trăm mét vuông, đủ nuôi được từ 40kg đến cả trăm ký lươn giống. Ao được đào âm xuống đất khoảng 50cm, đáy ao được vét bằng phẳng, và số đất đào lên này dùng để đắp bờ bao cao thêm khoảng 30cm. Ao cũng có cống xả cạn, cống xả tràn đầy đủ. Sau đó, dùng bạt hay tấm ni lông phủ khắp mặt đáy ao, và phủ chụp lên bờ bao, làm như vậy nhằm mục đích ngăn ngừa lươn bên trong không thể đào hang và cũng hết cách đào thoát được ra ngoài.
Dưới đáy ao là lớp đất mùn, hoặc đất thịt, đất sét pha dày cỡ 20cm, trên đó là mực nước cao khoảng 30cm. Để che mát cho lươn, đồng thời cũng làm nơi trú ẩn kín đáo cho nó, người ta phủ xanh 2/3 diện tích mặt ao bằng những vạt lục bình và các loại cỏ nước. Nhiều người còn cẩn thận làm giàn che bên trên, hoặc lợp mái che bằng vật liệu thô sơ như tre nứa, cỏ tranh hay rơm rạ để giúp lươn tránh được nắng rọi mưa tạt.
Do được nuôi trong môi trường sống hợp với tự nhiên như vậy nên lươn mau lớn, có thể thu hoạch 6 tháng một lứa lươn.
Mật độ thả lươn
Lươn giống mới mua về không nên thả xuống ao nuôi ngay, mà nên thả vào thau lớn hay lu khạp nuôi tạm độ mười lăm phút trong nước có pha muối với nồng độ 4 phần trăm để trị các bệnh kí sinh trùng và nấm. Sau đó vớt chúng sang bể nhỏ chứa nước sạch trong vài ngày để kiểm tra lại xem có cần thiết phải loại bỏ thêm những con nào quá yếu hay không rồi mới thả vào ao nuôi. Những ngày nuôi tạm này không cần thiết phải cho lươn ăn.
Có điều chắc quí vị cũng biết, trước khi thả lươn giống vào ao nuôi, ta phải lựa chọn kỹ lươn cùng cỡ với nhau để nuôi chung ao. Những lươn có kích thước nhỏ hơn, hay lớn hơn phải nuôi sang ao khác. Có lựa kỹ như vậy mới tránh được sự hao hụt đáng tiếc do con lớn sẽ ăn con bé khi chúng quá đói.
Khởi đầu, đề nghị thả nuôi với mật độ như sau:
– Loại lươn con 3 tháng tuổi, dài cỡ 7cm thả, 1,5kg (khoảng 150 con) trong một mét vuông.
– Loại lươn con 6 tháng tuổi, có thân dài 15cm, thả 1kg (khoảng 50 con) nuôi trong một mét vuông.
– Loại lươn lứa một năm tuổi, có thân dài 25cm, thả 1kg (khoảng 15 con) nuôi trong một mét vuông.
Tổt nhất, 4 tháng sau nên xả cạn nước ao, bắt lươn lên lựa lại theo từng cỡ để nuôi riêng, như vậy mới tránh được con lớn nuốt con bé, con mạnh tranh hết mồi của con yếu.
Thức ăn dành cho lươn thịt
Thức ăn dành nuôi lươn thịt cũng cùng loại thức ăn nuôi các loại lươn khác như lươn con, lươn giống. Thành phần chủ yếu vẫn là đạm động vật như trùn chỉ, trùn đất, giòi, các loại sâu bọ, côn trùng, tôm tép, cua ốc, cá vụn.
Để đỡ chi phí phần nào thức ăn nuôi lươn thịt, các chủ nuôi thường tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao trước khi thả lươn vào nuôi. Chẳng hạn bón lót phân chuồng vô ao để tạo phiêu sinh vật như bo bo, độc nhãn, rận nước, trùng cỏ artemia… rồi nuôi cá bảy màu, cá rô phi, những loại cá sinh sản nhanh và là thức ăn vừa miệng của lươn nuôi. Nếu nguồn thức ăn tự nhiên này mà dồi dào thì lượng thức ăn cung cấp hàng ngày sẽ giảm bớt đáng kể.
Thức ăn của lươn thường dễ kiếm và rẻ tiền. Nếu tập cho lươn thịt ăn được thức ăn nhân tạo lại đỡ tốn kém.
Thời gian nuôi lươn
Tùy theo cỡ lươn thả nuôi lúc đầu lớn nhỏ ra sao mà thời gian nuôi mỗi lứa ngắn ngày hay dài ngày. Ví dụ: lúc thả nuôi lươn giống mới một vài tháng tuổi thì phải nuôi một năm sau mới thu hoạch được. Ngược lại, khi thả nuôi là lươn đã một năm tuổi thì một năm có thể nuôi được hai lứa. Quý vị cần nhớ: lươn càng lớn thì giá bán càng cao, vậy tại sao chúng ta lại “đi gặt lúa non” khi lươn chưa đủ độ lớn (khoảng 100gr/con) đã vội bán ra.