Giới thiệu nghề nuôi lươn
Gần thế kỷ nay, nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực đã đến với nghề nuôi lươn theo dạng công nghiệp hóa đã thành công tốt đẹp. Từ xa xưa, lươn được coi là loài cá nước ngọt như cá chạch, cá nheo (mình cũng có nhớt trơn tuột như lươn), nhưng so với các loài cá vừa kể, ...
Gần thế kỷ nay, nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực đã đến với nghề nuôi lươn theo dạng công nghiệp hóa đã thành công tốt đẹp.
Từ xa xưa, lươn được coi là loài cá nước ngọt như cá chạch, cá nheo (mình cũng có nhớt trơn tuột như lươn), nhưng so với các loài cá vừa kể, thịt lươn có giá trị gấp nhiều lần do phẩm chất thịt thơm ngon, lại chứa nhiều chất bổ dưỡng; còn là thứ thuốc quý nữa.
Ông bà mình ngày xưa đã biết dùng thịt lươn, huyết lươn để trị một số bệnh như cảm cúm, an thần (mất ngủ), tăng thêm trí nhớ cho người già, tăng trí thông minh cho người trẻ, vì trong thịt lươn có chứa nhiều DHA.
Thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều chất đạm, chất béo, nhiều chất khoáng, vitamin và nguyên tố vi lượng.
Thế nhưng, không hiểu tại sao người đời lại cố tình đổ hết mọi cái xấu cho lươn, như:
– Lươn lẹo: chỉ hạng người có tính gian xảo, tráo trở.
– Lươn đổ cho nheo: ám chỉ người cùng loại, cùng phường với nhau như kẻ cắp, gian tham, kẻ lắm mồm nhiều chuyện, nhưng khi có tội thì đứa này sẵn sàng trút hết lỗi sang đứa kia, coi như mình là người đàng hoàng, đứng đắn (lươn và cá nheo đều là loại có nhớt, tanh tưởi như nhau).
– Lươn bò để tanh cho rổ: ám chỉ hạng người lòng dạ xấu xa, đê tiện, hành vi tệ lậu của họ làm ảnh hưởng xấu đến bà con họ hàng, làng xóm xung quanh (do nhớt lươn tanh tao, hễ dính nhớt vào rổ thì phải xát tro nhiều lần mới hết mùi tanh được).
– Lươn ngắn lại chẽ chạch dài: ám chỉ hạng người có tánh tự tôn, cho mình là người đẹp đẽ, tài giỏi hơn kẻ khác, mặc dù mình cũng có những mặt yếu kém có khi còn tệ hơn người khác…
Đúng ra, lươn chỉ có cái “tội” là mình nó phủ đầy nhớt tanh tưởi nên nhiều người e dè không dám bắt nó, nhưng đâu phải vì đó mà người ta chê thịt của lươn. Nếu gặp bà nội trợ khéo tay nấu nướng thì phải nói “ăn ngậm mà nghe”, trong mâm nếu có món lươn um nước dừa thì chỉ có “chết” cơm mà thôi!
Vì vậy, xưa nay thịt lươn không bao giờ ế chợ, mặc dầu giá bán rất cao, không thua gì cá lóc. Thời nào lươn cũng được coi là món ăn đặc sản quý nhất trong các loại cá đồng.
Lươn là loại cá nước ngọt, đánh bắt được quanh năm. Chúng sống trong các ruộng đồng, ao hồ, bàu đìa, mương rãnh… Lươn mới một, hai năm tuổi có trọng lượng nhỏ, chỉ nhích hơn ngón tay cái, khoảng mươi con mới có được một ký lô, nhưng với lươn sống lâu năm hơn, mỗi con cân nặng đến một hai ký, mình béo tròn nung núc những thịt!
Tuy được gọi là cá nước ngọt, nhưng lươn cũng sống được ở vùng nước lợ, nước nhiễm phèn nhẹ. Nó chịu được nước tù đọng, nhưng miễn đừng quá bẩn, quá ô nhiễm.
Lươn là loài cá ăn tạp, lúc nhỏ chúng tìm ăn các sinh vật phù du có sẵn trong môi trường sống tự nhiên của chúng như lăng quăng, bọ một mắt, trùng nước, rận nước, giun ống, trùn chỉ… Lớn lên một chút chúng ăn nòng nọc, cá con, tôm tép, cua đồng…
Hiện nay, chưa có một con số thống kê nào cho biết đích xác, chỉ trong thị trường nội địa của mình thôi, hằng năm tiêu thụ hết bao nhiêu tấn thịt lươn(?). Chỉ biết càng ngày đa số dân mình càng tỏ ra khoái khẩu với các món “lẩu lươn”, “lươn xào lăn”, “lươn um nước dừa”… Và do đó, thịt lươn không còn là món ăn bình thường nữa, mà đã được “tôn” lên hàng các món ăn đặc sản trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng.
Được biết, hàng năm vào mùa nước nổi, riêng các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sồng Cửu Long không thôi củng đánh bắt được vài ba chục ngàn tấn tôm cá nước ngọt, trong đó gần phân nửa số lượng là cá lóc, kế đó là số lượng lớn lươn.
Đó là chưa tính đến số lượng khả lớn lươn thu bắt được trong mùa tát đìa trong các tháng giêng, hai hàng năm.
Chỉ cần giở trúm là bắt được năm ba con lươn loại lớn, mỗi con có trọng lượng từ 1,5kg đến 2kg thì giá bán cũng cao hơn cả thùng đầy cá rô, cá sặc rồi!
Nếu cộng vào số lượng lươn đánh bắt được ngoài tự nhiên trong cả nước hàng năm chắc chắn không phải là con số nhỏ. Thế nhưng, như quý vị đã biết, thịt lươn trong thị trường nội địa số cung vẫn chưa thể đáp ứng được số cầu.
Điều này không phải chỉ riêng tại nước ta, mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp tình trạng khan hiếm thịt lươn như vậy.
Gần thế kỷ nay, nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực đã đến với nghề nuôi lươn theo dạng công nghiệp hóa, và họ đã thành công tốt đẹp.
Nước mình, trước đây khoảng bốn năm thập niên cũng có nhiều người đến với nghề nuôi lươn, song song với việc đua nhau nuôi cá tra, cá trê vàng. Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan có mà khách quan cũng có, chỉ ít người nuôi lươn đạt được thành công như ý, nên “phong trào” chỉ dấy lên trong mấy năm rồi vội vàng tàn lụi. Đó là điều đáng tiếc.
Sự thật nuôi lươn không khó. Ai đã từng nuôi cá có kinh nghiệm sẽ dễ dàng gặt hái được thành công với nghề nuôi lươn, vì phương pháp na ná như nhau. Nếu thành công, nuôi lươn còn thu được nhiều lợi hơn nuôi cá.
Đây là một nghề hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt nhờ có thị trường tiêu thụ mạnh.
Hiện nay, khắp cả nước, nhất là tại nhiều tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân trước đáy chuyên sống với nghề nuôi tôm cá, nay lại hăm hở kiêm thêm nghề nuôi lươn, ếch, cá lóc, trê, rô đồng. Nói chung, nghề nuôi cá nước ngọt càng ngày càng được nhiều người quan tâm đến.
Chỉ cần nắm vững được một số kỹ thuật trong việc đào ao, xây hồ. Rồi điều đòi hỏi kế tiếp là nắm được những đặc điểm sinh học của lươn ra sao, để từ đó tìm đúng nguồn thức ăn, cũng như cách chọn giống để nuôi lươn mau lớn, đồng thời biết cách ngăn giữ lươn không cho chúng đào thoát ra ngoài… Có trong tay những “bảo bối” như vậy ta mới vững tin để đến với nghề mới mẻ này rồi.