23/05/2018, 15:20

Kỹ thuật nuôi bò sữa

Chăm sóc, nuôi bò sữa một cách khoa học và đúng kỹ thuật sẽ nâng cao phẩm chất con giống, tăng năng suất và chất lượng sữa, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trong thực tế, muốn nuôi dưỡng trâu bò nói chung và bò sữa nói riêng một cách khoa học và hiệu quả, cần xây dựng cho nó ...

Chăm sóc, nuôi bò sữa một cách khoa học và đúng kỹ thuật sẽ nâng cao phẩm chất con giống, tăng năng suất và chất lượng sữa, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Trong thực tế, muốn nuôi dưỡng trâu bò nói chung và bò sữa nói riêng một cách khoa học và hiệu quả, cần xây dựng cho nó một khẩu phần ăn. Khẩu phần này phải bảo đảm được những yêu cầu cơ bản là cân đối các chất dinh dưỡng, phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của bò sữa, đồng thời cấu thành từ những loại thức ăn dễ kiếm và rẻ tiền.

Như vậy, để xây dựng được khẩu phần cần có các yếu tố sau đây:

– Phải biết đầy đủ và chính xác thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn dự kiến đưa vào sử dụng. Cần biết những thành phần dinh dưỡng chính của mỗi loại thức ăn hay nguyên liệu thức ăn: vật chất khô, xơ thô, hàm lượng đạm, canxi, phốtpho..

– Nắm được tiêu chuẩn ăn (tức là nhu cầu dinh dưỡng) của đối tượng cần tính toán. Tính toán tiêu chuẩn ăn căn cứ vào khối lượng cơ thể, thể trạng béo hay gầy, năng suất sữa, tỷ lệ mỡ sữa, có mang thai hay không và thai tháng thứ mấy, là bò tơ lỡ (còn tăng trọng) hay bò cái trưởng thành.

– Biết khả năng thu nhận và giới hạn sử dụng các loại thức ăn khác nhau trong khẩu phần. Một số loại thức ăn, mặc dù chất lượng có thể tốt nhưng do những đặc tính lý, hoá học nhất định và tính ngon miệng của nó, nếu ta đưa nhiều vào khẩu phần có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng ăn hết khẩu phần, quá trình tiêu hoá, chất lượng sữa cũng như sức khoẻ của bò.

– Giá nguyên liệu, thức ăn dự kiến đưa vào khẩu phần. Biết được giá cho phép ta lựa chọn loại khẩu phần rẻ nhất.

Thông thường, có hai cách xây dựng khẩu phần và nuôi dưỡng bò sữa:

Cách thứ nhất: tính toán các tiêu chuẩn ăn cố định cho một con thuộc các nhóm bò sữa, và các thời điểm khác nhau của chu kỳ sản xuất.

Cách thứ hai: xây dựng một khẩu phần thức ăn cơ sở, sau đó bổ sung thức ăn tinh, tuỳ theo năng suất sữa và tháng phát triển của thai ở giai đoạn cuối.

Theo cách thứ nhất, trước hết phải làm bảng phối hợp thử, sau đó điều chỉnh và bổ sung những loại nguyên liệu và thức ăn có giá trị dinh dưỡng khác nhau sao cho phù hợp với nhu cầu của bò sữa. Nhìn chung, cách làm này vừa công phu vừa phức tạp.

Chúng tôi trình bày cách làm thứ hai, cách làm này dể áp dụng, hơn nữa nó cho phép chủ động sử dụng những loại thức ăn sẵn có trong mỗi gia đình. Dưới đây là một số loại khẩu phẩn thức ăn cơ sở cho bò đang tiết sữa, có khối lượng cơ thể khoảng 400kg:

một số loại khẩu phẩn thức ăn cơ sở cho bò đang tiết sữamột số loại khẩu phẩn thức ăn cơ sở cho bò đang tiết sữa

Một số hỗn hợp thức ăn cho bò đang tiết sữa, với khối lượng cơ thể khoảng 400kg: Một số hỗn hợp thức ăn cho bò đang tiết sữaMột số hỗn hợp thức ăn cho bò đang tiết sữa

Những khẩu phần cơ sở này đáp ứng nhu cầu duy trì cho một con bò mang thai giai đoạn đầu và có năng suất sữa 5kg/ngày. Những con bò có năng suất sữa cao hơn được ăn thêm hỗn hợp thức ăn, theo định mức cứ 1kg thức ăn cho 2kg sữa, bắt đầu từ 5kg sữa đầu tiên, (ví dụ: nếu con bò sữa có năng suất 9kg sữa/ngày thì cho ăn khẩu phần cơ sở và 2kg thức ăn hỗn hợp). Để có thể cho bò sữa ăn theo đúng như cầu của nó, hàng ngày cần phải theo dõi năng suất sữa và cứ 5 ngày một lần cần điều chỉnh lượng thức ăn hỗn hợp.

Dù áp dụng phương thức nào để xây dựng khẩu phần, trong nuôi dưỡng bò sữa cần chú ý những vấn đề sau đây:

Như chúng ta đã biết, trong dạ cỏ của bò tồn tại nhiều chủng loại vi sinh vật và chúng tham gia tấn công, phân giải các thành phần khác nhau của thức ăn. Các chủng loại hoặc những quần thể vi sinh vật trong dạ cỏ luôn luôn duy trì một sự cân bằng tối ưu, tức là thường xuyên có mặt chuẩn xác một chủng loại vi sinh vật này hoặc một chủng loại khác. Như vậy, để cho dạ cỏ hoạt động và tiêu hoá thức ăn một cách bình thường, cần phải bảo đảm sự cân bằng vi sinh vật. Tức là khẩu phần ăn cần phải cân đối và phải bảo đảm một hàm lượng xơ tối thiểu (35% vật chất khô trong khẩu phần = thức ăn thô). Bởi vì chính hàm lượng xơ trong khẩu phần là yếu tố quyết định cho việc đảm bảo cân bằng các chủng loại vi sinh vật. Dạ cỏ hoạt động tốt là yếu tố cơ bản để cho bò sữa khoe mạnh và cho nhiêu sữa.

– Khi thay đổi một khẩu phần ăn mới, cần phải tiến hành thay đổi từ từ, trong một khoảng thời gian nhất định, để bò sữa thích nghi (cũng chính là để cho quần thể vi sinh vật trong dạ cỏ thích nghi) với nó. Tức là không nên thay đổi thức ăn một cách đột ngột, mà khi nào sắp hết một loại thức ăn nào đó và chúng ta cần phải thay thế một loại thức ăn mới khác thì cần phải cung cấp loại thức ăn mới này từng ít một, cho đến khi bò sữa tiếp nhận nó một cách bình thường (giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 4 – 5 ngày).

– Cũng cần lưu ý đến cách thức cung cấp các loại thức ăn cho bò sữa. Đối với thức ăn tinh, nếu cho bò sữa ăn một lượng lớn, chỉ một lần trong một ngày, thì sẽ rất nguy hiểm. Bỏi vì sự cân bằng của vi sinh vật bị thay đổi. Tốt nhất là cung cấp thức ăn tinh cho bò sữa làm 3 lần trở lên, trong một ngày. Càng cung cấp thức ăn tinh làm nhiều lần, thì càng tốt cho gia súc. Trong một hỗn hợp thức ăn tinh, cẩn bảo đảm có cả loại thức ăn giàu đạm và các loại thức ăn giàu năng lượng. Việc cung cấp cho gia súc cả hai loại dinh dưỡng này cùng một lúc, bảo đảm cho sự cân bằng vi sinh vật trong dạ cỏ và khả năng lợi dụng thức ăn đạt đến mức tối đa.

Đối với các loại thức ăn thô xanh như cỏ tự nhiên, thân và lá cây ngô non….nên phơi tái nửa ngày dưới nắng, trước khi cung cấp cho bò, đặc biệt là vào các tháng của mùa mưa (từ tháng 2 đến tháng 7), (như vậy thì các loại thức ăn này sẽ có 20% vật chất khô). Điều này rất quan trọng trong việc phòng các rối loạn tiêu hoá như chướng bụng đầy hơi. Đối với các loại cây thức ăn dài, cồng kềnh, nhất là những cây thức ăn già, cứng (thân cây ngô sau thu bắp, rơm….) cần phải băm (thái) thành từng đoạn ngắn từ 10 – 12cm, giúp cho bò thu nhận dễ dàng, đồng thời giảm tổn phí năng lượng.

bo sua

Chú ý đến trạng thái gầy béo của bò sữa, bằng cách định kỳ cân bò sữa (nếu có thể được) hoặc đo các chiều, kết hợp với quan sát và sờ nắn vào vùng thắt lưng và mông. Không bao giờ cho phép để bò sữa rơi vào trạng thái quá gầy yếu. Nếu không may bò sữa bị giảm khối lượng quá và gầy yếu, cần áp dụng các loại khẩu phần ăn thích hợp (ví dụ như loại khẩu phần giàu năng lượng trong 1kg vật chất khô), để nhanh chóng phục hồi sự giảm sút tình trạng thể hình của bò sữa.

Nuôi dưỡng phân biệt giữa bò cái tơ có chửa và bò cái trưởng thành đang mang thai. Bò cái tơ có chửa, ngoài nhu cầu dinh dưỡng để nuôi thai (giống như bò rạ có chửa), cần các nhu cầu dinh dưỡng cho sinh trưởng bản thân nó, để đạt độ trưởng thành. Thời điểm phối giống có chửa của bò cái tơ càng sớm thì nhu cầu cho sinh trưởng đòi hỏi càng lớn, trước khi đẻ.

Nuôi dưỡng bò sữa phân biệt theo từng giai đoạn của chu kỳ sản xuất. Chu kỳ sản xuất của bò sữa tương ứng với chu kỳ sinh sản của nó. Bò sữa cần phải sinh đẻ, để đi vào giai đoạn sản xuất (tiết sữa). Chu kỳ sản xuất của bò sữa được chia làm 3 giai đoạn; giai đoạn sinh đẻ, giai đoạn tiết sữa và giai đoạn cạn sữa. Giữa ba giai đoạn này có mối liên quan mật thiết với nhau và mỗi một giai đoạn lại có những thời điểm khủng khoảng.

Bắt đầu từ tuần mang thai cuối cùng, mỗi ngày cần bổ sung cho bò sữa 1kg loại thức ăn giàu đạm, dễ tiêu hoá (ví dụ: 1kg đậu tương trong một ngày), để thoả mãn các nhu cầu về nitơ cho bò sữa một cách nhanh nhất có thể, ngay sau khi đẻ. Thời gian sau khi đẻ, bò sữa không có khả năng thu nhận lượng thức ăn cần thiết, bởi vì bộ máy tiêu hoá của nó đã bị co nhỏ lại, do sự chèn ép của thai và cần phải có một khoảng thời gian nhất định để dạ cỏ dãn nở dần ra và được trả lại dung tích đích thực. Bò sữa huy động những nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể cho các nhu cầu. Nhưng để tổng hợp được sữa thì ngoài năng lượng ra, bò sữa còn cần một lượng lớn protein. Chính vì vậy, trong giai đoạn này cần cần bằng thức ăn với việc bổ sung loại đạm có chất lượng cao. Cần cung cấp cho bò sữa một loại thức ăn tinh với hàm lượng protein thô tối thiểu trên 35%, như các loại khô dầu, bột đậu tương hoặc hạt bông. Việc bổ sung nên tiến hành từ từ, bằng cách tăng dần lượng thức ăn giàu đạm, từ 300g/ngày cho đến khi đạt 1kg/ngày.

Việc thoả mãn nhu cầu nước uống cho bò cũng là yêu cầu quan trọng để ổn định và tăng khả năng cho sữa. Nhu cầu nước uống của bò có khác nhau tuỳ theo mùa. Trung bình vào mùa hè, cứ 100kg khối lượng cơ thể bò cần 8 – 15 lít nước uống. Trong thực tế tốt nhất là có máng uống tự động để bò có thể uống nước tự do, không hạn chế. Nước uống phải trong sạch, không bị ô nhiễm. Trên bãi chăn cũng phải bố trí máng uống để bò có đầy đủ nước uống.

Nuôi bò cạn sữa có chửa

Trong điều kiện chăn nuôi bình thường và kỹ thuật phối giống đảm bảo bò cái sữa thường có khoảng cách lứa đẻ là 11 – 13 tháng. Với thời gian khai thác sữa là 9 – 10 tháng thì khi bò cạn sữa con vật đã mang thai ở vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai. Trong thời kỳ này bò cạn sữa một mặt phải bảo đảm cho bào thai phát triển bình thường và mặt khác, phải tích luỹ dinh dưỡng cho thời kỳ tiết sữa tiếp theo. Vì vậy, kỹ thuật cạn sữa và kỹ thuật nuôi dưỡng vào giai đoạn này ảnh hưởng đến chất lượng bào thai và sản lượng sữa của chu kỹ tiết sữa tiếp theo.

Yêu cầu của kỹ thuật cạn sữa là phải nhanh gọn về thời gian, con vật vẫn phát triển bình thường, không bị viêm vú. Biện pháp chủ yếu của kỹ thuật cạn sữa là giảm số lần vắt sữa trong một ngày (từ hai lần xuống còn một lần), sau đó vắt sữa cách nhật, thay đổi thời gian vất sữa, thời gian cho ăn, thay đổi vị trí vắt sữa, người vắt sữa.

Trừ khi các biện pháp nêu trên chưa đạt được kết quả thì người ta mới giảm bớt mức thức ăn trong khẩu phần. Khi cần thiết phải loại bò hoàn toàn thức ăn nhiều nước, sau đó là thức ăn tưới và đôi khi thay cỏ khô bằng rơm.

Khi làm cạn sữa cũng cần chú ý đến sản lượng sữa của bò: những con có năng suất cao, thời gian làm cạn sữa có thể kéo dài 7 – 10 ngày, những con có năng suất thấp thì thời gian làm cạn sữa có thể ngắn hơn: 3 – 4 ngày. Cạn sữa được xem là kết thúc khi sự tạo thành sữa trong bầu vú của bò ngừng lại, bầu vú giảm khối lượng. Thời gian cạn sữa khoảng 2 tháng (tính đến trước khi đẻ).

Khẩu phần của bò cạn sữa bao gồm khẩu phần cho nhu cầu duy trì (tính theo khối lượng cơ thể) cộng thêm với nhu cầu cho mang thai vào hai tháng chửa cuối cùng. Nếu là bò tơ có chửa thì ngoài hai nhu cầu trên phải cung cấp thêm cho nó các chất dinh dưỡng để phát triển cơ thể (nhu cầu cho tăng trưởng), giúp nó đạt được khối lượng cơ thể trưởng thành.

Thông thường, ngoài thời gian chăn thả, vụ hè cần cho bò cạn sữa ăn thêm 15 – 20kg cỏ tươi, 3 – 4kg củ quả,1 – 1,5kg thức ăn hỗn hợp. Vụ đông xuân cho ăn thêm 10 – 15kg cỏ tươi, 5 – 8kg cỏ khô, 8 – 10kg thức ăn ủ chua và thức ăn tinh.

Cần chú ý chăn thả bò cái cạn sữa ở bãi chăn bằng phẳng, gần chuồng. Trong khi chăn không nên đánh đập, dồn đuổi bò, để tránh gây sảy thai. Thời gian chăn thả khoảng 4 – 5 giờ mỗi ngày. Thường xuyên bảo đảm chuồng trại thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Trước khi bò đẻ 5 – 10 ngày, cần đưa bò về chuồng đẻ và cho vận đông ở sân chơi hoặc bãi chăn bằng phẳng kề cạnh chuồng. Hàng ngày cần kiểm tra sức khoẻ và bầu vú để diều chỉnh khẩu phần (nếu cần thiết có thể giảm thức ăn củ quả và thức ăn tinh). Cần hết sức tránh vắt sữa trước khi đẻ, trừ trường hợp đã giảm khẩu phần mà bầu vú vẫn căng và sữa chảy ra thì có thể vắt sữa cho bớt căng (không vắt kiệt) để tránh viêm vú. Cần theo dõi và trực nhật khi bò sắp đẻ, kể cả ban đêm.

Khi bò có hiện tượng sắp đẻ thì dùng nước ấm rửa sạch thân sau và bầu vú. Rải rơm và đệm lót chỗ đẻ. Chuẩn bị dụng cụ và bố trí người chuyên trách đỡ đẻ. Trong khi bò đẻ cần bảo đảm yên tĩnh, một giờ sau khi vỡ nước ối mà thai chưa ra hoặc có hiện tượng đẻ khó thì phải mời cán hộ thú y đến can thiệp kịp thời.

Sau khi bò đẻ cần cho nó uống nước đầy đủ và trong sạch. Dùng nước muối 2% hoặc dung dịch thuốc tím 10% để rửa sạch thân sau, bầu vú, âm hộ. Sau đó vắt sữa đầu cho bê ăn. Dọn sạch cỏ và rơm ở nền chuồng, rửa và tẩy uế nơi bò đẻ. Nếu sau 6 – 7 giờ mà nhau thai chưa ra thì cán bộ thú y phải can thiệp kịp thời. Trong vòng 5 – 7 ngày sau khi đẻ cần thụt rửa đường sinh dục mỗi ngày một lần bằng dung dịch Lugol.

Sau khi đẻ một tuần không nên cho bò mẹ ăn ngay thức ăn củ quả và các loại thức ăn nhiều nước khác. Tốt nhất là cho ăn cỏ phơi tái, cỏ khô loại tốt (chiếm 1/3 khẩu phần). Hết thời kỳ sữa đầu thì chuyển bò đẻ sang chế độ nuôi dưỡng bò vắt sữa (sau khi đẻ 7 – 10 ngày).

0