Nuôi dưỡng vịt con (1 – 8 tuần tuổi) Giai đoạn 2
Nuôi dưỡng vịt con trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn cần chuẩn bị các điều kiện chuồng trại và thức ăn phù hợp để nuôi vịt hiệu quả. + Vịt chuyên thịt nuôi giống: 5 – 8 tuần tuổi. + Vịt chuyên trứng nuôi giống: 4 – 8 tuần tuổi. + Vịt thương phẩm thịt: 5 tuần – giết thịt. Chuẩn bị ...
Nuôi dưỡng vịt con trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn cần chuẩn bị các điều kiện chuồng trại và thức ăn phù hợp để nuôi vịt hiệu quả.
+ Vịt chuyên thịt nuôi giống: 5 – 8 tuần tuổi.
+ Vịt chuyên trứng nuôi giống: 4 – 8 tuần tuổi.
+ Vịt thương phẩm thịt: 5 tuần – giết thịt.
Chuẩn bị phương thức nuôi
Nếu nuôi nhốt trong chuồng phải chuẩn bị thêm chuồng trại và diện tích sân chơi cho vịt. Mật độ chuồng nuôi giai đoạn này là 5 – 6 con/m². Trên cơ sở đó để chuẩn bị chuồng nuôi thích hợp, chuẩn bị vây ràng, lưới ngăn, các dụng cụ phục vụ cho việc chăn nuôi vịt, Nếu nuôi thả ra vườn cây phải quay vịt bằng lưới hoặc bằng tre xung quanh vườn.
Nhiệt độ, ánh sáng
Ở giai đoạn này nhiệt độ chuồng nuôi duy trì tốt nhất trong khoảng 20 – 25ºC. Thời gian chiếu sáng duy trì 16 – 18 giờ/ngày, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên. Lợi ích của việc chăn nuôi vịt
Nước uống, thức ăn và dinh dưỡng
Nước uống ở giai đoạn này nhu cầu cần 0,4 – 0,6 lít/con/ngày. Luôn phải có nước sạch cho vịt uống. Máng ăn vẫn để trong chuồng nuôi; còn máng uống bố trí ở sân chơi để tránh bị ướt chuồng. Nếu nuôi thả ra vườn cây, máng uống phải để ở vị trí thoát nước nhanh để không bị đọng nước, tránh bẩn cho vịt.
Thức ăn có thể dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên; hoặc dùng thức ăn đậm đặc trộn với cơm gạo lật, thóc luộc, thóc sống, hoặc sử dụng các nguyên liệu sử dụng ở giai đoạn 1. Đối với vịt nuôi thương phẩm (nuôi thịt), trước khi xuất chuồng khoảng 2 tuần là giai đoạn nuôi vỗ béo, ở thời kỳ này muốn cho vịt nhanh béo thì trong khẩu phần thức ăn cho vịt, nên sử dụng tăng nguyên liệu giàu tinh bột như ngô.
Dinh dưỡng trong thức ăn cho vịt phải đảm bảo:
Vịt chuyên thịt nuôi giống để sinh sản: Thức ăn cần có 20% đạm thô, năng lượng 2850 – 2900 Kcal. Vịt thương phẩm thịt thức ăn cẩn có 18 – 19% đạm thô, năng lượng 3000 – 3200 Kcal.
Vịt chuyên trứng, kiêm dụng làm giống nuôi để sinh sản, thức ăn cần có 17 – 18% đạm thô, năng lượng 2850, 2900 Kcal.
Đối với vịt nuôi thương phẩm để lấy thịt là cho ăn tự do đến khi xuất bán thịt, vịt càng thu nhận được nhiều thức ăn trong ngày thì càng nhanh lớn và rút ngắn được thời gian nuôi và giảm chi phí cho sản phẩm. Vịt chuyên thịt kết thúc ở 7 – 8 tuần tuổi. Khi kết thúc xuất thịt ở giai đoạn này là có hiệu quả nhất, có tăng trọng cao, tiêu tốn thức ăn thấp; nếu để kéo dài thì vịt chuyển sang giai đoạn , khối lượng sẽ giảm đi không có hiệu quả và càng về sau tiêu tốn thức ăn cho 1kg tăng trọng lại càng cao.
Đối với vịt giống nuôi để sinh sản thì phải cho ăn theo định lượng.
+ Vịt chuyên thịt CV Super M từ 5 – 8 tuần tuổi cho ăn lượng thức ăn cố định suốt cả giai đoạn là 140g/con/ngày.
+ Vịt chuyên trứng Khaki Campbell và vịt cỏ từ 4 – 8 tuần tuổi cố định cả giai đoạn là 74g/con/ngày.
+ Vịt chuyên trứng CV2000 và vịt kiêm dụng từ 4 – 8 tuần tuổi cố định cả giai đoạn là 90g/con/ngày.
Chăm sóc và nuôi dưỡng
Hàng ngày thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống để tránh thức ăn bị ôi chua, mốc. Đối với vịt nuôi thương phẩm thịt thì cho ăn tự do, nhưng phải đổ thức ăn làm nhiều lần trong ngày để thức ăn không bị tồn trong máng ăn dễ bị mốc. Đối với vịt giống, nuôi để sinh sản cho ăn hạn chế, do đó chỉ cho ăn một lần hết lượng thức ăn trong ngày để mọi con đều có thể được ăn lượng thức ăn theo tiêu chuẩn. Như vậy độ đồng đều của đàn sẽ cao hơn. Thay nước và cung cấp đầy đủ nước uống cho vịt, đặc biệt đối với phương thức nuôi nhốt trên khô và nuôi nhốt trên vườn cây.
Hàng ngày phải bổ sung thêm chất độn chuồng cho vịt bằng trấu, phoi bào, cỏ khô, rơm rạ. Theo dõi sức khoẻ của đàn vịt, cần phải loại ra khỏi đàn vịt những con ốm yếu kém ăn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Vịt nuôi giống để sinh sản, nuôi hết 8 tuần tuổi tiến hành chọn để chuyển vào giai đoạn nuôi hậu bị. Khi chọn căn cứ vào một số yếu tố sau:
+ Ngoại hình: màu lông đặc trưng của giống, nhanh nhẹn, ngoại hình cân đối, chân thẳng, không vẹo đuôi, không gù lưng. Đối với vịt chuyên thịt: ngực nở, sâu, dáng đi chắc chắn, thân hình song song với mặt đất. Đối với vịt chuyên trứng mình thon, đầu nhỏ,cổ dài, thân hình tạo với mặt đất một góc càng lớn càng tốt.
+ Khối lượng cơ thể: kết thúc 8 tuần tuổi khối lượng phù hợp đối với một số giống vịt cụ thể như sau:
– Vịt chuyên thịt CV Super M:
Vịt cái: 1,8 – 2kg/con.
Vịt đực: 2 – 2,2kg/con.
Vịt chuyên trứng CV2000 và vịt kiêm dụng: 1,3 – 1,4 kg/con.
Vịt chuyên trứng Khaki Campbell: 1 – 1,2 kg/con.
Vịt cỏ: 0,9 – 1,1 kg/con.
Đối với những con có khối lượng cơ thể quá to hoặc qua nhỏ sau này nuôi đều cho năng suất không cao.
Tỷ lệ đẻ đực mái cho các đàn giống như sau (tính cả đực dự phòng):
Vịt chuyên thịt tỷ lệ đực/mái là: 1/4 – 1/5.
Vịt chuyên trứng CV2000 và vịt kiêm dụng tỷ lệ đực/mái là: 1/5 – 1/6.
Vịt chuyên trứng Khaki Campbell và vịt cỏ tỷ lệ đực mái là: 1/6 – 1/7.
Tỷ lệ ghép đực mái còn phụ thuộc vào độ lớn của đàn. Nếu nuôi đàn số lượng lớn thì tỷ lệ ghép đực mái cao, còn nếu nuôi đàn với số lượng ít thì tỷ lệ ghép đực mái thấp.