Quản lý xuất bản SGK trong điều kiện phát triển CNTT và nền KTTT
(ĐHVH HN) - Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội luôn nhấn mạnh vai trò của con người và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chính vì thế, chúng ta cần nỗ lực để tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và ...
(ĐHVH HN) - Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội luôn nhấn mạnh vai trò của con người và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chính vì thế, chúng ta cần nỗ lực để tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Hơn lúc nào hết, giáo dục là vấn đề được quan tâm hàng đầu, được Đảng và Nhà nước khẳng định là quốc sách. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, phát triển giáo dục là chìa khóa thành công, là con đường ngắn nhất để giành thắng lợi trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong hoạt động giáo dục, người thầy và hệ thống sách giáo khoa giữ vai trò quan trọng. Bởi lẽ người thầy tốt mà không có sách tốt và ngược lại có sách tốt mà không có thầy tốt thì hiệu quả giáo dục cũng không cao và càng không thể có được một công nghệ giáo dục hoàn thiện. Chính vì thế hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản sách giáo khoa nói riêng có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Ngày nay, thế giới đang đối mặt với cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự chuyển biến từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Đặc trưng của kinh tế tri thức là tri thức đã vượt qua các nhân tố sản xuất truyền thống là vốn và sức lao động để trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của các quốc gia. Có một sự chuyển biến toàn cầu từ các nền kinh tế dựa trên sức lao động cơ bắp và tiền vốn chuyển sang nền kinh tế dựa trên trí não. Tri thức được biểu hiện bởi con người và công nghệ luôn luôn có vai trò trung tâm của sự phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư vào tri thức có thể làm tăng năng lực sản xuất và các yếu tố của quá trình sản xuất cũng như chuyển chúng thành các sản phẩm mới hoặc quá trình mới. Điều này có tác động mạnh mẽ, làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.
Hiện nay nhân loại đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Sự phát triển của khoa học công nghệ tạo ra phương tiện mới giúp cho quá trình giáo dục hiệu quả hơn. Quốc gia nào biết tận dụng những cơ hội do tiến bộ khoa học công nghệ đem lại có thể đẩy nhanh sự phát triển giáo dục. Giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực và nhân tài cho sự phát triển khoa học công nghệ. Mặt khác, sự phát triển của khoa học công nghệ tác động vào toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục cũng như vào trong yếu tố của quá trình giáo dục đào tạo. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Sự đổi mới ấy thể hiện đậm nét ở cơ cấu hệ thống giáo dục, bao gồm: cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, hình thức giáo dục đào tạo, cơ cấu mạng lưới trường, cơ cấu quản lý thể chế giáo dục, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, phát triển nhanh chóng các phương tiện dạy học hiện đại.
Trong nền kinh tế tri thức, tốc độ nhanh chóng của thay đổi công nghệ đòi hỏi phải học tập liên tục và tri thức phải được cập nhật trong suốt cuộc đời lao động của con người. Tính linh hoạt, khả năng thích nghi, khả năng đáp ứng và khả năng đổi mới nhanh chóng – những phẩm chất tốt nhất và cần thiết nhất đối với người lao động trong nền kinh tế dựa trên tri thức.
Chuẩn bị cho học sinh khả năng thành công trong thị trường lao động sẽ là chìa khoá quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Phải đổi mới mạnh mẽ và triệt để hơn giáo dục - đào tạo theo hướng gắn chặt với yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội từ cơ cấu hệ thống đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo. Bộ ba yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ có quan hệ hữu cơ với nhau và đều được coi trọng trong quá trình dạy học - giáo dục. Sự phát triển của khoa học công nghệ đòi hỏi phải cải tiến thường xuyên nội dung giáo dục theo hướng cơ bản và hiện đại. Nội dung phải được loại bỏ những kiến thức đã lỗi thời, giữ lại cái cơ bản nhất, bổ sung cái hiện đại bằng cách cấu trúc lại và tích hợp nội dung đào tạo, đơn giản hóa nội dung khoa học cho phù hợp với đối tượng học, lựa chọn nội dung cơ bản, điển hình… Sự phát triển của khoa học công nghệ còn giúp người học ngày càng có nhiều phương tiện hiện đại để tìm kiếm và lưu giữ bên ngoài trí nhớ (như nội dung thuộc loại sự vật, sự kiện, số liệu, tư liệu…). Nội dung đào tạo tập trung vào những kiến thức cần lưu giữ bên trong trí nhớ như những quy luật, định luật, nguyên tắc, phương pháp giả quyết vấn đề, phương pháp nghiên cứu tìm ra cái mới. Lúc này, phương pháp học cũng như phương pháp làm là nội dung quan trọng cần được truyền đạt trong quá trình giáo dục đào tạo.
Để truyền đạt có hiệu quả cao một khối lượng kiến thức lớn do sự phát triển của khoa học công nghệ đem lại, phương pháp dạy học cần được đổi mới, đa dạng hóa, chọn lựa hợp lý, phù hợp với mục đích, nội dung, thời gian, trình độ người học… đặc biệt sử dụng những phương tiện dạy học hiện đại như phim, máy chiếu, băng hình, đầu video, đĩa CD, thiết bị đa phương tiện… Người dạy từ chỗ truyền đạt tri thức chuyển sang cung cấp cho người học phương pháp thu nhận thông tin một cách có hệ thống, có tư duy phân tích và tổng hợp. Từ đó, công cụ của việc dạy và học là sách giáo khoa cũng cần phải có sự đổi mới theo hướng tích hợp nội dung và hiện đại về mặt hình thức. Vì thế, trong quản lý cũng cần chuẩn bị nhất định cho sự xuất hiện của loại hình sách giáo khoa này.
Để nền giáo dục của Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập toàn diện với thế giới, hoạt động quản lý giáo dục nói chung và quản lý xuất bản sách giáo khoa nói riêng cần phải có sự đổi mới. Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý là phải làm sao có cơ chế và chế tài phù hợp để quản lý một lĩnh vực đặc biệt. Một mặt, quản lý phải giúp cho xuất bản sách giáo khoa ổn định. Mặt khác, phải tạo sự kích thích cho hoạt động này không ngừng phát triển theo đúng hướng. Quản lý xuất bản sách giáo khoa phải tuân thủ những yêu cầu sau:
+ Quản lý xuất bản sách giáo khoa phải đảm bảo phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế nói chung.
+ Quản lý xuất bản sách giáo khoa phải đảm bảo để xuất bản sách giáo khoa phát triển.
+ Quản lý xuất bản sách giáo khoa phải có chế độ chính sách và phương pháp phù hợp với đặc điểm của ngành xuất bản để giúp nó đi đúng định hướng.
Việc quản lý chương trình nói chung và xuất bản sách giáo khoa nên dựa theo mô hình dung hòa giữa chế độ Trung ương tập quyền và chế độ phân quyền cho địa phương. Dựa vào khả năng định lượng và đo lường tốt nên xây dựng yêu cầu rất cụ thể về mức độ cần đạt được cho học sinh tạo sự phù hợp với các đối tượng khác nhau ở các vùng, miền khác nhau (thuận lợi, khó khăn, vùng sâu, vùng xa) và khả năng, trình độ nhận thức khác nhau (yếu, trung bình, khá, giỏi). Cần xây dựng chương trình tốt và chuẩn. Theo đó, sách giáo khoa chỉ là thứ yếu, đa dạng về loại sách giáo khoa tương ứng với đối tượng khác nhau.
Sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt, nó nhận được sự quan tâm của các gia đình và toàn xã hội vì cho dù ở cương vị nào, mọi con người cũng đã, đang và sẽ sử dụng sách giáo khoa. Xuất bản sách giáo khoa với tư cách một hoạt động kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực văn hóa, là một ngành kinh tế công nghệ. Quản lý xuất bản sách giáo khoa là một hoạt động đặc biệt, đòi hỏi phải đảm bảo các đặc tính như: chuẩn hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Do đó, quản lý xuất bản sách giáo khoa trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin và kinh tế tri thức cần phải có một bộ máy được tổ chức hiệu quả. Nhân lực quản lý phải đảm bảo đủ về số lượng và tinh về chất lượng. Quản lý phải dựa trên những công cụ quản lý sắc bén, vận dụng các phương pháp, biện pháp quản lý mềm dẻo, linh hoạt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Châu (2008), Chất lượng giáo dục - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Hữu Châu cb (2009), Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
3. Vũ Mạnh Chu (1997), Đổi mới và hoàn thiện luật xuất bản theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
4. Các vấn đề về sách giáo khoa, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Cục Xuất bản (1998), Hoạt động xuất bản trong nền kinh tế thị trường, Hà Nội.
6. Cục Xuất bản (2008), Một số văn bản chỉ đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước về hoạt động xuất bản, Nxb. Bưu điện, Hà Nội.
7. Cục Xuất bản (1998), Những văn bản về quản lý tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản phẩm, Hà Nội.
8. Cục Xuất bản (2002), Từ điển thuật ngữ xuất bản, in, phát hành, thư viện, bản quyền, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
9. Cục Xuất bản, Tạp chí xuất bản Việt Nam năm 1999 đến năm 2007.
10. Hoàng Sơn Cường (1981), Lịch sử sách, Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hoá, Hà Nội.
11. Đinh Vân Chi (2005), Quản lý nhà nước đối với thị trường băng đĩa trong giai đoạn hiện nay, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội.
12. Declan Butler (2009), The textbook of the future, Nature.
13. De Lespinasse, Paul F. (2008), One way to rein in the cost of textbooks Make them Free, The chronicle of Higher Education.
14. Nghiêm Xuân Đạt - Nguyễn Minh Phong (2002), Hà Nội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
15. Phạm Văn Đồng (1994), Văn hoá và đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
16. Phạm Duy Đức (1996), Giao lưu văn hoá đối với sự phát triển văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
17. Phạm Duy Đức (1996), Những thách thức của văn hoá Việt nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb. Văn hoá Thông tin và Viện Văn hoá, Hà Nội.
18. Nguyễn Duy Gia (1997), Một số vấn đề về Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế thị trường ở Việt nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
19. Harold Koontz, Cyril Odonell, Heinz Weihrich (2004) Vũ Thiếu, Nguyễn Mạnh Quân và Nguyễn Đăng Dậu dịch, Những vấn đề cốt yếu trong quản lý, , Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
20. Học viện Hành chính Quốc gia (2003), Quản lý nhà nước về văn hoá -Giáo dục- y tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
21. Trần Bá Hoành (2002), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
22. Julie L. Nicklin (1996), The changing market for text books: as sales stagnate, publishers try new strategies to reach students, The chronicle of Higher Education.
23. Scott Andrson (1993), textbook case: publishers battle used books and photocopying by promotion textbook’s value, Quill and Quire.
24. Thomas J Deloughry (1996), More publisher use technology to add features to textbook (multimedia and communications tools used, The chroriele of Higher Education.
25. Nguyễn Hữu Thức (2007), Một số kinh nghiệm quản lý và hoạt động tư tưởng văn hoá, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
26. Xã hội với sách giáo khoa, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Bài: Lê Thị Phương Nga
Khoa Xuất bản-Phát hành
Admin3