Hoạt động trước khi nghe nhằm gây hứng thú cho sinh viên không chuyên tiếng Anh tại Trường ĐHVH HN
(ĐHVH HN) - Từ lâu, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc trong hầu hết các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là trong trường đại học. Tuy nhiên, trong quá trình học tiếng Anh, sinh viên gặp phải rất nhiều khó khăn và khó khăn phổ biến nhất là những khó khăn trong quá trình học kỹ năng Nghe hiểu. ...
(ĐHVH HN) - Từ lâu, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc trong hầu hết các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là trong trường đại học. Tuy nhiên, trong quá trình học tiếng Anh, sinh viên gặp phải rất nhiều khó khăn và khó khăn phổ biến nhất là những khó khăn trong quá trình học kỹ năng Nghe hiểu. Do vậy, giáo viên cần phải nắm bắt được những khó khăn, hạn chế của sinh viên, từ đó có những phương pháp dạy phù hợp, gây được hứng thú đối với sinh viên, giúp các em phát triển kĩ năng nghe hiểu của mình. Thực tế cho thấy giai đoạn trước khi nghe (Pre-listening phase) tuy chiếm thời lượng ít (từ 7-10 phút) nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học nghe. Bài viết đưa ra vài gợi ý cho việc thực hiện các hoạt động trước khi nghe (Pre-listening activities) nhằm gây hứng thú cho sinh viên không chuyên tiếng Anh tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
1.Khái niệm về Nghe hiểu
Định nghĩa về nghe hiểu được các nhà khoa học đưa ra theo các cách khác nhau.
Theo Field (1998:38) thì ‘Nghe là một quá trình trí tuệ không nhìn thấy được, do đó rất khó mô tả. Người nghe phải phân biệt được các âm, hiểu được từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, nắm được trọng âm và ý định của người nói, có thể nhớ lại và hiểu được nó trong ngữ cảnh văn hóa - xã hội của phát ngôn.’
Anderson & Lynch (1988: 21) đưa ra định nghĩa về nghe hiểu như sau:
‘Nghe hiểu nghĩa là hiểu những gì mà người nói đã nói. Người nghe có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình nghe bằng cách vận dụng kiến thức đa dạng của mình phân tích những gì anh ta nghe được để có thể hiểu phát ngôn của người nói.’
Wolvin & Coakley (1985) định nghĩa nghe theo cách đơn giản hơn: ‘Nghe là quá trình cơ quan thính giác tiếp nhận, xử lý và xác định được thông điệp của lời nói.’
Các định nghĩa trên cho thấy nghe hiểu là một kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving) phức tạp. Nhiệm vụ của nghe hiểu không chỉ là tiếp nhận âm thanh mà nó còn đòi hỏi sự phân tích và xác định được thông điệp của lời nói.
2.Giai đoạn trước khi nghe (Pre-listening phase)
Theo quan điểm của các nhà khoa học thì tiến trình của một tiết dạy nghe bao gồm ba giai đoạn: (1)Giai đoạn trước khi nghe (Pre-Listening), (2)Giai đoạn trong khi nghe (While-Listening), (3)Giai đoạn sau khi nghe (Post-Listening). Tiến trình này không những giúp sinh viên nắm hiểu bài mà còn giúp các em sử dụng kỹ năng nghe trong giao tiếp thực tế. Song, tùy thuộc vào từng phần và từng bài học cụ thể mà giáo viên kết hợp và sử dụng linh hoạt các hoạt động nhằm tạo hứng thú học tập và nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên. Như đã nói ở trên, giai đoạn trước khi nghe tuy chiếm thời lượng ít (từ 7-10 phút) nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy học nghe. Mục đích của giai đoạn này là giúp sinh viên định hướng, suy nghĩ về đề tài hay tình huống trước khi bắt đầu bài nghe. Quan trọng hơn, giai đoạn trước khi nghe giúp tạo tâm thế nghe cho sinh viên vào nội dung hoặc chủ đề của bài nghe, gây hứng thú cho họ đối với bài sắp nghe, gợi mở để huy động vốn kiến thức có sẵn của sinh viên về chủ đề, giúp họ có thể sử dụng kiến thức đó để nghe hiểu dễ dàng hơn. Tóm lại, có thể nói rằng công việc quan trọng của giai đoạn trước khi nghe là cung cấp ngữ liệu và giới thiệu chủ đề của bài nghe.
3.Hoạt động trước khi nghe (Pre-listening activities)
Theo một số nhà nghiên cứu nổi tiếng như Underwood (1989), Lingzhu (2003) thì trong giai đoạn trước khi nghe, giáo viên cần hướng sinh viên vào những công việc sau:
Động não (Brainstorming)
Giáo viên có thể cho sinh viên quan sát tranh, ảnh, chủ đề, tiêu đề của bài nghe hoặc nêu ra một câu hỏi, một vấn đề, sau đó yêu cầu các em nghĩ về chủ đề, đưa ra quan điểm hoặc viết nhanh ra tất cả các từ và cấu trúc liên quan đến chủ đề đó. Việc làm này sẽ khuyến khích sinh viên dự đoán các từ, ngữ và cấu trúc câu có thể xuất hiện trong bài nghe, củng cố và mở mang thêm kiến thức về chủ đề.
Thảo luận theo nhóm hoặc theo cặp (Using a class discussion)
Lingzhu (2003) cho rằng việc thảo luận theo nhóm hoặc theo cặp trước khi nghe là rất cần thiết vì nó khuyến khích sinh viên trao đổi ý kiến và kiến thức, đồng thời tạo cho sinh viên nhiều cơ hội hơn để thực hành nói tiếng Anh, và trên hết là tập trung vào chủ đề nghe. Có thể các em nói không chính xác với những gì sắp nghe, nhưng vấn đề đặt ra là các em có được hứng thú trước khi nghe.
Đặt câu hỏi (Questioning)
Giáo viên có thể tạo tâm thế chuẩn bị nghe cho sinh viên bằng cách dẫn dắt gợi hỏi về chủ đề bài nghe để từ đó các em chuẩn bị lượng từ mới và cấu trúc ngữ pháp liên quan đến chủ đề. Điều đáng lưu ý là hoạt động đặt câu hỏi trước khi nghe sẽ tạo ra không khí thoải mái, cởi mở giữa giáo viên với sinh viên, giúp họ thêm tự tin và thêm hứng thú để giải quyết các nhiệm vụ của bài nghe.
Đoán trước nội dung nghe (Predicting content)
Các nghiên cứu về khả năng nghe hiểu của người học cho thấy những người nghe tốt là những người dự đoán tốt. Do vậy, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên đoán trước nội dung của bài nghe. Đoán trước nội dung nghe có thể là: đoán chủ đề, đoán người tham gia hội thoại, đoán địa điểm xảy ra hội thoại, đoán những từ xuất hiện trong bài nghe trong số những từ cho sẵn, đoán Đúng / Sai và đoán trình tự các sự kiện xảy ra trong bài nghe. Các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, bảng biểu, bản đồ, sơ đồ sẽ giúp sinh viên định hướng về chủ đề nghe để từ đó giúp họ có thêm thông tin bổ ích về bài nghe. Nếu không có tranh ảnh minh họa, giáo viên có thể tìm thấy hoặc vẽ một bức tranh phù hợp với các văn cảnh. Tuy nhiên, giáo viên nên tận dụng đến mức tối đa các tranh hình trong giáo trình để giúp sinh viên hiểu bài học. Đặc biệt, tranh hình minh họa phải có sự liên hệ thực tế gần gũi với nội dung bài học.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể đoán nội dung bài nghe thông qua việc đọc các câu hỏi nghe hiểu trước khi họ lắng nghe. Bằng cách này, họ có thể đoán được chủ đề của văn bản nghe. Đôi khi, các giáo viên có thể yêu cầu học sinh đoán câu trả lời cho các câu hỏi trước khi nghe. Chú ý rằng mặc dù không thể dự đoán được chính xác câu trả lời đúng, sinh viên sẽ có thêm động lực để nghe đoạn văn xem dự đoán của họ có đúng hay không.
Dạy từ mới hoặc cấu trúc ngữ pháp (Pre-teaching new words or difficult key words)
Nhiều từ mới hoặc cấu trúc ngữ pháp khó trong bài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng nghe hiểu của sinh viên. Bởi vậy, trước khi nghe, giáo viên nên dành ít thời gian để dạy từ mới và các cấu trúc ngữ pháp khó liên quan đến bài nghe. Có nhiều phương pháp dạy từ mới mà giáo viên có thể áp dụng như: sử dụng giáo cụ trực quan (visual aids) như tranh, ảnh, đồ vật, cử chỉ để các em tự đoán nghĩa của từ mới và cấu trúc khó; sử dụng trò chơi (games) có các từ mới và cấu trúc liên quan; giải thích hoặc đưa ra định nghĩa (explanation or definition) các từ mới và cấu trúc mới; dịch (translation) các từ mới và cấu trúc lạ sang tiếng Việt.
Ngoài ra, giáo viên cần nói rõ cho sinh viên biết họ sẽ được nghe bao nhiêu lần và hướng dẫn yêu cầu nhiệm vụ khi nghe (chọn đúng, sai, trả lời câu hỏi …)
3.Một vài gợi ý cho việc thực hiện hoạt động trước khi nghe cho sinh viên không chuyên tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Cuốn Lifelines của Tom Hutchinson là giáo trình tiếng Anh được sử dụng trong trường nhiều năm qua. Đây là cuốn giáo trình chứa đựng những đơn vị kiến thức đảm bảo tính cơ bản. Phần nghe được thiết kế hợp lý phù hợp với đối tượng sinh viên không chuyên tiếng Anh. Nhưng đôi khi do thời lượng môn học không cho phép nên việc giảng dạy kỹ năng nghe mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức thực hiện phần while-listening (trong khi nghe) để giải quyết các nhiệm vụ của bài nghe. Điều này đôi khi làm cho người học thấy hụt hẫng, bị động, gây tâm lý không tốt, mất bình tĩnh khi nghe. Chỉ cần một chút thời gian chuẩn bị trước khi nghe, những trở ngại nói trên sẽ ít nhiều được khắc phục, giúp đem lại hiệu quả cho cả người dạy và người học. Sau đây là một vài ví dụ cho việc thực hiện các hoạt động trước khi nghe nhằm gây hứng thú cho sinh viên không chuyên tại trường Đại học Văn hóa hà Nội.
Trong bài 10 cuốn Elementary, sinh viên được yêu cầu nghe một đoạn hội thoại giữa chủ đại lý du lịch (a travel agent) và một người khách muốn đặt kỳ nghỉ. Hoạt động động não có thể được áp dụng cho bài này. Giáo viên yêu cầu sinh viên làm việc theo nhóm 5-6 người, viết ra càng nhiều càng tốt các từ, cụm từ và cấu trúc câu liên quan tới chủ đề Du lịch (travel), những thông tin có thể diễn ra trong đoạn hội thoại như: thời gian (time), địa điểm (location), nơi ăn chốn ở và cung cấp thực phẩm (accommodation & catering), số người tham gia (people), phương tiện đi lại (transport),… Giáo viên có thể sử dụng sơ đồ sau:
Tiếp theo, giáo viên yêu cầu sinh viên sắm vai (role play) các nhân vật để tạo lập tình huống hội thoại. Hoạt động này giúp tạo hứng thú cho sinh viên, giảm bớt căng thẳng cho các em từ những tiết học trước và giúp các em đi vào bài học một cách nhẹ nhàng. Hơn nữa, hoạt động sắm vai giúp tạo ra tương tác nhiều hơn giữa các sinh viên. Sau đó, giáo viên yêu cầu sinh viên nghe đoạn hội thoại trong giáo trình và trả lời các câu hỏi. (‘Where and when does the customer want to travel?’, ‘How long is he going to stay?’, ‘How does he want to travel?’, ‘Does he need any accommodation?’). Với những gì đã chuẩn bị trước khi nghe, chắc chắn sinh viên có thể trả lời đúng hoặc gần đúng hầu hết các câu hỏi trong sách và đặc biệt là không khí lớp học rất sôi nổi, sinh viên tham gia hào hứng và phấn khích.
Phần nghe bài 5 cuốn Pre-Intermediate là đoạn hội thoại giữa người bán hàng (shop assistant) và một vị khách muốn mua quần áo. Ở bài nghe này, giáo viên có thể sử dụng phương pháp đặt câu hỏi trước khi cho sinh viên nghe. Sau đây là những câu hỏi có thể được sử dụng cho tình huống này:
- Have you ever been shopping in a clothes shop?
- What did you buy there?
- What colour is your favourite when you buy clothes?
- If you want to change something in a suitable size, how do you ask?
Yêu cầu của phần nghe bài 12 cuốn Pre-Intermediate liên quan đến một câu chuyện về kim loại vàng. Hai hoạt động có thể được áp dụng cho giai đoạn trước nghe ở bài này là động não và đặt câu hỏi. Trong hoạt động đầu tiên, mô hình được giáo viên xây dựng nên như sau sẽ giúp sinh viên trao đổi ý kiến, quan điểm và củng cố vốn từ vựng liên quan đến chủ đề:
Đối với phương pháp đặt câu hỏi, giáo viên có thể sử dụng những câu hỏi như:
-Do you know anything about gold?
-Why is gold usually made with other metals?
-Why is gold used for teeth?
-How is it used in your country?
Trên thực tế, tùy thuộc vào nội dung tiết học, đặc điểm và năng lực của sinh viên mà giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn các thủ thuật khác nhau ở giai đoạn trước khi nghe. Như trong ví dụ với chủ đề Du lịch (travel) ở trên, phương pháp thảo luận theo nhóm có thể được sử dụng cho các lớp học với sinh viên có trình độ cao hơn. Những câu hỏi sau có thể được đưa ra thảo luận:
-Where did you spend your holiday last year?
-What did you do first for your travelling?
-What means of transport did you choose to travel there?
-How long did you stay there?
Với chủ đề trình báo sự việc (reporting an incident) như ở bài 5 cuốn Intermediate, giáo viên có thể phối hợp các phương pháp một cách hợp lý. Đầu tiên, sinh viên sẽ được yêu cầu đoán nội dung bài nghe bằng việc quan sát bức tranh trong sách về một người đàn ông với khuôn mặt hốt hoảng của người vừa bị mất trộm xe và một sĩ quan cảnh sát. Có thể sinh viên sẽ đoán không chính xác nội dung của bài nghe nhưng chắc chắn họ sẽ rất háo hức xem suy luận của mình có đúng hay không ở các giai đoạn nghe tiếp theo. Sau đó, giáo viên cho sinh viên đóng vai các nhân vật trong tình huống trình báo vụ mất trộm xe. Thông qua hoạt động này, sinh viên có thể động não về ngôn ngữ trước và sau đó thực hiện đóng vai. Chính việc phải dành thời gian để suy nghĩ về ngôn từ được sử dụng cho tình huống, họ sẽ được chuẩn bị kỹ càng để làm bài nghe. Sau cùng, giáo viên có thể dạy trước từ mới hay cấu trúc ngữ pháp để sinh viên lường trước những khó khăn có thể gặp phải về phát âm, cấu trúc mới hay các kiến thức nền trước khi nghe.
Ngoài ra, khi chuẩn bị cho các hoạt động trước nghe, giáo viên nên chú ý tới một vài nhân tố khác như: thời gian cho mỗi bài nghe cụ thể; nguồn tài liệu có sẵn; khả năng của phần lớn sinh viên trong lớp; sở thích hay những vấn đề mà đại đa số sinh viên thường quan tâm; bản chất và nội dung của bài nghe. Vấn đề tiên quyết là giáo viên cần phải xác định rõ ràng mục đích của từng bài học cụ thể để lựa chọn và phối hợp các thủ thuật trước khi nghe một cách linh hoạt và phù hợp. Song, cũng cần lưu ý rằng các hoạt động trước khi nghe nên vừa phải, không được quá nhiều (khoảng từ 7-10 phút tùy thuộc vào từng bài nghe) và chủ yếu gợi ý và kích thích sự tò mò với chủ đề là chính.
Kết luận
Để lựa chọn một phương pháp dạy học có hiệu quả trong vô vàn phương pháp dạy ngoại ngữ phù hợp với một đối tượng cụ thể là điều không hề dễ dàng. Và cũng không có một phương pháp nào được coi là tối ưu nhất áp dụng cho tất cả các đối tượng, các mục đích học ngoại ngữ. Chính điều này gợi mở, khơi nguồn cho sự sáng tạo của giáo viên trong khi lập kế hoạch bài giảng. Điều quan trọng là đạt được mục đích, yêu cầu của từng bài nghe cụ thể. Chúng tôi hi vọng việc đưa các hoạt động trước khi nghe vào giảng dạy sẽ phần nào giúp cho việc học nghe của sinh viên không chuyên hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
1.Anderson, A. & Lynch, T. (1988). Listening. Oxford. Oxford University Press.
2.Field, J. (1998). Skills and Strategies: towards a new methodology for listening. Oxford. OUP.
3.Lingzhu, J.(2003). Listening Activities for Effective top-down processing. The Internet Journal, Vol IX, No 11, November, http://iteslj.org/.
4.Tom Hutchinson. (1999). Lifelines. Oxford University Press.
5.Underwood, M. (1989). Teaching listening. New York. Longman.
6.Vân, Hoàng Văn, Chi, Nguyễn Thị & Hoa, Hoàng Thị Xuân. (2006). Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh ở trung học phổ thông Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.
7.Wolvin, A.D. & Coakley, C. (1985). Listening. Dubuque. William. C. Brown.
http://www.teachingenglish.org.uk/articles/pre-listening-activities
Bài: Nguyễn Thanh Tâm
Khoa Ngôn ngữ & VHQT
Admin3