23/05/2018, 15:44

Lai tạo giống hoa lan

Chúng ta biết rằng niềm say mê lan và việc trồng hoa lan đã có từ hàng ngàn năm trước và vẫn luôn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên việc cẩn thận chọn lựa giống và tìm hiểu về cách lai tạo giống hoa lan thì chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 18. Những ngày đầu tiên Thời kỳ đầu của triều ...

Chúng ta biết rằng niềm say mê lan và việc trồng hoa lan đã có từ hàng ngàn năm trước và vẫn luôn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên việc cẩn thận chọn lựa giống và tìm hiểu về cách lai tạo giống hoa lan thì chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 18.

 Những ngày đầu tiên

Thời kỳ đầu của triều đại nữ hoàng Victoria, thời kỳ đỉnh cao của niềm say mê lan, nhiều chuyên gia trồng lan đã tự hỏi không biết điều gì sẽ xảy ra khi những loài lan khác nhau trong vườn lan của họ được lai với nhau. Công ty Veitch & Sons ở Exeter, Anh, một trong những vườn ươm lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, đã thuê người ở khắp các lục địa gởi về cho họ những cây, hạt giống, và củ lan của những loại mới. Họ có một bộ sưu tập lan rất lớn và một chuyên gia trồng lan hàng đầu, John Dominy – một người địa phương. Cuối những năm 1840, John Dominy làm việc với một bác sĩ giải phẫu tên là John Harris, củng là một nhà thực vật học và nghiên cứu rất sâu về giải phẫu hoa lan. Với sự giúp đỡ của Harris, Dominy bắt đầu thụ phấn cho nhiều loài hoa lan. Khi thí nghiệm trên những loài lan có họ hàng gần nhau nhất và thụ phấn chéo cho chúng, ông thu được một số kết quả thành công, còn một số thì thất bại. Không bao lâu sau, họ hiểu được rằng nếu việc thụ phấn chéo thành công và cho ra một bao hạt to thì nó sẽ chứa cả hàng ngàn hạt giống. Hạt giống hoa lan cực nhỏ và khó gieo trồng nếu không am hiểu những nhu cầu của chúng. Tiếc là John Dominy đã không ghi lại cụ thể quá trình làm việc ban đầu của mình, nhưng chúng ta có thể giả định rằng ông đã thụ phấn chéo cho rất nhiều loài lan khác nhau để biết được loài nào cho hạt giống.

Thú vị nhất là loài lan cattleya to lớn và rực rỡ của miền Nam Mỹ, và đây là loài đầu tiên mà họ thực hiện thụ phấn chéo. Những cây con mà họ thu được từ hạt giống lớn lên rất chậm, và phải mất nhiều năm chúng mới ra hoa. Trong khi chờ chúng phát triên, họ tiếp tục thụ phấn cho nhiều loài khác, trong đó có loài calanthe thường xanh. Loài này phát triển rất mạnh và cho nhiều hạt giống. Khi được gieo trồng, những hạt giống này mục lên rất nhanh và mau chóng ra hoa. Những cây con này đã bắt kịp những cây lan cattleya được ươm trước đó; tức là đến năm 1856, những cây cattleya được gieo trồng đầu tiên đã ra hoa. Họ đã tạo ra một chấn động mạnh mẽ trong thế giới hoa lan khi tạo ra loài lai đầu tiên, lai giữa Calanthe furcata và c.masuca, được đặt tên là Calanthe Dominii để tôn vinh ông Dominy (xem tr. 6).

Hết sức ngạc nhiên, những người thời nữ hoàng Victoria này đã khám phá ra rằng loài lai của họ có thể được tiếp tục gây giống ra đời thứ hai và thứ ba nữa. Họ còn có thể tạo ra rất rất nhiều loài lai và lai thành công giữa các giống khác nhau – một công việc mà rất ít khả năng thành công đối với các loài thực vật khác.

 Đặt tên cho các loài lai

50 năm sau khi Dominy bắt đầu lai giống, ở Anh và Pháp, nhiều người đã trồng lan từ hạt rất thành công; sự thành công đó cũng đã đến với vùng bờ biển phía đông châu Mỹ. Cho đến nay, tất cả các loài lai đều được gởi đến các viện thực vật, như Vườn Thực Vật Hoàng Gia ở Kew, Anh, để được đặt tên và phân loại. Những loài lai đầu tiên trong thời đó thường mang một tên La-tinh, giống như tên các loài khác. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, và người trồng đã được phép tùy chọn tên cho loài lai của mình.

Nhà Sander ở Albans, Anh, là một cơ sở kinh doanh lan rất lớn thời ấy, và Frederick Sander đã mời tất cả những người tạo ra các loài lan lai đến để cùng ông ghi lại tên của chúng. Sau đó ông lập danh sách tên các loài lan lai dựa trên cơ sở ưu tiên loài đến trước, và khi một loài lai được đặt tên thì cái tên đó sẽ tồn tại mãi mãi. Từ dó, bất kỳ loài lai nào của cùng loài bố và loài mẹ đã được lai trước đó sẽ tự động mang cái tên đã được đăng ký với Sander. Phương pháp này kéo dài cho đến tháng 1 năm 1961, khi công việc đăng ký tên được Hiệp hội Trồng vườn Hoàng gia ở Luân Đôn đảm nhiệm.

Đến cuối thế kỷ 20, có hơn 100.000 loài lai đã được đăng ký, với 3.000 loài được tạo ra mỗi năm. Con số này mỗi năm một tăng lên. Và các loài lan lai đã được trồng trên khắp thế giới. Cho đến gần đây, các loài lai mới được công bố mỗi năm năm một lần, nhưng với quá nhiều loài lai được đăng ký ngày nay, việc công bố đã diễn ra thường xuyên hơn. Danh sách đầy đủ tên các loài lan lai cũng được ghi lại trên CD-Rom. Như vậy, một nhà lai giống lan có thể truy nguyên dòng giống những cây lan của mình, biết được ai đã đăng ký những loài này và ngày chúng được tạo ra. Đây được coi là một công trình khoa học vô giá mà không một công việc trồng vườn nào sánh kịp. Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót, danh sách đăng ký vẫn luôn ghi lại những cây bố mẹ quan trọng, và đó là những điều rất có giá trị cho người lai giống khi bắt tay vào việc. Họ có thể truy được nguồn gốc của một số loài lai lui tận thời kỳ đầu của thế kỷ 19 mà vẫn thấy được rằng những cây gốc này rất tốt giống.

Công việc lai tạo ngày nay

Ngày nay, các nhà lai tạo giống cần phải có một kiến thức sâu rộng về di truyền, một chuyên môn mà vào thời nữ hoàng Victoria, người ta biết rất ít về nó. Thời ấy, ý tưởng của họ chỉ là lai giống chéo cho hai hoa lan khác nhau một cách được chăng hay chớ rồi chờ xem chúng có cho hạt giống hay không. Ngày nay chúng ta hiểu rằng bản thiết kế cho một sự sống được chứa đựng trong nhiễm sắc thể của cả bố và mẹ. Hầu hết các loài lan đều có các cặp nhiễm sắc thể và được gọi là lan lưỡng bội – chúng sẽ tự do kết hợp với một cặp khác. Đôi khi cũng có trường hợp một cây có số cặp nhiễm sắc thể gấp đôi bình thường và được gọi là cây tứ bội. Nếu một cây tứ bội được lai với một cây lưỡng bội thì số nhiễm sắc thể sẽ gấp đôi lên, làm tăng hình dạng, kích thước, và chất lượng của hoa, và thường còn tăng sức mạnh của cây nữa. Một cây có số nhiễm sắc thể lẻ sẽ không thể lai giống với cây khác, nhưng ngày nay khoa học đã có thể biến đổi những cây mà trước đó chưa hề lai giống được, thậm chí là cây của một giống lai đã tồn tại cả trăm năm. Bằng cách biến đổi số nhiễm sắc thể, chúng có thể được biến thành những cây lai giống được, nhờ vậy cây lai còn có thể tiếp tục thêm nhiều đời nữa. Mục đích của việc lai giống là tạo ra những màu sắc, hình dáng mới cho hoa, và tạo ra những cây khỏe hơn, tốt hơn trước. Trong số 25.000 loài lan, chỉ có rất ít loài là được dùng để gây giống, và con số ít ỏi của những loài phổ biến nhất đó đã tạo ra vô số loài lai hiện có ngày nay.

Về người lai giống, có hai dạng chú yếu: nhà ươm cây kinh doanh – họ gây giống chỉ để cung cấp cho thị trường cụ thể, tạo ra loài mới cho ngành kinh doanh hoa chậu và hoa cắt cành. Dạng thứ hai là nhà gây giống tự mày mò, luôn thích tìm cái mới lạ. Đây là những nhà chơi lan nghiệp dư hàng đầu, đầu tư rất nhiều thời gian và tâm trí vào việc thí nghiệm lai tạo giống. Bạn có thể nhìn thấy kết quả của tất cả những nỗ lực chăm chỉ này khi tham quan một buổi triễn lãm lan: một cuộc triển lãm rực rỡ những cây lan hiếm; tất cả là nhờ vào tài nghệ của người lai tạo.

0