23/05/2018, 15:43

Côn trùng phá hoại cây hoa lan – P1

Lan trồng trong nhà kính hoặc trong nhà thì tự nhiên đã được tách biệt với các loài sâu hại vốn đầy dẫy trong vườn. Tuy nhiên, khi sâu hại đã xâm nhập vào nhà kính thì môi trường từng là thiên đường cho hoa lan sẽ trở thành thiên đường cho lũ phá hoại này. Nếu không có kẻ thù tự nhiên chế ngự, ...

Lan trồng trong nhà kính hoặc trong nhà thì tự nhiên đã được tách biệt với các loài sâu hại vốn đầy dẫy trong vườn. Tuy nhiên, khi sâu hại đã xâm nhập vào nhà kính thì môi trường từng là thiên đường cho hoa lan sẽ trở thành thiên đường cho lũ phá hoại này. Nếu không có kẻ thù tự nhiên chế ngự, chúng sẽ nhanh chóng lan tràn và lây nhiễm toàn bộ vườn lan. Cẩn thận quan sát để tìm sâu hại và ngăn chặn chúng tấn công thì tốt hơn là cố gắng cứu chữa sau khi cây đã bị tàn phá nặng nề. Nếu bạn biết trước loại sâu hại nào có thể tấn công loại lan nào, thì việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm sự xâm nhập của chúng. Từ đó tình trạng sẽ nhanh chóng được khống chế trước khi nó kịp lan rộng.

Một số loại thực vật luôn là nhà của một số loại côn trùng nào đó, mà lan thì có thể được trồng chung với nhiều loại cây khác. Thường thì sâu hại sẽ tấn công trên một cây rồi mới lan sang các cây khác. Chẳng hạn: nếu hoa vân anh được trồng chung với lan thì thế nào ruồi trắng trên hoa vân anh cũng sẽ tấn công sang lan.

Nếu bạn chọn dùng thuốc trừ sâu để chế ngự sâu hại thì bạn nhất định phải từng li từng tí theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Dùng nhiều hơn liều lượng được hướng dẫn, pha trộn nhiều loại thuốc với nhau, hoặc sử dụng thuốc quá hạn, tất cả đều không tốt. Sử dụng thuốc trừ sâu cho cây trong nhà sẽ rất khó và cũng không thích hợp, vì trẻ nhỏ hoặc sẽ bị ảnh hưởng.

Sau nhiều năm, nhiều thuốc trừ sâu có tác dụng mạnh mà trước đây từng được coi là an toàn nay không còn được bày bán nữa. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, bạn nên sử dụng các biện pháp không hóa học để tiêu diệt sâu hại.

Côn trùng xâm nhập vào nhà kính của bạn qua hai con đường. Một là qua những cây đã nhiễm sâu bệnh được đưa vào vườn. Phải kiểm tra từng cây lan và tất cả những cây khác mới được đem về. Nếu thấy nghi ngờ, hãy cách ly cây đó một thời gian để kiểm dịch rồi mới đưa vào nhà kính. Mua cây ở những vườn có uy tín đâu có nghĩa là cây đó chắc chắn không bị sâu hại. Cho dù là trong những cơ sở kinh doanh cây chất lượng nhất cũng có những con rệp nhện đỏ hoặc rầy bông ẩn nấp đâu đó, chực tàn phá cả khu vườn.

Kẻ thù khác nữa chính là mảnh vườn xung quanh nhà kính, nơi đầy dẫy những sâu hại tự nhiên; chẳng hạn: rệp vừng sẽ sinh sản mạnh trong suốt mùa hè trên những cây bông hồng của bạn, và rệp nhện đỏ có thể tràn vào phá hoại những cây táo vào cuối hè. Hầu hết những sâu hại đó đều được chủ vườn làm ngơ vì biết rằng mùa đông tới chúng sẽ phải ngủ đông và số lượng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trong nhà kính thì không có chuyện đó. Lỗ thông gió để mở trong những đêm mùa hè ấm áp sẽ là cơ hội cho lũ ốc sên xâm nhập.

 Rệp nhện đỏ (red spider mite)

Cái tên này thật ra không đúng, vì nó không giống nhện cũng không phải màu đỏ, mà nó là một con bọ cực nhỏ khó thấy bằng mắt thường. Nó tấn công một số giống lan nhiều hơn những giống khác. Giống lan hay bị loại rệp này tấn công nhất là cymbidium-, nó tấn công mặt dưới lá – trong tự nhiên, chỗ ẩn nấp này giúp nó tránh được mưa và kẻ thù. Nếu nhà kính quá khô, những con rệp cực nhỏ này có thể nhanh chóng sinh sôi. Khi một cây bị chúng tấn công, mặt dưới lá sẽ chuyển thành màu xám bạc, sau đó chúng sẽ tấn công sang cả nụ và hoa. Chỉ một lượng rệp nhện đỏ có thể làm cho cây yếu đi đáng kể; chúng phá hoại lá đến mức độ cây không thế hô hấp tốt được nữa. Tình trạng sẽ trở nên tồi tệ nhất vào mùa xuân và hè, vì trong mùa đông chúng đẻ trứng. Rệp nhện đỏ sẽ tấn công các cây lan khác như lan Dendrobium, một số cây thuộc giống Odontoglossum và lan lá mềm, như Lycaste, Thunia, và Calanthe. Loài rệp này hiếm khi tấn công lan Cattleya và Laclia.

Cách tốt nhất để chế ngự chúng là giữ độ ẩm vườn lan thích hợp: khi tưới nước lên lá vào những ngày hè nóng, hãy phun sương vào mặt dưới và cả mặt trên của lá. Không có gì lạ khi bạn phát hiện thấy loại sâu hại này trên một diện tích lớn những cây cymbidium, nhất là những cây nằm ở cuối dãy giá hoặc những cây ít được kiểm tra đúng cách. Để chữa cho một cây cymbidium bị rệp nhện đỏ tấn công, hãy lấy một ít xà bông làm vườn hoặc nước rửa chén pha với nước, kế tiếp là dùng một miếng bọt biển thấm vào dung dịch này rồi lau từng lá một và cứ như thế mà lau đi lau lại nhiều lần .

Rệp nhện đỏ có thể bị tiêu diệt bởi bọ ăn thịt, được mua từ những công ty chuyên cung cấp chúng cho ngành làm vườn. Chúng được thả vào nhà kính để tấn công và tiêu diệt rệp nhện đỏ. Nhưng biện pháp khống chế bằng sinh học này có một vấn đề là sau khi tiêu diệt đáng kể số rệp nhện đỏ, những con bọ ăn thịt này sẽ tự chết đi, vì vậy bạn phải thường xuyên thả thêm bọ ăn thịt vào vườn. Phải có thật nhiều bọ ăn thịt thì biện pháp khống chế rệp nhện đỏ mới có hiệu quả.

Nếu thuốc trừ sâu có thể được sử dụng an toàn thì tốt nhất là dùng những loại thấm vào rễ để cây hấp thu, rồi gây độc cho rệp nhện đỏ khi chúng gặm lá. Những loại thuốc này có thể được phun lên lá nhiều lần trong năm trước khi phát hiện thấy sâu hại. Chúng giúp cây kháng lại loài sâu hại này và có tác dụng lâu dài. Nếu có thể sử dụng thuốc một cách an toàn thì đây là biện pháp khống chế sâu hại rất tuyệt.

 Rệp nhện giả (false spider mite)

Loài rệp này còn nhỏ hơn nữa, còn được gọi là rệp phalaenopsis, vì chúng tấn công lan phalaenopsis nhiều hơn những loài lan khác. Chúng phá hoại cả mặt trên và mặt dưới lá: khi bị chúng tấn công, các tế bào lá bị xẹp xuống, tạo thành một vệt những sẹo sâu. Giống như các loài rệp khác, chúng phát triển trong điều kiện khô và có thể tấn công những bên bậu cửa sổ hoặc trong nhà kính thiếu độ ẩm, nơi mà chúng có thể nhanh chóng lây từ cây này sang cây khác. Khi thấy cây có những dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên, bạn cần phải chữa cho cây bằng những biện pháp như đối với rệp nhện đỏ. Nếu cây có nhiều lá, hãy tỉa hết những lá bị nhiễm bệnh.

 Rầy bông (mealy bug) và rệp vẩy (scale insect)

Hai loài sâu hại này có họ hàng với nhau, và thuộc nhóm lớn các côn trùng xâm hại lan. Chúng ta không cần phải biết sự khác biệt giữa chúng; đối với người trồng lan, chúng chỉ là những loài sâu hại cần phải diệt trừ. Rệp vẩy có thể có nhiều loại: một số có vỏ sừng cứng, màu đen, tự dính vào mặt dưới lá; một số khác lại có thân mềm, dễ bị đè dẹp.

Hầu hết những côn trùng này đều có giai doạn ấu trùng. Trong giai doạn đó chúng rất nhỏ nên người trồng lan khó mà phát hiện. Trước tiên chúng ta biết được sự hiện diện của chúng khi kiểm tra lan và thấy bên dưới lá có những vệt dài của loài rệp vẩy cứng này. Một số vệt có phủ một lớp bột trắng. Loài rệp này tấn công hầu hết các loài lan, trừ lan cattleya và các loài lai cụ thể của nó. Chúng thường ẩn ở mặt dưới lá và bên dưới cuống lá bao quanh giả hành và chồi mới. Nếu chúng ta không phát hiện kịp thời, chúng sẽ làm cây bị suy yếu đi và nhanh chóng giết chết cây.

Các loại rệp vẩy khác nhau chuyên xâm hại các loại lan khác nhau. Loại chỉ tấn công lan cattleya thì hầu như không tấn công lan cymbidium, và ngược lại. Rầy bông cũng xâm hại rất nhiều loài lan, và chúng có nhiều loại. Chúng di chuyển nhiều hơn rệp vẩy, và bên ngoài cơ thể chúng có phủ lông tơ trắng, chúng nhanh chóng tấn công khắp cây lan và đặc biệt là thích tấn công lan phalaenopsis. Chúng không chỉ tấn công mặt dưới lá mà còn tụ quanh lõi hoa và ẩn dưới những cánh hoa. Bạn sẽ luôn bị sốc khi nhìn thấy những bông hoa lan vừa mới nở đã bị rầy bông làm hư hại. Chúng ẩn sẵn bên dưới nụ hoa, chực len vào bên trong khi hoa nớ. Khi chúng đã ăn vào cánh hoa rồi thì rất khó diệt trừ. Nếu hoa bị nhiễm rầy nặng thì tốt nhất là cắt bỏ nó đi chứ đừng phí thời gian lau rửa. Thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá lan phalaenopsis sẽ có thể giúp phòng ngừa chúng; ngoài ra bạn cũng phải theo dõi sát sao những phát hoa đang trổ trước khi hoa nở để phát hiện dấu hiệu rõ ràng của những đốm lông trắng.

Với những con rầy này, bạn có thể khống chế chúng bằng biện pháp sinh học: dùng một loại bọ rùa chỉ ăn rầy bông. Tuy nhiên, một tình trạng thường xảy ra đối với các biện pháp sinh học là: những con bọ ăn thịt này có nguy cơ đói đến chết trước khi chúng diệt hết sâu hại. Xà bông làm vườn rất có công hiệu để tiêu diệt chúng, vì cả rệp vẩy và rầy bông đều có lớp vỏ nhờn bảo vệ. Khi cơ chế phòng thủ này bị phá vỡ, chúng sẽ yếu đi và nhanh chóng bị chết. Rửa cây bằng xà bông hoặc dung dịch metyl là biện pháp chế ngự rất hiệu quả. Khi vườn lan cattleya bị rệp vẩy tàn phá nặng nề, bạn có thể phải mất nhiều tháng mới diệt hết được chúng, nhưng bạn phải kiên trì với phương pháp này trước khi lũ côn trùng đó vượt lên chiếm ưu thế.

Hầu hết rệp vẩy và rầy bông đều là sâu hại vùng nhiệt đới và không có ở những vùng lạnh. Vì vậy chúng thường xâm nhập vườn lan thông qua những cây đã bị nhiễm.

 Sên và ốc sên

Đây là hai loài sâu hại thực sự gây phiền toái cho nhà kính. Chúng từ bên ngoài len lỏi vào một cách không ngờ. Hầu hết các loài lan đều cho lá dai cứng, không phái là món ăn khoái khấu của chúng, thế nhưng chúng lại thích ăn phát hoa và nụ hoa. Chúng có một biệt tài là có thể lần ra được một phát hoa béo bỡ từ tít đằng xa. Nếu vườn lan trong nhà kính chí có một phát hoa, thì chắc chắn rằng một con ốc sên nào đó cũng sẽ tìm ra; nếu có cả tá nụ hoa hoặc bông hoa trở lên, lũ sâu hại này sẽ cắn nham nhỡ hết bông này đến bông khác chứ không chỉ một bông. Vì vậy mà chúng có thể phá hoại vẻ đẹp của toàn bộ vườn lan chỉ trong một đêm.

Lá lan duy nhât mà ốc sên thích là những chiếc lá mềm, mọng nước của lan phalaenopsis, và thật đau đớn biết bao khi buổi sáng bước vào nhà kính và thấy cây lan quý giá của bạn lỗ chỗ những vết cắn tròn to trên khắp lá. Bọn phá hoại này còn thích cả rễ lan nữa, và chúng ăn những đầu rễ non mềm.

Biện pháp tốt nhất để khống chế ốc sên là giữ nhà kính sạch sẽ, gọn gàng để không cho chúng tìm được chỗ trú ẩn đầu tiên. Phát hoa có thể được bảo vệ bằng cách quấn một dải bông gòn quanh gốc phát hoa và giả hành nâng đỡ phát hoa đó. Động vật thân mềm không bám được trên bề mặt có lông, vì vậy sẽ không vượt qua được chỗ quấn gòn. Đốt đuốc hoặc thắp đèn tìm kiếm chúng sau khi trời tối; thường bạn sẽ tìm ra bọn tội phạm này đang say sưa buổi tiệc hằng đêm.

Còn có một loại ốc sên tròn, nhỏ, màu đen, được gọi là ốc tỏi hoặc ốc rêu. Chúng thường sinh sản trong chất trồng và có thể gây nhiều phiền toái cho vườn ươm cây con, vì chúng sẽ phá hoại rễ cây con. Một chiến lược hiệu quả để khử trừ chúng là đặt những lát táo, khoai tây, hoặc thậm chí là vỏ cam trên bề mặt chất trồng, rồi mỗi sáng lật lên xem; bạn sẽ thấy chúng ấn bên dưới, thưởng thức bữa ăn trái cây ngon lành. Bạn có thể vứt lũ phá phách này đi.

Bạn cũng có thể đặt mồi nhử hoặc phun thuốc diệt ốc sên, nhưng cách này không cần thiết nếu bạn đã thường xuyên kiểm tra cây. Bạn cần biết rằng những cây cymbidium được đem ra khỏi nhà kính vào mùa hè, khi được đem trở lại nhà kính có thể mang theo sâu hại ẩn trong lỗ thoát nước của chậu hoặc trên bề mặt chất trồng. Cách phòng trừ đơn giản là ngâm cả chậu cây vào nước đến ngang vành chậu trong khoảng nửa tiếng trước khi đem vào nhà kính. Như thế ốc sên hay bất kỳ loài sâu hại nào trú ẩn trong chậu cây cũng sẽ bị chết đuối.

0