23/05/2018, 15:43

Kỹ thuật trồng lan trong giỏ

Nhiều loài lan có thể thích nghi trong những giỏ treo. Có rất nhiều kiểu giỏ với hình dáng, kích thước, và chất liệu đa dạng. Thực ra lan có thể được trồng trong bất kỳ loại giỏ nào, miễn là chúng có nhiều lỗ thoát nước. Giỏ nhựa hay giỏ kẽm đều tốt cả, nhưng đôi khi chúng hơi thưa, làm trôi ...

Nhiều loài lan có thể thích nghi trong những giỏ treo. Có rất nhiều kiểu giỏ với hình dáng, kích thước, và chất liệu đa dạng.

Thực ra lan có thể được trồng trong bất kỳ loại giỏ nào, miễn là chúng có nhiều lỗ thoát nước. Giỏ nhựa hay giỏ kẽm đều tốt cả, nhưng đôi khi chúng hơi thưa, làm trôi chất trồng mỗi khi tưới cây. Để khắc phục tình trạng này, hãy đặt một lớp lưới nhựa dưới đáy giỏ rồi mới cho cây vào. Lưới đậy nhà kính cũng rất tốt, vì nó khó rách. Chậu lưới cũng rất thích hợp, nhất là cho cây nhỏ. Những giống lan như Gongora ra rất nhiều rễ trên không, nên chậu lưới sẽ tạo thuận lợi cho rễ cây thoải mái đâm ra không khí. Chúng còn trổ những cụm hoa lủng lẳng ra hai bên thành chậu hoặc xuyên qua các khe/lỗ chậu, vì vậy thế treo rất quan trọng. Coelogỵne massangeana là một loài cho hoa chùm lủng lẳng, phát hoa của nó dài đến 60 cm, nên nó trông đẹp nhất là lúc được treo lên để suối hoa vàng chảy dài xuống bên dưới giỏ.

Nếu không có giỏ, lan stanhopea sẽ không ra hoa tốt được. Phát hoa của loại lan này sẽ len qua chất trồng và đâm ra ngoài thành giỏ hoặc xuyên qua đáy giỏ. Nếu giỏ không có lỗ, phát hoa sẽ bị thoái hóa vì không tìm được ngõ ra. Loại giỏ được ưa chuộng nhất cho lan stanhopea và hầu hết các loại lan khác là giỏ gỗ thưa. Loại giỏ này được dùng rộng rãi khắp miền viễn đông cho lan vanda và nhiều loại lan khác; với loại giỏ này, người ta không cho nhiều chất trồng vào quanh rễ lan. Cách này chỉ hiệu quả nếu môi trường có độ ẩm cao và rễ cây có thể hút trực tiếp đầy đủ hơi ẩm cần thiết. Nếu không cung cấp đủ độ ẩm, lan sẽ bị mất nước. Vì vậy, trong điều kiện độ ẩm không đủ như ở vùng nhiệt đới, tốt hơn hết là bạn nên cho thêm chất trồng vào giỏ.

Chuyển lan từ chậu sang giỏ thì cũng như việc sang chậu bình thường. Hãy chọn một cái giỏ đủ rộng để cây có thể phát triển trong ít nhất đôi ba năm, nhưng cũng đừng chọn cái quá rộng. Nhiều loài lan thích hợp với giỏ – như bulbophyllum – có thể không cần thay chậu trong nhiều năm, vì chúng thích được mọc phủ ra hai bên giỏ, và nếu để tự nhiên thì dần dần chúng sẽ bao phủ toàn bộ giỏ. Nhớ lót lưới bên trong để tránh chất trồng bị trôi ra ngoài, và cho vào giỏ những chất trồng thô, tạo không gian thoáng. Giỏ vốn thoát nước rất tốt nên không cần phải cho thêm chất liệu giúp thoát nước vào đáy giỏ.

Với giỏ treo, bạn có thể tận dụng được không gian trong nhà kính; bạn có thể treo lên tới tận mái. Lan được treo cao phải là loại ưa nắng. Bạn cũng có thể thấy rằng chúng khô nước rất nhanh vì xung quanh hệ rễ, không khí luân chuyển nhiều hơn, vì vậy phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho lan trong thời tiết nóng.

Bó lan vào vỏ cây

Như chúng ta đã thấy, trong tự nhiên, nhiều loài lan mọc bám trên những thân cây trong rừng mưa nhiệt đới. Chúng ta cũng có thể trồng lan theo cách như vậy, bằng cách bó chúng vào thân cây hoặc vào gỗ trang trí. Một số loài lan đặc biệt thích hợp với việc bó lên cây, nhất là những loài có rễ bò lan, giúp cây có thể mọc trên bề mặt một cách dễ dàng. Nếu cây còn có nhiều rễ trên không thì nó sẽ thích nghi tốt khi được chuvển sang trồng trên cây. Lan trồng theo kiểu này cần được tưới và phun sương thường xuyên, vì chúng sẽ khô nước nhanh hơn rất nhiều so với loại trồng trong chậu, vốn có rễ được phủ bởi lớp chất trồng ẩm. Tốt nhất là trồng phong lan trong nhà kính để được phun sương mỗi ngày.

Nếu muốn chuyển lan từ trồng chậu sang trồng trên vỏ cây thì phải chuyển ngay khi nó vừa nhú chồi mới, vì đây là lúc nó bắt đầu ra rễ. Không chuyển khi nó đang trổ hoa hay ra nụ. Hãy tìm một khúc vỏ cây hoặc gỗ trang trí dài hơn cây lan để có đủ chỗ cho nó phát triển trong vài năm nữa trước khi chuyển nó sang miếng gỗ khác. Để lan được đâm rễ tốt, bề mặt vỏ cây phải thật thô ráp; rễ cũng sẽ len vào các hốc cây và các vết nứt nẻ trên vỏ thân cây. Đó là lý do vì sao cây sồi lại được dùng phổ biến đến vậy, mặc dù vẫn còn nhiều loại cây thích hợp cho kiểu trồng này. Tuy nhiên, tránh dùng củi giạt ngoài biển, trừ khi chúng được ngâm nước thật kỹ để rửa sạch hết muối biển.

Trước khi bắt đầu gắn lan lên vỏ cây, hãy quyết định xem bạn sẽ treo lan cách nào, rồi dùi một lỗ ở đầu khúc vỏ cây đó và làm một cái móc.

Lấy lan ra khỏi chậu và làm sạch rễ, gỡ bỏ hết chất trồng cũ. Tỉa bớt phần rễ già xuống còn 3-5 cm, tránh làm tổn thương rễ mới.

Để giúp cây đâm rễ và giữ ẩm cho cây, hãy làm một bện rêu hoặc xơ dừa, hoặc bện chung cả hai lại. Quấn nó quanh rễ lan để làm lớp đệm giữa cây lan và khúc vỏ cây mà bạn gắn lan lên. Một tay giữ lan nằm yên, một tay quấn dây kẽm ngang qua thân rễ của lan: quấn ngang giữa hai giả hành, rồi xoắn chặt hai đầu dây lại ở mặt sau vỏ cây. Chỉ xiết vừa đủ để giữ lan nằm yên vị – cẩn thận, đừng xiết quá chặt kẻo nó cắt vào phần thịt của thân rễ. Tránh quấn dây ngang qua chồi mới nhú vì nó có thể làm tổn hại chồi. Tùy kích thước lan mà bạn có thể phải quấn thêm vài vòng nữa. Bây giờ tưới nước thật kỹ – thời gian đầu bạn cần phải tưới nước thường xuyên để kích thích cây ra rễ mới.

Nhiều loài lan có thể được trồng thành công theo cách này, và để đạt hiệu quả ấn tượng nhất, hãy thử tái tạo môi trường tự nhiên hoàn toàn của phong lan bằng cách bó nhiều loại lan và các cây họ dứa khác lên một thân cây già.

0