Côn trùng phá hoại cây hoa lan – P2
Rệp vừng Rệp vừng có nhiều loại. Chúng hiếm khi phá hoại , vì với chúng, lá cây rất dai cứng, trừ những cây lan có lá mềm như lycaste và calanthe. Khi tấn công lá của những cây này, chúng thường tấn công mặt dưới lá. Những cây lan này có lá rất mềm, vì vậy rất dễ bị tổn thương bởi thuốc trừ sâu. ...
Rệp vừng
Rệp vừng có nhiều loại. Chúng hiếm khi phá hoại , vì với chúng, lá cây rất dai cứng, trừ những cây lan có lá mềm như lycaste và calanthe. Khi tấn công lá của những cây này, chúng thường tấn công mặt dưới lá. Những cây lan này có lá rất mềm, vì vậy rất dễ bị tổn thương bởi thuốc trừ sâu. Với bộ sưu tập chỉ có vài cây lan thì cách dễ nhất là lật chậu nằm nghiêng lại để phơi mặt dưới lá lên, rồi lấy khăn ướt lau sạch rệp đi ngay khi mới phát hiện ra chúng, và lau lại lần nữa nếu cần.
Rệp vừng thường tấn công hoa lan. Loài sâu hại này có khả năng sinh sản đến mức báo động; chỉ trong vài ngày chúng có thể tăng số lượng lên gấp hàng tá và thậm chí là hàng trăm lần. Chồi hoa là phần dễ bị tổn thương nhất trong giải phẫu hoa, và bất kỳ thuốc trừ sâu nào cũng sẽ làm tổn thương chồi, thậm chí còn làm tổn thương nặng hơn sâu rầy cắn phá, khiến chúng úa vàng và rụng đi. Khi mới phát hiện thấy rệp vừng làm ổ trên chồi non, hãy lập tức lấy nước rửa chúng đi. Tuy nhiên hoa đã bị tổn hại rồi, và khi hoa nở, các cánh hoa sẽ bị khuyết tật. Nếu cụm hoa đã bị nhiễm rệp nặng nề (rệp nấp giữa những nếp gấp của cánh hoa và trong cuống hoa) thì tốt nhất là bạn hãy ngắt bỏ cả cụm hoa đi để rệp không lây sang những hoa khác trong nhà kính. Giống như dối với các loài côn trùng khác hút nhựa cây, bạn có thể sử dụng loại thuốc trừ sâu ngấm vào rễ, cho tác dụng lâu dài để diệt trừ chúng. Loại thuốc này không an toàn cho những cây lan lycatste lá mềm, và biện pháp kiểm soát tốt nhất vẫn là thận trọng đề phòng.
Mọt nho
Một trong những loài sâu hại thường gặp nhấtt trong vườn là mọt nho. Nó phát triển trong những chậu cây như cây hoa anh thảo, và tàn phá mọi thứ nó tiếp xúc – cả mọt ấu trùng và mọt trưởng thành đều xâm hại cây. May thay, theo ghi nhận thì chúng không gây nhiều thiệt hại cho cây lan, nhưng nếu chúng làm ô trong chậu thì ấu trùng sẽ nhanh chóng ăn hết rễ lan. Như với tất cả những loài sâu hại tự nhiên này, biện pháp kiểm soát tốt nhất là phải hành động thật nhanh. Sang chậu hoàn toàn cho cây, gỡ bỏ hết chất trồng cũ và rửa nó dưới vòi nước đang chảy, rồi để ráo. Kiểm tra cây thật kỹ lưỡng, đảm bảo không có ấu trùng rúc trong rễ cây hoặc dính vào bầu rễ. Toàn bộ chất trồng cũ phải được cẩn thận vứt đi. Bạn có thể phun thuốc trừ sâu để diệt mọt, nhưng chúng có khả năng kháng lại những thuốc phổ dụng nhất hiện nay.
Kiến
Kiến không hoặc ít gây thiệt hại cho lan. Khi bạn thây chúng bò lên bò xuống những phát hoa là chúng đang tìm đến hoa để lấy mật. Chúng có thể còn phiền phức hơn cả sâu hại, và khi cây bị nhiễm rệp vừng thì chúng rất thích, vì chúng ăn những dịch mật do rệp vừng tiết ra. Kiến có thể di cư một quãng đường rất xa từ tổ của chúng đến nhà kính ấm áp và làm tổ trong các chậu lan. Bạn có thể dễ dàng khống chế chúng bằng cách đặt bẫy ngang đường đi của chúng chứ không cần phải dùng đến hóa chất. Khi chúng làm tổ trong những chậu cymbidium yêu quý của bạn, bạn hãy ngâm chậu cây vào nước trong nửa tiếng.
Ruồi rêu
Ruồi rêu là loài côn trùng nhỏ, sinh sản rất nhanh trong một số loại chất trồng, đặc biệt là than bùn hoặc rêu đã qua sử dụng. Chúng sinh sản rất nhanh và ở gần chậu mà chúng được sinh ra. Chúng không gây hại hoặc rất ít gây hại cho cây lan trưởng thành, nhưng nếu có tình trạng nhiễm sâu rầy trong chậu cây con hoặc chậu ươm thì chúng có thể phá hoại rễ cây con. Ruồi rêu trưởng thành bay rất tệ nên chúng chẳng đi xa mà thường quay trở lại chậu mà chúng được sinh ra để sinh sản. Loài côn trùng này và những côn trùng bay nhỏ khác, như muỗi mắt hay bọ trĩ, và cả kiến nữa, có thể được khống chế bằng cách trồng những cây bắt mồi xen giữa những cây lan. Những cây gọng vó có chất dính ở lá sẽ làm cho người trồng vườn thêm thú vị và là công cụ bắt côn trùng hiệu quả.
Mối
Mối xâm nhập vào chất trồng, ở đây chúng có lợi ích là làm tơi xốp chất trồng. Tuy nhiên, trong nhà kính thì chúng lại là loài sâu hại gây phiền toái, chúng tấn công rễ cây một cách âm thầm, vì chúng lặng lẽ len vào các lỗ ở đáy chậu. Chúng dường như miễn nhiễm với hầu hết các hóa chất, vì hệ tiêu hóa của chúng rất tồi. Phương pháp tốt nhất để ngăn chặn chúng xâm nhập vào nhà kính là giữ cho trong và ngoài nhà kính hết sức sạch sẽ. Những chất liệu trồng cây không cần thiết hoặc những chậu dơ phải được rửa sạch. Nếu bạn nghi ngờ vẫn còn một đàn mối sinh sản trong chất trồng thì hãy sang chậu cho cây hoặc ngâm chậu vào nước trong nửa tiếng.
Ong
Loài côn trùng này gây rất nhiều phiền toái cho người trồng vườn, nhất là vào đầu xuân, sau khi chúng ngủ đông dậy và chẳng thấy bông hoa nào chờ đón chúng cả. Những con ong đói này sẽ nhanh chóng đánh hơi được mùi hoa lan cymbidium, và một khi đã vào được nhà kính, chúng sẽ sung sướng lặn ngụp trong hết hoa này đến hoa kia. Mỗi lần đậu vào một hoa là chúng lại thụ phấn cho hoa đó, và chỉ trong vài ngày, nhiều hoa cymbidium sẽ bắt đầu rụng. Để ngăn chặn loài côn trùng này đột nhập vào bên trong, tất cả các lỗ thông gió và các lỗ khác của nhà kính phải được lót lưới mịn, và cửa nhà kính phải được đóng kín.
Chuột
Chuột chui vào nhà kính qua bất kỳ lỗ hay ngóc ngách nào nằm gần mặt đất. Chúng sẽ không trực tiếp tấn công lan, nhưng chúng rất thích những nụ hoa mềm mại và những bao phấn trên những bông hoa mới nở, những thứ mà đối với chúng là rất bổ dưỡng. Chỉ trong một đêm, một gia đình chuột nho nhỏ có thể ăn hết phấn hoa trên các cây lan, gây thiệt hại rất lớn và giảm tuổi thọ của các bông hoa lan.