Ký ức… 103 Đê La Thành, Hà Nội!
Huế 10/3/2014 Các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ơi, xin các bạn đừng cười nhạo vì cho là tôi đã nhầm địa chỉ trường của các bạn. Tôi biết địa chỉ trường các bạn bây giờ là 418 Đường La ...
Huế 10/3/2014
Các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ơi, xin các bạn đừng cười nhạo vì cho là tôi đã nhầm địa chỉ trường của các bạn.
Tôi biết địa chỉ trường các bạn bây giờ là 418 Đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhưng ngày trước, lần đầu tới Hà Nội nhập học, dẫu đã thuộc lòng, nhưng tôi vẫn khư khư trên tay mảnh giấy mà ông Trưởng phòng Tổ chức, Ty Văn hóa Thái Bình ghi cho tôi: Trường Lí luận Nghiệp vụ, Bộ Văn hóa, 103 đê La Thành, Hà Nội.
Vâng, đó là địa chỉ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội của 37 năm về trước. Thuở ấy lâu lắm rồi, thuở mà các ông già Khốt- Ta - Bít bọn tôi còn tóc xanh, tuổi trẻ. Còn các bạn thì chắc chắn là còn ở một nơi nào đó rất xa…xa lắm.
Ngày đầu tháng Ba này, một anh bạn của thời tóc xanh ấy gửi mail cho tôi, nội dung như sau: Có thể vì quá lâu rồi, nên ông không thể hình dung được 103 La Thành bây giờ như thế nào đâu nhẩy! Tôi gửi cho ông đường link này để ông vào đọc bài của Hoà Bình viết về trường bây giờ (vì trong đó có một số ảnh).
Tôi vội vàng nhấn vào đường link ấy. Thì ra đó là trang web của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với bài viết MÙA XUÂN THỨ 55 ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI. Tôi ngấu nghiến đọc. Đọc đi đọc lại, rồi xem đi xem lại những bức hình của nhà A, nhà B, nhà D, vườn tượng danh nhân…tất cả đều mới tinh khôi, đẹp như trong mơ, rất ăn nhập với tâm trạng như đang bay lên, cùng niềm vui rộn rã của tác giả Hòa Bình: “Trường thay đổi nhiều quá! Đẹp quá! Đẹp từ cổng vào rộng mở, đến khu ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài. Từ giảng đường đến sân thể thao, từ tòa nhà hiệu bộ đến trung tâm thông tin thư viện, nhà ăn. Từ con đường, hàng cây, ghế đá…đến màu sơn trắng tinh khôi, hương sắc hoa lá…Tất cả cộng hưởng lại như một bản giao hưởng Mùa Xuân Đại học Văn hóa Hà Nội…”
Đại học Văn hóa Hà Nội hôm nay.... như một bản giao hưởng mùa Xuân!
Tôi ngồi thừ, trong lòng trào dâng bao cảm xúc đan xen không dễ gọi tên. Có lẽ là tôi đang vui lắm. Tất nhiên là tôi vui rồi. Cái trường Lý luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa của chúng tôi ngày xưa, và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hôm nay của các bạn, cuối cùng thì cũng: “ Rũ bùn đứng dậy…sáng lòa”, sau hàng nửa thế kỷ “ Thi gan cùng tuế nguyệt”, kiên cường chịu đựng cùng gian khó, kiên nhẫn đến tận cùng, trong sự nghèo nàn xơ xác về cơ sở vật chất, cố gắng dạy và học thật tốt. Để bây giờ, đã trở thành một Trường Đại học Văn hóa quốc gia, có tầm cỡ quốc tế trong khu vực. Có thể sánh vai một cách đàng hoàng, đĩnh đạc với các trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Nhạc viện Quốc gia Hà Nội…láng giềng, về cả cơ sở vật chất lẫn nội dung giảng dạy. Điều đó không vui, không tự hào sao được!!!
Nhưng thật kỳ lạ! Trong niềm vui lâng lâng vì những sự đổi thay, giống như lột xác ấy, tôi cố hình dung ra những nhà A, nhà B, nhà D, vườn tượng danh nhân…của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng tôi hoàn toàn bất lực. Càng cố tiếp cận đến hiện tại, thì ký ức lại cứ đưa tôi ngược về với quá khứ xa xưa, cái thuở chúng tôi từ khắp đất nước tụ hội về đây, trong hệ Bổ túc văn hóa của Trường Lí luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa. Nỗi nhớ ập tới, trùng trùng, lớp lớp, ngút ngàn như những cơn lũ, của trận đại hồng thủy cuốn tôi về quá vãng!
Lớp 8 Bổ túc văn hóa năm 1977
…Trung tuần tháng 9/1977, tôi và anh bạn Đặng Gia Liêu (cùng Ty Văn hóa Thái Bình) có mặt tại 103 đê La Thành, Hà Nội. Liêu có ông cậu ruột sống gần trường, nhà ngay sát cổng phía tay phải nếu đi vào. Nên những ngày đầu tiên tới Hà Nội, hai anh em trú ngụ tại đó. Chúng tôi chưa vội nhập học, rủ nhau lang thang chơi nhởi, khám phá Hà Nội vài ngày cho đã. Trước tiên, chúng tôi làm quen với ông bảo vệ của trường và bà chủ quán cóc ngay dưới gốc cây xà cừ cổ thụ trước cổng.
Ông bảo vệ tự giới thiệu: Tớ tên là Tá, cựu chiến binh, làm bảo vệ ở đây. Các cậu tên gì? Vào khoa nào? Tôi khai tên từng thằng, rồi bảo là đến học hệ Bổ túc văn hóa. Chưa dứt lời, ông Tá bỗng kêu toáng lên: Quan to! Quan to! Chúng tôi phát hoảng, quay đầu nhín tứ phía, chẳng thấy một bóng người, không biết quan to là ai. Nhìn hai cái mặt đần thối của bọn tôi, ông Tá phá lên cười sằng sặc, vê một điếu thuốc lào, nạp vào nõ điếu, rít một hơi như liên thanh. Sau khi phun khói mù mịt lên trời như cái ống khói tàu hỏa, ông chiêu một chén trà, rồi khề khà giải thích:
- Cái hệ của các cậu là hệ cán bộ khung, quý tộc lắm đấy. Đi học vẫn có lương. Học xong, toàn được đi nước ngoài. Các cậu không quan to, thì còn ai vào đây? Tớ chắc!
Chúng tôi chẳng hiểu ông nói gì, nhưng vẫn cố mỉm cười. Ông đột nhiên nghiêm mặt hỏi cả hai thằng:
- Đã anh nào có vợ chưa?
- Dạ chưa? Chúng tôi tự nhiên đồng thanh trả lời.
- Tốt. Các anh có cần giúp gì, cứ nói. Nhà tôi ở gần bể nước tập thể, lúc nào rỗi ghé chơi nhé…
Mãi sau này chúng tôi mới giải mã được lời khen “TỐT” của ông lúc ấy. Thì ra bố Tá có hai cô con gái xinh như mộng đang là sinh viên đại học !!!
Còn bà chủ quán cóc, lại có bộ mặt lạnh như tiền, chẳng mấy mặn mà khi thấy hai thằng tôi sà vào quán.
- Còn lâu mới khai giảng, sao lên sớm thê…ế? Bà dài giọng hỏi, ngữ điệu có vẻ dè bỉu.
- Không, chúng cháu là lính mới, lên nhập học.
Tôi thản nhiên trả lời, giả như không hiểu ý tứ của bà.
- Khoa nào? Bà hỏi như công an hình sự lấy khẩu cung!
Đúng câu hỏi của ông Tá lúc nãy. Tôi lại trình bầy hoàn cảnh của chúng tôi lần nữa.
- Sao cái bà bán nước này lại khó chịu đến thế nhỉ? Tôi vừa trả lời vừa cay cú nghĩ.
- Ồ, may quá! Thế hai cậu dùng gì?
Bà bán nước nói như reo. Khuôn mặt của bà giãn ra, sự khó chịu lúc nãy lập tức biến mất. Bà nhanh nhẩu rót nước, lấy mấy cái kẹo lạc bầy ra một đĩa nhỏ, trịnh trọng để trước mặt chúng tôi, cùng với một nụ cười, bà lịch sự mời:
- Hai cậu uống nước, ăn kẹo đi.
Sao bà này thay đổi tâm tính, như tắc kè thay màu ấy nhỉ! Người Hà Nội toàn rắc rối thế hay sao? Tôi vừa nhâm nhi chén trà vừa nghĩ ngợi, nhưng càng nghĩ lại càng chả hiểu gì, khi nhớ lại tiếng reo: Ô, may quá… của bà lúc nãy. Không nén được tò mò, tôi buột miệng hỏi bà:
- Lúc nãy bác bảo may quá là sao ạ!
Không trả lời ngay, bà cúi xuống, lôi từ gầm cái chõng bán nước một cuốn sổ nhàu nhĩ vì thời gian, rồi nói với chúng tôi bằng cái giọng, pha trộn giữa sự ăn năn vì sự nhầm lẫn lúc nãy, và sự bực bội chất chứa trong lòng:
- Xin các cậu bỏ qua. Lúc nãy tôi khí không phải. Nhưng nghĩ mà lộn hết cả ruột các cậu ạ.
Tôi mang máng đoán ra vấn đề, nhưng cứ thật lòng quan tâm đến nỗi nhức nhối đến “lộn hết cả ruột” của bà:
- Có gì làm bác bực bội ghê thế ?
Chắc chỉ chờ câu hỏi đó, mặt bà bỗng đỏ bừng, tay run run nhưng vẫn lật phăn phắt từng trang trong quyển sổ rồi đưa cho tôi:
- Đây các cậu xem đi! Thế này chúng nó có giết tôi không?
Đó là quyển sổ ghi nợ cắm quán của học sinh trong trường Lí luận Nghiệp vụ. Tôi để ý những con số tiền nợ dưới mấy tên người. Có người 20 đồng, có người 45 đồng, thậm chí có người nợ hàng 70 đồng. Các mặt hàng trong sổ ghi rất rõ: trà, thuốc lá cuốn, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, lạc rang, rượu trắng... Cái quán cóc bé tý này, mà nợ đọng lên đến mấy trăm đồng, thì bà này không lên đồng…mới lạ!
Tôi đã đoán đúng. Một sự cảm thông dâng lên trong lòng, tôi sốt sắng hỏi:
- Sao bác không đòi, trước lúc họ nghỉ hè?
- Còn thiếu rách cả mép, gẫy cả cẳng thôi chú ơi! Đứa nào cũng thề sống, thề chết là trước khi nghỉ hè, sẽ thanh toán không thiếu một xu. Thế mà chúng xách ba lô, leo tường qua trường Mỹ thuật công nghiệp trốn sạch. Chờ mấy tháng, chúng mới vác mặt lên, thì chắc tôi phải dẹp quán mất!!! Lúc nãy tôi nói “May quá”, là vì các chú toàn cán bộ đi học, lại có lương nên chắc không giống chúng nó!!!
Nhìn làn khói thuốc xanh lơ, ngoằn nghèo bay lên từ điếu thuốc lá cuộn, tôi cố nín không dám cười, miệng nói: Dạ, dạ…Nhưng trong bụng nghĩ thầm: Không biết hè tới, mình có phải mượn lại kế này, của các đại ca kia không???
Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ, hai thằng tôi lên Phòng Tổ chức nộp hồ sơ nhập học. Thấy một người đàn ông gày gò, khoảng trên năm mươi ngồi trầm ngâm bên ấm trà, chúng tôi lên tiếng:
- Chào bác! Bác có phải Trưởng phòng Tổ chức không ạ?
- Phải! Chẳng là tôi …thì là các anh chắc!
Tôi giật mình, không hiểu ông đùa, hay nói theo kiểu gì. Cái kính của ông trễ xuống tận chóp mũi. Ông ta lom lom nhìn bọn tôi với ánh mắt rất chi là “tổ chức”. Còn tôi thì cứ tự thắc mắc: Không biết ông ấy đeo kính để làm gì? Chắc biết mình hơi quá lời, nên ông hỏi thêm:
- Thế hai anh cần gì?
Chúng tôi trả lời, rồi đặt hai tập hồ sơ lên bàn trước mặt ông ta. Với tay xoay hai tập hồ sơ cho thuận chiều, rút ngăn kéo lấy ra một tờ giấy có đánh máy danh sách lớp học và cái bút chì, ông Trưởng phòng dò theo danh sách từ trên xuống, miệng lầm rầm như tụng kinh:
- Đặng Gia Liêu…Hoàng Văn Luận…Đặng Gia Liêu…Hoàng Văn Luận…A! Đây rồi. Ty Văn hóa Thái Bình…ba người, thế…Tạ Hồng Nâng đâu! Hả?
Sau khi lấy bút chì đánh dấu vào tên chúng tôi, ông ngửng lên sởi lởi:
- Ngồi…ngồi! Các cậu ý thức tổ chức rất cao. Lên rất sớm! Tốt, tốt!!!
Vừa nói ông vừa ghi gì đó vào mảnh giấy nhỏ, rồi đưa cho tôi:
- Hai cậu cầm cái này sang Phòng Hành chính, nhận chỗ ở cho cả lớp luôn. Các cậu là những người có mặt đầu tiên đấy. Còn hồ sơ, tớ sẽ nghiên cứu, thiếu gì sẽ báo sau.
Chúng tôi cảm ơn, chào ông rồi đi ra ngoài.“Lại một bố tắc kè nữa, ở Hà Nội phức tạp bỏ mẹ!”. Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm.
Lớp chúng tôi được bố trí ở trong một ngôi nhà tranh, vách đất nằm vuông góc với đầu hồi của hội trường. Dãy nhà chia thành 4 phòng.
- Ba phòng nam và một phòng nữ. Giường có sẵn, chăn màn tự túc. Trước mặt các cậu là nhà ăn, muốn báo cơm thì lên đấy, gặp bà Tam. Bể nước nằm ở khu tập thể giáo viên, gần nhà thày Vĩnh – Trưởng hệ Bổ túc văn hóa của các cậu đấy. Còn nhà vệ sinh công cộng thì ở phía đằng kia. Tí nữa, các cậu đi một vòng khắc biết. Trường mình bé bằng cái lỗ mũi ấy mà. Thôi, tôi đi đây. Hai cậu chịu khó quét dọn nhà cho sạch rồi hãy vào ở.
Bà nhân viên Phòng Hành chính dặn dò xong, ném cho chúng tôi hai cái chổi tre mà bà vẫn cắp bên nách từ nãy đến giờ, cùng một nụ cười rồi đi khỏi. Qua mấy vòng khảo sát, thằng Liêu nhận xét:
- Cái nhà này còn thua cả nhà chị Dậu. Thôi kính anh, em về nhà cậu ở tạm!
Tuy nói vậy nó vẫn ở lại cùng tôi quét dọn hơn cả tiếng đồng hồ, và chọn cho tôi một chỗ nằm, mà theo nó thì rất chi là “phong thủy”!!! Xong việc, chúng tôi tiến hành công cuộc khám phá khuôn viên như cái “lỗ mũi” của nhà trường, theo cách nói của bà nhân viên Phòng Hành chính.
Khung cảnh của Trường Lí luận Nghiệp vụ lúc ấy gieo vào tôi hai trạng thái lẫn lộn: thất vọng và thích thú. Tôi thất vọng vì những cảnh huy hoàng tự vẽ ra trong đầu về mái trường giữa Thủ đô Hà Nội đã bị xóa bỏ, vùi dập không thương tiếc: Những ngôi nhà chí ít cũng 5 tầng, là nơi ở của chúng tôi, đêm đêm ánh điện sáng choang. Những giảng đường như mơ, những vườn hoa và những ghế đá như mộng. Những con đường rải nhựa phẳng lì chạy trong khuôn viên nhà trường….Tất cả được thay bằng một khung cảnh y hệt một làng quê nghèo khó của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Tuột từ trên dốc xuống, lách qua cây xà cừ oằn nghiêng, ấy là cổng trường, theo con đường lởm chởm gạch đá, qua hội trường lớn một đoạn, bắt đầu miên man những ao là ao. Chúng được nối với nhau bằng một con lạch nhỏ, lúc nào nước cũng đen kịt. Bên những bờ ao ấy là những dãy nhà dài, vách đất, vách nứa, khung và mái làm toàn bằng tranh, tre, nứa lá. Loài cây đặc hữu ở đây là chuối nước dại. Bất kỳ chỗ đất nào trống, y như rằng chúng mọc miên man. Hình như cũng có mấy cái nhà tường xây, mái ngói. Nhưng chúng cũng đã quá già cỗi. Những mái ngói rêu phong, uốn lượn theo hình sin quằn quại cùng năm tháng.
Lớp BT bên cổng chính - Đại học Văn hóa Hà Nội năm 1994
Hoành tráng nhất có lẽ là Hội trường lớn. Đó là ngôi nhà xây gần cổng ra vào, trước hai cây dừa khẳng khiu, chạy theo hướng Đông – Tây, cửa mở ra hướng cổng trường. Đầu phía Tây của ngôi nhà có một sân khấu, còn lại là hội trường. Những năm học sau này, chúng tôi thường tụ tập tại đây để xem bóng đá bằng một cái ti vi trắng đen, kê cao giữa sân khấu. Dạo đó Đài truyền hình Việt Nam hình như đang phát sóng thử nghiệm. Bán kính của sóng, mới khoảng 50 km, kể từ Giảng Võ, Hà Nội.
Nỗi thất vọng và bực bội không tồn tại lâu. Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân lam lũ, nên những chiếc ao, những bụi chuối, những mái nhà tranh…luôn thức tỉnh trong tôi, một tình yêu sâu đậm, về nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng gợi nhớ về cái làng quê khốn khó, nhưng yêu thương của tôi tại huyện Mỹ Lộc, Nam Định, cái rốn của vùng chiêm trũng. Lũ trẻ bọn tôi biết bơi trước khi biết đi, bè bạn với những con cua, con cá. Nên ao hồ, sông ngòi luôn luôn có một ma lực cuốn hút huyền bí. Chúng đã xoa dịu nỗi thất vọng lúc nãy trong tôi. Chúng cũng nói nhỏ với tôi rằng: cái chất Chân quê…trong tôi vẫn còn khá đậm đặc. Tôi thích thú khung cảnh nơi đây vì sự gần gũi thân quen như vậy.
Khoảng 8 giờ tối, khi cơm nước xong, chúng tôi tới thăm thầy Nguyễn Ngọc Vĩnh. Thầy Vĩnh lúc đó khoảng 35 hoặc 40 gì đó. Ông có một gương mặt nhẹ nhàng, nụ cười thân thiện và đôi mắt với những ánh nhìn bao dung. Thầy trò làm quen với nhau xong, ông cho biết: Lớp chúng tôi là lớp cuối cùng của hệ Bổ túc văn hóa. Hiện nay ông Phan Phúc là quyền Hiệu trưởng nhà trường. Ông Lê Thọ hiệu trưởng vừa được điều lên Bộ. Trường đang trong quá trình chuyển từ trung cấp lên cao đẳng, nhưng vẫn tồn tại song song các lớp trung cấp, cao đẳng và cả đại học. Nhà trường có các khoa: Thư viện, Văn hóa quần chúng, Phát hành sách, Bảo tàng. Khóa 1 viết văn Nguyễn Du đang chiêu sinh, cũng sẽ có mặt tại đây.
- Các anh tuy rất may, vì đây là lớp cuối cùng của hệ, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn lớn chờ phía trước.
Ông ngưng nói, với tay lấy bình nước lọc, rót thêm vào cốc cho chúng tôi và cho mình. Tôi ngước lên ngó ngọn đèn điện vàng ệch trên đầu, nghĩ bụng: Nhìn cái ngọn đèn này cũng thấy căng lắm rồi, không biết thầy còn thông báo thêm những khó khăn chi đây!!!
- Các anh sẽ phải học lại toàn bộ chương trình cấp 3 như phổ thông. Sau khi thi tốt nghiệp, các anh sẽ thi vào đại học theo nguyện vọng. Hoặc là vào các khoa của trường, hoặc bất kỳ trường đại học nào trên toàn quốc. Những ai không đậu tốt nghiệp và trượt đại học sẽ phải trở lại cơ quan cũ. Còn muốn vượt vũ môn, giật được một xuất đi du học…thì phải cố gắng gấp 200 đến 300 lần, những học sinh bình thường khác!!!
Trời ơi! Lọt được qua cổng, bất kỳ một trường đại học nào trong nước, cũng đã khó hơn bắc thang lên trời rồi thầy ơi! Nói chi là nước ngoài với nước trong!!! Tôi đã rên rỉ như vậy trên đường về. Đêm ấy tôi nằm mơ thấy mình đi xuyên qua cơn bão lửa, đỏ rực cả trời đất. Tôi cố chống đỡ với những cơn cuồng phong dữ dội và nóng bỏng, nhưng không nổi. Tôi bị chúng cuốn tung lên trời, bay mãi, bay mãi rồi ném xuống đất một cú như trời giáng. Chân tôi đạp vào sườn thằng Liêu một phát chí tử. Nó giật bắn mình, ngồi phắt dậy la lớn:
- Cái gì thế? Cái gì thế? Đau quá, đau quá!!!!
Tôi cũng đã tỉnh, dẫu chưa hoàn hồn hẳn, nhưng cũng đã nhận thức được hiện tại, liền lắp bắp:
- Tao vừa nằm mơ bị bão lửa cuốn…nên đạp vào mày! Xin lỗi, xin lỗi!!!!
- Giời ơi! Chắc chập tối nghe thầy Vĩnh dọa…sợ quá són ra quần rồi chứ gì!!! Thôi, ngày mai bố lên trên phòng tập thể mà ngủ, chứ ngủ ở đây lại gặp trận bão nữa, thì em gẫy hết cả xương sườn mất!!!
Nó bực bội đay nghiến tôi mấy câu, xoa xoa mạng sườn, rồi nằm vật ra ngủ. Bây giờ thì tôi đã tỉnh hẳn. Trời Hà Nội sang tháng 9 đã không còn quá oi ả, nhưng toàn thân tôi vã mồ hôi. Tôi hiểu, đó là cái nóng của sự lo lắng. Tôi lộn cái áo may ô lên, lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, se sẽ mở cửa đi ra ngoài. Chắc đã gần hai giờ sáng. Bản hòa tấu âm i của muôn loài côn trùng, làm cho khoảng sân trước cổng trường, bàng bạc trong bóng đêm như rộng ra vô tận. Tôi nhìn lên phía cổng trường, thấy đê La Thành cao vời vợi. Tự dưng tôi nhớ đến những con đường dẫn lên Dốc Miếu, Thành Cổ, Đầu Mầu, Cùa, cao điểm 241, Khe Sanh…của chiến trường Quảng trị năm 1973, khi tôi và thằng Liêu, cùng các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thái Bình, vào phục vụ quân giải phóng trong đó. Khi tiếp xúc với những chiến sỹ trẻ măng, đầy mình thương tích sau những trận đánh, tôi hỏi: Này, các cậu mơ ước gì khi chiến tranh kết thúc. Như quên hết những đau đớn, các gương mặt nhăn nhó bỗng dãn ra, tràn đầy sức sống tuổi thanh xuân, những nụ cười bừng lên, như lửa cháy trên môi: Bọn em phải học cho xong đại học, vì chiến tranh mà phải bỏ ngang…tiếc quá! Tôi biết họ đều là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai của các trường đại học danh tiếng: Xây dựng, Bách khoa, Sư phạ, Tổng hợp…những ngôi trường đều là những mơ ước cháy bỏng của mọi thế hệ chúng tôi. Hòa bình đã được hai năm, không biết bao nhiêu trong số họ đã trở về dưới mái trường, và bao nhiêu đã vĩnh viễn nằm lại, để xây nên con đường chiến thắng vinh quang của dân tộc hôm nay. Tôi bùi ngùi nghĩ về họ, nghĩ về mình.
Tôi thấy mình đã may mắn biết bao! Bây giờ tôi đã ngồi đây, trong cánh cổng của trường Lí luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa. Dẫu còn bao gian khó đang chờ phía trước như thầy Vĩnh vừa cảnh báo, nhưng so với cái sống và cái chết trên chiến trường thì chúng có ý nghĩa gì đâu! Tôi ngả đầu vào cánh cửa ngước nhìn lên. Bây giờ tôi mới để ý tới bầu trời đầy sao kì diệu cao vút trên kia. Muôn vàn các vì tinh tú lấp lánh như những ánh mắt yêu thương, như những nụ cười đằm thắm cổ vũ cho tôi. Có thể có cả những nụ cười của những người lính tôi đã gặp. Một nguồn sinh lực mạnh mẽ, lan tỏa khắp cơ thể, nỗi thèm khát được học tập bùng cháy trong tôi. Có tiếng gà gáy từ những nhà dân bên kia đê La Thành vọng tới, một ngày mới sắp bắt đầu. Ngày mai tôi sẽ dọn lên phòng tập thể để ở. Tôi không sợ những cơn mơ bão lửa nữa. Tôi sẽ đọc lại ngay những quyển sách giáo khoa, mà không cần đợi đến khi lớp học khai giảng.
Cuối cùng thì các học viên của lớp tôi cũng có mặt đông đủ. Tôi đặc biệt thích thú và yêu quý những cái tên: Tần Lao Sử, Tòng A Cấp, Mào Văn Căm, Bành Thúy Danh, Tần Quý Dao, Nông Thị Duyên, Đào Thế Y…Họ đến từ các tỉnh rất xa: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… là cán bộ của các dân tộc thiểu số. Tôi nhớ mãi thằng cu con mà Nông Thị Duyên mang theo về Hà Nội, chúng tôi thường cõng nó đi xem ti vi. Mỗi lần thấy hát chèo, nó lại bịt tai lại bảo: Nhiều “hi” quá, sợ…làm chúng tôi cười ngất.
Đoàn từ Quảng Ngãi, Bình Định, Long An… ra đến trường liền tranh thủ tham quan Hà Nội. Cả bọn đi tàu điện ra bờ hồ Hoàn Kiếm rồi bắt đầu tản bộ. Đi mãi đói bụng, thấy một cửa hàng có treo biển: RUỘM-HẤP, không hiểu RUỘM là gì, nhưng nghĩ chắc là một đặc sản Hà Nội. Mà đặc sản HẤP cách thủy thì ngon lắm, nên cả bọn quyết chí vào ăn thử. Tiếng xứ Quảng đã khó nghe, mà lại không phải cửa hàng ăn, nên cả hai bên khách và chủ mãi không thể nào hiểu được nhau. Vật lộn một hồi bằng mồm, bằng tay…cuối cùng thì đám thực khách cũng hiểu được RUỘM - HẤP là thứ đặc sản không thể làm họ đỡ đói lòng được. Nhưng từ đó hội này có biệt danh RUỘM – HẤP.
Người có mặt muộn nhất có lẽ là Hoàng Trọng Nhất, đến từ Ty Văn hóa Bình Trị Thiên. Là một chàng trai cao ráo trắng trẻo, có một cái răng khểnh giống diễn viên Thế Anh. Hắn mang theo một thứ khoai khô dẻo như kẹo cao su, nhai trẹo cả quai hàm, nhưng nhai lâu thì lại rất ngọt, hắn bảo đây là khoai GIEO, đặc sản của “Quảng Bình…khoai khoai toàn khoai”. Chúng tôi nhất trí gọi hắn là Nhất khoai Gieo.
Người bị Phòng Tổ chức gọi lên bổ sung hồ sơ sớm nhất là Nguyễn Phú Cường, thuộc Ty Văn hóa Hà Nam Ninh. Không biết có khó khăn gì không, mà trước khi về, hắn lấy dao chích vào thân cây xà cừ oằn trước cổng trường một chữ C to tướng. Ý hắn là bằng mọi giá phải bổ sung đủ hồ sơ để quay lại học, nhất định là phải có một chỗ ở đây, vì hắn đã đánh dấu rồi. Từ đó chúng tôi gọi là Cường điêu khắc! (Thế mà sau này hắn trở thành nhà điêu khắc danh tiếng thật).
Các thành viên của lớp tôi đều đang làm việc trong các ngành Văn hóa. Họ là những diễn viên, nhạc công, biên kịch, họa sỹ…của các đoàn nghệ thuật. Có người làm trong các bảo tàng, các cửa hàng sách, các công ty chiếu bóng …Trong cả ba năm học, chúng tôi đã hòa nhập rất ăn ý với các khoa chuyên ngành của trường. Giọng hát trầm ấm, mang đậm đặc phong vị miền Tây Bắc của Tần Qúy Dao với bài tủ “Chiếc khăn piêu” bao giờ cũng được tán thưởng nhiệt liệt trong các buổi liên hoan nghệ thuật. Tiếng đàn ghita phím lõm của Đặng Gia Liêu là một đặc sản của Trường Lí luận Nghiệp vụ. Hội sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp sang xem rất đông chỉ để nghe tiếng đàn đó. Võ Nguyên Ngọc, đến từ Ty Văn hóa tỉnh Thanh, lại sở hữu một giọng thuyết minh phim vô cùng truyền cảm, ma mị. Không biết bao nhiêu em xin “chết” vì hắn??? Đến bây giờ vẫn là một ẩn số!!! Các buổi chiếu phim miễn phí như thế đều là “của nhà trồng được” từ lớp chúng tôi: đi mượn phim, máy chiếu, màn ảnh rồi tự điều khiển máy và thuyết minh…
Đội ngũ các thầy cô giảng dạy cho chúng tôi rất tài năng, tâm huyết và vui tính. Tôi nhớ hồi lớp 8, thầy Bình dạy Vật lý, kiêm chủ nhiệm lớp hôm nào cũng như hôm nào, đúng một giờ chiều, tôi đã nghe tiếng thầy đánh thức ngoài hành lang: Dậy học đi, dậy học đi. Khi nào có bằng tiến sỹ rồi hẵng ngủ!!! Bọn con gái khúc khích cười, đặt cho thày biệt danh: Thầy tiến sỹ.
Cô Thuyên dạy môn Sinh vật, một buổi dạy về các loại “Giác”…như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác.v.v., đến cảm giác…thì cô lấy thí dụ: Tuy mắt ta không nhìn thấy, nhưng khi tay ta cầm vào một vật tròn tròn, dài dài…ta biết ngay đó là cái gì ? Đó là …hòn phấn! Cả bọn con trai cười ngặt nghẽo. Cô Thuyên và bọn con gái lúc đầu ngơ ngác, nhưng ngay sau đó cùng rũ ra cười. Tôi thấy cô Thuyên sắc mặt chuyển sang ửng đỏ rồi buông câu: Các anh đúng là quỷ sứ…và đi ra ngoài.
Tuần đầu tiên, với môn văn, cô Hiền ra đề về viết ở nhà: Hãy viết về một kỉ niệm đáng nhớ của các anh/ chị. Tất cả các bài cô đều đọc được, riêng bài của Thái Đình Duyệt (đến từ Ty Văn hóa Bình Định) cô không sao luận ra chữ của hắn. Hôm trả bài, cô đưa bài của Duyệt ra cho cả lớp đọc, tất cả đều lắc đầu. Chúng tôi hiến kế là để chính tác giả đọc, và cả lớp cùng cho điểm. Sau đó các bài văn của Duyệt cô cứ việc cho điểm khoảng ấy là được. Khi Duyệt đọc xong, chúng tôi nhất trí là khoảng 5 đến 6 điểm. Từ đó Thái Đình Duyệt đều tự dự đoán được điểm văn của mình.
Cô Dung dạy Địa lý rất có cảm tình với các bài kiểm tra của Nguyễn Phú Cường. Rất nhiều bài của Cường cô cho điểm 10. Chúng tôi đều lác mắt vì nó nhưng rồi tự nghĩ: chắc hắn suốt ngày bê bết với đất sét nặn tượng nên có điểm Địa cao !
Thầy Thủ dạy Hình học không gian trong cặp kính cận vô cùng điển trai. Chữ viết trên bảng đẹp như chữ in. Vẽ vòng tròn không cần com pa nhưng tròn xoe, dựng hình không cần thước, nhưng các nét thẳng tưng. Chúng tôi kính phục thầy sát đất. Thầy Nga dạy cả Địa và Sử, có một bộ ria mép cắt tỉa rất chỉnh chu. Thỉnh thoảng lên lớp với cái quần sooc ngắn. Các bài giảng của thầy vô cùng sinh động, hấp dẫn. Thầy có biệt tài vẽ bản đồ Việt Nam bằng tay, đẹp như bản đồ in. Chúng tôi nhớ ngay tắp lự những kiến thức thầy truyền đạt. Ông không đơn thuần chỉ là một giáo viên, ông còn là một nghệ sỹ. Khi lớp có những ngày vui, ông thường mang cây vi-ô- lông vào chơi cho chúng tôi nghe, những bản nhạc Pháp rất điệu nghệ làm say đắm chúng tôi.
Thầy Dương Viết Á có nước da “cột nhà cháy”, cái giọng khào khào, phụ đạo môn Văn cho chúng tôi, lại chia lịch sử văn học Việt Nam ra thành các MÂM: Lãng mạn, Hiện thực phê phán, Cách mạng, Hiện thực xã hội chủ nghĩa…Các nhà văn, nhà thơ của giai đoạn nào thì xếp ngồi ở mâm ấy…Các đặc điểm của mỗi giai đoạn thì thầy đặt MÓN trên MÂM rất dễ nhớ. Ví dụ: Giai đoạn 30 – 45 là “Yêu – Cam – Chuối – Lạc” (Yêu thương, Căm thù, Chiến đấu, Lạc quan). Tôi thi vào đại học với điểm văn cao chính nhờ phương pháp này của thầy. Chúng tôi đặt biệt danh cho thầy là: Thầy MÂM.
Chúng tôi chăm chỉ học hành với tinh thần:“Bất khuất, Kiên cường và Xuyên tâm liên”. Âý là khẩu hiệu mà Thái Đình Duyệt đã chế ra, sau khi học tác phẩm Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận, và chứng kiến một lần, cảnh tôi dìu nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (học viên khóa 1 Viết văn Nguyễn Du) vào cấp cứu trong phòng y tế của nhà trường. Hôm ấy tôi ra cổng trường để mua thuốc lá, đến đầu hồi hội trường lớn, gặp chị Dạ. Hai chị em gật đầu chào nhau, vừa đi được một hai bước, tôi thấy chị Dạ ngã uỵch xuống đường, bất tỉnh! Tôi lập tức dìu chị vào Phòng y tế nằm cách đó không xa. Sau một hồi thăm khám, cô y tá bảo tôi: Nhà thơ bị tụt huyết áp. Cậu kiếm một cốc nước đường nóng, cho chị ấy uống. Tôi chạy vội ra nhà cậu của Liêu, may mắn gặp bà mợ của Liêu. Bà pha cho tôi một cốc nước đường đen nóng, còn đập thêm chút gừng. Chị Dạ uống xong cốc nước quả nhiên khỏe lại. Tôi hỏi cô y tá xem có thuốc gì phụ trợ cho chị Dạ hay không? Cô y tá đưa ra mấy gói Xuyên tâm liên. Tôi hỏi sao người huyết áp thấp lại uống Xuyên tâm liên? Cô y tá cười váng lên một hồi, rồi nói: Ở đây chỉ có thuốc đỏ, bông băng, khung chỉ, xuyên tâm liên, ký ninh…Cô mang tạm mấy gói này về, cũng có lúc cần đấy! Không biết sau này, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ yêu quý của chúng ta có sáng tác bài thơ nào về Xuyên tâm liên không?
Liên quan đến tinh thần này còn có hai câu thơ lúc đó Hoàng Trọng Nhất họa thơ Bác Hồ, viết lên tường ở giường mình “ Hai mươi năm trước ở nơi này / Ta vạch con đường để đi Tây” và nhất định phải kể sơ qua các bữa cơm tại bếp ăn của trường, mà khi ấy bà Tam làm bếp trưởng. Thức ăn hầu như chẳng có gì. Trước tiên là bát nước mắm chế bằng nước gạo rang pha muối. Đây là nước chấm “Vĩnh cửu” của nhà ăn. Nhưng khi gặp bà Tam chúng tôi vẫn khen: Nước mắm cá cơm của chị hôm nay ngon thế! Bà nhăn răng cười, chửi “Cha Bố các anh!” rồi thưởng cho chúng tôi một miếng cơm cháy to tướng! Tiếp theo là canh “Hồ Gươm” thường nấu bằng rau muống. Đến tận bây giờ dẫu đã gần bốn chục năm trôi qua, trong hồi tưởng tôi vẫn thấy bát canh lơ thơ mấy cọng rau muống, còn nước thì xanh rờn như nước Hồ Gươm lạnh lẽo. Món mặn hầu như là dưa cải xào. Còn thịt cá có hay không? Tôi cố tìm nhưng không thấy trong bộ nhớ... Hôm rồi, lục lọi trang Web của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tình cờ thấy ảnh Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến thăm và chọn món ăn tại nhà ăn của trường, mục kích các món la liệt như quầy tự chọn của các khách sạn hạng ba bốn sao. Thấy mừng cho con em mình đang học, nhưng sao lại thấy thương mình quá!
Còn nước sinh hoạt thì lúc ấy là khó khăn cấp Quốc gia. Tôi không còn nhớ là chị em phụ nữ thì tắm ở đâu. Nhưng bọn con trai chúng tôi thì tắm ở bể nước tập thể hầu như không lúc nào đầy, gần nhà thầy Vĩnh. Nước rất ít, nên chúng tôi chen nhau hứng mỗi thằng một gầu, dội qua cho mát mà thôi. Đàn ông hầu hết là có họ với bọn Chồn, Cáo nên bẩn một tý không là vấn đề. Chúng tôi không than phiền về vấn nạn hiếm nước vì cho rằng đó là điều rất hiển nhiên.
Có một chuyện không biết có nên kể ra không, chuyện “hãi hùng” nhất trong mỗi ngày. Đó là chuyện đi vệ sinh. Đã là nhà vệ sinh công cộng thì khắc mọi người đều hiểu. Nhưng cái kinh hoàng nhất là khi đang đang ngồi “suy tư mung lung” trong nhà vệ sinh, bỗng giật nảy mình bởi tiếng động lạ chói tai, dội lên từ phía dưới. Lúc đầu chưa biết, có người hãi quá chạy bổ ra ngoài, tay xách quần, miệng la oai oái. Sau này mới biết đó là tiếng động phát ra từ những thao tác “quyết liệt” của những người chuyên lấy phân tươi. Không biết trên thế gian này, có nơi nào còn chuyện lạ lùng hơn nữa không?
Mọi chuyện khó khăn trong sinh hoạt, chúng tôi đều có thể cười cợt không mấy quan tâm. Nhưng ánh sáng để học thì vô cùng lo lắng trong sự bất lực. Điện lúc đó vô cùng yếu, các bóng đèn chỉ một màu đỏ quạch chỉ đủ để nhận ra lối đi trong phòng. Thái Đình Duyệt thường đùa: Cái chất nước điện này giống như nước ngoài kia, không muốn chảy…Chúng tôi thường xuyên đạp xe ra khu vực lăng Bác, ngồi dưới những cột đèn để học. Dạo năm lớp mười, đêm nào tôi cũng học qua cả hai giờ đêm. Tháng Mười tháng Mười Một, khi trời se lạnh và gió thổi mạnh từ phía hồ Tây, thỉnh thoảng mang theo cả những chú cà cuống to tướng. Khi thấy ánh sáng khu lăng Bác rực rỡ, chúng sà xuống, chúng tôi hò reo chạy theo để bắt. Có đêm cả hội bắt được năm, bảy con, mang về nướng thơm phức cả dãy nhà. Chúng tôi chia nhau mỗi thằng một miếng, cái túi mật thì rút ra pha “nước mắm gạo rang”. Lúc đó trên đời này chẳng gì thơm ngon hơn món cà cuống nướng của bọn tôi.
Thư viện và cán bộ Thư viện Trường những năm 80 của thế kỷ XX
Dẫu có lưu luyến bao nhiêu, thì khóa học của chúng tôi, cuối cùng cũng phải kết thúc. Khi những cây phượng trên cổng trường cháy rực lên những vầng hoa lửa lần thứ ba thì mùa thi đã cận kề và lúc chia tay trăm ngả cũng sắp sửa bắt đầu. Trường Lí luận Nghiệp vụ đã trở thành Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa và nghe đâu đang thực hiện những thủ tục để nâng cấp lên trường đại học. Tôi, Hoàng Trọng Nhất, Thái Đình Duyệt đủ điểm để đi du học. Các bạn của chúng tôi trừ một số ít đứt gánh giữa đường thì hầu hết học đại học tại trường và các trường đại học khác tại Hà Nội, hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Thầy Vĩnh đã nói đúng. Để nhận được một xuất đi du học, chúng tôi đã phải cố gắng đến mức tưởng chừng như gục ngã, trên những trang sách giữa đêm thâu. Dẫu vậy, chúng tôi cũng hiểu được rằng: Có được tấm bằng đại học trên tay, chúng tôi còn nhờ hồng phúc của mái trường Lí luận Nghiệp vụ mang lại. Trong đó công lao to lớn thuộc về các thầy cô, và có cả những bát canh “Hồ Gươm”, “nước mắm gạo rang”… của bà Tam, những vỉ Xuyên tâm liên…của cô y tá nhà trường…vun đắp và giúp đỡ. Chúng tôi mãi biết ơn những điều đó.
Sắp đến kỉ niệm 55 ngày thành lập Trường, ngày 26/3/1959 – 26/3/2014, trong tôi nao nao nỗi nhớ về trường xưa. Vì đàng xa, chân yếu, không biết tôi có thể về tham dự ngày hội này được không? Tôi vội viết những dòng này, như lật lại vài trang lịch sử về quá khứ kiên cường, vật lộn với bao thiếu thốn để đi tới ngày hôm nay, của các thế hệ thày - trò Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Với niềm kính trọng và yêu thương, xin gửi tới tất cả các thày cô và các bạn sinh viên của trường, lời chúc mừng nồng nhiệt và vui sướng của chúng tôi, những học viên của hệ Bổ túc văn hóa, khóa cuối cùng của 37 năm về trước. Chúc mọi người luôn hạnh phúc, luôn tràn ngập tình yêu trong giảng dạy và học tập, để vươn tới những đỉnh cao của học vấn, dưới mái Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, trong mùa xuân lần thứ 55 rực rỡ…đang về!
Bài viết: Hoàng Thảo Chi
Admin 5
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip