25/05/2018, 17:52

Nghệ nhân làng nghề truyền thống – “Báu vật nhân văn sống”

PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi Tóm tắt (ĐHVH)- Nghệ nhân làng nghề truyền thống là những “báu vật nhân văn sống”, bởi họ là người phát minh ra những công nghệ độc đáo, tạo nên hồn cốt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là người giữ bí quyết của nghề, gắn bó lâu năm và hết lòng ...

PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi

Tóm tắt

(ĐHVH)- Nghệ nhân làng nghề truyền thống là những “báu vật nhân văn sống”, bởi họ là người phát minh ra những công nghệ độc đáo, tạo nên hồn cốt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là người giữ bí quyết của nghề, gắn bó lâu năm và hết lòng sống chết vì nghề. Tuy nhiên, hiện nay nghệ nhân làng nghề chưa được đối xử đúng mức, chưa được tôn vinh kịp thời và chưa nhận được sự đãi ngộ tương xứng với công sức đóng góp của họ. Để bảo đảm quyền lợi và tận dụng được hết tài năng của nghệ nhân làng nghề, rất cần phải luật hoá các chế độ, chính sách dành cho họ; đa dạng hoá các danh hiệu và kịp thời tôn vinh họ; khuyến khích và tạo điều kiện để họ đào tạo đội ngũ kế cận cho các làng nghề truyền thống.

Từ khoá: Nghệ nhân, nghệ nhân làng nghề, báu vật nhân văn sống

Cho tới nay vẫn chưa có định nghĩa chính xác và thống nhất về nghệ nhân nói chung và nghệ nhân làng nghề truyền thống nói riêng. Theo cách hiểu dân gian, nghệ nhân là những người giỏi nghề, có trình độ chuyên môn cao ở một lĩnh vực nào đó (thường là các loại hình nghệ thuật, nghề truyền thống,…). Khác với các nghề được đào tạo bài bản, nghệ nhân là những người trưởng thành từ cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, thông qua quá trình tích luỹ kinh nghiệm và rèn luyện tay nghề. Họ là những người có năng khiếu nghề nghiệp, có đôi tay khéo léo và có óc sáng tạo. Họ nắm giữ những bí quyết làm nên sự tinh xảo, độc đáo của sản phẩm, thậm chí cả những bí quyết sống còn của một nghề.

Đối với các làng nghề truyền thống, nghệ nhân thực sự là những “báu vật nhân văn sống”.

1. Nghệ nhân làng nghề truyền thống – Những tài năng

1.1. Là những người phát minh công nghệ độc đáo, riêng có

Trong truyền thống, nghệ nhân của các làng nghề đã từng làm chủ những công nghệ sản xuất hết sức tinh xảo, đạt tới mức nghệ thuật cao. Ví như các nghệ nhân làng Vạn Phúc đã dệt được lụa vân, là loại lụa có cả hoa nổi và hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được những đường nét mềm mại, phóng khoáng và lóng lánh, biến ảo lung linh tuỳ theo góc nhìn. Loại lụa này vừa mềm vừa mịn, sờ mát tay không hề có gợn, mùa hè mặc thì thoáng mát, mà mùa đông mặc thì không bị toát lạnh. Để dệt được loại vải này, không chỉ cần sự khéo léo và tinh tế của đôi tay, mà phải dùng tới công nghệ dệt thủng để tạo những nét vặn rất tinh vi mà khung dệt thường không thể dệt được. Công nghệ cao cấp đó một thời gian dài đã thất truyền, sau này mới được nghệ nhân Triệu Văn Mão của làng nghề khôi phục lại.

Những nghệ nhân và thợ giỏi của các làng nghề ngày nay vẫn đang phát huy trí tuệ của mình, phát minh những công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, mà lao động lại được giảm nhẹ. Ví như nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ ở làng chạm bạc Đồng Xâm đã sáng tạo ra khuôn đúc bằng kim loại thay thế cho khuôn đất, nên khuôn bền hơn và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn. Hoặc nghệ nhân Nguyễn Thanh Luân ở Làng thêu Văn Lâm đã phát minh ra chiếc bút vẽ mẫu bằng cách gắn một mô tơ điện nhỏ vào chiếc bút bi. Khi vẽ, chiếc bút bi có thể chấm lỗ rất nhanh và đều đặn, với độ sâu đồng đều, tạo những nét vẽ mượt mà và gọn gàng. Công nghệ của ông đã được ứng dụng rộng rãi ở làng nghề, tạo điều kiện cho thợ vẽ mẫu chạm được những hình vẽ đẹp với công suất cao hơn và đẹp hơn vẽ tay nhiều lần.


Ông Nguyễn Thanh Luân của làng thêu Văn Lâm đang biểu diễn cách sử dụng
chiếc bút vẽ mẫu chạy điện do ông tự sáng chế (Ảnh: Vân Chi)

Không chỉ vậy, ông còn mày mò, trải nghiệm bao vất vả, tạo ra được loại vải mới để thể hiện những mẫu thêu của mình: “Tôi nghĩ ra một loại vải mới. Lúc đầu vất vả lắm. Tôi phải lên nhà máy dệt công nghiệp để gặp ông Hoàng Tùng Nguyên, lúc đó là giám đốc. Ông ấy ủng hộ ngay và ông ấy dệt cho 3000 mét. Khi đem về tôi chế thử thì rất thành công. Bà con lúc đầu bán một sản phẩm như thế được 300.000 đồng vào năm 1995” (Phỏng vấn ông Vũ Thanh Luân, Chủ tịch BCH Làng thêu Văn Lâm, Xã Ninh Hải, Huyện Hoa Lư, Ninh Bình).

Ở làng gốm Bát Tràng, Công ty Fomex (liên doanh với Đan Mạch) tự chế được loại đất thay thế đất nhập từ Anh, sản xuất được những loại gốm độc đáo như gốm sơn mài, gốm khảm trai, gốm gắn gỗ, và cả gốm bịt đồng...


Sản phẩm gốm gắn gỗ của Công ty liên doanh Fomex,
 Bát Tràng (Ảnh: Vân Chi)

Hoặc những người thợ làm bánh đa nem làng Chều (Xã Nguyên Lý, Huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam) đã sáng tạo được những "công nghệ mới nhất thế giới" để sản xuất ra sản phẩm với số lượng lớn. Đầu tiên đó chỉ là một cái máy phát điện nhỏ được thiết kế thêm phần vi sóng để làm chín sản phẩm. Nhưng càng sản xuất, người làng Chều càng cải tiến thêm từng bộ phận và đã đạt đến đỉnh cao, khi mà: “hiện tại ở Việt Nam thì làng Chều là số một. Tất cả các khách sạn, nhà hàng đến quán vỉa hè đều đặt hàng bánh đa nem ở đây. Mỗi năm, chúng tôi còn xuất khẩu lượng lớn bánh đa sang nước ngoài. Thế giới rất mê bánh làng Chều"- theo lời ông Trần Quang Thao, Phó Chủ tịch UBND Xã Nguyên Lý[7]

1.2. Là những người tạo nên hồn cốt của sản phẩm, nắm giữ bí quyết nghề nghiệp

Trong truyền thống, nghệ nhân là người quyết định tất cả mọi khía cạnh của sản phẩm, từ chọn nguyên liệu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất/chế tác, đến mẫu mã. Ví dụ, trong nghề chạm bạc của Đồng Xâm, tất cả các dụng cụ chạm bạc như bễ thổi, kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đục, bàn kéo sợi, đế gỗ, đe sắt, nồi đun... sẽ được chính tay người thợ chế tạo ra. Bởi thế, sản phẩm làm ra từ mỗi thợ bạc sẽ có nét riêng đặc trưng, giúp phân biệt được tay nghề cao hay thấp. Tiếp theo, trong quá trình luyện bạc, chất liệu của nồi đun và nhiệt độ đóng vai trò hết sức quan trọng, nên người thợ bạc bắt buộc phải có kinh nghiệm “nhìn lửa” để điều chỉnh. Đây chính là nét biểu hiện trình độ điêu luyện của tay nghề của các nghệ nhân, mà không thể máy móc nào đạt được.


Sản phẩm khung tranh chạm đồng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ,
Làng Đồng Xâm (Ảnh: Vân Chi) 

Thời nay, có những nghệ nhân được học hành bài bản, kết hợp tài năng trời phú, sự tinh xảo của đôi tay với kiến thức của nhà trường để gửi vào sản phẩm những sáng tạo độc đáo. Ví như nghệ nhân Vũ Đức Thắng của Làng gốm Bát Tràng, trên nền những kiến thức học được từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đã phát huy sức sáng tạo của mình, làm chủ được kỹ thuật đắp nổi, khắc hoa văn trên gốm (còn gọi là ám hoạ)- các kỹ thuật mà hiện nay chỉ duy nhất mình ông thực hiện được. Những bình hoa lớn được trang trí bằng những hoạ tiết đắp nổi mềm mại và tinh xảo, được thực hiện hoàn toàn thủ công một cách điêu luyện, tỉ mỉ từng li từng tí, chỉ một góc sản phẩm vài chục cm2 mà có khi phải khổ công cả tháng trời. Không chỉ vậy, chúng còn đòi hỏi một kỹ thuật nung gốm có tay nghề cao và kỳ công thì mới bảo đảm chất lượng, giữ nguyên được các đường nét tinh tế của các hoạ tiết, làm cho sản phẩm có hồn.


Bình gốm trang trí bằng kỹ thuật ám hoạ của nghệ nhân Vũ Đức Thắng,
Làng gốm Bát Tràng (Ảnh: Vân Chi)

Có thể nói, những nghệ nhân là người nắm giữ những bí quyết riêng trong việc sáng tạo những sản phẩm độc đáo; những kỹ năng thao tác và cả những điều tinh tế chỉ có thể cảm nhận chứ khó phân tích bằng lời. Họ chính là người giữ nghề, bảo đảm cho làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển.

Chính nhờ có tài năng và những bí quyết công nghệ riêng rất đặc biệt như vậy, nên nhiều nghệ nhân làng nghề truyền thống “độc quyền” được những mặt hàng chất lượng cao và độc đáo mà không nơi nào khác có thể sản xuất được. Ví như: cùng là sản phẩm đồ gỗ, nhưng những mặt hàng sập gụ, tủ chè thì không nơi nào có kỹ thuật ghép mộng và những nét chạm trổ bay bổng, sống động tài tình như ở La Xuyên; cũng là kỹ thuật sơn mài nhưng không làng nghề nào có được nước sơn vừa đẹp vừa bền màu như ở Cát Đằng...

Không phải ngẫu nhiên mà Unesco tặng cho các nghệ nhân danh xưng “Báu vật nhân văn sống”.

1.3. Là những người sống chết vì nghề

Không chỉ tài hoa trong tay nghề, những nghệ nhân làng nghề truyền thống còn là những người một lòng sống chết vì nghề, quyết không để nghề bị mai một. Những khi gian khó, làng nghề suy vi, chính họ là những người xoay kế này, tìm cách nọ, dồn công góp của, cố sức khôi phục lại nghề. Ví như ở Làng lụa Vạn Phúc, nghệ nhân Triệu Văn Mão đã không cam lòng chấp nhận khi lụa vân thất truyền, nên đã đi khắp các miền, tìm xin từng mảnh áo, chiếc khăn, từng miếng lụa vân cũ, thậm chí bỏ tiền mua lại; rồi tìm đến nghệ nhân thiết kế mẫu có tay nghề nhất trong làng nhờ thiết kế lại các mẫu lụa cũ và dệt thử không biết bao nhiêu lần... Gian truân qua nhiều năm, ông đã lần lượt phục chế thành công các loại lụa như lụa sa trơn, lụa xuyến 7, lụa quế trơn, lụa vân… để rồi không bán được vì nó quá xa lạ với người tiêu dùng lúc đó. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng ông không nản. Và cuối cùng ông đã thành công, mặc dù: "Từ khi sản xuất được lụa cổ tới khi được khách hàng biết đến phải mất cả mấy năm trời"[5].



Một sản phẩm lụa với những hoa văn tinh xảo được sản xuất tại xưởng dệt
của nghệ nhân Triệu Văn Mão, Làng Vạn Phúc (Ảnh: Vân Chi)

Khi khảo sát các làng nghề truyền thống, chúng tôi có dịp được tiếp xúc với những nghệ nhân hết sức tâm huyết với nghề.

Tại làng tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đến xưởng tranh của mình dù đã có con trai quản lý công việc. Trong khuôn viên xưởng vẫn có những bao tải đầy vỏ điệp và chiếc cối giã vỏ điệp để làm giấy vẽ; những dãy chum sành ngâm các loại hoa-lá-rễ cây để chế biến màu vẽ từ thiên nhiên; những người thợ vẫn hàng ngày quét bột điệp lên giấy dó, cắm cúi chạm khắc những bản mẫu in... Căn nhà riêng của gia đình ông có treo bức ảnh lớn vẽ sơ đồ dự án phát triển doanh nghiệp, thể hiện ước mơ của ông sẽ phát triển theo hướng kết hợp làng nghề với du lịch và giáo dục truyền thống.


Công đoạn quét bột hồ điệp lên giấy dó tại xưởng in của nghệ nhân
Nguyễn Đăng Chế, làng tranh Đông Hồ (Ảnh: Vân Chi)

Cũng tại Làng tranh Đông Hồ, dù chỉ còn hai gia đình làm tranh, nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn quyết định đầu tư phát triển nghề truyền thống. Dù có sáng tạo những mẫu in mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, ông vẫn quyết tâm gìn giữ các bản khắc tranh cổ. Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm đồ cổ hỏi mua với giá rất cao, nhưng ông nhất định không bán, bởi ông cho rằng đây là tinh hoa văn hóa, là hồn cốt để tạo nên những tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ truyền thống. Ông hiểu mỗi bản khắc đều có giá trị và ý nghĩa khác nhau, bán đi sẽ mất tất cả, nên “bằng mọi giá tôi sẽ giữ lại, để sau này cho con cháu sẽ tiếp tục nghề của tôi và cha ông đã tạo dựng nên".


Bức trạnh Lợn trên giấy điệp (thân lợn được phết điệp trắng lấp lánh)
của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Làng tranh Đông Hồ (Ảnh: Vân Chi)

Tại làng chạm bạc Đồng Xâm, nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ ngoài 80 tuổi, ngồi gần 2 tiếng đồng hồ, say mê nói chuyện nghề, chuyện làng. Ông giới thiệu những khung tranh ông chạm; giải thích về nét ve, cách sửa ve, kỹ thuật chạm bong... Và còn rất nhiều nghệ nhân khác tương tự.

Ở những con người đáng kính này toát lên sự đam mê hiếm có đối với nghề của làng mình. Đó là những người đã gắn bó máu thịt với nghề, sống chết vì nó nhiều chục năm, sẵn sàng làm tất cả những gì có thể vì nghề.

2. Những bất cập trong chính sách đối với nghệ nhân làng nghề truyền thống

Các nghệ nhân là báu vật của các làng nghề. Vậy nhưng việc đãi ngộ đối với họ chưa được tương xứng, cụ thể là việc công nhận và phong tặng danh hiệu nghệ nhân chưa được thực hiện tốt. Rất nhiều nghệ nhân tới già, thậm chí đến lúc mất, vẫn chưa được công nhận.

Khảo sát tại Làng chạm bạc Đồng Xâm, khi được hỏi về 6 thợ cả danh tiếng của làng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ cho biết là các cụ đều đã mất hết, chỉ còn lại một người nữa và cụ, nhưng ngoài cụ ra thì chưa ai được phong danh hiệu nghệ nhân (Phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Vụ, Nghệ nhân chạm bạc Đồng Xâm).

Những bất cập trong phong tặng danh hiệu và tôn vinh nghệ nhân thể hiện ở những khía cạnh sau:

2.1. Sự phức tạp trong quy trình xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Về việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đã bày tỏ quan điểm: “Bây giờ mình tôn vinh nghệ nhân chậm quá. Đến khi được tôn vinh thì họ sắp mất mất rồi. Lớp con cháu họ cũng đã 40- 50 tuổi rồi mà không ai được phong gì cả” (Phỏng vấn ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam).

Một chủ doanh nghiệp ở La Xuyên tâm sự: “Ông nội tôi cũng đang làm mấy thứ để được công nhận là nghệ nhân đấy, nhưng kể cũng hơi khó”. (Phỏng vấn chủ doanh nghiệp Hiền Oanh, làng mộc La Xuyên, Ý Yên, Nam Định). Cháu nội đã là chủ một doanh nghiệp, nhưng ông nội vẫn còn phải loay hoay “làm mấy thứ” với hy vọng được xét công nhận là nghệ nhân.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi:

Thứ nhất: Để trở thành nghệ nhân, chặng đường mà người thợ phải đi qua không hề ngắn ngủi và dễ dàng. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Vũ Đức Thắng ở Làng gốm Bát Tràng cho biết, chặng đường đó phải mất khoảng 30 năm, với “quy trình”: Làm nghề, sống được bằng nghề, rồi mới thăng hoa, sáng tạo ra những giá trị, những tác phẩm được xã hội thừa nhận (Phỏng vấn nghệ nhân Vũ Đức Thắng, Làng gốm Bát Tràng).

Thứ hai: “Muốn là nghệ nhân thì phải có sản phẩm đi triển lãm. Nhưng có phải ai cũng đi đâu. Chỉ ai đi mới được phong” (Phỏng vấn ông Đỗ Văn Soạn, Thủ từ Đền thờ Tổ nghề Làng Vạn Phúc). Phải có sản phẩm triển lãm mới được xét phong, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện mang những bộ sản phẩm độc đáo của mình đi triển lãm, bởi lẽ nó tốn kém không chỉ công sức mà cả tiền bạc. Theo tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Làng Đồng Xâm, thì số tiền thưởng 50 triệu đồng từ các nguồn mà ông nhận được khi được phong danh hiệu, đã không đủ bù đắp chi phí cho những sản phẩm ông đã làm để tham dự triển lãm. Vì thế, số nghệ nhân hiện nay tại các làng nghề truyền thống hoàn toàn chưa nhiều.

Thứ ba, việc phong tặng danh hiệu thường phức tạp và chưa kịp thời, nên có trường hợp khi được phong thì nghệ nhân đã già và lẫn, không còn phát huy được vai trò của mình nữa. Điều này cho thấy chúng ta chẳng những chưa quan tâm đầy đủ tới đội ngũ nghệ nhân, mà còn đang bỏ phí lực lượng “báu vật nhân văn sống”. Hệ lụy của vấn đề không chỉ là làm phai nhạt đi tinh hoa, cốt cách của sản phẩm thủ công truyền thống, mà còn làm cho làng nghề mất dần thương hiệu do chất lượng sản phẩm đi xuống.

Bất cập không chỉ có vậy. Theo quy định, sau khi được phong tặng, nghệ nhân sẽ được tham dự các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và dự các hội chợ miễn phí. Đồng thời, họ cũng có nghĩa vụ đào tạo và phát triển nghề truyền thống tại địa phương. Tuy nhiên, những nghệ nhân hiếm hoi sau khi được phong tặng danh hiệu xong, thì hầu như không nhận được sự quan tâm nào của bất cứ cơ quan nào. Như lời ông Nguyễn Thư Viện, một nghệ nhân mộc ở Làng Chàng Sơn,
Huyện Thạch Thất, Hà Nội, thì ông “thực sự không biết và cũng chưa từng nhận được một chế độ hay lợi ích gì cả”
[3].

1.2. Sự thiếu chặt chẽ trong công tác phong tặng danh hiệu nghệ nhân

Tuy có hiện tượng thiếu quan tâm tới nghệ nhân như đã nêu, nhưng trong việc phong tặng danh hiệu này lại xảy ra một bất cập: Trong số những người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân lại có những người chưa xứng đáng. Theo lời nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ, thì: “Úi giời, cứ thế là phong. Làng tôi có mấy nghệ nhân đó. Thực tế phải có tay nghề thì mới làm nghệ nhân được chứ, nhưng nhiều ông không có tay nghề cũng được phong là nghệ nhân đấy” (Phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Vụ, Nghệ nhân chạm bạc Đồng Xâm). Đó là trường hợp những người tay nghề chưa giỏi, đã mượn sản phẩm của người khác đi triển lãm, rồi được phong nghệ nhân.

Có tình trạng đó là do chưa có sự thống nhất và quản lý sát sao của các cơ quan có thẩm quyền, nên việc cấp chứng chỉ cho các nghệ nhân làng nghề đang bị lạm dụng. Nhiều đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp tự đứng ra phong tặng các danh hiệu như: Nghệ nhân làng nghề, nghệ nhân quốc gia… Việc thẩm định đối với không ít danh hiệu còn khá sơ sài, có dấu hiệu thương mại hóa danh hiệu. Việc phong tặng không đúng quy trình, mạnh ai nấy làm này đã mang lại hậu quả là, trong khi rất nhiều người xứng đáng chưa hề được cơ quan nào phong danh hiệu, thì có những người sở hữu một lúc vài ba danh hiệu. Ví dụ, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, hiện đang có 3 chứng nhận nghệ nhân của 3 đơn vị là: UBND tỉnh Hà Tây cũ, Hội Dân gian Việt Nam và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Còn một khía cạnh tiêu cực khác là sự lợi dụng để làm tiền những ai muốn được vinh danh. Ví dụ, nghệ nhân Nguyễn Hữu Thạo (TP. Hồ Chí Minh) đã được Hội Kim Hoàn đá quý Việt Nam đã chào mời làm thủ tục phong danh hiệu nghệ nhân rất đơn giản với chi phí 22 triệu đồng. Đến năm 2011, ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong danh hiệu nghệ nhân, không hề phải nộp tiền[4]. Nghệ nhân Trần Bá Năm của làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, Hà Nội cũng được một cơ quan mời chào tham gia chương trình tôn vinh nghề gia truyền và nghệ nhân với mức phí 12 triệu đồng[3]. Trong khi đó, ông Lưu Duy Dần cho biết: "Khi chúng tôi phong danh cho họ, họ không phải đóng góp gì[4].

Rõ ràng, việc phong tặng danh hiệu cao quý này đang còn tồn tại nhiều bất cập và đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi.

3. Giải pháp phát huy vai trò của nghệ nhân làng nghề truyền thống

Rõ ràng, đang rất cần một sự quan tâm thực sự tới đội ngũ nghệ nhân để thể hiện sự tri ân đối với những đóng góp, cống hiến của họ cho làng nghề; đồng thời cũng để phát huy vai trò của họ, để những tinh hoa văn hoá chắt lọc từ bao đời mà họ đang nắm giữ không bị mai một và thất truyền. Để làm điều đó, cần thực hiện tốt một số việc sau:

3.1. Luật hoá tiêu chuẩn, quy trình phong danh hiệu

Những lộn xộn và bất cập không đáng có nêu trên chính là hệ quả của tình trạng chưa được luật hoá đối với hoạt động này. Cho tới tận bây giờ (tháng 5/2014) Chính phủ mới đang xin ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học... đóng góp hoàn thiện dự thảo lần 5 của Nghị định “Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” thuộc lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ”. Việc làm này tuy chậm trễ, nhưng dẫu sao cũng đã thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của chúng ta về việc tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân làng nghề.

Theo dự thảo này, việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” thuộc lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (nghĩa là các nghệ nhân làng nghề) sẽ được thực hiện 3 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9, từ danh sách đề cử của các địa phương. Các nghệ nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, ngoài các quyền theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn, được tổ chức dạy nghề thu học phí, được hỗ trợ nghiên cứu và một số ưu tiên khác. Đồng thời, các nghệ nhân có nghĩa vụ gìn giữ, phát triển nghề và thương hiệu nghề của mình; tích cực truyền nghề, dạy nghề, phổ biến kinh nghiệm và bí quyết nghề; tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên và bảo vệ môi trường[1, tr. 2].

Hy vọng, khi nghị định này được ban hành, sẽ là căn cứ pháp lý để thiết lập một quy trình xét tặng danh hiệu một cách hợp lý, khoa học và chuyên nghiệp, khắc phục những bất cập đã nêu.

3.2. Đa dạng hoá danh hiệu và phong tặng kịp thời

Như đã phân tích, tiêu chuẩn cũng như quy trình và thủ tục phong tặng danh hiệu nghệ nhân còn phức tạp và tốn kém. Nên chăng cải tiến thủ tục xét tặng danh hiệu này? Thay vì yêu cầu các ứng viên mang sản phẩm tới trưng bày ở các triển lãm, hãy lập các hội đồng và định kỳ về các làng nghề, tận mắt thẩm định và chấm điểm các sản phẩm của họ. Chi phí cho hội đồng do nhà nước chi trả.

Việc phong danh hiệu nghệ nhân làng nghề cấp nhà nước sẽ được thực hiện 3 năm một lần, nên cần đa dạng hoá danh hiệu nghệ nhân theo các cấp. Ngoài danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia, có thể có những danh hiệu của các cấp thấp hơn, như cấp Hiệp hội (hiện đã có) cấp Bộ (đã có ở một số Bộ) và cấp địa phương, thậm chí cấp làng. Ví dụ Làng lụa Vạn Phúc đã có sáng kiến xác nhận tay nghề cho những thợ giỏi bằng những giấy chứng nhận tay nghề. Qua trao đổi với ông Đỗ Văn Soạn, Thủ từ Đền thờ Tổ nghề Làng, chúng tôi được ông cho biết: Tới đây địa phương sẽ xác nhận cho những người thợ giỏi danh hiệu “Thợ giỏi dân gian”, tức là thợ giỏi của làng, tương đương như “nghệ nhân cấp làng”.

Thợ giỏi dân gian, nghệ nhân làng nghề... hoặc những danh hiệu cao quý tương tự, dẫu ở cấp nào, cũng thể hiện sự tôn vinh và tri ân của làng nghề đối với công sức đóng góp của những bàn tay vàng. Nó cũng là nguồn động viên lớn đối với người thợ, khiến họ tiếp tục hết lòng hết sức vì nghề.

Tuy vậy, ở khía cạnh ngược lại, cần chấn chỉnh sự thiếu chặt chẽ trong quản lý dẫn đến những tiêu cực như chuyện vòi tiền các nghệ nhân khi đăng ký danh hiệu, hoặc hiện tượng “bán danh hiệu” như đã đề cập ở trên.

3.3. Có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Đến khi Nghị định trên của Chính phủ được ban hành, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân cấp nhà nước sẽ được luật hoá rõ ràng. Nhưng với những danh hiệu cấp thấp hơn thì chưa có văn bản quy định, nên vẫn cần có những giải pháp để bảo đảm. Rất cần những việc làm thiết thực để sự quan tâm được thể hiện ở những hành động cụ thể và thường xuyên, vì hiện nay nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu, mới chỉ được nhận tấm bằng chứng nhận và một khoản tiền theo chế độ (mà khoản tiền đó đôi khi rất chậm đến tay nghệ nhân). Bởi vậy, các địa phương và các ban, ngành cần cụ thể hoá mức đãi ngộ đối với nghệ nhân để đền đáp sự đóng góp của họ đối với nghề và làng nghề. Đó đồng thời cũng là sự chăm sóc nhằm bảo đảm cuộc sống của họ khi đã già yếu không còn khả năng lao động.

Tiếp theo, cần quy định những chế độ về mặt tinh thần mà nghệ nhân được hưởng, ví dụ được vinh danh trong những dịp lễ hội; được tham gia các cuộc hội thảo, các dự án và tham mưu hoạch định chính sách phát triển nghề; được tham dự các hội chợ trong và ngoài nước; được đăng tin buồn khi mất và được hưởng chế độ phúng viếng nào đó...

3.4. Xây dựng và nhân rộng “mạng lưới” nghệ nhân

Tại Hàn Quốc, Bộ Văn hoá nước này duy trì một chủ trương “nhân giống nghệ nhân” khá hiệu quả: Hàng năm bộ này cấp một khoản tiền cho các nghệ nhân trên toàn quốc, gọi là “lương đào tạo”, theo đó, mỗi nghệ nhân có trách nhiệm đào tạo 3 người có thể nối nghiệp mình. Khoản tiền này sẽ được tăng, giảm, thậm chí cắt bỏ tùy theo kết quả “đào tạo” của các nghệ nhân.

Ở Việt Nam cũng từng có chủ trương tương tự, là đưa các nghệ nhân vào mạng lưới đào tạo nghề. Tuy nhiên việc thực hiện chưa hiệu quả.

Mặc dù vậy, ở một số làng nghề, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ vẫn được tiến hành. Ví dụ năm 2008, chính quyền Thị trấn Hương Canh đã phối hợp với nghệ nhân gốm Nguyễn Thanh và 5 hộ khác để dạy nghề cho người dân. Nghệ nhân Nguyễn Thanh đã hết lòng tận tuỵ với công việc và trong năm đó, ông đã truyền nghề cho khoảng 50- 60 học viên. Thậm chí, khi học xong, học viên không thể mở xưởng, ông Thanh đã nhận khoảng nửa số họ vào làm việc tại xưởng của mình. Điều đó cho thấy, nếu có chính sách khuyến khích tốt, các nghệ nhân thực sự sẽ là những người đào tạo đội ngũ thợ mới tiếp nối giữ các nghề truyền thống. Và nếu mỗi nghệ nhân trong cuộc đời làm nghề của mình đào tạo được vài chục thợ như vậy, chúng ta sẽ có một đội ngũ thợ nghề đủ để duy trì các nghề truyền thống.

Có thể nói, nghệ nhân làng nghề truyền thống thực sự là những báu vật nhân văn sống mà hiện nay chúng ta chưa biết tận dụng để họ phát huy hết tiềm năng. Sự đãi ngộ và tôn vinh của chúng ta với họ cũng chưa tương xứng, rất cần có sự quan tâm và những giải pháp thiết thực để không bỏ phí nguồn báu vật này./.

 

Tài liệu tham khảo

1.          Chính phủ. Dự thảo lần 5 Nghị định “Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” thuộc lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ”.

2.          Đỗ Thị Hảo. Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề. -H: Văn hoá dân tộc, 2001.

3.          Việt Hùng. Bất cập danh hiệu nghệ nhân. Trang tin điện tử Đài truyền hình Việt Nam. http://vtv.vn/Article/Get/Bat-cap-danh-hieu-nghe-nhan------104efbbdbb.html

4.          Thiên Ngân. Phong danh hiệu nghệ nhân: Không để vàng - thau lẫn lộn. Báo Đại đoà kết online. http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1420&Chitiet=56762&Style=1

5.          Người giữ vân cho lụa. Trang tin điện tử Mạng lưới sinh viên Ngoại Thương toàn cầu- F-net.  http://f-news.f-network.net/TinKinhTe-News1386.f-net

6.          Dương Bá Phượng. Bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, -H: Khoa học Xã hội 2001.

7.          Thế giới mê bánh đa nem làng Chều. Cổng thông tin điện tử Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. http://langnghevietnam.vn/?go=New&page=d&igid=706&iid=4797

8.         Đỗ Thiện. Làng nghề: Bỏ quên "thế mạnh tự nhiên". Báo Doanh nhân Sài Gòn online. http://doanhnhansaigon.vn/online/kinh-doanh/chuyen-lam-an/2012/09/1067428/lang-nghe-bo-quen-the-manh-tu-nhien/

9.          Vũ Quốc Tuấn. Làng nghề trong công cuộc phát triển đất nước. NXB Tri thức, -H: 2011.

10.      Việt Tùng. Dạy nghề để cứu làng nghề. http://www.tinmoi.vn/day-nghe-de-cuu-lang-nghe-11639609.html

11.      Bùi Văn Vượng. Tinh hoa nghề nghiệp cha ông -H: Thanh niên, 1997.

 

 

Admin 5
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0