25/05/2018, 17:51

Đạo Tin lành vùng đồng bào dân tộc Hmông Lào Cai

Đạo Tin lành là yếu tố văn hóa mới, lạ tác động vào vùng người Hmông Lào Cai. Văn hóa tộc người Hmông tiếp nhận Đạo Tin lành ra sao? Ảnh hưởng của đạo Tin lành đến văn hóa tộc người Hmông thế nào? Ảnh hưởng này có tác động gì đến xã hội người Hmông? Đây là những vấn đề chúng tôi đề cập đến trong ...

Đạo Tin lành là yếu tố văn hóa mới, lạ tác động vào vùng người Hmông Lào Cai. Văn hóa tộc người Hmông tiếp nhận Đạo Tin lành ra sao? Ảnh hưởng của đạo Tin lành đến văn hóa tộc người Hmông thế nào? Ảnh hưởng này có tác động gì đến xã hội người Hmông? Đây là những vấn đề chúng tôi đề cập đến trong bài viết này. Tư liệu sử dụng trong bài chủ yếu là tư liệu sưu tầm khảo sát qua các đợt điền dã tháng 7/2012 và tháng 10/2012.

1. Nghiên cứu ảnh hưởng của đạo Tin lành với văn hóa – xã hội người Hmông đã được một số tác giả đề cập đến như Vương Duy Quang (1999, 2002, 2005), Đặng Nghiêm Vạn (2000), Đỗ Quang Hưng (2002, 2005), Nguyễn Xuân Hùng (2000, 2001), Nguyễn Văn Thắng (2009), Nguyễn Văn Minh, Hồ Ly Giang (2011)…Các tác giả chủ yếu nêu lên tình hình, bản chất, nguyên nhân người Hmông theo đạo Tin lành. Còn vấn đề ảnh hưởng của đạo Tin lành đến văn hóa tộc người có đề cập tới nhưng mới dừng lại ở sự khái quát, ít có tài liệu điền dã minh chứng cụ thể, sâu sắc. Trong bản tham luận này, chúng tôi chủ yếu sử dụng tư liệu điền dã ở xã Sảng Ma Sáo huyện Bát Xát và một số huyện thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của đạo Tin lành tới các thành tố văn hóa tộc người Hmông.

2. Người Hmông ở Lào Cai có 146.147 người, cư trú ở 534 thôn bản thuộc 118 xã của 9 huyện, thành phố[1]. Lào Cai là địa phương đầu tiên trong toàn quốc có người Hmông đi theo đạo Công giáo (năm 1921). Lào Cai cũng là một trong những tỉnh sớm có người Hmông theo đạo Tin lành. Hiện nay, ở Lào Cai có 2.221 người Hmông theo đạo Công giáo và hơn 20.000 người theo đạo Tin lành. Quá trình đạo Tin lành xâm nhập vào vùng người Hmông Lào Cai theo 3 giai đoạn khác nhau.

- Giai đoạn đầu (1989 – 1992): đây là giai đoạn người Hmông tin theo “Vàng Trứ”, tin theo tin đồn sẽ đổi đời. Đầu tiên ở các xã Xuân Hòa, Tân Thượng huyện Bảo Yên, Cốc Lầu, Bản Liền huyện Bắc Hà, người Hmông tụ tập không đi sản xuất, tin vào các tin đồn trời sập, đợi đón vua. Ngày 30/4/1999, tại đội 9 xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai còn có một số người tập hợp nghe theo lời của Sùng Seo Pao ở huyện Bắc Quang (Hà Tuyên) học lời cúng mới, đạo “Vàng Trứ”, bỏ bàn thờ tổ tiên, thu tiền gây quỹ… Khoảng giữa cuối tháng 6 năm 1990 tin đồn lan khắp 6 huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Yên với 2.029 hộ người Hmông theo “Vàng Trứ”, bán rẻ 1.215 con ngựa, trâu, thu nộp 15.900.000 đồng cho những người đi tuyên truyền “Vàng Trứ”. Tổ chức nhiều hoạt động mê tín như tập bay lên trời, tụ tập trong rừng, đào hầm sợ trời sập…[2]. Giai đoạn này, thời kỳ đầu người Hmông theo “Vàng Trứ”, đến những năm 1991-1992 người Hmông lại bắt liên lạc với các nhà thờ công giáo ở Sa Pa, Văn Yên, Văn Chấn xin theo Chúa.

- Giai đoạn thứ hai (từ năm 1993 đến năm 2006) người Hmông ở Lào Cai lại bỏ Công giáo xin gia nhập đạo Tin lành, nhưng những năm 1993 – 1994, người Hmông chủ yếu học kinh, thực hành các giáo lý thông qua “Đài Hmông” (chương trình truyền đạo bằng tiếng Hmông của đài FEBC) chứ không phải theo sự hướng dẫn của các mục sư[3]. Trong giai đoạn này mâu thuấn giữa người theo đạo Tin lành (Hmông mới) và người không theo đạo diễn ra ở nhiều nơi, xảy ra một loạt các vụ án hình sự ở huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bảo Yên.

- Giai đoạn thứ ba (từ năm 2007 đến nay): đầu năm 2007, thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện tổ chức 4 điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đến tháng 4 năm 2012, Lào Cai đã tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn đồng bào Hmông đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành ở 41 điếm nhóm, tạo nên sự phấn khởi trong tín đồ tôn giáo. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg đã giảm bớt sự mặc cảm của xã hội, bước đầu tháo gỡ các vụ xích mích, mâu thuẫn giữa người theo đạo và người không theo đạo.

3.Văn hóa tộc người là toàn bộ sáng tạo của tộc người tích lũy lại trong quá trình hoạt động thực tiễn – xã hội, đúc kết thành hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua tín ngưỡng, phong tục tập quán, cách ứng xử, di sản văn hóa…Các thành tố này tạo nên bản sắc văn hóa tộc người, phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Vì vậy, khi nghiên cứu ảnh hưởng của đạo Tin lành với văn hóa tộc người cần tìm hiểu các ảnh hưởng này đến một số thành tố chủ yếu của văn hóa người Hmông như tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ứng xử cộng đồng. Qua 3 giai đoạn truyền bá, đạo Tin lành từ yếu tố lạ đã xâm nhập vào văn hóa tộc người Hmông. Hầu hết các thành tố chủ yếu của văn hóa Hmông (tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp sống, ứng xử trong các mối quan hệ dòng họ, gia đình...) đã biến đổi. Tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền của người Hmông là tôn giáo đa thần. Người HMông quan niệm mỗi người có 3 linh hồn khác nhau. Các quan niệm về hồn chi phối về thế giới quan của người Hmông. Nhưng khi theo đạo Tin lành người theo đạo không còn tin về hồn. Người Hmông thờ cúng tổ tiên và hệ thống ma nhà (như xử ca, ma cửa, ma buồng, ma cột nhà, ma bếp lò...) , nhưng người Hmông theo đạo Tin lành chỉ thờ có một Đức chúa Jê su mà người Hmông gọi là “Vàng Trứ”. Điều đặc biệt là người Hmông tuy theo đạo Tin lành nhưng không hề biết kỹ về giáo lý phức tạp mà chủ yếu thực hiện các điều răn đã được dạy. Điều tra những người sinh hoạt đạo ở thôn Khu Chu Phìn xã Sảng Ma Sáo huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, khi phỏng vấn người dân chúng tôi được biết họ đi theo đạo Tin lành vì đây là một đạo rất đơn giản, không tốn kém như tín ngưỡng truyền thống. Theo đạo Tin lành, ai có thời gian thì đi cầu nguyện tập trung, ai bận thì có thể tự cầu nguyện ở nhà. Ông Lý A Chao là người gia nhập đạo đầu tiên ở thôn Khu Chu Phìn cho biết: một số gia đình sấy thảo quả trên núi không cần về nhà, chỉ cần cầu nguyện ngay trên nương thảo quả cũng được. Quan sát buổi sinh hoạt của đạo thánh Tin lành vào sáng chủ nhật ngày 21/10/2012 chúng tôi nhận thấy chương trình người dân dự sinh hoạt ở tại nhà ông Lý A Chao thôn Khu Chu Phìn có 11 nội dung theo thứ tự như sau:

1, Hát thánh ca

2, Học một điều của Kinh thánh (điều 389 ở trang 332)

3, Cầu Chúa (cho người Hmông được sống yên bình)

4, Hát Thánh ca (do đội hát Thánh ca của điểm nhóm sinh hoạt đạo Khu Chu Phìn gồm 10 cô gái trẻ hát)

5, Đọc một điều Kinh thánh

6, Hát Thánh ca

7, Cầu Chúa

8, Hát Thánh ca (mọi người có mặt sinh hoạt cùng hát với đội hát thánh ca)

9, Đọc một điều Kinh thánh (điều nào cũng được)

10, Hát thánh ca

11, Cầu Chúa

Như vậy, buổi sinh hoạt đạo chủ yếu học và đọc một vài điều Kinh thánh cùng với hát thánh ca. Tuy nhiên, khi chúng tôi khảo sát hỏi kỹ về các giáo lý, người Hmông đều không thuộc  giáo lý. Phỏng vấn 16 người theo đạo Tin lành ở Khu Chu Phìn thì 15 người không nói được giáo lý chủ yếu của đạo Tin lành là gì. Chỉ có trưởng thôn Trá A Páo liệt kê được 10 “Điều răn của Chúa” như sau:

1, Yêu Chúa như yêu bố mẹ, yêu bố mẹ như yêu Chúa

2, Không được uống rượu, không ăn thịt chó, không ăn tiết canh

3, Không được yêu đương lung tung (không quan hệ tình dục trước hôn nhân)

4, Có vợ (hoặc có chồng) thì không được yêu người khác (không ngoại tình)

5, Không được trộm cắp

6, Không được đánh nhau, không được cãi nhau

7, Không được cờ bạc

8, Không được nghiện hút

9, Không được nói bậy, văng tục, không được nói xúc phạm người khác, không hát dân ca

10, Không được cúng các loài ma, không bói toán.

Tuy nhiên, khi điều tra ở thôn Khu Chu Phìn số nam thanh niên uống rượu trong các bữa ăn liên hoan hoặc đi chợ vẫn chiếm tới 70 – 80%. Quan sát bữa liên hoan tại nhà anh Trá A Páo vào ngày 20/10/2012 có 15 người theo đạo Tin lành dự liên hoan mừng anh Páo mua được máy tuốt lúa mới thì chỉ có 3 người không uống rượu, còn 12 người đều uống rượu. Theo anh Vừ A Páo, thư ký điểm nhóm Khu Chu Phìn thì trong số 90 hộ gia đình theo đạo Tin lành của điểm nhóm này có tới 64 hộ vẫn uống rượu và ăn thịt chó. Như vậy, việc thực hiện lời răn của người Hmông theo đạo chưa được nghiêm túc. Tuy nhiên, với việc không cầu cúng các loại ma; không giết mổ gia súc làm các nghi lễ tôn giáo truyền thống nên người Hmông theo đạo cũng tiết kiệm được một phần quan trọng về kinh phí. Người Hmông không đi sản xuất vào ngày chủ nhật và thứ năm cũng tạo điều kiện cho người Hmông có thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp nhà ngăn nắp, đảm bảo vệ sinh.

Người Hmông theo đạo Tin lành đã biến đổi khá nhiều về phong tục tập quán chủ yếu theo chu kỳ đời người:

Trong phong tục cưới

Người theo đạo Tin lành khi muốn tìm hiều người mình yêu thì chàng trai không phải hát dân ca, không phải tỏ tình ngoài chợ mà nhờ một người khác dòng họ viết một bức thư tình ngỏ lời với người mình yêu. Nhận được thư thì người phụ nữ cũng phải viết thư trả lời (trường hợp không biết chữ thì phải nhờ một người khác họ viết hộ). Quy trình tổ chức lễ cưới:

Nhóm thờ cúng tổ tiên                                         Nhóm theo đạo Tin lành

- Tổ chức một đoàn đón dâu mang lễ vật (rượu, thịt, trang phục, bạc trắng) sáng nhà gái

- Giao tiếp trong lễ cưới chủ yếu do hai ông mối của nhà gái và nhà trai bằng các bài dân ca

- Lễ cưới diễn ra cả ban đêm và ngày hôm sau bằng các nghi thức hát giao duyên với các nghi lễ tặng của hồi môn, đưa dâu...

- Nhà trai cử một tốp người mang tiền, thịt và nước ngọt (không có rượu) sang nhà gái

- Giao tiếp trong lễ cưới chủ yếu là một người có uy tín trong họ và đi theo đạo

- Người HMông theo đạo Tin lành chỉ làm một bữa liên hoan nhưng kiêng không uống rượu, không ăn tiết canh, không hát dân ca.

 

 

Trong phong tục sinh đẻ

Trong sinh đẻ người Mông theo đạo Tin lành và không theo đạo vẫn giữ một số phong tục tập quán truyền thống đẻ ở nhà. Năm 2011 và 10 tháng năm 2012 có 20 trường hợp sinh đẻ thì có tới 19 trường hợp là đẻ ở nhà, không đến phòng khám khu vực. Các sản phụ đều đẻ trong buồng ngủ, phụ nữ tự vượt cạn. Phụ nữ đẻ xổm dưới đất. Chỉ có những trường hợp đẻ khó thì mẹ chồng mới giúp việc đỡ đẻ. Sau khi đẻ xong, trẻ được cắt rốn bằng cật nứa và chôn ở cột cái (nếu là con trai) hoặc chôn ở gầm giường (nếu là con gái). Tuy nhiên, người Hmông theo đạo Tin lành đã bỏ toàn bộ các tục lệ kiêng kị, gọi hồn đặt tên. Trường hợp đẻ khó cũng không phải làm nghi lễ uống nước rửa tay cho thai phụ.

Trong đám tang

Người Hmông không theo đạo Tin lành khi chết gia đình phải tổ chức các nghi lễ: lễ chỉ đường (kruôz cê), lễ treo trống thổi khèn và dựng cáng treo xác người chết, lễ đuổi giặc, lễ giao lợn cho người chết, lễ viếng, lễ thổi khèn đốt tiền giấy nhằm cảm ơn người chết, lễ chí sáy, lễ tàu txá (đưa người chết ra ngoài bãi), lễ hạ huyệt cho người chết, lễ xua tà ma bằng than hồng...

Người Hmông theo đạo Tin lành không làm các nghi lễ trên. Trường hợp người chết già, mọi người trong tang gia đứng quây quần yên lặng xung quanh người chết ở phía chân và hai bên. Trưởng nhóm đạo (hoặc người được ủy quyền) đứng ở phía đầu người chết cầu Chúa rửa sạch mọi tội lỗi cho người chết khi còn sống. Sau khi làm lễ xong, một thiếu nữ trẻ trong nhóm hát thánh ca của nhóm đạo sẽ hát một bài thánh ca. Trong đám tang mọi người không được khóc mà chỉ được hát thánh ca. Sau đó người ta cho xác người chết vào quan tài, quan tài được đóng nắp ngay mà không đợi để người nhà đến xem mặt. Người Hmông theo đạo không kiêng như người Hmông không theo đạo mà vẫn dùng đinh để đóng chặt 4 góc quan tài. Người chết chỉ được quàn ở giữa nhà không quá 48 giờ để mọi người phúng viếng và tổ chức chôn cất. Trong thời gian quàn xác ở nhà, người Hmông không thắp hương, không vái lạy, không cúng cơm, không khèn trống hay bất cứ nghi lễ nào khác. Đồ viếng của người không theo đạo đem viếng người theo đạo bị chết đều để ở một góc nhà, không làm nghi lễ trao cho người chết. Người Hmông theo đạo Tin lành tiến hành chôn cất nhanh, không phải đưa người chết ra bãi gần nhà phơi nắng. Mộ của người Hmông theo đạo Tin lành không xếp đá mà chỉ đắp đất. Sau khi chôn cất mọi người quay về nhà tang gia không phải bước qua đống than hồng trừ ma, trừ tà như người Hmông không theo đạo. Sau tang lễ, người Hmông theo đạo Tin lành không phải mổ trâu, làm ma khô, không phải tổ chức các nghi lễ cúng bái nào khác.

Ứng xử cộng đồng

- Ứng xử trong quan hệ dòng họ: người Hmông theo đạo hay không theo đạo vẫn có quan niệm về dòng họ giống nhau. Các kiêng kị của từng dòng họ (như kiêng không ăn tim của dòng họ Giàng, hoặc dòng họ Lý, họ Thào kiêng không cho con dâu lên gác...) vẫn được thực hiện nghiêm túc. Trai, gái trong cùng dòng họ không bao giờ kết hôn với nhau. Tuy nhiên, các nghi thức chung của dòng họ như lễ đuổi tà ma (Tu suz) đều không còn. Người trưởng họ trong xã hội người Hmông không theo đạo gần như giữ vai trò thủ lĩnh của dòng họ. Nhưng người Hmông theo đạo Tin lành vai trò của trưởng họ không rõ rệt và không được đề cao. Thậm chí nhiều gia đình theo đạo không thừa nhận trưởng họ. Theo anh Vừ A Páo, thư ký của điểm nhóm Khu Chu Phìn thì: người Hmông theo đạo Tin lành không phân biệt dòng họ, tất cả con cháu đều là con của Chúa. Vì thế, các gia đình theo đạo ở từng thôn bầu ra một người biết ăn nói, thạo lý lẽ làm người đứng đầu gọi là “Chử lành tảo”. Còn người trưởng họ không khác gì người bình thường. Sự cố kết trong dòng họ của người theo đạo Tin lành đã bị phá vỡ. Cộng đồng người Hmông theo đạo Tin lành không thừa nhận vai trò của dòng họ, không tham gia các hoạt động tín ngưỡng của dòng họ. Họ từ chối thiết chế dòng họ - một thiết chế trọng yếu trong xã hội người Hmông.

- Ứng xử trong quan hệ thôn xóm: người Hmông theo đạo Tin lành và người Hmông không theo đạo Tin lành dường như bị tách ra làm 2 cộng đồng khác nhau. Tuy có chung một ông trưởng thôn nhưng thực chất người Hmông theo đạo Tin lành chủ yếu là tin theo người “Chử lành tảo” của đạo. Bên cạnh các nghi lễ của cộng đồng như lễ nào sồng, lễ cúng rừng, lễ trừ tà, người Hmông theo đạo Tin lành không tham gia mà ngay cả những công việc công ích nếu phải huy động làm vào ngày chủ nhật người Hmông theo đạo Tin lành cũng từ chối. Quan sát một buổi họp thôn tại nhà ông trưởng thôn (không theo đạo) ở thôn Mà Mù Sử xã Sảng Ma Sáo huyện Bát Xát vào ngày 15/10/2012 chúng tôi nhận thấy người theo đạo Tin lành ngồi ở phía cửa chính, còn người không theo đạo lại ngồi ở khu vực gần nơi thờ tổ tiên. Khi ăn uống mang tính cộng đồng trong buổi sinh hoạt thôn, nhóm người theo đạo Tin lành cũng ăn riêng và nhóm người không theo đạo cũng ăn ở khu vực riêng.

4. Đạo Tin lành ảnh hưởng đến văn hóa tộc người Hmông khá sâu sắc dẫn đến hàng loạt các tác động tích cực và tiêu cực khác nhau.

4.1 Ảnh hưởng tiêu cực:

- Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ người Hmông diễn ra lúc âm ỉ, lúc quyết liệt. Trong các làng người Hmông, giữa nhóm người theo đạo Tin lành và người không theo đạo thường xuyên xảy ra các quan niệm đối lập nhau về văn hóa truyền thống. Người Hmông theo đạo Tin lành tự nhận mình là người Hmông mới và gọi người Hmông không theo đạo Tin lành là người Hmông cũ. Họ cho rằng người Hmông cũ lạc hậu, trì trệ. Người Hmông không theo đạo Tin lành lại gọi người Hmông theo đạo là nhóm người mất gốc, bỏ truyền thống tổ tiên. Người Hmông quan niệm có 3 hồn (mỗi một hồn có  vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau). Khi theo đạo Tin lành người Hmông bỏ các quan niệm về hồn truyền thống mà tin rằng khi chết chỉ có linh hồn của người Tin lành mới được lên thiên đàng còn những người Hmông không theo đạo sẽ rơi vào thế giới tối tăm của các loài quỷ ác. Người Hmông theo đạo Tin lành tuyên truyền nhiều về “ngày tận thế”, “ngày phán quyết”. Vào những ngày đó, người Hmông theo đạo Tin lành sẽ được lên thiêng đàng, còn người Hmông không theo đạo Tin lành sẽ bị đày xuống địa ngục[4]. Những quan niệm đó đã góp phần chia rẽ cộng đồng người Hmông. Mặt khác, những khác biệt về phong tục tập quán, về tín ngưỡng và những quan niệm cấm đoán như cấm uống rượu, cấm ăn tiết canh, không hát dân ca, không thờ cúng tổ tiên... càng làm cho người Hmông theo đạo Tin lành mâu thuẫn với người Hmông không theo đạo. Mâu thuẫn này diễn ra trong từng nhà. Những năm 90 của thế kỷ 20, ở Lào Cai đã xảy ra một số vụ án đau lòng như con giết cha, vợ bỏ chồng vì lý do người cha, người chồng không theo đạo[5]. Chúng tôi thống kê từ năm 1994 đến năm 2004 ở vùng người Hmông Lào Cai đã xảy ra 17 vụ xích mích nghiêm trọng trong nội bộ gia đình, dòng họ người Hmông, giữa những người theo đạo Tin lành và không theo đạo. Mâu thuẫn này càng trở nên quyết liệt khi ở một số vùng người Hmông không theo đạo bài xích người theo đạo, dẫn đến tình trạng xung đột, chính quyền phải can thiệp. Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xung đột xã hội có phần dịu lắng, không bùng nổ thành các vụ án hình sự, nhưng vẫn âm ỉ trong mỗi làng người Hmông.

- Bản sắc văn hóa người Hmông bị mai một nghiêm trọng. Điểm dễ nhận thấy nhất trong đời sống văn hóa người Hmông theo đạo Tin lành là bản sắc văn hóa bị mai một nghiêm trọng. Đạo Tin lành như một cơn gió lốc cuốn sạch các tôn giáo tín ngưỡng, vốn dân ca dân vũ và cả phong tục tập quán mang đặc trưng của người Hmông. Tôn giáo tín ngưỡng người Hmông với hệ thống thờ tổ tiên và ma nhà,  thờ cúng các thần cộng đồng, sa man giáo, vật linh giáo...không tồn tại trong tâm thức người Hmông theo đạo Tin lành. Trong quan hệ ứng xử cộng đồng thì sự cố kết dòng họ là đặc trưng của người Hmông. Nhưng những người theo đạo Tin lành quan niệm tất cả người Hmông theo đạo đều là anh em, đều cần phải có nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau. Đạo Tin lành đã xóa bỏ sự cố kết của dòng họ về mặt tín ngưỡng, kinh tế, văn hóa. Vai trò của trưởng họ không còn. Trong phong tục tập quán, nhất là trong đám tang, người đến dự tang cảm nhận đây là một đám tang xa lạ ở phương Tây du nhập đến. Lễ tang, lễ cưới là những phong tục chủ yếu trong chu kỳ đời người Hmông chứa đựng nhiều bản sắc riêng của người Hmông, góp phần phân biệt giữa người Hmông với tộc người khác. Nhưng các nghi lễ đám tang, đám cưới của người Hmông theo đạo Tin lành không còn mang sắc thái Hmông. Người Hmông có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với thế giới tổ tiên người Hmông được tắm mình trong dòng suối dân ca. Khi mới sinh ra người Hmông có hát ru – những giọt nước đầu tiên của dòng suối dân ca thấm dần vào tâm hồn bé thơ. Lớn lên đến tuổi trưởng thành, nam nữ thanh niên vừa học hát dân ca giao duyên vừa sử dụng các loại nhạc cụ như đàn môi, sáo, kèn lá...để giãi bày tình cảm. Cách đây 30 năm, năm 1982 chúng tôi đến thôn Khu Chu Phìn xã Sảng Ma Sáo, khi đó đời sống còn khó khăn nhưng hầu hết nam nữ thanh niên đều biết hát dân ca. Trong đám tang, các bài tang ca được sử dụng phổ biến như: Bài ca chỉ đường (Kruôz cê), Bài hát trò chuyện, giao tiếp, ứng xử kể về tiểu sử người chết (chí sáy). Người chết còn được đưa tiễn bằng 36 bài khèn khác nhau. Nhưng hiện nay người Hmông theo đạo Tin lành không bao giờ được hát dân ca vì những người theo đạo Tin lành cho rằng dân ca sẽ làm cho đàn bà mê mẩn, đàn bà sẽ hư hỏng, gia đình không hạnh phúc cho nên nghiêm cấm người dân hát dân ca. Thậm chí trong nghi thức đám tang, lễ “kéo bàn đối đáp giữa họ nội và họ ngoại” người Hmông theo đạo Tin lành không hát, không dùng văn vần mà chỉ đối đáp bằng những câu hỏi bình thường. Cây khèn là nhạc cụ thiêng của người Hmông. Cây khèn cũng là biểu tượng của văn hóa Hmông. Bất kỳ ở nơi đâu, khi người HMông chết đều có khèn và trống cũng như người Kinh là có kèn và trống đám ma. Nhưng người Hmông theo đạo Tin lành không dùng khèn tiễn đưa người chết, thay mặt con cháu khóc đưa người quá cố. Thay vào đó là hát một bài thánh ca. Vì vậy khi màn hỏi đáp ở trong nghi thức “kéo bàn” kết thúc, một thiếu nữ trẻ trong đội hát thánh ca sẽ hát một bài thánh ca để tạo không khí vui vẻ cho tang lễ. Bản sắc văn hóa Hmông ở vùng người theo đạo Tin lành đã bị mai một nhanh chóng. Càng mai một hơn khi những người trưởng nhóm, thư ký đạo Tin lành coi âm nhạc truyền thống của người Hmông, các phong tục chủ yếu của người Hmông là lạc hậu, “Cổ hủ”

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực nổi bật trên, vùng người Hmông theo đạo Tin lành còn xảy ra hàng loạt vụ di cư tự do, tuyên truyền nhảm nhí về “Vương quốc Hmông”. Năm 2011, có 115 hộ người Hmông di cư thì trong đó có 97 hộ là người Hmông theo đạo Tin lành. Các hộ người Hmông ở Cốc Ly, huyện Bắc Hà, xã Sảng Ma Sáo huyện Bát Xát di cư sang Mường Nhé, Điện Biên đều là những người Hmông theo đạo Tin lành.

4.2 Ảnh hưởng tích cực:

Ảnh hưởng tích cực của đạo Tin lành đã được một số tác giả đề cập tới như Lê Văn Hảo (2007), Nguyễn Văn Thắng (2009), Nguyễn Văn Minh và Hồ Ly Giang (2011)… Trong tham luận này chúng tôi có bổ sung thêm một số tư liệu.

Trước hết, người Hmông theo đạo Tin lành nhằm mong có đời sống đỡ khó khăn, không phải chi phí nhiều cho các nghe lễ cúng ma đầy tốn kém. Nghiên cứu ở làng Tả Van Hmông xã Tả Van huyện Sa Pa năm 1990, tác giả Sần Cháng cho biết: mỗi lần cầu cúng chữa bệnh giải hạn người Hmông phải chi phí ít nhất là 1 con gà, nhiều là 1 con lợn, 1 con chó, 1 con dê, 5 con gà. Trong đám tang, người Hmông phải mổ 1 con trâu, 3 con lợn. Khi làm ma khô phải môt 1 con trâu, 1 con lợn và 5 con gà…Đây là sự chi phí quá lớn với một gia đình người Hmông. Ngày 15/10/2012, khảo sát 5 hộ gia đình người Hmông không theo đạo Tin lành ở thôn Khu Chu Phìn xã Sảng Ma Sáo huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy 10 tháng đầu năm 2012 hộ khá giả phải mổ từ 18 đến 20 con gà, 1 đến 2 con lợn, 1 con trâu cho cầu cúng nghi lễ. Hộ nghèo cũng chi từ 14 đến 18 con gà, 1 con lợn cho các nghi lễ cầu cúng chữa bệnh… Trong khi đó nếu theo đạo Tin lành, người Hmông sẽ giảm được các chi phí này. Gia đình các ông Lầu A Cở, Vừ A Páo, Sùng A Giáy, Lý A Si, Sùng A Lềnh, Sùng A Be…ở thôn Khu Chu Phìn theo đạo Tin lành vì thầy cúng bắt cúng chữa bệnh giải hạn tốn kém.

Người Hmông theo đạo Tin lành còn có tính cố kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất tốt hơn người Hmông không theo đạo. Đặc biệt, theo đạo Tin lành cũng tạo ra sự bình đẳng hơn giữa người vợ với người chồng, không xảy ra chuyện ngoại tình, giảm tệ nạn nghiên rượu, nghiện hút thuốc phiện, khi ốm đau không cầu cúng mà tích cực đến phòng khám khám chữa bệnh.

Như vậy, ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với văn hóa tộc người Hmông có yếu tố tích cực nhưng mang lại nhiều yếu tố tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa người Hmông, gây ra mâu thuẫn trong nội bộ tộc người dưới nhiều hình thức khác nhau. Các làng người Hmông theo đạo Tin lành như đang trải qua một cuộc vật lộn thấm đẫm nước mắt và có nơi còn xô xát đổ máu.

Tài liệu tham khảo chủ yếu

1. Nguyễn Xuân Hùng (2000) - Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin lành đối với văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam – Nghiên cứu tôn giáo số 1 (03), trang 45 - 54.

2. Nguyễn Văn Minh – Hồ Ly Giang (2011) - Một số vấn đề thực tiễn về đạo Tin lành ở các dân tộc thiểu số vùng Tây bắc hiện nay, Dân tộc học số 5 (173), trang 3 – 14.

3. Vương Duy Quang (1994) – Vấn đề người Hmông theo đạo Ki tô ở Việt Nam hiện nay, Dân tộc học số 4

4. Vương Duy Quang (2005) – Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam, truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.

5. Trần Hữu Sơn (1996) – Văn hóa Hmông, Nxb Văn hóa Dân tộc

6. Nguyễn Văn Thắng (chủ biên) (2009) – Giữ “lý cũ” hay theo “lý mới”? – Bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành

 

TS. Trần Hữu Sơn

Sở VHTT&DL Lào Cai

Admin 5

 

 

 

 

 

 

 



[1] Cục Thống kê Lào Cai – Tổng điều tra dân số 2009

[2] Ban Dân vận dân tộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (1991) – Người Hmông theo đạo Thiên chúa ở Hoàng Liên Sơn – Trang 91

[3] Trần Hữu Sơn (1996) – Văn hóa Hmông – Nxb Văn hóa Dân tộc, trang 186-187

[4] Nguyễn Văn Thắng (chủ biên) (2009) – Giữ “Lý cũ” hay theo “Lý mới” – Nxb Khoa học xã hội, trang 160

[5] Vụ án con trai giết ông Sùng La Vu thôn Cửa Cải, thị trấn Phong Hải huyện Bảo Thắng; vụ án Ly Seo Dín ở thôn Nậm Khắp trong, xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà cưỡng bức em gái bỏ chồng...

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0