Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ mầm non
(ĐHVH) - Văn hoá đọc, với tư cách văn hoá hành vi của mỗi cá nhân con người, biểu hiện ở khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội sách cũng như cách thức ứng xử với sách báo, là sự thể hiện rõ ràng nhất đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi cá nhân, được hình thành từ lứa tuổi ấu thơ và ...
(ĐHVH) - Văn hoá đọc, với tư cách văn hoá hành vi của mỗi cá nhân con người, biểu hiện ở khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội sách cũng như cách thức ứng xử với sách báo, là sự thể hiện rõ ràng nhất đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi cá nhân, được hình thành từ lứa tuổi ấu thơ và phát triển trong suốt cuộc đời con người.
Trẻ em được coi là giai đoạn đầu tiên của cuộc đời con người, giai đoạn chuẩn bị các phẩm chất và năng lực cần thiết để tham gia lao động xã hội.
Việc tạo dựng thói quen tốt cho trẻ mầm non (từ 1-6 tuổi) là một việc làm quan trọng để từ đó hình thành nhân cách cho trẻ em. Một trong những thói quen có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển tư duy, đạo đức, lối sống,.. của trẻ em đó là thói quen đọc sách.
Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể nhận thức được những gì từ sách báo. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới khuyên rằng, nên đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt và việc này sẽ góp phần rất nhiều vào sự phát triển của trẻ.
Xây dựng thói quen đọc sách từ gia đình.
Từ xưa đến nay, gia đình luôn giữ vai trò và vị trí quan trọng, gia đình là trường đời đầu tiên mà mỗi người đều phải trải qua và là nơi giáo dục con người, giúp con người hoà nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng.
Người lớn là tấm gương phản chiếu của trẻ em. Muốn trẻ ham mê đọc sách, bản thân bố mẹ phải là người có thói quen đó. Cùng đọc sách với con, giúp con hiểu và thích sách là một nỗ lực của cả gia đình.
Bố mẹ đọc sách cùng con
Khi trẻ một tuổi, cha mẹ đã có thể bắt đầu đọc sách cùng con. Nên chọn cho bé những cuốn truyện tranh có nội dung đơn giản, màu sắc đẹp, hình ảnh sinh động. Với sách có giấy dày và cứng, bé sẽ giở từng trang một cách dễ dàng. Tập cho bé tự giở sách chính là cách mà ta luyện cho bàn tay của bé khéo léo và các cơ ngón tay mềm dẻo.
Bạn có thể đọc sách cho con nghe mọi lúc mọi nơi. Thời điểm tốt nhất để đọc sách cho con là trước khi đi ngủ. Con sẽ có cảm giác chờ đợi một niềm vui mỗi ngày trước khi có một giấc ngủ ngon.
Một cuốn sách bạn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần để rèn luyện kỹ năng ghi nhớ cho trẻ. Khi đọc sách bạn nên đưa ra những câu hỏi để bé trả lời. Những câu hỏi dựa trên nội dung của cuốn sách hoặc những câu hỏi dựa trên những hình ảnh có trong cuốn sách đều có tác dụng giúp bé tư duy tốt hơn và yêu sách hơn.
Bạn có thể đưa bé vào thế giới của câu chuyện trong sách bằng cách cùng bé hóa thân vào các nhân vật. Khi đóng kịch có thể tuân theo nội dung cuốn sách hoặc có thể tạo những tình tiết khác lạ hơn trong sách để cho bé cơ hội ghi nhớ các tình tiết của truyện cũng như kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.
Trong các câu chuyện bạn đọc cho trẻ, bạn cần phân tích, phê bình, đánh giá và chỉ ra cho trẻ những tính cách tốt xấu của nhân vật và việc phải học theo các việc làm tốt của nhân vật.
Hãy coi sách như là một món đồ chơi của bé. Trong thực tế, bố mẹ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua đồ chơi khác nhau cho con mà quên mất việc mua những cuốn sách để con có thể vừa học vừa chơi. Với bé, một cuốn sách nhiều màu sắc, có in hình những con vật thân thuộc mà bé thấy hằng ngày là cả một thế giới thú vị và hấp dẫn. Bạn hãy để sách nơi nào bé dễ nhìn thấy nhất, dễ cầm lấy nhất.
Sách là món quà ý nghĩa và sang trọng nhất đối với con người. Khi tặng quà cho bé là các cuốn sách sẽ giúp bé thấy sách có giá trị hơn từ đó yêu và thích đọc sách hơn.
Xây dựng thói quen đọc sách từ trường học
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển nhân cách con người.
Các hoạt động học tập và vui chơi ở trường mầm non có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Hoạt động đọc sách tại trường học mầm non
Trường mầm non cần tạo dựng một bộ sưu tập sách cho các con vui chơi và học tập. Nội dung đăng tải trong sách nên tập trung vào các câu chuyện cổ tích, về nhân vật, loài vật,... Lứa tuổi từ 1 – 6 tuổi là lứa tuổi bắt đầu muốn khám phá về thế giới, vì vậy ngoài sách văn học thiếu nhi cũng nên có những sách nói về khoa học thế giới quanh ta để trẻ em tìm hiểu.
Trẻ em lứa tuổi mầm non, những hình ảnh trực quan sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc cho trẻ. Vì vậy sách cho các con sử dụng phải là những sách có nhiều hình ảnh và màu sắc sặc sỡ. Sách của trường mầm non nên được thiết kế tất cả dưới dạng truyện tranh để thu hút sự quan tâm của trẻ.
Tạo một không gian lý thú cho trẻ đọc sách là một việc làm cần thiết. Góc đọc sách có thể được thiết kế ngay trong lớp học hoặc tổ chức ngoài trời. Sách dành cho trẻ nên được đặt ở những nơi thuận tiện cho trẻ có thể nhìn thấy và lấy ra để tìm hiểu. Trong không gian đọc sách nên có những hình ảnh lý thú liên quan đến việc đọc sách để giúp trẻ yêu sách và thích đọc sách hơn.
Bên cạnh những giờ học hát, học múa, học vẽ,... nhà trường cần tăng cường hoạt động đọc sách cho các con nghe. Khi các bé có cơ hội kể lại các tình tiết chuyện đã nghe, đóng vai nhân vật trong truyện,... sẽ làm cho bé có đời sống phong phú hơn từ đó giúp bé phát triển toàn diện hơn.
Các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách có sự kết hợp với phụ huynh cũng góp phần tích cực để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em.
Ngày hội đọc sách tại trường mầm non
Thư viện công cộng và các tổ chức khác với hoạt động đọc sách của trẻ mầm non
Để tạo thói quen yêu sách và thích đọc sách cho trẻ mầm non, ngoài yếu tố cốt lõi là gia đình và nhà trường thì các tổ chức khác cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới văn hóa đọc của trẻ.
Các hoạt động đọc sách tại thư viện công cộng, các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, ngày hội đọc sách đều có tác động tích cực tới việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Khi trẻ có cơ hội tham gia, trẻ em sẽ có thêm môi trường để tiếp cận với sách báo, tiếp cận với những tri thức mới mẻ. Tham gia những hoạt động đọc sách do các thư viện công cộng tổ chức chắc chắn sẽ giúp trẻ yêu quý trân trọng sách hơn.
Bên cạnh các thư viện công cộng, ngày nay còn có rất nhiều các câu lạc bộ đọc sách dành cho trẻ em. Điểm nhấn quan trọng của CLB là mọi hoạt động đều xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang đến cho tuổi thơ, và đều có sự tham gia của cả gia đình, bố mẹ và con, cho dù là hoạt động qua mạng hay offline.
Hiện nay có nhiều câu lạc bộ đọc sách dành cho trẻ em tại các tỉnh thành ở Việt Nam. Được biết đến nhiều nhất phải kể đến CLB Đọc Sách Cùng Con tại Hà Nội, CLB Nguyễn Huy Tưởng của thư viện tư nhân Phạm Thế Cường tại quận Gò Vấp; CLB Kính Vạn Hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại cửa hàng sách Kính Vạn Hoa, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Câu lạc bộ “đọc sách cùng con”
Cho con tham gia những câu lạc bộ này, bên cạnh giúp con có không gian tìm hiểu về sách các bậc phụ huynh còn có cơ hội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc cho con.
Kết luận
Lứa tuổi mầm non là thời kỳ khởi đầu rất quan trọng đối với sự phát triển của con người. Xây dựng và bồi dưỡng cho trẻ em những thói quen tốt đẹp đồng nghĩa với việc giúp trẻ em ích lũy một nguồn vốn. Tạo dựng thói quen đọc sách và yêu sách là một việc làm quan trọng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để giúp trẻ có một nguồn vốn dồi dào cho việc hình thành và phát triển nhân cách.
Tài liệu tham khảo
1. Faber, Adele. Hãy lắng nghe và hiểu con bạn.- H., 2001
2. Lê Đức Trung. 88 cách rèn luyện thói quen tốt cho trẻ em.- H., 2006
3. http://www.baomoi.com
4. http://www.chuabenh.net
5. http://docsachcungcon.com
6. http://www.giaoducgovap.edu.vn
7. http://www.mamnon.com
8. http://vnexpress.net
Bài: Th.S Kiều Kim Ánh
Admin3