23/05/2018, 15:57

Kỹ thuật trồng cây luồng – Dendrocalamus barbatus

Luồng còn có tên khác là Luồng thanh hoá, Mạy mèn, Mạy sang mú, Mét; tên đồng nghĩa là Dendrocalamus membranaceus Munro . Sản phẩm: chủ yếu sử dụng thân khí sinh già, kết hợp lấy măng làm thực phẩm. Đặc điểm hình thái Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm, chiều cao từ 15 – 18m, đường ...

Luồng còn có tên khác là Luồng thanh hoá, Mạy mèn, Mạy sang mú, Mét; tên đồng nghĩa là Dendrocalamus membranaceus Munro.

Sản phẩm: chủ yếu sử dụng thân khí sinh già, kết hợp lấy măng làm thực phẩm.

Đặc điểm hình thái

Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm, chiều cao từ 15 – 18m, đường kính từ 10 – 15cm, ngọn cong hay hơi rủ; thân khí sinh có màu xanh lục được chia làm nhiều lóng, giữa các lóng có các đốt, các đốt gần gốc có vòng rễ khí sinh, chiều dài lóng từ 26 – 32cm, chiều dài đốt thường dài khoảng 1,5cm, vòng thân không nổi, ở mỗi đốt phía dưới vòng mo có một vòng lông nhung màu trắng. Thường phân cành ở độ cao từ 0,5 – 1m, mỗi đốt thường có 3 cành, trong đó cành ở giữa to khoẻ hơn hẳn 2 cành bên, những đốt không có cành thường có 1 chồi ngủ (mắt).

Bẹ mo rụng sớm, chất da, lúc đầu màu nâu vàng, lưng mo phủ phấn trắng và có lông gai nhỏ màu nâu; tai mo liền với phần kéo dài ra ngoài của gốc phiến mo, dạng sóng, dài từ 5 – 15mm, rộng từ 2 – 3mm, phủ dày lông mi dạng lông bờm lợn dài khoảng 1cm; lưỡi mo cao từ 5 – 8mm, đầu xẻ răng không đều; phiến mo lật ra ngoài, gốc mặt bụng mo cũng phủ dày lông cứng thẳng dạng lông bờm lợn, phần còn lại phía trên phủ lông gai nhỏ. Cành nhỏ mang từ 8 – 15 lá, bẹ lá phủ lông, tai lá nhỏ, dễ rụng, có mấy chiếc lông tua, lưỡi lá cao lmm; phiến lá dài từ 10 – 15cm, rộng từ 1 – 2cm, gân cấp hai 5 hay 6 đôi. Chiều dày vách thân đoạn gần gốc từ 2 – 2,5cm, một rỗng có màu trắng. Cụm hoa không mang lá, mỗi đốt đính từ 10 – 25 bông nhỏ, đường kính trục cụm bông từ 1 – 2,2cm; bông nhỏ hình trứng ngược, dài từ 6 – 8,5mm, rộng từ 2 – 4mm, màu lục vàng, gần như không lông; chiêu dài mày trong từ 5 – 6mm, khoảng cách giữa hai gờ 1mm, có 3 gân; chiều dài chỉ nhị 6 – 7,5mm; bao phấn màu vàng saU khô màu tím, dài cmm, đầu có mũi nhọn; phần trên của bầu cùng với vòi và đầu nhụy đều phủ lông.

Phân bố và một số đặc điểm sinh thái

Phân bố hoặc nguồn gốc

Ở nước ta, Luồng có phân bố tự nhiên khá nhiều ở các tỉnh ven sông Mã như Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hoá. Trong đó, nhiều nhất ở các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá như Quan Hoá, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc. Đồng thời ở khu vực này cũng là nơi trồng rừng Luồng tập trung nhiều nhất, vì thế người dân ở nhiều nơi vẫn quen gọi là “Luồng thanh hoá”. Theo kết quả điều tra của Dự án Lâm sản ngoài gỗ – pha II thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu Lâm đặc sản từ năm 2002 – 2007 (nay là Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ) thì tổng diện tích rừng trồng Luồng ở Thanh Hoá có khoảng hơn 50.000ha.

luong thanh hoa

Hiện nay, giống Luồng từ Thanh Hoá cũng như các tỉnh ven sông Mã đã được dẫn giống và gây trồng mở rộng ra nhiều vùng sinh thái khác nhau từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tại các địa điểm trồng mới, Luồng sinh trưởng khá tốt, năng suất cây cũng như sinh khối không thua kém nơi nguyên sản.

Môt số đặc điểm sinh thái

Số liệu điều tra nơi phân bố tự nhiên cũng như ở những nơi trồng mới có năng suất cao cho thấy Luồng thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm, một năm có 2 mùa rõ rệt. Mùa nắng nóng mưa nhiều với lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600 – 2.000mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng tháng 10 với lượng mưa chiếm từ 70 – 80% tổng lượng mưa cả năm; nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ 23 – 24°C, nhiệt độ cao nhất có khi lên đến 42°c; độ ẩm không khí trung bình từ 85 – 87%; lượng nước bốc hơi hàng năm khoảng 650 – 700mm. Mùa khô lạnh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa ít, chỉ chiếm từ 20 – 30% lượng mưa cả năm.

Luồng thích hợp với các loại đất có tầng dày ≥60cm và ẩm thường xuyên, nhưng phải thoát nước tốt như đất dốc tụ, đất bồi tụ, đất phù sa cổ hoặc các loại đất feralit phát triển trên các loại đá mẹ phoocphia, phiến thạch, phyllit, đá vôi…

Ở vùng đồi núi có độ cao dưới 800m so với mực nước biển, nhưng tốt nhất dưới 400m. Có thể trồng Luồng trên địa hình đất dốc với độ dốc nhỏ hơn 30 độ, nhưng tốt nhất ở những nơi địa hình bằng phẳng đến hơi dốc như vùng Trung du, từ vị trí sườn đồi trở xuống chân đồi. Môi trường đất từ khá chua đến hơi kiềm, độ pHKCI từ 4 – 7, thành phần cơ giới từ thịt trang bình đến thịt nhẹ.

Kỹ thuật tạo giống

Đối với cây Luồng ở nước ta hiện nay sử dụng phương pháp nhân giống vô tính là chủ yếu, có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật giâm hom với 3 loại vật liệu giống là: hom gốc, hom cành (chét) và hom thân. Ngoài ra, phương pháp chiết cành cũng được sử dụng khá phổ biến cho nhiều loài tre trúc nói chung và Luồng nói riêng.

Tạo giống hom gốc

– Chọn hom gốc

Chọn những cây Luồng trong bụi có nhiều cây mẹ khỏe mạnh, không cụt ngọn, không sâu bệnh, đường kính thân khí sinh từ 4 – 6cm, cây còn non từ 8 – 12 tháng tuổi, thân cây còn xanh thẫm hoặc có màu lá mạ, đã phát triển đầy đủ cành và lá. Không lấy giống ở những bụi Luồng có hiện tượng khuy hoặc sâu bệnh.

– Tạo giống hom gốc

Dùng dụng cụ chuyên dùng bới đất xung quanh cho đến khi hở hết gốc và phần thân ngầm, dùng dao sắc chặt đứt phần thân ngầm đính với gốc cây mẹ, sao cho không bị dập thân ngầm và chồi ngủ; cắt bỏ phần thân khí sinh chỉ để lại 3 – 4 lóng gần gốc với chiều dài từ 80 – 100cm, lóng cuối cùng cắt vát một góc 45 độ sát đốt phía trên, cắt ngắn rễ chỉ để lại từ 2 – 3 cm, đưa về vườn ươm để giâm hoặc đem đi trồng ngay.

Nếu chưa trồng ngay cần phải để hom vào nơi râm mát, tốt nhất là vùi phần thân ngầm xuống bùn hoặc nơi đất ẩm, tủ rơm rạ hoặc cỏ khô và tưới nước đủ ẩm hàng ngày. Cũng có thể giâm hom gốc trong vườn ươm bằng cách đào rãnh sâu khoảng 20 – 30cm, rộng 30cm, lấp đất kín phần thân ngầm, tủ rơm rạ và tưới nước thường xuyên đủ ẩm, sau từ 2 – 3 tuần thì nẩy chồi và ra rễ đều có thể đem trồng. Bằng phương pháp nhân giống này, hệ số nhân giống rất thấp, mỗi cây trưởng thành chỉ cho 1 hom nên rất lãng phí, nhưng tỷ lệ sống khi trồng thường đạt khá cao, có khi đạt tới 100%.

– Thời vụ tạo giống hom gốc

Thời vụ tạo giống ở các tỉnh miền Bắc có thể tiến hành từ tháng 2 – 4 hoặc từ tháng 7 – 8, ở miền Trung từ tháng 8 – 11, ở miền Nam và Tây Nguyên từ tháng 5 – 8 hàng năm.

Tạo giống hom chét

– Chọn hom cành chét

Cành chét là những cành mọc từ gốc cây mẹ, hoặc những măng mới nhú lên khỏi mặt đất bị hỏng, nảy chồi từ các mắt gần sát mặt đất sau 1 năm. Chọn những chét từ 8 – 12 tháng tuổi đã ra đủ lá, phần gốc chét ở sát gốc cây mẹ thường phình ra như cái “đùi gà” và đã ra nhiều rễ, rễ đã thâm lại, đường kính chét từ 2cm trở lên; không chọn những chét quá non chưa ra đủ lá và cũng không chọn những chét già trên 1 năm; không chọn những chét có rễ còn trắng, bị sâu bệnh, hoặc ở bụi Luồng đã hoặc sắp khuy làm giống.

– Tạo giống hom cành chét

Trước khi cắt hom chét, dùng dao sắc cắt bỏ phần ngọn chét, chỉ để 1 đoạn có chiều dài từ gốc chét đến vị trí cắt khoảng từ 0,6 – lm, sau 5 – 7 ngày mới chặt chét đi trồng là tốt nhất. Dùng dao sắc hoặc cưa cắt sát phần tiếp giáp với gốc cây mẹ, không làm dập gốc chét và các mắt trên chét. Hom chét cũng có thể đem trồng ngay hoặc giâm trong vườn ươm tương tự như giâm hom gốc đến khi chét ra rễ mới thì đem trồng. Cũng có thể giâm hom chét vào bầu đất có kích thước khoảng 18 x 20cm đến khi ra một thế hệ măng và măng ra đủ lá thì đem trồng.

– Thời vụ tạo giống hom cành chét

Trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau có thể chặt thân khí sinh của những cây mẹ bánh tẻ để tạo chồi ở gốc làm giống. Vị trí chặt gần mặt đất, chỉ chừa lại 1 – 3 lóng gần gốc nhất sau một thời gian ngắn, các chồi ngủ ở gốc cây mẹ đã bị chặt nẩy chồi tạo thành các thân khí sinh nhỏ gọi là chét, mỗi gốc này có thể có từ 1 – 3 chét tùy theo số chồi ngủ trên gốc cây mẹ, cành chét cũng có thể được sinh ra từ những măng mới nhú lên khỏi mặt đất nhưng bị hỏng (thui): Khi chét từ 8 – 12 tháng tuổi, ra đủ lá non có thể cắt hom, thời vụ cắt hom tốt nhất là mùa Xuân (từ tháng 1 – 3).

Tạo giống hom thân

– Chọn giống làm hom thân

Chọn những cây Luồng bánh tẻ có nhiều cành, từ 8 – 12 tháng tuổi, thân có màu xanh lá mạ đến xanh thẫm, đường kính thân từ 6 – 10cm, không bị sâu bệnh, không bị khuy hoặc sắp khuy, gốc cành có vành rễ khí sinh.

– Tạo giống hom thân

Cắt thân cây khí sinh thành từng đoạn, mỗi đoạn gồm 1 – 2 lóng, trên đó phải có từ 1 – 2 đốt, sau đó đưa về giâm trong vườn ươm. Có thể ươm trên luống đất đã làm sẵn, có thể đào rãnh rộng từ 20 – 30cm, sâu từ 20 – 30cm, rãnh nọ cách rãnh kia 1m, đặt hom nghiêng cùng 1 phía, hom nọ cách hom kia từ 5 – 10cm, lấp đất ngập 1/2 hom, sao cho kín đốt để giữ ẩm.Giâm hom thân trong các rãnh

Cũng có thể đặt hom nằm dọc theo rãnh, dùng cuốc tạo rạch theo chiều dài luống sao cho khi đặt hom luồng vẫn thấp hơn mặt luống từ 7 – 10cm. Bót lót phân hữu cơ đã ủ hoai với liều lượng từ 2 – 3kg/m theo chiều dài rạch. Khi ươm cho đất nhỏ xuống đáy rạch, đặt hom Luồng nằm dọc sao cho 2 hàng mắt hoặc cành nằm ngang quay sang 2 bên và lọt xuống rạch. Đặt hom xong lấp đất và nén chặt, phủ một lớp đất mỏng từ 5 – 7cm lên trên. Dùng rơm hoặc dạ phủ tiếp lên trên, sau đó tưới nước đủ ẩm.

Cũng có thể giâm hom trong bầu polyetylen kích cỡ 18x20cm, hỗn hợp ruột bầu gồm 80 – 90% đất tầng mặt kết hợp với 10 – 20% phân chuồng hoai. Làm giàn che với độ che bóng khoảng 50%, giàn cao từ 1,8 – 2,0m để thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc, thường xuyên tưới nước đủ ẩm và làm cỏ. Khi hom có 1 thế hệ măng đã ra lá đầy đủ với bộ rễ phát triển khoẻ ra tới đáy bầu là đủ tiêu chuẩn đem đi trồng.

Ngoài ra, có thể tạo giống Luồng bằng hom thân ngay tại gốc, sau khi chọn được cây mẹ để nhân giống, dùng dao sắc chặt thân khí sinh càng sát mặt đất càng tốt, nhưng chỉ chặt đứt từ 1/2 – 2/3 đường kính thân cây, mở miệng vị trí chặt rộng khoảng 15 cm sao cho cây luồng ngả xuống nằm sát mặt đất, nhưng vẫn còn 1 phần thân đính với gốc. Dùng dao phát hết cành con, cành lớn chi chặt phần ngọn, để lại một đoạn sát thân dài từ 10 – 15 cm, khi chặt không làm dập xước thân cành. Đào một rãnh sâu cho cây luồng nằm lọt xuống rãnh, cây luồng nằm sâu hơn mặt đất từ 7 – 10cm, lấp đất tơi xốp lên và nén chặt, phủ tiếp lóp đất mỏng lên và sau đó phủ một lớp rơm dạ hoặc cỏ khô lên trên. Tưới nước đủ âm thường xuyên, làm cỏ và phòng bệnh xung quanh. Sau 2 tháng có thể chặt đứt thân khỏi gốc cây mẹ, khi các đốt đã nẩy chồi (măng) mới và có đủ lá thì bới lên và cắt thành lừng đoạn hom đem đi trồng.

– Thời vụ giâm hom thân

Ở các tỉnh miền Bắc có thể tiến hành giâm hom từ tháng 2 đến tháng 4, ở các tỉnh miền Trung từ tháng 8 đến tháng 11, ở miền Nam và Tây Nguyên từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Tạo giống bằng phương pháp chiết cành

– Chọn cành chiết

Chọn những bụi Luồng sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh và chưa bị khuy, trong những bụi đó chọn những cây mẹ từ 8 – 12 tháng tuổi, thân có màu xanh thẫm hoặc xanh lá mạ, ra đủ lá.

– Chiết cành

Dùng dao sắc chặt đứt khoảng từ 1/2 – 2/3 đường kính thân cây mẹ ở vị trí khoảng 0,5m so với mặt đất cho cây nằm ngả xuống mặt đất để chiết cành.

Bóc hết bẹ mo, cắt bỏ phần ngọn cành, chỉ giữ lại 2 – 3 đốt, nếu cành ở các đốt này có lá thì giữ lại lá; dùng cưa tay nhỏ bản cắt sâu vào cả phía trên 1/4 và phía dưới cành 1/4 đường kính nơi tiếp giáp giữa cành và thân cây mẹ. Dùng đất thịt pha cát nhào với nước thật nhuyễn hoặc dùng đất cát pha trộn với xơ dừa, phân chuồng hoai, supe lân và thuốc kích thích ra rễ làm nhuyễn với nhau để bó bầu.

Dùng khoảng từ 0,2 – 0,3kg hỗn hợp đất này bó vào xung quanh vị trí đùi gà sát với vết cắt, dùng vải nilon bọc kín phía ngoài, dùng dây nilon hoặc lạt tre buộc 1 đầu để cố định đất và giữ ẩm cho đất ở vị trí đùi gà. Chú ý vị trí “đùi gà” là nơi ra rễ chủ yếu của cành chiết, cần đưa trọng tâm bầu đất vào vị trí đó, nên buộc lỏng đầu dưới hoặc chọc thủng một vài lỗ nhỏ để thoát nước, tránh để nước đọng làm thối rễ. Thông thường sau từ 10 – 15 ngày thì rễ bắt đầu nhú ra nhìn thấy được qua lóp nilon và sau khoảng từ 30 – 40 ngày khi rễ từ màu trắng chuyển sang màu vàng thì có thể cắt cành chiết ra khỏi cây mẹ. Cành chiết sau khi cắt ra khỏi cây mẹ có thể trồng ngay hoặc có thể ươm trong vườn ươm. Nhưng để đảm bảo chất lượng cây giống khi trồng ở trên rừng, người ta thường phải nuôi cây trong vườn ươm khoảng 6 – 12 tháng mới đem đi trồng. Sau khi tách cành chiết rời khỏi thân cây mẹ, giâm vào bầu đất cỡ 16 x 18cm hoặc 18 x 20cm, đục lỗ xung quanh hoặc ở đáy bầu để thoát nước, hỗn hợp ruột bầu gồm 80 – 90% đất tầng mặt dưới tán rừng kết hợp với 10 – 20% phân chuồng hoai. Khi đem đi trồng, cây giống phải có 1 thế hệ cây mới đã ra đủ lá thì đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn.

– Thời vụ chiết cành

Các tỉnh phía Bắc chủ yếu chiết cành vào vụ Xuân hoặc Xuân – Hè, các tỉnh miền Trung có thể chiết vào vụ Hè – Thu hoặc Thu – Đông, các tỉnh phía Nam có thể chiết cành vào vụ Hè – Thu.

Kỹ thuật trồng luồng

– Chọn đất và nơi trồng

Thực tế sản xuất đã chứng minh cây Luồng có thể sinh trưởng khá tốt với điều kiện khí hậu ở tất cả các vùng sinh thái của nước ta từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, cây Luồng thích hợp với các loại đất dốc tụ, đất bồi tụ, đất phù sa cổ hoặc các loại đất feralit phát triển trên các loại đá mẹ phoocphia, phiến thạch, phyllit, đá vôi… ở vừng đồi núi có độ cao dưới 800m so với mực nước biển, nhưng tốt nhất dưới 400m. Có thể trồng Luồng trên địa hình đất dốc với độ dốc nhỏ hơn 30 độ, nhưng tốt nhất ở những nơi địa hình bằng phẳng đến hơi dốc ở ven sông suối, từ vị trí sườn đồi trở xuống chân đồi. Môi trường đất từ khá chua đến hơi kiềm với độ pHkci từ 4 – 7, thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ. Đất có tầng dày trên 50cm, giầu mùn, thoát nước tốt, hạn chế trồng ở đỉnh đồi.

– Thời vụ trồng

Ở các tỉnh phía Bắc có 2 thời vụ trồng chính, vụ Xuân – Hè có thể trồng từ tháng 2 – 4, vụ Hè – Thu có thể trồng từ tháng 6 – 8 hàng năm. Ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên có thể trồng vào vụ Hè – Thu, từ tháng 6 – 8 hàng năm. ở khu vực miền Trung có thể trồng vào vụ Đông, từ tháng 11 – 12 hàng năm.

– Phương thức và mật độ trồng

Trong thực tế sản xuất ở nước ta, Luồng được trồng theo nhiều phương thức với các mật độ khác nhau, nhưng có thể tổng hợp một số phương thức trồng chủ yếu sau đây: i/ Trồng phân tán; ii/ Trồng hỗn giao với cây ăn quả hoặc cây gỗ; iii/ Trồng tập trung thuần loài.

i/ Trồng phân tán

Phần lớn các hộ gia đình tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà, trong vườn, bờ ao, ven suối để trồng một vài bụi vìm đề lấy măng làm thực phẩm và vừa để lấy thân làm vật liệu xây dựng. Cự ly tối thiều giữa các hố trồng Luồng cách nhau từ 4 – 5m. Nhìn chung theo phương thức này, việc gây trồng mang tính nhỏ lẻ để sử dụng khi cần thiết, chưa mang tính chất sản xuất hàng hóa.

ii/ Trồng hỗn giao

Luồng thường được trồng hỗn giao với các loài cây ăn quả hoặc cây gỗ lá rộng thường xanh như Lim xanh, Lát hoa, sồi phảng, Chò nâu…Phương thức này mới chỉ có một số ít mô hình với qui mô diện tích nhỏ, chủ yếu được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kinh phí của các đề tài nghiên cứu khoa học. Mật độ trồng chung cho cả Luồng và cây gỗ thường từ 400 – 500 cây/ha với tỷ lệ hỗn giao là 50:50, tức là Luồng từ 200 – 250 bụi/ha và cây gỗ cũng từ 200 – 250 cây/ha. Cự ly giữa 2 hàng Luồng là 10m hoặc hàng Luồng cách hàng cây gỗ là 5m; cây cách cây hoặc bụi cách bụi trên hàng từ 4 – 5m.

iii/ Trồng tập trung thuần loài

Đây là phương thức trồng chủ yếu trong sản xuất hiện nay với qui mô lớn nhỏ khác nhau, có thể là do các hộ gia đình tự bỏ vốn để xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa với qui mô nhỏ dưới 10 ha; có thể là có sự hỗ trợ của các dự án khuyến lâm cho các hộ gia đình với qui mô vừa tới hàng chục ha; có thể là do các công ty, các doanh nghiệp sản xuất với qui mô lớn với diện tích tới hàng trăm ha. Mật độ trồng theo phương thức này trong thực tế sản xuất có khá nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến nhất từ 200 – 330 cây (bụi)/ha, cự ly có thể là 10 x 5m, hoặc 8 x 5m, hoặc 5 x 6m.

– Xử lý thực bì

Có thể xử lý thực bì bằng phương pháp thủ công hoặc cơ giới tùy theo địa hình của nơi trồng rừng, có thể xử lý thực bì toàn diện hay cục bộ theo băng (rạch) với kích thước rộng hẹp khác nhau tùy theo đặc điểm điều kiện nơi gây trồng cũng như phương thức trồng. Nơi có độ dốc dưới 15 độ có thể xử lý thực bì toàn diện, nơi có độ dốc từ 15 độ trở lên phải xử lý thực bì cục bộ theo băng (rạch) song song với đường đồng mức, băng (rạch) chặt có thể rộng 2 – 6m, băng chừa rộng có thể 4 – 8m, dọn sạch thực bì trên diện tích thiết kế, nhưng chừa lại một số cây gỗ tái sinh có giá trị.Toàn bộ xác thực vật sau xử lý không được đốt, mà gom hết ra đường lô hoặc gom lại theo hẩng xen kẽ với hàng cây dự kiến đào hố để trồng. Công việc xử lý thực bì cần phải hoàn thành trước khi trồng rừng 1 tháng.

– Làm đất

Bằng phương pháp thủ công, hố đào có kích thước 60 x 60 x 50cm (dài 60cm, rộng 60cm và sâu 50cm), khi đào để riêng lớp đất màu bên trên sang một bên, lớp đất bên dưới sang một bên. Bón lót từ 1 – 2kg phân hữu cơ ủ hoai hoặc 0,1 – 0, 3kg NPK(5:10:3), trộn đều phân với lớp đất mùn bên trên để lấp hố, vun tiếp lớp đất mùn xung quanh xuống hố và đảo đều phân trong hố, vun tiếp lớp đất còn lại sao cho đầy hố, công việc lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng từ 15 – 20 ngày.

– Kỹ thuật trồng

Dùng cuốc hoặc thuổng đào 1 lỗ ở giữa hố, sao cho đặt vừa bầu đất thấp hơn mặt đất xung quanh khoảng 5cm, nếu là thân ngầm phải ngập phần thân ngầm và 1/2 lóng thứ nhất của thân khí sinh và nghiêng 1 góc 60 độ về cùng một hướng. Lấp đất và lèn chặt đất xung quanh, vun đất quanh gốc hình mai rùa cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 5cm. Dùng rơm, rạ hoặc cỏ khô phủ xung quanh gốc để giữ ẩm, nếu thời tiết sau khi trồng khô hạn cần phải tưới nước đủ ẩm cho cây mới trồng trong tháng đầu. Trong thời gian từ 1 – 2 tháng đầu kể từ khi trồng cần phải kiểm tra thường xuyên và trồng dặm những cây đã chết, hoặc trồng thay thế những cây có nguy cơ chết, vun gốc những cây bị xói mòn trơ gốc.

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và cải tạo rừng Luồng

– Kỹ thuật chăm sóc rừng

Chăm sóc rừng Luồng được thực hiện trong 3 năm liền kể từ khi trồng, năm thứ 1 nếu trồng vào vụ Xuân – Hè thì chăm sóc 3 lần/năm, trồng vào vụ Hè – Thu thì chăm sóc 2 lần. Năm thứ 2 và năm thứ 3 mỗi năm chăm sóc 3 lần, thời gian chăm sóc vào tháng 3 – 4, tháng 7 – 8 và tháng 10 – 11. Nội dung chăm sóc gồm phát dọn dây leo, bụi rậm, làm sạch cỏ dại, cuốc xới xung quanh các bụi tre theo hình vành khuyên rộng 1m, cuốc đất sâu khoảng 20 – 25cm, tủ rác, rơm, rạ vào gốc, chú ý không cuốc gần gốc làm tổn thương măng đang mọc, điều chỉnh độ tàn che (nếu là rừng trồng hỗn giao với các loài cây khác). Nơi đất xấu cần bón thúc từ 5 – 10kg phân hữu cơ hoặc rơm rác kết hợp với từ 0, 3 – 0,5kg NPK (5:10:3). Đặc biệt, lần chăm sóc cuối của mỗi năm kết hợp phòng chống cháy rừng cho mùa khô tới.

– Kỹ thuật nuôi dưỡng rừng

Từ năm thứ 4 trở đi chủ yếu là áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng rừng. Nội dung nuôi dưỡng rừng gồm: chặt bỏ những cây quá già trong bụi (từ 4 – 5 tuổi), chặt bỏ những cây nhỏ, cây bị sâu bệnh, đánh bỏ hoặc chặt sát đất những gốc già không có khả năng sinh măng, phát dọn dây leo cây bụi, vun đất vào gốc Luồng.

Thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại Luồng và mãng Luồng như bệnh Chổi xể, sâu Vòi voi,… Nếu bị bệnh Chổi xể phải chặt bỏ cả khóm đem ra xa rừng Luồng và đốt sạch, phun thuốc Booc đô nồng độ 1% vào từng bụi với liều lượng là 2 – 3 lít/bụi. Nếu là sâu Vòi voi hại măng cần phải cuốc sới xung quanh bụi Luồng hình vành khuyên rộng 1m, sâu 20 – 25cm để diệt nhộng trong đất, tiêm thuốc Bi 58 với liều lượng khoảng 10ml/măng đã bị sâu đục lỗ. VỊ trí bơm thuốc cách đỉnh sinh trưởng của măng 40cm. Ngoài ra, còn dùng biện pháp thủ công trực tiếp bắt giết sâu trưởng thành. Đặc biệt là phòng chống lửa rừng, dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác Luồng, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ngăn chặn mọi hành động do người hoặc trâu bò phá hoại hoặc khai thác măng không đảm bảo kỹ thuật.

– Kỹ thuật cải tạo rừng Luồng

Một số diện tích rừng luồng sau nhiều năm khai thác có hiện tượng thoái hoá, căn cứ vào nguyên nhân gây thoái hóa rừng Luồng để có các giải pháp cải tạo rừng thích họp. Nếu là thoái hoá do đất bạc màu và kinh doanh lâu năm không bón phân bổ sung thì giải pháp chủ yểu là bón phân bổ sung đồng thời làm cho đất tơi xốp bằng cách cuốc, xới quanh gốc, cắt lá cây làm phân xanh ủ vào rãnh ở quanh gốc để làm tăng lượng mùn, giữ ẩm cho đất, công việc này thường tiến hành vào đầu mùa mưa. Đối với rừng Luồng thoái hoá do khai thác quá mức, khai thác nhiều và khai thác cả những cây non từ 1 – 2 tuổi, cần phải điều chỉnh cường độ khai thác thích họp, trong những năm đầu cải tạo phải ngừng hẳn việc khai thác để mỗi bụi đạt trên 10 cây mẹ, sau đó mới tiến hành khai thác và chỉ khai thác những cây từ tuổi 3 trở lên. Trong trường hợp rừng Luồng thoái hóa do sâu bệnh hại như sâu Vòi voi, cần bắt diệt sâu bằng phương pháp thủ công hoặc chụp túi nilon lên măng. Đối với bệnh gỉ sắt và bệnh sọc tím cho đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trừ, nếu rừng bị bệnh nặng nên thay thế bằng loài khác. Đối với rừng Luồng trồng sai lập địa như độ cao, độ dốc và loại đất không phù hợp… cần phá bỏ để trồng thay thế bằng loài cây khác. Đối với rừng Luồng thoái hoá không thể cải tạo được nữa thì cần thay thế bằng rừng mới để tránh lãng phí đất canh tác, không nên trồng lại Luồng vào đất rừng Luồng thoái hoá ngay sau khi phá bỏ, nên trồng các loại cây nông lâm nghiệp khác sau một chu kỳ kinh doanh rồi mới trồng lại Luồng (Đặng Thịnh Triều, 2011).

Kỹ thuật khai thác và sử dụng

– Kỹ thuật khai thác

mang luong

Sau khi trồng được 4 năm rừng Luồng có thể cho khai thác thân khí sinh, nhưng sau 6 năm mới bắt đầu cho khai thác chính thức và thường xuyên cho năng suất ổn định. Khi này thì cường độ khai thác mỗi năm khoảng 30% tổng số cây trong bụi, chỉ khai thác những cây từ tuổi 3 trở lên, chú ý không để luồng quá già từ 5 – 6 năm tuổi.

Phương thức khai thác chủ yếu là khai thác chọn, chặt cây nhiêu tuổi trước, ít tuổi sau, cây phía ngoài trước, phía trong sau.

Mùa khai thác tốt nhất là vào mùa khô khi cây Luồng ngừng sinh trưởng và sinh sản, tốt nhất là từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Khi khai thác nên chặt thấp gần sát mặt đất, sau khai thác tiến hành làm vệ sinh rừng ngay, dọn sạch cành ngọn ra khỏi rừng, làm sạch cỏ, dây leo, bụi rậm và bón phân cho rừng Luồng, phân bón tốt nhất là phân chuồng hoai và phân khoáng giàu N và K.

– Sử dụng

Thành phần hóa học của thân cây Luồng trung bình gồm 54% cellulose, 22,4% lignin và 18,8% pentozan,… là loài cây có hàm lượng cellulose cao nhất trong các loài tre đã được nghiên cứu. Hơn nữa, kích thước xơ sợi thuộc loại sợi dài, thường có chiều dài đạt tới 2,944 mm, chiều rộng đạt 17,84 ụm, vách tế bào dày 8,5m. Với thành phần hóa học và kích thước xơ sợi như vậy nên Luồng là loài cây nguyên liệu để sản xuất bột giấy có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Ngoài ra, thân cây Luồng chịu lực khá tốt nên thường được dùng làm cột chống, xà đỡ trong xây dựng, giao thông vận tải, chèn hầm lò, đặc biệt dùng làm nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh cho sản phẩm vừa đẹp vừa chắc và bền, được nhiều người ưa chuộng nên là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Măng luồng ăn ngon, kích thước lớn, ngoài việc làm thực phẩm ăn tươi còn được phơi khô, trọng lượng bình quân mỗi măng khoảng 1,15kg; tỷ lệ sử dụng khá cao, đạt từ 65 – 72%. Thành phần hóa học của măng Luồng gồm 92,01% nước, 2,26% protein, 2,47% đường, 2,33% glucid, 0,58% cellulose và 0,12% lipid (Nguyễn Danh Minh, 2005).

0