23/05/2018, 15:57

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc

Công việc chăm sóc hoa cúc cần chú ý đúng mức vì không những đảm bảo cho sinh trưởng, phát triển của cây được cân đối mà còn làm tăng chất lượng hoa. Thời vụ gieo trồng Tuỳ theo đặc điểm giống có khả năng chịu rét hay không và phản ứng của giống đối với thời gian chiếu sáng mà sắp xếp các ...

Công việc chăm sóc hoa cúc cần chú ý đúng mức vì không những đảm bảo cho sinh trưởng, phát triển của cây được cân đối mà còn làm tăng chất lượng hoa.

Thời vụ gieo trồng

Tuỳ theo đặc điểm giống có khả năng chịu rét hay không và phản ứng của giống đối với thời gian chiếu sáng mà sắp xếp các thời vụ, ngoài ra còn phải căn cứ vào điều kiện thời tiết của từng năm mà điều chỉnh cho hợp lý. Hiện nay có rất nhiều giống cúc mới nhập nội với thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm, nên việc bố trí thời vụ gieo trồng rất linh hoạt, có thể trồng muộn hoặc sớm hơn 1 – 2 tuần để điều khiển hoa ra vào đúng các dịp lễ tết. Nhìn chung thời vụ trồng cúc có thể sắp xếp như sau:

– Vụ xuân hè: Giâm ngọn vào tháng 2, 3 trồng tháng 3, 4, 5 để có hoa vào tháng 6, 7, 8 như các giống CN93, CN98, CNOt, tím hè, vàng hè, vàng mai.

– Vụ hè thu: Gồm các giống cúc như CN93, CN01, CN98. Giâm ngọn vào tháng 5, 6 trồng tháng 6, 7, 8 và thu hoạch vào tháng 9, 10, 11.

– Vụ thu đông: cỏ thể giâm vào tháng 7, 8 trồng tháng 8, 9 cho hoa vào tháng 11, 12 như các giống cúc CN97, CN19, CN20, vàng Đài Loan… Đây là vụ chính trong năm rất thích hợp cho sự sinh trường và phát triển của nhiều loại cúc khác nhau.

– Vụ đông xuân: Giâm ngọn vào tháng 9, 10 trồng tháng 10, 11 cho thu hoạch vào tháng 1, 2, 3, như các loại cúc chùm Hà Lan.

Làm đất, lên luống

Do cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển mạnh và nhiều các rễ phụ nên đất thích hợp nhất cho cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, hay đất sét pha nhiều mùn, có tầng canh tác dày, tương đối bằng phẳng, hơi dốc về một phía, có hệ thống tưới tiêu tốt và pH từ 6 – 6,5. Đất kiềm và đất chua thường không thích hợp với cúc, không nên trồng cúc ở nơi thấp trũng, quá ẩm, thoát nước chậm và nước ứ đọng sẽ làm cho đất thiếu ôxy ảnh hưởng đến sự hô hấp của bộ rễ. Trong điều kiện thiếu không khí các vi sinh vật trong đất hoạt động yếu, việc phân giải các chất hữu cơ chậm làm việc hút dinh dưỡng của cây bị cản trở, cúc sẽ bị thối rễ, lá úa vàng, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng phát triển của cây.

Đất trồng cúc cần phải được cày sâu, bừa kỹ rồi phơi ải để tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật háo khí, tăng cường sự lưu thông khí trong đất, làm đất giữ nước, giữ phân tốt. Ngoài ra cày sâu là yêu cầu rất quan trọng khi muốn tăng số cây trên một đơn vị diện tích (nhất là đối với những giống cúc chỉ để một bông to trên cây, mật độ trồng có thể lên tới 60 – 70 cây/m). Vì mật độ trên một đơn vị diện tích càng lớn thì thể tích do bộ rễ chiếm được trong đất sẽ càng nhỏ đi, cho nên cày sâu, phơi ải kết hợp với bón phân sẽ tạo điều kiện cho bộ rễ ăn sâu xuống đất được dễ dàng. Nhưng không nên làm đất quá nhỏ, quá vụn sẽ phá vỡ cấu tượng và dễ bị đóng bánh khi mưa hoặc tưới đẫm làm ảnh hưởng đến bộ rễ.

Trước khi trồng phải cày đảo lại rồi mới lên luống cao 20 – 30 cm, nhưng tuỳ theo thời vụ mà lên luống cao hay thấp, vụ thu đông trời hanh khô, làm luống thấp có thể giảm bớt ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Vụ xuân do độ ẩm cao, mưa nhiều lên luống cao để dễ thoát nước, có thể đào hốc hoặc rạch luống rồi bón phân lót trước khi trồng từ 10 – 12 ngày. Phân lót gồm có phân chuồng hoai mục và một phần phân hoá học N, P, K. Nên tăng cường bón phân chuồng để làm cho đất thuần thục, cải tạo kết cấu của đất.

Bón phân

Đây là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng góp phần làm tăng năng suất, phẩm chất hoa. Khi bón phân phải xét đến nhu cầu dinh dưỡng và khả năng hấp thụ của cây, tác dụng của các loại phân bón đến chất lượng hoa, đặc điểm của đất để quyết định lượng phân bón, thời kỳ bón, cách bón…

Nguyên tắc bón phân cho cúc là phải đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng. Lượng phân bón thực tế phải cao hơn lượng phân bón lý thuyết vì sau khi bón phân vào đất cây không sừ dụng được hết mà một phần bị đất giữ lại, một phần bị rửa trôi.

Việc bón phân cho cúc bao gồm bón lót và bón thúc vì cúc là loại cây rất phàm ăn nên việc bón lót rất cần thiết, không những cung cấp chất màu sớm cho cây con đâm rễ mà còn giữ nước cho cây, củng cố cấu tượng của đất. Do sự phân giải chậm của các loại phân hữu cơ nên cần phải bón lót trước khi trồng. Cần chú ý khi trộn phân hồn hợp phải trộn đúng loại nếu không sẽ làm giảm chất lượng của phân như không trộn vôi và tro với phân bắc, phân chuồng vì vôi và kali trong tro làm mất một phần lớn N trong các loại phân này, vì vậy phải bón vôi và tro trước 5 – 7 ngày, sau đó mới bón các loại phân hữu cơ. Đi đôi với bón lót, trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cần phải bón thúc những loại phân có hiệu quả nhanh như N, P, K… phân bắc, nước giải có tác dụng làm tăng năng suất và phẩm chất hoa. Thường bón thúc làm 3 lần vào sau trồng 2 – 3 tuần, vào giai đoạn phân cành và hình thành nụ con.. Ngoài ra việc bón phân cho cúc còn phụ thuộc vào từng giống, từng thời vụ và điều kiện thời tiết khi bón.

Mật độ, khoảng cách

Sau khi cành giâm ra rễ tốt, đủ tiêu chuẩn trồng (cao 6 – 8 cm, có 5 – 7 lá, rễ dài 1 – 2 cm), cây khỏe, đồng đều không bị nhiễm sâu bệnh hại và mang các đặc trưng hình thái giống, sẽ được trồng ra vườn sản xuất. Trước khi trồng, đất phải được cày ải, lên luống cao, thoát nước và phải được bón phân lót.

Khoảng cách mật độ phải căn cứ vào đặc điểm hình thái từng giống, vào đất tốt hay xấu, mức độ phân bón, khả năng chăm sóc mà quyết định. Hiện nay thường dựa vào đặc điểm giống cho hoa to hay nhỏ, mục đích để 1 bông/cây hay nhiều bông/cây mà xác định mật độ khoảng cách khác nhau.

Thường đối với những giống hoa to, đường kính từ 9 – 12 cm, cây cao thân mập thẳng và chỉ để 1 bông trên thân thỉ khoảng cách là 10 x 14 cm hoặc 12 x 14 cm, với mật độ 550.000 – 600.000 cây/ha như cúc CN93, CN01, vàng Đài Loan…

– Đối với những giống hoa nhỏ đường kính từ 2 – 6 cm, có thề bấm ngọn hoặc không bấm để cây sinh trưởng phát triển tự nhiên, trồng với khoảng cách 10 x 16 cm hoặc 12 x 16 cm, mật độ 450.000 – 500 cây/ha như các loại cúc chùm, CN19, CN20…

Kỹ thuật trồng

Để đảm bảo cho cây ở vườn sản xuất, trước khi trồng phải chọn những cây tốt khoẻ, đồng đều, không bị nhiễm sâu bệnh hại và không có biểu hiện phân hóa mầm hoa. cần loại bỏ những cây không đủ tiêu chuẩn trồng ngay từ trong vườn ươm. Việc cấy chuyển phải đảm bảo không làm hỏng hay xây xát bộ rễ còn non và ít của cây giâm.

Sau khi trồng xong phải ấn chặt gốc và tưới đẫm vòng xung quanh gốc. Trời hanh khô ngày phải tưới 2 lần, nếu có điều kiện ủ mùn rác xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây. Những ngày đầu việc tưới nước phải nhẹ nhàng không để cho các lá gần gốc bị dính vào đất hoặc bùn, đất bắn lên các lá non sẽ làm bít các lỗ khí khổng, ảnh hưởng đến sự quang hợp, hô hấp và sự bốc hơi của bộ lá, khi cây chưa hồi xanh trở lại.

trong hoa cuc trong nha luoi

Kỹ thuật chăm sóc

Đối với cây hoa cúc công việc chăm sóc hoa cúc cần chú ý đúng mức vì không những đảm bảo cho sinh trưởng, phát triển của cây được cân đối mà còn làm tăng chất lượng hoa. Công việc chăm sóc bao gồm:

Tưới nước

Do đặc điểm cây cúc có khả năng chịu hạn hơn chịu úng, nên phải trồng cúc ở những nơi cao thoát nước, tránh nơi trũng thấp và ứ nước. Việc tưới nước cũng chỉ cần vừa phải để giữ ẩm cho cây, không nên tưới nhiều vì sẽ làm cho cây phát triển cành lá, hoa bé và xấu. Ngoài ra tưới nhiều làm cho đất mùn dễ bị rửa trôi, hoặc thấm sâu xuống các tầng đất xa rễ hoặc khi tưới nhiều nước thoát không kịp làm cho cây bị bệnh vàng lá, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và ra hoa của cây. Thông thường việc tưới nước thường kết hợp với bón phân. Có 2 cách tưới cho cúc:

– Tưới rãnh: Cho nước vào các rãnh luống, ngâm từ 1 – 2 giờ để nước ngấm dần vào bề mặt luống, sau đó rút nước ra, chú ý chỉ để cho nước ngập 2/3 rãnh không cho ngập đến bề mặt luống. Cách tưới này đất được giữ ẩm từ 7 – 10 ngày.

– Tưới mặt: Dùng vòi hoa sen tưới nhẹ lên bề mặt luống vừa đủ lượng nước bão hòa trong đất. Nếu tưới thừa, nước sẽ chảy ra ngoài rãnh làm rửa trôi phân bón. Cách tưới này dễ làm cho bề mặt luống bị đóng váng, mức độ giữ ẩm ít hơn nên cân phải tưới nhiều lần hơn.

Bấm ngọn

Việc bấm ngọn hay không thường căn cứ vào mục đích, ý thích của người trồng và người chơi hoa. Nếu muốn cây cúc có hoa to, không bấm ngọn mà chỉ tỉa bỏ hết các cành nhánh phụ mọc từ nách lá và chỉ để một nụ chính trên thân (hoặc thêm 1 nụ phụ) đề phòng khi nụ chính bị gãy hoặc hỏng. Tất cả các nụ còn lại đều phải được loại bỏ hết. Việc không bấm ngọn hoa chỉ để 1 bông trên thân thường chỉ áp dụng đối với những giống hoa to, thân mập cứng thẳng khoẻ, bộ lá gọn, như giống cúc CN97, CN01, vàng Đài Loan, tím sen… Còn đối với các giống cúc chùm, nếu muốn có hoa nhiều phải bấm ngọn cho cây, tức là ngắt từ 1 – 2 đốt trên ngọn của thân chính. Việc bấm ngọn ngoài tác dụng làm cho cây phát triển nhiều cành nhánh để có nhiều nụ, nhiều hoa còn là phương pháp tạo dáng, tạo thế cho cây.

Tỉa cành, bấm nụ

Trong quá trình sinh trưởng các cành nhánh cúc phát sinh rất nhiều ở nách lá và các mầm chồi mọc nhiều ở gốc cây. Sau khi bấm ngọn và định các cành trên cây ta cần phải bấm, tỉa bỏ hết các cành và nụ ra sau để khỏi ảnh hưởng đến sức cây, tập trung chất dinh dưỡng để nuôi cành nhánh chính và cũng là để tạo tán cho cây. Đặc biệt đối với những giống hoa nhỏ (nhiều bông/cây) trên 1 cành nên vặt bỏ nụ trung tâm, tạo điều kiện cho các nụ xung quanh phát triển đều nhau.

Vun xới, làm cọc dàn

Trong quá trình trồng thường phải tiến hành xới đất, vun gốc kết hợp với làm cỏ. Việc xới xáo xung quanh gốc chỉ làm khi cây cúc còn nhỏ nghĩa là sau khi bấm ngọn lần 1, còn khi cây đã lớn (sau trồng 4 – 5 tuần), lúc này cây đã phân cành nhánh mạnh, nên hạn chế việc xới đất vì cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển nhiều rễ phụ. Nếu xới xáo sâu và nhiều sẽ làm đứt rễ ảnh hưởng đến việc hút chất dinh dưỡng của cây. Lúc này chỉ nên nhổ cỏ, vun hoặc tỉa các lá già xung quanh gốc. Nhưng cũng không nên vun gốc quá cao vì sẽ làm phát sinh nhiều mắt rễ, khiến gốc xù xì, thân cây không đẹp ảnh hưởng đến chất lượng cành mang hoa.

Song song với việc vun xới, cần cắm cọc đỡ hoặc lưới đỡ cho cây khỏi đổ. Đối với những cây để hoa nhiều có đường kính tán rộng, tùy theo sinh trưởng của cây mà cắm từ 1 – 3 vè, rồi dùng dây mềm ràng buộc nhẹ xung quanh cả khóm để không làm gẫy cành, giập hoa. Có thể làm giàn lưới để đỡ hoa mọc thẳng, đều. Lưới có thể bằng thép nhỏ hay bằng dây nilon.

Điều tiết sự sinh trưởng, phát triển và sự ra hoa của cây

Sử dụng chất điều tiết sinh trưởng

Chất kích thích sinh trưởng có tác dụng làm tăng năng suất, chất lượng hoa cúc. Việc sử dụng một số loại thuốc như Atonik, Spray – N – Grow, GA3, Kích phát tố hoa trái Thiên Nông… để điều khiển sự sinh trưởng cũng như việc ra hoa trái vụ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế của người trồng hoa.

GA3 có tác dụng làm tăng chiều cao cây, do tăng trưởng các tế bào theo chiều dọc của thân và lá, nên có tác dụng mạnh ở giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, có thể dùng GA3 dưới dạng thương phẩm như GA3 Trung Quốc với nồng độ 1%, GA3 Thiên Nông với liều lượng từ 15 – 20 g pha trong 10 l nước sạch, phun từ giai đoạn cây con, định kỳ 7 – 10 ngày/lần cho đến khi cây có chiều cao theo ý muốn.

Spray – N – Grow và Kích phát tố hoa trái Thiên Nông có tác dụng mạnh ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực làm cho hoa to, trổ sớm, chất lượng hoa tốt, kéo dài tuổi thọ của hoa. Có thể phun Spray – N – Grow với nồng độ 1% (100 ml dung dịch thuốc trong 10 / nước sạch) và Kích phát tố hoa trái với liều lượng 10 – 15 g pha trong 10 l nước, phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần, kể từ khi cây bắt đầu có hiện tượng phân hoá mầm hoa cho đến lúc cây nở hoa.

Dùng GA3 của Trung Quốc tuy hiệu quả nhanh đối với việc kéo dài thân, nhưng có nhược điểm là những lá phần phía trên hoa thường teo nhỏ, lá xỉn màu, không sáng mượt, cuống hoa nhỏ và đài không cân đối với thân. Bởi vậy để đảm bảo sự phát triển cân đối giữa lá, chiều dài cành và hoa, dù sử dụng loại thuốc kích thích nào cũng nên dùng thêm phân bón qua lá như Komix, Futonix, phân bón lá Thiên Nông… để cho cây cứng, có bộ lá xanh đẹp.

Đối với hoa cúc dùng trồng chậu, trồng thảm để làm giảm chiều cao cây có thể sử dụng 1 số chất ức chế sinh trưởng (chất lùn hóa) như Bọ, ccc, Met, Mydrin… nhưng Bọ được sử dụng rộng rãi nhất vì không có hại với cây và thường dùng để phun lên lá với liều lượng từ 2500 – 5000 ppm, nhược điểm là lượng dùng lớn, giả thành cao và ở nhiệt độ cao thuốc dễ bị phân hủy.

Điều khiển quang chu kì

Do đặc điểm của cây hoa cúc ra hoa trong điều kiện ngày ngắn, nên khi trồng muộn (tháng 10, 11) cây thường ra hoa ngay khi chiều cao cây còn thấp (25 – 30 cm) nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế. Hiện nay ngoài sử dụng chất kích thích sinh trưởng, việc chiếu sáng bổ sung cho cúc vào ban đêm bằng hệ thống đèn nhân tạo đã có tác dụng làm tăng chiều cao cây, tăng tỷ lệ nở hoa, hoa to, độ bền dài và nở đúng vào các dịp lễ tết (8/3, 20/11, tết Nguyên đán…), tuy nhiên cũng tùy điều kiện từng vùng mà áp dụng việc chiếu sáng cho phù hợp, đối với các tỉnh phía Bắc thì thường chiếu sáng cho cây sau trồng 7 – 10 ngày, thời gian chiếu khoảng 30 – 35 ngày, từ 22 giờ – 1 hoặc 2 giờ sáng hôm sau (3- 4 giờ), với bóng đèn điện 100 W, mật độ 8 – 10 m²/bóng, cường độ chiếu sáng 50 – 100 lux, mắc cách ngọn cúc từ 0,8 – 1, 0 m.

Song song với việc chiếu sáng bổ sung để làm chậm sự nở hoa cho cúc. Trong sản xuất còn sử dụng biện pháp che sáng để kích thích hoa nở, do trồng sớm vào vụ hè ở điều kiện chiếu sáng ngày dài cây sinh trưởng dinh dưỡng mạnh và nở hoa chậm. Để tránh nhiệt độ quá cao trong mùa hè và tạo điều kiện ngày ngắn cho cây ra hoa, có thể che sáng vào sáng sớm trước khi mặt trời mọc từ 4 – 8 giờ (thời gian tối liên tục mỗi ngày không dưới 13 giờ), việc che sáng cần tiến hành liên tục không gián đoạn từ khi cây cao 35 – 40 cm đến khi nụ hoa xuất hiện màu, cần che tối hoàn toàn không để lọt ánh sáng với cường độ vượt quá 20 lux vào nhà che.

Chuẩn bị nhà che

Mặc dù cúc có thể trồng ngoài trời, nhưng ở những vùng có lượng mưa lớn, mùa mưa kéo dài như Đà Lạt, Sa Pa, Mộc Châu để đạt năng suất chất lượng hoa cao cần trồng cúc trong nhà có mái che. Có nhiều loại mẫu nhà che với chi phí từ 100,000 – 1.000.000 đồng/m², tùy theo điều kiện kinh tế và vật tư có sẵn của địa phương mà áp dụng cho phù hợp.

Sau đây là một số thông số kỹ thuật cho nhà lưới:

Thông số thiết kế

– Diện tích nhà lưới: Để đảm bảo đồng bộ cho thiết kế và các thiết bị, nhà lưới cần có diện tích tối thiểu 240 m².

– Chiều cao nhà lưới điểm thấp nhất của mái so với mặt đất từ 3 – 3,5 m, điểm cao nhất của mái so với mặt đất từ 4,4 – 4,5 m. Độ dốc mái 30°

– Thiết kế luống: Chân luống rộng 90 – 100 cm, mặt luống rộng 60 – 70 cm, cao luống 30 – 35 cm, và rãnh luống rộng từ 30 – 40 cm.

– Hệ thống cửa ra vào: Khung bằng sắt hoặc gỗ, cánh làm bằng lưới chống côn trùng hoặc nilon. Cửa đặt ở vị trí thuận tiện để dễ dàng ra vào.

– Kết cấu mái nhà: Theo kiểu mái hở (2 hoặc 3 mái). Nếu sử dụng nhà mái kín thì phải có các hệ thống làm mát.

– Chất liệu khung nhà: Bằng sắt hoặc ống thép mạ kẽm, cột bê tông, tre, gỗ. Nếu làm bằng khung sắt thì phải sơn chống gỉ, còn làm bằng khung tre hoặc gỗ thì phải có biện pháp chống mối mọt.

– Tường bao quanh nhà: Cao từ 0,5 – 0,6 m, xây tường gạch chỉ, trát vữa xi măng.

– Độ cao nền nhà so với mặt bằng chung xung quanh tối thiểu 20 cm.

Yêu cầu nguyên vật liệu làm nhà lưới

– Mái lợp: 2 lớp bằng tấm nhựa hoặc nilon chuyên dụng, ít bị oxi hóa, đảm bảo ánh sáng đi qua, hạn chế được tia tử ngoại với lớp trên là màng IZOZAI (có tác dụng ngăn tia tử ngoại, chống mưa), lớp dưới là lưới đen có tác dụng giảm nhiệt độ, giảm cường độ ánh sáng trực xạ vào mùa hè và có thể kéo ra hoặc thu vào khi cần thiết.

– Vật liệu bao quanh: Lưới chống côn trùng màu trắng, mật độ mắt lưới 80 – 120 lỗ/cm². Nếu sử dụng nhà kín thì quây 2 lớp, 1 lớp lưới chống côn trùng bên trong và 1 lớp nilon bên ngoài có thể cuộn lên được.

Thông số điều kiện môi trường trong nhà lưới

Các thông số môi trường trong nhà lướiCác thông số môi trường trong nhà lưới

Các thiết bị trong nhà lưới

Hệ thống chiếu sáng và che bóng: Vào mùa hè để giảm nhiệt độ và cường độ ánh sáng mạnh cần che lưới đen giảm 30 – 40% ánh sáng, nếu tiếp nhận ánh sáng quá nhiều cây sẽ nhỏ, lá vàng và cành ngắn. Mùa đông nếu ít ánh sáng lá kéo dài có màu xanh nhạt và thân hoa yếu, cần bổ sung đèn chiếu sáng cường độ cao ít nhất 14 giờ mỗi ngày trong giai đoạn phát triển ban đầu.

– Thông gió: Thông khí thích hợp cần được cung cấp đầy đủ với sự trợ giúp của quạt thông gió để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp và cũng có thể kiểm soát mức độ ẩm không khí. Nếu sử dụng nhà lưới kín (mái kín) thì có hệ thống làm mát bằng tấm liền nước và quạt thông gió.

– Hạ nhiệt độ đất: Nhiệt độ đất được điều chỉnh và duy trì ở mức mong muốn bằng việc che phủ đất, tưới tiêu thích hợp sẽ tăng chiều dài thân và tăng số cành nhánh.

– Hệ thống sưởi: Vào mùa đông sẽ giảm nhiễm nấm (đặc biệt là Phytophthora) từ đất, làm tăng đường kính hoa và chiều dài thân. Hệ thống sưởi ấm được cài đặt bằng cách đặt ống thông qua luống trồng ở độ sâu 50 cm và giữ khoảng cách 70 – 80 cm giữa hai ống. Để tránh gây hại bộ rễ, nhiệt độ của nước chạy qua các đường ống là khoảng 40°c, để nhiệt độ đất 18 – 20°c, ở độ sâu 10 – 50 cm.

– Hệ thống tưới nhỏ giọt: Đảm bảo độ ẩm đất từ 60 – 70%. Có bồn nước để cung cấp nước tưới cho hệ thống nhỏ giọt. Với diện tích 240 m2 cần bồn nước từ 1 – 1,5 m³, bồn đặt cao từ 3 – 4 m so với mặt đất. Dùng dây tưới nhỏ giọt chuyên dụng để dẫn nước đi đến từng cây.

– Các thiết bị

0