23/05/2018, 15:51

Gieo hạt và cấy cây cà phê

Hạt giống cà phê sau khi đã ủ nứt nanh có thể đem gieo vào bầu hoặc gieo trên luống đến khi cây bung lá sò mới nhổ cấy vào trong bầu đất. Gieo hạt Lựa hạt đem gieo – Khi hạt mới nứt nanh, cần phải lựa và đem gieo ngay, không được để mầm hạt dài quá 1 mm vì khi gieo dễ làm hạt bị tổn ...

Hạt giống cà phê sau khi đã ủ nứt nanh có thể đem gieo vào bầu hoặc gieo trên luống đến khi cây bung lá sò mới nhổ cấy vào trong bầu đất.

Gieo hạt

Lựa hạt đem gieo

– Khi hạt mới nứt nanh, cần phải lựa và đem gieo ngay, không được để mầm hạt dài quá 1 mm vì khi gieo dễ làm hạt bị tổn thương.

– Lựa hạt phải cẩn thận để không bị gãy mầm

– Loại bỏ các hạt không đủ tiêu chuẩn

– Bỏ hạt vừa lựa vào một chậu hoặc tô nhỏ có nước sạch để mầm hạt ít bị tổn thương.

Gieo trực tiếp vào trong bầu đất

Cách gieo

– Tưới bầu đất ướt đều trước khi gieo 1 – 2 ngày.

– Dùng que chọc một lỗ sâu 1 cm ở giữa tâm bầu đất, gieo mỗi bầu 1 hạt, hướng đầu rễ quay thẳng xuống đất.

– Riêng hàng phía ngoài gieo 2 hạt để lấy cây dự trữ khi cần trồng dặm.

– Gieo xong dùng doa tưới nước để hạt gắn ổn định vào đất.

– Trên mặt bầu có thể rắc một lớp trấu hoặc mùn cưa hoai dày 1 – 2 cm để hạn chế bốc hơi nước, cỏ dại và làm đất mặt bầu ít bị gí chặt.

Ưu và nhược điểm

– Ưu điểm:

+ Giúp cây sinh trưởng được liên tục từ lúc gieo đến lúc đem đi trồng.

+ Nếu bị nhiễm bệnh lở cổ rễ thì tốc độ lây lan chậm.

Nhược điểm khi gieo trực tiếp vào bầu:

+ Phải làm vườn ươm thật sớm để có sẵn bầu đất

+ Tốn công chăm sóc, tưới nước cho cả vườn ươm. Chăm sóc trên diện rộng trong thời gian từ 1,5 – 2 tháng từ lúc gieo đến lúc bung lá sò gây lãng phí so với gieo tập trung trên luống.

+ Không kiểm tra được có những cây con có rễ cọc dị dạng : cong, xoắn. quá nhiều rễ…

Gieo trên luống

Kích thước luống

– Rộng 1 – 1,2 m

– Cao > 20 cm

– Dài tuỳ theo khối lượng hạt giống

– Phía trên luống phải làm giàn che.

Rải hạt

– Rải đều hạt vừa nhú mầm trên mặt luống, gieo khoảng 1 kg hạt/m2.

– Khi gieo không để các hạt chồng lên nhau, không có hạt quay đầu rễ lên trên.

– Gieo xong dùng tấm ván đè nhẹ hạt cho lún đều xuống đất.

– Phủ lớp cát dày 4 – 5 mm.

– Hàng ngày tưới nước đủ ẩm.

Cắm hạt

– Cắm từng hạt liền nhau theo hàng cách nhau 3 – 4 cm, đầu rễ luôn quay xuống dưới.

– Phủ lớp cát dày 4 – 5 mm.

– Hàng ngày tưới nước đủ ẩm.

Ưu và nhược điểm

– Ưu điểm: hạt mọc nhanh và rễ cọc thường rất thẳng

– Nhược điểm:

+ Làm cho sinh trưởng của cây con không được liên tục, ít nhiều bị gián đoạn.

+ Tốn công cấy ra ngôi

 

Luống ươm hạt giống cà phêLuống ươm hạt giống cà phê

Cấy cây vào bầu

Nhổ và lựa cây để cấy

– Nhổ cây để cấy vào bầu khi cây đội mũ cao 2 – 3 cm hoặc khi cây đã bung lá sò hoàn toàn.

Hình 4.5.5.

 

– Tưới luống ươm đủ ẩm trước khi nhổ

– Khi nhổ cần nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm tổn thương rễ cây cà phê con.

– Loại bỏ những cây có rễ mọc biến dạng.

– Cây có 2, 3 rễ cọc thẳng nên cắt bớt chỉ để lại 1 rễ thẳng với trục thân.

– Cắt bớt đuôi rễ cọc nếu dài quá 10 cm.

Kỹ thuật cấy

– Tưới bầu đất đủ ẩm trước khi cấy cây từ 1 – 2 ngày.

– Dùng cọc nhọn có đường kính 1 cm chọc 1 lỗ sâu 10 – 12 cm ngay giữa tâm bầu.

– Đưa rễ vào cẩn thận cho rễ thật thẳng, không làm cong đầu rễ, cổ rễ hơi âm dưới mặt đất.

– Dùng que lèn chặt đất dọc chiều dài rễ.

– Tưới nước đủ ẩm.

 

Một số dạng bộ rễ cà phê bị khuyết tật

Các dạng rễ bị khuyết tật, dị dạng

Trong vườn ươm có một số trường hợp bộ rễ phát triển không bình thường mà bị biến dạng như: Rễ ngồi, rễ xoắn, nhiều rễ cọc, rễ dấu hỏi…  Một số dạng rễ bị dị dạngMột số dạng rễ bị dị dạng

Nguyên nhân

– Cong, xoắn rễ thường xảy ra khi hỗn hợp đất phân trong bầu làm không kỹ, còn lẫn một số viên đất cứng, sỏi đá, xác bã thực vật chưa hoai mục… nằm cản đường mọc xuống của rễ.

– Cổ rễ và thân không cùng trục thẳng đứng: do lúc gieo hạt rễ đã mọc quá dài và quay đầu rễ về một phía vì đầu rễ luôn luôn phải quay đầu thẳng đứng xuống phía dưới nền đất. Vùng cổ rễ nằm ngang về sau là nơi phát sinh nhiều rễ, không có lợi cho quá trình phát triển và đâm sâu của rễ cọc.

– Hiện tượng nhiều rễ cọc hoặc không có rễ cọc và phát sinh nhiều rễ phụ còn do bị tổn thương cơ giới trong quá trình gieo hoặc trong quá trình phát triển trong đất, đầu rễ bị tổn thương do sâu bệnh

Nói chung tất cả những khuyết tật nêu trên của bộ rễ là khó tránh khỏi hoàn toàn và rất khó phát hiện khi gieo trực tiếp vào bầu. Chính vì vậy mà phương pháp gieo hạt trên luống tuy tốn công cấy ra ngôi nhưng vẫn được áp dụng rất rộng rãi.

Biện pháp hạn chế và khắc phục

– Làm đất kỹ trước khi đóng bầu

– Gieo hạt khi hạt mới nứt nanh, rễ còn ngắn

– Không gây tổn thương cho rễ khi gieo hạt, cấy cây và khi chăm sóc

– Phòng trừ sâu bệnh hại.

0