25/05/2018, 17:50

Lý thuyết trong Nhân học: Trung tâm và ngoại vi

(ĐHVH HN) - Bài viết của Sherry Ortner về sự phát triển lý thuyết nhân học là rất đáng ngưỡng mộ, bởi cả tính phức tạp trong lập luận của bà và vì nó mở ra một loạt các khả năng thú vị cho việc tự phê bình lý thuyết ở các nhà nhân học. Trong bài viết này, chúng tôi xem xét một chủ đề không ...


 
(ĐHVH HN) - Bài viết của Sherry Ortner về sự phát triển lý thuyết nhân học là rất đáng ngưỡng mộ, bởi cả tính phức tạp trong lập luận của bà và vì nó mở ra một loạt các khả năng thú vị cho việc tự phê bình lý thuyết ở các nhà nhân học. Trong bài viết này, chúng tôi xem xét một chủ đề không được đề cập trực tiếp trong bài viết của Ortner, nhưng có thể được xem là hữu ích trong mối tương quan với nó [bài viết của Ortner](1). Chủ đề liên quan đến tầm quan trọng của địa điểm trong việc xây dựng lý thuyết nhân học trong giai đoạn từ sau Thế chiến thứ II.

Giống như lá thư bị mất cắp, địa điểm (thực địa) có vị trí nổi bật trong nhận thức nhân học, đến mức tầm quan trọng của nó đã được được xem là đương nhiên và những hàm ý của nó vẫn chưa được xem xét một cách có hệ thống. Bất chấp những tranh luận, ý tưởng cho rằng văn hoá là hành vi ứng xử của con người mang chiều kích bản địa là một giả định khá bền bỉ và được chấp nhận rộng rãi. Mặc dù giả định này tự bản thân nó đã quá trễ cho những đánh giá phê phán, đây không phải là khuôn mẫu phù hợp dành cho những tranh luận cần thiết. Những thứ mà thực sự có tính phù hợp ở đây chính là phân tích hệ thống về tính bản địa, với tư cách là một vấn đề khái niệm, và địa điểm, như là bản sao thực nhiệm tương ứng với nó, được thực hiện bởi những người quan tâm đến tương lai của lý thuyết nhân học. Những bình luận sau đây không làm gì hơn là phác thảo hàng loạt những chủ đề (với ví dụ tối thiểu) để gợi mở rằng tại sao nó quan trọng khi nhìn nhận lịch sử hình thành thuyết nhân học đứng từ quan điểm đó.

Ít nhất từ cuối thế kỷ XIX, lý thuyết nhân học luôn luôn được dựa trên việc thực hành đến một nơi nào đó, thường ưu tiên những nơi có khoảng cách về mặt địa lý, khác biệt về đạo đức và xã hội so với trung tâm lý thuyết và văn hóa của nhà nghiên cứu nhân học. Môn khoa học dân tộc học đã bị gắn chặt không thể thoát khỏi với chuyến đi tới nơi chốn nào đó. Nhưng câu hỏi về loại hình nơi chốn nào lại được gắn theo những cách thức phức tạp với lịch sử mở rộng châu Âu, sự thất thường của tính thực dụng chủ nghĩa thực dân và hậu thực dân, sự thay đổi khẩu vị của văn sĩ phương Tây. Theo đó, những thay đổi trong lý thuyết hóa nhân học, bị ảnh hưởng theo những cách khó hiểu bởi những thay đổi địa điểm khảo sát, chính chúng đã tác động đến các kiểu cách điền dã nhân học. Các địa điểm (ví dụ: những khu vực, những địa điểm, các nền văn hóa, xã hội, vùng, thậm chí các nền văn minh đặc thù) là những đối tượng của nghiên cứu nhân học, đồng thời đóng vai trò là mối liên kết then chốt giữa mô tả và phân tích trong lý thuyết nhân học.

Cho phép tôi được bắt đầu với một quan sát mà ít bị tranh cãi. Mặc dù tất cả các nhà nhân học đi lại ở “nơi khác”, chúng ta có thể nhận thấy rằng có một vài nơi còn khác biệt hơn những nơi khác. Ngay từ đầu, đặc tính của nhân học đã được thúc đẩy bởi sự hấp dẫn tới những thứ đơn giản, nhỏ, cơ bản và có thể tiếp xúc trực tiếp. Nhìn chung, điều này mang lại cho lý thuyết nhân học hai hàm ý. Hàm ý thứ nhất là những dạng thức xã hội nhất định (ví dụ như dòng họ), những dạng thức trao đổi (như tặng quà), các dạng thức chính thể nhất định (như tổ chức nhà nước theo liên kết phụ thuộc lẫn nhau [segmentary state]) là những đối tượng được ưu tiên đặc biệt trong nhân học và đã hình thành lên những địa hạt có uy tín trong lý thuyết nhân học. Hàm ý thứ hai đó là nhân học về những xã hội phức tạp ngoài phương Tây hiện vẫn được xem là (Nhân học) thứ cấp trong xu thế nhân học. Tác động của hàm ý thứ hai liên quan đến một loại Đông phương học trái ngược, mà ở đó sự phức hợp, học vấn, chiều sâu lịch sử và sự lộn xộn về cấu trúc đang vận hành như là những nhân tố thiếu phẩm chất trong nỗ lực đấu tranh về điểm nghiên cứu để có tiếng nói trong lý thuyết trung tâm.

Nhưng việc đặc trưng hóa vai trò của các nền văn minh truyền thống phức hợp này trong thuyết nhân học là quá đơn giản và bí ẩn. Thực tế là nhân học về các nền văn minh phức tạp thực sự tồn tại, nhưng dưới hình thức riêng biệt. Dưới hình thức này, một vài lý thuyết đơn giản trở thành những hoán dụ và đại diện cho toàn bộ nền văn minh hoặc một xã hội: trật tự thứ bậc ở Ấn Độ, thanh danh và ô nhục trong văn hóa Địa Trung Hải, lòng hiếu thảo ở Trung Quốc đều là tiêu biểu cho những gì mà người ta có thể gọi là khái niệm chi phối (gatekeeping) trong lý thuyết nhân học, những khái niệm đó dường như làm giới hạn cho việc lý thuyết hóa trong nhân học về điểm nghiên cứu và định nghĩa cho các câu hỏi được quan tâm mang tính cốt lõi, mấu chốt của  một vùng.

Những khái niệm chi phối liên quan đến các nền văn minh giàu truyền thống phức tạp kiểu như vậy đặc biệt chậm thay đổi, gây ảnh hưởng đến quá trình lý thuyết hóa trong nhân học nói chung. Theo đó châu Phi được coi là địa điểm của nhiều hình thức xã hội cổ điển, ví như dòng tộc hay tổ chức xã hội phân hợp; vùng nhiệt đới Nam Mỹ đại diện bao trùm cho các tổ chức xã hội lưỡng phân lưỡng hợp và những diễn ngôn huyền thoại được tạo thành; lễ hội lớn của người Melanesia cho việc vận dụng các chất, phẩm vật từ cơ thể trong quản lý xã hội và vũ trụ, người Australia bản địa là ví dụ tiêu biểu nhất cho sự mâu thuẫn giữa sự đơn giản về cấu trúc với sự phức hợp về phân tầng); vùng Polynesia là trung tâm cho  cho cơ chế tương trợ lẫn nhau, và còn nhiều ví dụ nữa kiểu như vậy. Điều này không có nghĩa là những vấn đề như thế chưa bao giờ được đưa vào những bối cảnh khác ngoài các khu vực truyền thống của chúng, nhưng những khu vực gốc này có một vị thế đặc biệt liên quan đến lý thuyết đang bàn ở đây. Nó cũng không gợi ý rằng xu hướng này coi tổng thể các xã hội thông qua một số khái niệm chiếm ưu thế cá biệt là một vấn đề phi lịch sử, không có động cơ, bối cảnh hay sự giải thích rõ ràng nào.

Vấn đề rằng là có một xu hướng rõ nét về địa điểm đang trở thành khuân mẫu cho các vấn đề cụ thể thời gian qua, và rằng những nguồn lực và hàm ý của xu hướng này chưa được hiểu rõ. Xu hướng này, đặc biệt khi nói về trường hợp các xã hội phức tạp, làm xuất hiện hai hàm ý. Thứ nhất là sự bàn thảo về các vấn đề lý thuyết có xu hướng khoanh vùng ở địa phương rất chặt chẽ, trong khi mặt khác thì việc nghiên cứu các vấn đề khác ở điểm nghiên cứu đang được quan tâm thì lại trì trệ, vì thế bản chất chung của những diễn giải nhân học cho một xã hội cụ thể đối mặt với nguy cơ bị sai lệch. Dĩ nhiên ở đây, các câu hỏi chủ chốt mà các nhà nhân học đặt ra cho chính họ liên quan đến lý thuyết nhân học thời gian qua hoặc tại thời điểm nào đó, là liệu các khái niệm chi phối này, những hoán dụ lý thuyết này có thực sự phản ánh điều gì có ý nghĩa về địa điểm đang được quan tâm hay không, hoặc liệu chúng làm lộ ra một sự áp đặt tùy tiện mang tính tương đối của những ý tưởng bất chợt theo mốt nhân học ở những địa điểm cụ thể hay không.

Một khi câu hỏi này được đưa ra, nó sẽ dẫn đến một loạt những vấn đề cụ thể hơn. Tại sao các hộ gia đình ở châu Phi lại đem lại nền tảng chính cho nhân học Mác-xít Pháp kể từ cuối những năm 1970? Tại sao biểu diễn sân khấu với tư cách là một khía cạnh của đời sống xã hội lại đặc biệt nổi bật ở những vùng lục địa và hải đảo Đông Nam Á? Tại sao những nghiên cứu về Melanesian (nhóm người sinh sống ở quần đảo Tây – Nam Thái Bình Dương) và châu Đại dương lại mạnh mẽ nhất trong việc đưa ra phê bình về nhiều khía cạnh chính của các lý thuyết cấu trúc xã hội được tạo ra ở Châu Phi? Tại sao Châu Phi lại quá cần thiết cho việc "thay đổi biểu tượng" vào cuối những năm 1950 và 1960, và tại sao nhân học biểu tượng cổ điển lại có khuynh hướng phát triển mạnh hơn ở Nam Mỹ và Châu Đại Dương nhiệt đới? Có điều gì đó về các thành phố châu Phi đã biến chúng trở thành cơ sở dồi dào nhất cho sự phát triển của ngành nhân học đô thị trong những năm 1960, trong khi nghiên cứu về các thành phố ở những nơi khác trên thế giới vẫn không theo kịp cho đến tận thời điểm gần đây nhất?

Mỗi câu hỏi đều có dạng đảo nghịch, như tôi đã gợi ý. Nếu các địa điểm trở thành nơi bảo trợ cho các đặc trưng văn hoá cá biệt hoặc các hình thức xã hội cụ thể, liệu có phải điều đó không ảnh hưởng đến cách thức các đặc điểm văn hoá và hình thức xã hội đó được phân tích ở những nơi khác? liệu các đô thị, về lý thuyết, có xu hướng được mô tả quá mức tập trung vào mạng lưới, môi giới, dân tộc và các doanh nghiệp như là kết quả của đối chiếu nguyên gốc từ Châu Phi? Liệu tất cả các hình thức bất bình đẳng trong tổ chức văn hoá bắt đầu được xem xét quá mức qua lăng kính thứ bậc xã hội? Liệu có sự liên kết đặc biệt giữa tự nhiên và văn hoá trong những diễn ngôn thần thoại ở Nam Mỹ nhiệt đới, và hệ tư tưởng nhị phân của nó, được gán gép một cách tự do cho nhưng nơi mà nó ít phù hợp hơn? Liệu Mô hình xã phân hợp của Châu Phi có chiếm ưu thế trong các nghiên cứu về vai trò cấu trúc xã hội ở Trung Đông, vùng Cao nguyên New Guinea và những nơi khác?

Tuy nhiên, trong lý thuyết nhân học, một vấn đề khác nữa là mối quan hệ giữa các địa điểm, sự so sánh và khái quát hóa. Với mức độ mà ở đó việc thuyết hóa nhân học đã vô tình bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi địa điểm trong kết quả nghiên cứu, sự đối chiếu đã trở nên khó khăn hơn, vì một chiều kích quan trọng của tính biến thiên (không chỉ trong dữ liệu mà còn trong mối quan hệ giữa người quan sát và được quan sát) đã bị bỏ qua không xem xét. Khi sự so sánh (và khái quát hóa) thành công trong nhân học, chúng xảy ra thường xuyên nhất trong bối cảnh của xã hội quy mô nhỏ và liên quan đến các khía cạnh được khái quát cao trong đời sống xã hội, chẳng hạn như thuật ngữ họ hàng. Khi các xã hội đang được xem xét trở nên phức tạp hơn, về học vấn và lịch sử, phương pháp phi bối cảnh hóa cái làm cơ sở cho việc khái quát hóa trở nên khó thực hiện hơn. So sánh cũng trở nên khó hiểu khi mối quan tâm lý thuyết tập trung vào các khía cạnh định tính, chủ quan và thực nghiệm về đời sống xã hội hơn là dựa trên các hiện tượng định lượng, khách quan hoặc có cấu trúc. Do đó, "thay đổi có tính diễn giải" trong nhân học văn hoá, bắt đầu từ đầu những năm 1970 và là mối quan tâm gần đây đối với lịch sử của các xã hội quy mô nhỏ, mà cả hai đã được Ortner đề cập, có xu hướng tiếp tục vớimột khuynh hướng cũ trong nhân học, cái tập trung vào địa phương hóa điều kiện của con người. Mặt khác, các xu hướng khác gần đây trong nhân học được Ortner bàn thảo, những xu hướng mà tập trung vào thực tiễn và kinh tế chính trị, có khuynh hướng tìm kiếm những tương đồng xuyên văn hóa mặc dù giữa chúng có các khác biệt.

Để thực hiện một sự thẩm định có tính chất lịch sử đầy đủ về những vấn đề này (giả định rằng sức ép chung của những vấn đề đó được thừa nhận là hợp lý) kéo theo việc xem xét một loạt tất cả các yếu tố, và chỉ một số trong số đó được các nhà nhân học phản ánh lịch sử xem xét. Chúng bao gồm: sức mạnh lý thuyết của“công trình” (nghiên cứu) ngay tại điểm trung tâm của nó  và uy tín tổ chức của tác giả sáng lập trong mối quan hệ với các khái niệm chi phối đó; những thay đổi về sự tiếp nhận của các chính quyền sở tại hay các tầng lớp tinh hoa đối với nghiên cứu nhân học và với một số loại nghiên cứu nhân học cụ thể; những thay đổi đối với mức độ ưu tiên về mặt địa lý và lý thuyết của các tổ chức tài trợ; những thay đổi mức độ đối với các ngành khoa học xã hội kế cận đã đạt được uy tín tương đương với ngành nhân học tại địa bàn nghiên cứu hoặc bỏ qua tất cả nó; thay đổi mức độ đối với các nhà nhân học quan tâm đến nghiên cứu ở những chuyên ngành khác, chẳng hạn như lịch sử, ngôn ngữ học, kinh tế, và phê bình văn học; bước phát triển của nghề nghiệp nhân học độc lập tại địa điểm đang được quan tâm; mối quan hệ giữa giáo viên và sinh viên trong việc lựa chọn điểm điền dã  và lý thuyết tiếp cận; và mong muốn của các nhà nhân học trong việc tự gây dựng lên những đóng góp của chính mình khác với những lý thuyết hoặc khái niệm trước đây liên quan đến một địa điểm cụ thể. Nhiều trong số những nhân tố này không phải là độc lập, mà còn liên quan đến nhau theo những cách thức phức tạp. Để đánh giá sự tương tác của chúng trong bất kỳ thời điểm đặc biệt nào hoặc đối với bất kỳ vấn đề lý thuyết - phương pháp cụ thể nào, bản chất của các địa điểm cụ thể là một yếu tố đặc biệt quan trọng và là nhân tố chưa được đánh giá đúng mực.

Vấn đề thực tế chính yếu ở đây đó là những gì các nhà nhân học tìm kiếm, ở địa điểm này hay ở địa điểm khác, không phải là dữ liệu độc lập cho việc xây dựng và xác minh lý thuyết, mà trong thực tế là một hỗn hợp rất phức tạp của hiện thực địa phương và những - ngẫu nhiên của lý thuyết trung tâm. Không cần phải nói, tất cả các khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ vấn đề này, đó là mối quan hệ giữa lý thuyết và dữ liệu, người quan sát và người được quan sát, khách thể và chủ thể. Những gì tôi đề xuất là khía cạnh "địa điểm hay thực địa" của vấn đề này đặt nặng vào nhân học hơn bất kỳ ngành khoa học nhân văn nào khác, với sử học có thể là ngoại lệ, và rằng mức độ chú ý của các nhà nhân học đến nhân tố này cho đến nay là ngược với tầm quan trọng của nó. Trong trường hợp nhân học và sử học, do các định hướng nghiên cứu mang tính đặc khảo, định tính, mô tả, nên địa điểm không chỉ đơn giản là một lựa chọn ngẫu nhiên thông thường gắn với việc thu thập dữ liệu mà còn là một chiều kích quan trọng sống còn mang tính nguyên tắc của những chuyên ngành này. Vì một phần lớn những gì tôi đã nói cho đến nay mang tính giản đồ hóa và ngụy biện, tôi kết luận với hai ví dụ, một trong đó tập trung vào thực địa và cái còn lại là về lý thuyết.
Về địa điểm, chúng ta hãy xem xét trường hợp của Ấn Độ. Nói chung, các nghiên cứu nhân học ở Ấn Độ đã tập trung, về cả khía cạnh dân tộc học và lý thuyết, vào cả về thiết chế đẳng cấp và khung hệ tư tưởng phân cấp của nó. Có những tiếng nói quan trọng của nhóm thiểu số, cả trên phương diện thực nghiệm và lý thuyết về các bộ lạc, thành phố, gia đình, đền thờ, các nhóm tu khổ hạnh. Cũng có những người đã tái kiểm chứng các vấn đề ý thức hệ khác, chẳng hạn như quyền lực, tính hợp pháp, sự riêng tư, và thuộc tính gia đình (chứ không phải là chỉ có hệ thống đẳng cấp, thứ bậc và cặp đôi phạm trù – sự thuần khiết và ô uế). Tuy nhiên, khi Ấn Độ được đề cập đến trong các khía cạnh trung tâm của lý thuyết nhân học, đẳng cấp và thứ bậc là những vấn đề duy nhất được quan tâm. Trong thực tế, trong vài năm gần đây, một số hướng nghiên cứu nhân học phức tạp đã xuất hiện ở Nam Á, trong đó các mối quan tâm cổ điển về hệ thống đẳng cấp thứ bậc không vượt trội mà chỉ đóng một phần vai trò trong toàn bộ tiến trình nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ cần một khoảng thời gian dài trước khi những đóng góp của nhân học địa phương này có thể có được một chỗ đứng trên diễn ngôn lý thuyết nhân học trung tâm. Ấn Độ vẫn là một ví dụ điển hình về lỗ đen nhân học, ở đó hàng loạt ý tưởng, những phát hiện và những khả năng có nguy cơ biến mất từ cái nhìn của trung tâm nhân học.

Ortner khá đúng khi lưu ý rằng "lịch sử" và "thực hành" là những biểu tượng quan trọng của lý thuyết nhân học đương đại. Một phần ý nghĩa của tư tưởng thực tiễn, đặc biệt là vấn đề thực tiễn được thảo luận, đặc biệt bởi Pierre Bourdieu, là nó khuyến khích chúng ta xem xét sự phức tạp đặc biệt giữa chủ thể và đối tượng trong nghiên cứu nhân học. Sự hứng thú về lịch sử được làm sống dậy tự nó có một mối quan hệ rất phức tạp với chủ đề của bài viết này, vì ở những địa điểm khác nhau, sự phấn khích này biểu hiện những dạng thức rất khác. Có một điều, một số kiểu lý thuyết độc lập, liên quan đến sự kết nối lịch sử và cấu trúc, tính chất sân khấu trong chính trị, và vấn đề thời điểm (của) dân tộc học, những vấn đề đặc biệt thú vị ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, có thể gây ấn tượng sai lầm rằngnghiên cứu về lịch sử đã không được tiếp cận sâu sát bởi các nhà nhân học nghiên cứu ở các khu vực khác (như Ấn Độ, Châu Phi, Trung Đông, Bắc Mỹ hoặc Trung Quốc), những người mà có thể có các mối quan tâm đến các vấn đề lý thuyết khác. Do đó, các vị trí địa lý của mối quan tâm "mới" sử học tự hàm ẩn một thực tế là ngành nhân học, với tư cách là một tổng thể, đã chuyển đổi về mặt lý thuyết theo những cách mà làm cho các mô hình nghiên cứu cũ, các bối cảnh không gian cho nghiên cứu lịch sử trở nên ít thú vị hơn. Trên thực tế, những kết nối giữa nghiên cứu nhân học và sử học phản ánh một số lượng lớn các biến thể, một số trong đó có liên quan đến những mối quan tâm và những phương pháp cũ hơn của cả hai ngành ở các địa điểm thực nghiệm khác nhau. Do đó, đối thoại giữa sử học với nhân học rất khác biệt, tùy thuộc vào việc người ta có thể nghe thấy cuộc đối thoại đó ở Indonesia, Ấn Độ, Châu Phi, Trung Mỹ hay châu Âu, bởi vì những lý do có rất nhiều việc liên quan đến lịch sử của ngành nhân học như Marshall Sahlins đã gọi là nhân học lịch sử.

Do đó ngày này, địa điểm có mối quan hệ kép, thậm chí mâu thuẫn với lý thuyết trong nhân học. Một mặt, vì một số loại lý thuyết hóa trong nhân học trở nên khó kiểm chứng [bị ẩn về triết lý], mô tả dân tộc học nguyên gốc đã trở nên hoàn toàn không phù hợp. Mặt khác, có khuynh hướng ngày càng tăng trong việc tạo ra các bộ sưu tập khu vực cẩn trọng về dân tộc học nhằm mục đích xây dựng lý thuyết trong một bức tranh toàn cảnh đa ngành và so sánh về những khu vực và nền văn minh lớn hơn. Sự lạm dụng tùy tiện khi đặt một hoặc vài vùng lên trên những vùng khác trong trong việc tạo ra lý thuyết nhân học dường như được khuyếch đại bởi xu hướng thứ nhất và dễ gây nản chí trong xu hướng thứ hai. Rất có khả năng, điều này phụ thuộc vào sự sẵn lòng của chúng ta, ít nhất một phần nào đó, để có thể tự ý thức về vấn đề về địa điểm (thực địa) trong quá trình lý thuyết hóa của chính mình.
 
--
Tác giả: Arjun Appadurai (Đại học Pennsylvania). Trương Sĩ Tâm (Viện Văn hóa – ĐHVH HN) dịch.  
Nguồn: Comparative Studies in Society and History, Vol. 28, No. 2 (Apr., 1986), pp. 356-361
--
(1): Sherry B. Ortner's article, "Theory in Anthropology since the Sixties" , ComparativeStudies in Society and History, 26:1 (1984), 126-66.
0