24/06/2018, 17:10

Chuyên đề 5: Châu phi và khu vực Mĩ La-tinh (Thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX) – Lịch sử 11

*Kiến thức nâng cao: 1. Châu Phi trước và trong quá trình xâm lược của thực dân phương Tây. Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi * Trước khi bị xâm lược: – Là lục địa lớn, giàu tài nguyên, có nền văn hóa lâu đời. Thời cận đại, châu Phi có hai miền chính: Bắc Phi và Nam ...

*Kiến thức nâng cao:

1. Châu Phi trước và trong quá trình xâm lược của thực dân phương Tây. Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi

* Trước khi bị xâm lược:

– Là lục địa lớn, giàu tài nguyên, có nền văn hóa lâu đời. Thời cận đại, châu Phi có hai miền chính: Bắc Phi và Nam Phi.

+ Bắc Phi kéo dài từ Bắc Xa-ha-ra đến Địa Trung Hải, theo đạo Hồi, có một số nơi vẫn còn chế độ bộ lạc, quan hệ phong kiến.

+ Nam Phi bao gồm vùng đất từ Nam Xa-ha-ra đến mũi Hảo Vọng. Quan hệ phong kiến là chủ yếu. Nhiều nơi còn tàn tích của chế độ bộ lạc và nô lệ.

– Từ nửa sau thế kỉ XIX, cuộc sống yên ổn, tài nguyên phong phú và nền văn hóa lâu đời của họ đã bị thực dân châu Âu xâm phạm, phá hoại, cướp bóc và đàn áp.

*Bị thực dân xâm lược trong những năm 70 -80 thế kỉ XIX:

– Vào những năm 70 – 80 thế kỉ XIX, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâu xé châu Phi:

+ Năm 1882, Anh độc chiếm Ai Cập, kiểm soát kênh đào Xuy-ê, chiếm Nam Phi, Ni-giê-ri-a…

+ Năm 1883, Pháp chiếm Tuy-ni-di và Nam Ca-mơ-run, Xa-ha-ra…

+ Năm 1884, Đức chiếm Bắc Ca-mơ-run, Tô-gô, Tây Nam Phi…

– Đến đầu thế kỉ XX, việc phân chia thuộc địa giữa các đế quốc ở châu Phi, căn bản hoàn thành.

*Phong trào đấu tranh chống thực dân:

– Ớ An-giê-ri: Cuộc khởi nghĩa của Áp-đen Ca-đê kéo dài từ năm 1830 đến năm 1874. Thực dân Pháp phải mất nhiều thời gian mới chinh phục được nước này.

– Ở Ai Cập: Từ năm 1879 – 1882, diễn ra phong trào “Ai Cập trẻ”. Các nước đế quốc phải can thiệp mạnh mới ngăn chặn được cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai Cập.

– Ở Ê-ti-ô-pi: Từ năm 1885 -1896, đã đấu tranh chống thực dân I-ta-li-a và là một trong những nước giữ được độc lập ở châu Phi.

–  Ở Xu-đăng: Từ năm 1877 -1898, diễn ra cuộc khởi nghĩa của Mô-ha-mét. Thực dân Anh được các nước đế quốc giúp đỡ mới dập tắt được phong trào.

Thống kê: phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các nước châu Mĩ La- tinh

Niên đại Tên nước        Tên phong trào Năm giành độc lập
1791 Ha-i-ti Phong trào đấu tranh của người da đen do Tút-xanh Lu-véc-tuy-a lãnh đạo 1803
1810 Mê-hi-cô Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Mi-sen Hi-đan-gô lãnh đạo 1821
1810 Ác-hen-ti-na Khởi nghĩa vũ trang 1816
1822 Bra-xin Đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha 1822

Nhận xét: Qua hai thập niên đầu thế kỉ XIX đấu tranh sôi nổi quyết liệt, các quốc gia ở Mĩ Latinh lần lượt hình thành. Đây là một thắng lợi to lớn của nhân dân Mĩ Latinh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

2. Vùng Trung, Nam Mĩ và một phần Bắc Mĩ (Mê-hi-cô) gọi là khu vực Mĩ Latinh

Châu Mĩ Latinh là khu vực thuộc Trung và Nam Mĩ, phần lớn cư dân ở đây nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Cư dân bản địa lâu đời là người In-đi-an, chủ nhân của nền văn hóa May-a, văn hóa In-ca, A-dơ-tếch.

Từ thế kỉ XV, thực dân châu Âu – chủ yếu là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã làm chủ hầu hết vùng này.

Thực dân phương Tây tàn sát dân bản địa, dồn đuổi vào rừng sâu, chiếm đất lập đồn điền để trồng lúa mì, ngô, khoai tây, cà phê, thuốc lá… Thực dân châu Âu đưa người nô lệ da đen từ châu Phi sang đây lao động trong các đồn điền. Trải qua vài ba chục thế kỉ, trên châu lục này đã xuất hiện những cộng đồng người da trắng, da đen và thổ dân da đỏ.

Những cộng đồng dân tộc này cùng chung sống trên một lãnh thổ và hình thành những dân tộc riêng biệt ở Trung, Nam Mĩ và một phần Bắc Mĩ (Mê-hi-cô), nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thuộc ngữ hệ Latinh nên gọi vùng này là khu vực Mĩ Latinh.

3. Thực chất của học thuyết Mơnrô “châu Mĩ của người châu Mĩ “

-Đây là âm mưu của Mĩ nhằm gạt bỏ thực dân châu Âu khỏi vùng Mĩ Latinh và thay vào đó là sự thống trị độc quyền của Mĩ, biến khu vực này thành “sân sau” của Mĩ.

-Học thuyết Mơnrô thể hiện trên ba phương diện:

+ Mĩ phải quan tâm đến cuộc tranh chấp ở khu vực Mĩ Latinh.

+ Vì lí do an ninh của nước Mĩ, Mĩ sẽ có hành động can thiệp vào các cuộc xung đột hoặc chiến tranh giữa các nước với nhau cũng như chiến tranh giữa họ với các nước bên ngoài. Mĩ cũng sẽ tham gia vào các cuộc tranh chấp kinh tế, chính trị ở châu Mĩ.

+ Mĩ tự cho rằng phải có “trách nhiệm bảo vệ” an ninh của cả châu lục và sự nhòm ngó từ bên ngoài.

Một số chuyên mục hay của Lịch sử lớp 11: 

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 11
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11
0