Chuyên đề 2 : Ấn Độ -Lịch sử 11
*Kiến thức nâng cao: 1. Nguyên nhân bùng nổ, tính chất và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Xi-pay ở Ấn Độ. 1) Nguyên nhân bùng nổ – Sâu xa: Do tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống sự thống trị của thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ. – Trực tiếp: Binh lính Xi- pay bị sĩ ...
*Kiến thức nâng cao:
1. Nguyên nhân bùng nổ, tính chất và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Xi-pay ở Ấn Độ.
1) Nguyên nhân bùng nổ | – Sâu xa: Do tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống sự thống trị của thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ.
– Trực tiếp: Binh lính Xi- pay bị sĩ quan Anh bạc đãi, khinh rẻ. |
2) Tính chất | Cuộc khởi nghĩa Xi-pay từ cuộc nổi dậy của binh lính đã trở thành cuộc khởi nghĩa của nhân dân, mang tính dân tộc. |
3) Ý nghĩa | Thể hiện lòng yêu nước, ý thức dân tộc và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân Anh. |
2.Sự thành lập và phân hóa trong Đảng Quốc đại ở Ấn Độ
-Sự thành lập:
+ Từ giữa thế kỉ XIX, giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức Ấn Độ đã dần dần đóng vai trò quan trọng. Tư sản An Độ muốn được tự do phát triển kinh tếvà đòi hỏi được tham gia chính quyền, nhưng bị thực dân Anh kìm hãm bằng mọi cách.
+ Cuối năm 1885, Đảng Quốc dân Đại hội (Quốc đại) thành lập. Đó là chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản An Độ. Nó đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn giai cấp tư sản Ấn Độ bước lên vũ đài chính trị.
-Sự phân hóa:
+ Trong 20 năm đầu (1885 – 1905), Đảng Quốc đại chủ trương dùng phương pháp ôn hòa để đòi chính phủ thực dân tiến hành cải cách và không tán thành phương pháp đấu tranh bằng bạo lực. Giai cấp tư sản An Độ chỉ yêu cầu Anh nới rộng các điều kiện cho họ được tham gia các hội đồng tự trị, giúp đỡ họ phát triển kĩ nghệ, thực hiện một số cải cách về mặt giáo dục, xã hội. Tuy vậy, thực dân Anh vẫn tìm cách hạn chế hoạt động của Đảng Quốc đại.
+Thất vọng trước thái độ thỏa hiệp của những người cầm đầu Đảng Quốc đại và chính sách hai mặt của chính quyền Anh, một phái dân chủ cấp tiến do B. Ti-lắc đứng đầu đã hình thành, thường được gọi là phái “cực đoan”. Phái này phản đối thái độ thỏa hiệp của phái “ôn hòa”, đòi hỏi có thái độ kiên quyết chống Anh.
3. Cao trào đấu tranh ở Ấn Độ từ năm 1905 đến năm 1908. Tính chất và ý nghĩa.
- Cao trào:
+ Tháng 7 – 1905 chính quyền Anh thi hành chính sách chia để trị, ban hành đạo luật chia đôi xứ Ben-gan: miền Đông theo đạo Hồi và miền Tây theo đạo Ấn. Điều đó làm bùng lên phong trào đấu tranh chống thực dân Anh, đặc biệt ở Bom-bay và Can-cút-ta. Ngày 6 -10 -1905, đạo luật chia cắt Ben-gan bắt đầu có hiệu lực, nhân dân coi đó là ngày quốc tang: Hơn 10 vạn người kéo đến bờ sông Hằng, dòng sông linh thiêng của người Ấn, làm lễ tuyên thệ và hát vang bài “Kính chào người – Mẹ hiền Tổ quốc” để tỏ ý thống nhất. Khắp nơi vang lên khẩu hiệu “Ấn Độ của người Ấn Độ”.
+ Tháng 6 -1908, thực dân Anh bắt Ti-lắc và kết án ông sáu năm tù. Vụ án Ti-lắc thổi bùng lên một đợt đấu tranh mới. Hàng vạn công nhân Bom-bay tiến hành tổng bãi công sáu ngày (để trả lời sáu năm tù của Ti-lắc), xây dựng chiến lũy, thành lập các đơn vị chiến đấu chống lại quân Anh. Các thành phố khác cũng hưởng ứng, cuộc đấu tranh lên đỉnh cao buộc thực dân Anh phải thu hồi đạo luật chia cắt Ben-gan.
- Tính chất và ý nghĩa:
+ Đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ đầu thế kỉ XX nhằm mục tiêu độc lập, dân chủ.
+ Thể hiện sự thức tỉnh của nhân dân Ấn Độ trong trào lưu dân tộc, dân chủ chung của châu Á.
4. Vai trò của Đảng Quốc đại trong phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ
- Cuối năm 1885, Đảng Quốc đại được thành lập. Đó là đảng đầu tiên của giai cấp tư sản Ấn Độ. Nó đánh dấu một thời kì mới – Thời kì giai cấp tư sản Ấn Độ bước lên vũ đài chính trị.
- Trong 20 năm đầu (1885 – 1905), Đảng Quốc đại chủ trương dùng phương pháp ôn hòa để đòi Chính phủ thực dân Anh cải cách. Giai cấp tư sản Ấn Độ yêu cầu thực dân Anh nới rộng điều kiện để họ tham gia các hội đồng tự trị, giúp đỡ họ phát triển kĩ nghệ, thực hiện một số’cải cách về mặt giáo dục, xã hội.
- Đối lập với phái ôn hòa là phái cực đoan, một phái cấp tiến trong Đảng Quốc đại do Ti-lắc đứng đầu. Phái này phản đối đường lối thỏa hiệp của phái ôn hòa, đòi có thái độ kiên quyết chống thực dân Anh.
- Hưởng ứng chủ trương của phái cực đoan, hàng vạn quần chúng chủ yếu là công nhân ở Bom-bay tiến hành tổng bãi công. Họ đã xây dựng chiến lũy, thành lập các đơn vị chiến đấu chống quân đội Anh. Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh cao buộc thực dân Anh phải nhượng bộ.
Như vậy, vai trò của Đảng Quốc đại trong phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ được thể hiện chủ yếu trong phái cực đoan. Nhờ chủ trương của phái này đã khơi dậy trong nhân dân Ấn Độ lòng căm thù sâu sắc đối với thực dân Anh nên họ kiên quyết đứng lên đấu tranh.
5. Cuộc khởi nghĩa Xi-pay là cuộc khởi nghĩa dân tộc
– Cuộc khởi nghĩa Xi-pay nổ ra đầu tiên ở Mi-rút sau đó nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc và một phần miền Tây Ấn Độ, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, chủ yếu là nông dân.
– Từ cuộc nổi dậy của binh lính Xi-pay dần dần phát triển thành cuộc khởi nghĩa của nông dân và nó mang tính dân tộc sâu sắc bởi vì:
+ Khởi nghĩa đã giải quyết mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Ấn Độ với thực dân Anh cướp nước để giành độc lập dân tộc.
+ Lực lượng tham gia khởi nghĩa đã đại diện cho quyền lợi của dân tộc, thể hiện ý thức dân tộc rất rõ nét.
7. Ti-Iắc, người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân An Độ chống thực dân Anh
Ti-lắc (1856 – 1920) sinh ra trong một gia đình trí thức Bà La Môn ở bang ven biển miền Tây Ấn Độ. Từ nhỏ ông đã sớm có tinh thần dân tộc và yêu nước nồng nàn. Năm 1880, sau khi tốt nghiệp Cử nhân luật ông từ chối làm quan trong chính quyền thực dân, cùng với bạn mở trường tư thục nhằm giáo dục tinh thần độc lập cho thanh niên. Trong phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Ấn Độ những năm 1905 – 1907, Ti-lắc hô hào nhân dân đứng lên lật đổ nền thống trị của thực dân Anh. Phương pháp cách mạng của ông không phù hợp với chủ trương ôn hòa của Đảng Quốc đại nên ông bị khai trừ ra khỏi Đảng. Năm 1908, thực dân Anh bắt và xử ông 6 năm khổ sai, đày sang Miến Điện. Ông mất ở Bom-bay năm 1920.
Một số chuyên mục hay của Lịch sử lớp 11:
- Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 11
- Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 11
- Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp 11
- Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11
Xem thêm: Chuyên đề 1: Nhật Bản – Lịch sử 11