24/06/2018, 17:17

Chuyên đề 18: Ôn tập lịch sử thế giới hiện đại – Lịch sử 11

*Kiến thức nâng cao: 1. Mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong những năm 1917 -1945 Có nhiều sự kiện lịch sử thế giới có mối quan hệ với lịch sử Việt Nam trong thời kì 1917 -1945, ở đây chúng ta có thể chọn một sự kiện đó là việc thành lập Mặt trận nhân dân Pháp và Mặt ...

*Kiến thức nâng cao:

1. Mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong những năm 1917 -1945

Có nhiều sự kiện lịch sử thế giới có mối quan hệ với lịch sử Việt Nam trong thời kì 1917 -1945, ở đây chúng ta có thể chọn một sự kiện đó là việc thành lập Mặt trận nhân dân Pháp và Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 -1939).

– Để giải quyết khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933), các nước Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản đã tiến hành phát xít hóa bộ máy nhà nước, chuẩn bị gây chiến tranh thế giới.

– Trước nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Quốc tế Cộng sản đã chủ trương cho các nước phải thành lập Mặt trận nhân dân để chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.

– Thực hiện chủ trương của Quốc tế Cộng sản, Mặt trận nhân dân lần lượt được thành lập ở các nước như Trung Quốc, Tây Ban Nha và Pháp. Đặc biệt, tại Pháp vào năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử và lên nắm chính quyền ở Pháp. Sau khi nắm chính quyền, Mặt trận nhân dân Pháp đề ra một  số chính sách có lợi cho các nước thuộc địa như: thực hiện các quyền tự do dân chủ và ân xá tù chính trị cho các nước thuộc địa.

– Lợi dụng tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động quần chúng thực hiện cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936 – 1939. Trong cuộc vận động này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương để đoàn kết các lực lượng yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cam áo, hòa bình.

2. Một số các sự kiện lịch sử cơ bản của lịch sử thế giới hiện đại (phần từ 1917 đến năm 1945)

  • – Vài nét về cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917.

+ Tổng bãi công chính trị ở Pê-tơ-rô-grát và khởi nghĩa vũ trang lật đổ chế độ Nga Hoàng Ni-cô-lai II.

+ Cách mạng tháng Hai đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản. Nhưng sau khi cách mạng thắng lợi, cục diện hai chính quyền song song tồn tại đó là: các xô viết của giai cấp vô sản và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của cách mạng ở Nga là phải chuyển toàn bộ chính quyền về tay các xô viết.

  • – Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

+ Quá trình chuyển từ Cách mạng tháng Hai sang Cách mạng tháng Mười bằng phương pháp hòa bình và phương pháp đấu tranh vũ trang. Trong đấu tranh vũ trang, chú ý đến sự kiện khởi nghĩa vũ trang ở Pê-tơ-rô-grát, tấn công Cung điện Mùa Đông, bắt giữ Chính phủ lâm thời tư sản. Cách mạng thắng lợi trong cả nước.

+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa và tác dụng như thế nào đối với nước Nga và các nước trên thế giới.

3. Tiểu sử một số nhân vật lịch sử thuộc thời kì lịch sử này

Tiểu sử của M.Gan-đi (1869 -1948)

-Gan-đi, nhà yêu nước Ấn Độ, được suy tôn là Ma-hát-ma, có nghĩa là “Tâm hồn vĩ đại”. Nhân dân gọi ông là Thánh. M. Gan-đi là lãnh tụ Đảng Quốc đại, người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ theo đường lối bạo động, bất hợp tác.

-Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Tây Ân Độ, ông tốt nghiệp đại học Luật ở Anh, sau đó làm cố vấn pháp luật cho một công ti ở Nam Phi, tham gia những hoạt động chống chếđộ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân. Đầu năm 1915 ông về nước, vận động cuộc đấu tranh chống thực dân Anh. Ông bị thực dân Anh bắt giam hai lần vào các năm 1922 và 1930. Sau khi Ấn Độ được trao trả độc lập (15 – 8 – 1947). M. Gan-đi đã tiếp tục đấu tranh ngăn chặn cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa người Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Ngày 30 – 1 – 1948, M. Gan- đi bị một phần tử phản động sát hại.

Tiểu sử của Xu-các-nô (1901 – 1970),

-Xu-các-nô sinh ngày 6 – 6 – 1901 tại Bli-ta thành phố Sa-ra-bay-a thuộc Đông Gia-va, con một nhà giáo. Ông tốt nghiệp đại học y khoa. Năm 1927, ông sáng lập Đảng Dân chủ In-đô-nê-xi-a. Với tư cách Chủ tịch Đảng, Xu-các-nô nhiều lần tuyên bố đòi thực dân Hà Lan trao trả độc lập cho In-đô-nê-xi-a. Cuối năm 1929, Xu-các-nô và các nhà lãnh đạo Đảng Dân tộc bị chính quyền thực dân bắt giam. Tháng 8 – 1930, thực dân Hà Lan mở phiên tòa xét xử Xu-các-nô. Với tài hùng biện, ông đã tự bào chữa trước toà bằng bài phát biểu nổi tiếng ” In-đô-nê-xi-a tố cáo, lên án tội ác và sự thống trị của thực dân Hà Lan. Bất chấp dư luận phản đối trong và ngoài nước, chính quyền thực dân kết án Xu-các-nô 4 năm tù giam. Do cuộc đấu tranh của nhân dân In-đô-nê-xi-a và bạn bè quốc tế, ngày 31 – 12 – 1931, ông được ra tù trước thời hạn và tiếp tục lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a.Tháng 8 – 1933, Xu-các-nô bị thực dân Hà Lan bắt và lưu đầy tại đảo Kê-xin, sau đó là đảo Ben-cu-len.

-Xu-các-nô là Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (1945 – 1965). Ông là nhà hoạt động chính trị, lãnh tụ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc In-đô-nê-xi-a.

Một số chuyên mục hay của Lịch sử lớp 11: 

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 11
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11
0