Câu 8. Quá trình chuyển biến của Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước trở thành một người Cộng sản đã diễn ra như thế nào ?
Hướng dẫn làm bài
– Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, lại được chứng kiến các cuộc đấu tranh của các bậc tiền bối bị thất bại. Tất cả đã hun đúc trong lòng Nguyễn Ái Quốc lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm ra đi tìm cứu nước, cứu dân.
– Qua nhiều năm bôn ba ở hải ngoại để tìm đường cứu nước, cứu dân. Đầu tiên, Người đến nước Pháp rồi đi các nước Á, Phi, Mĩ Latinh. Đến năm 1917, khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, Người từ Luân Đôn (Anh) về Pari (Pháp) để nghiên cứu, học tập Cách mạng tháng Mười Nga.
– Rồi đến ngày 18/6/1919 các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Vécxai để chia nhau thị trường thế giới. Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị này Bản yêu sách gồm 8 điểm đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Tuy không được chấp nhận nhưng những yêu sách này được báo chí tiến bộ Pháp công bố rộng rãi. Nhờ đó nhân dân Pháp thấy được bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Đông Dương, hiểu được nỗi bất hạnh và niềm khát vọng của nhân dân Việt Nam. Qua thực tiễn này Nguyễn Ái Quốc
khẳng định rằng, muốn giải phóng dân tộc thì không thể bị động hoặc trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài mà trước hết phải dựa vào sức mạnh của chính dân tộc mình.
Như vậy, từ năm 1911 đến đầu 1920, là thời kì Nguyễn Ái Quốc trở thành chiến sĩ yêu nước.
+ Trở thành một chiến sĩ Cộng sản : Quá trình chuyển biến từ chiến sĩ yêu nước trở thành chiến sĩ Cộng sản được đánh dầu bằng thời kì Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc quyết tâm đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường này. Điều đó được thể hiện.
+ Tháng 7/1920, Người đọc Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba, khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc là phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
+ Tháng 12/1920, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó Người đã tham gia Đảng Cộng sản Pháp – và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin và đi theo cách mạng vô sản. Sự kiện đó cũng đánh dấu bước mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc.
+ Từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động ở Pháp. Người cùng với một số người yêu nước của Angiêri, Marốc, Tuynidi lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pari để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Người còn viết nhiều bài báo cho các báo “Nhân đạo”, “Đời sống công nhân”,…và đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Các sách báo nói trên được bí mật chuyển về Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào dân tộc trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
+ Từ năm 1923 đến 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô. Tại đây, Người dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (10/1923) và được bầu vào Ban Chấp hành Hội. Người ở lại Liên Xô, vừa nghiên cứu, học tập, viết bài cho báo “Sự thật” của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí “Thư tín Quốc tế” của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (1924), Nguyễn Ái Quốc đã trình bày lập trường quan điểm của mình về chiến lược cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa
+ Từ năm 1924 đến 1925, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc nhóm họp những thanh niên yêu nước Việt Nam trong tổ chức Tâm tâm xã rồi đi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác –
Lênin về trong nước. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đến chỗ hướng nhân dân ta thực hiện con đường cách mạng vô sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó chính là thời kì Nguyễn Ái Quốc trở thành chiến sĩ Cộng sản.
Câu 9. Chủ trương cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có những điểm gì giống và khác với các bậc tiền bối?
– Các bậc tiền bối như Phan Bội Châu chọn con đường đi sang phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc), đối tượng mà ông gặp gỡ là những chính khách Nhật Bản để xin họ giúp Việt Nam đánh Pháp, chủ trương đấu tranh bạo động. Còn Phan Châu Trinh lại chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách… dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, giành độc lập dân tộc.
– Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường đi sang phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có khoa học — kĩ thuật và nền văn minh phát triển. Trong quá trình đó, Người bắt gặp chân lí cứu nước của chủ nghĩa Mác — Lênin và xác định con đường cứu nước theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga. Đây là con đường cứu nước duy nhất đúng đắn đối với dân tộc ta, cũng như đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khác, vì nó phù hợp với sự phát triển của lịch sử.
Câu 10. Hãy chọn lọc và trình bày 3 đóng góp to lớn nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong 20 năm đầu của thế kỉ XX. Lí giải sự lựa chọn đó?
1- Tìm ra con đường cứu nước năm 1920.
* Trình bày sự kiện :
– Năm 1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến khắp các châu lục để học tập và tìm hiểu qua thực tiển các nước.
– Tháng 7/1920 tại thủ đô Pari, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được tư tưởng cách mạng của Lê-nin qua Sơ thảo Luận cương “Về vấn đề dân tộc và thuộc địa”.Tháng 12/1920 tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
* Lý giải :
Việc phát hiện ra con đường cứu nước mới“ Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản.”là đóng góp to lớn đầu tiên trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Ái Quốc:
– Con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc tìm ra đã kết thúc thời kỳ khủng hoảng về đường lối lãnh đạo của cách mạng nước ta và mở ra thời kỳ cách mạng Việt Nam gắn liền với mọi hoạt động của phong trào cách mạng thế giới.
– Vượt qua những hạn chế của các nhà yêu nước cùng thời, từ một người yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã vươn lên trở thành người Cộng sản. Từ đây ngoài nhiệm vụ của một người Việt Nam yêu nước đấu tranh cho dân tộc mình; Nguyễn Ái Quốc còn có nhiệm vụ của người Cộng sản quốc tế đấu tranh cho các dân tộc khác.
2- Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
* Trình bày sự kiện:
– Cuối năm 1929 xuất hiện 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, đó là một bước tiến đồng thời cũng là một nguy cơ của phong trào yêu nước trước sự khủng bố trắng của thực dân Pháp.
– Nhận thức được vấn đề, ngày 6/1/1930, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan trở về Quảng Châu triệu tập Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Tại Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tất cả những nội dung trong cương lĩnh trở thành đường lối cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam hơn 70 năm nay.
* Lý giải :
– Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam là kết quả tất yếu do hoạt động của Nguyễn Ái Quốc sau khi tìm ra con đường cứu nước năm 1920. Hoạt động đó đã kết hợp được 3 nhân tố: chủ nghĩa MácLênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời đại mới.
– Sự kiện thành lập Đảng là bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây cách mạng Việt Nam được sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
– Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập là thêm một đóng góp nữa lớn hơn của Nguyễn Ái Quốc. Nó tạo ra được nhân tố mang tính quyết định mọi thắng lợi trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
3- Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
* Trình bày sự kiện :
– Trong bối cảnh cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Đức ỏ châu Âu đã bị đánh bại, phát xít Nhật ở Đông Dương chuẩn bị đầu hàng. Ngày 14/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945 Đại hội Quốc dân ở Tân Trào thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa và đưa ra những quyết định quan trọng.
– Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra từ ngày 14/8 đến ngày 28/8. Nhiều địa phương quan trọng như thủ đô Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã nhanh chóng khởi nghĩa giành chính quyền góp phần quyết định cho sự thắng lợi chung của cả nước.
– Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
* Lý giải :
- Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã phá tan xích xiềng nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật đổ chế độ phong kiến ngự trị hàng chục thế kỷ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam dân Chủ Cộng Hòa do nhân dân lao động làm chủ.
- Việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Kỷ nguyên Việt Nam : Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
- Có thể nói việc tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành mục tiêu cứu nước mà Người đã tự đặt ra cho mình vào năm 1911 và cũng là đóng góp lớn nhất của Người trong 50 năm đầu thế kỷ XX, cũng như trong lịch sử dân tộc
Câu 11. Hoàn cảnh ra đời, tư tưởng chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc và ý nghĩa của tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc.
1. Bối cảnh ra đời của tác phẩm
Tác phẩm Đường cách mệnh được chuẩn bị vào những năm 1925 – 1926 và được xuất bản vào năm 1927. Đây là thời kỳ hoạt động đầy sôi nổi và hiệu quả của Nguyễn Ái Quốc.
– Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tập hợp những người Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Công việc đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc làm là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người vừa là giảng viên chính, vừa là người tổ chức và hướng dẫn lớp học. Thời gian từ 1925 đến 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được 3 lớp với tổng số 75 học viên. Các bài giảng của Người là tài liệu chính cho học viên nghiên cứu, trao đổi.
– Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp học ở Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách với tên gọi Đường cách mệnh. Sách khổ 13.18, in giấy nến, kiểu chữ viết thường
2. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm
Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, cuốn sách đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam.
3. Kết cấu của tác phẩm
– Về mặt hình thức: Ngoài lời đề tựa, cuốn sách được phân chia theo từng vấn đề, số trang cũng được đánh theo từng vấn đề, không đánh liền cho cả cuốn sách.Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung đề cập đến 15 vấn đề tất cả.
– Về kết cấu nội dung: Tác phẩm được triển khai theo 3 nội dung cơ bản: Những vấn đề lý luận cách mạng chung; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng.
Câu 12, Nêu những quan điểm cơ bản về chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam nhằm chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hướng dẫn làm bài
Những tư tưởng Nguyễn Ái Quốc truyền bá trong giai đoạn này chính là nền tảng của Đảng sau này :
1. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
2. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới. Phải có quan hệ chặt chẽ với chính quốc nhưng không phụ thuộc vào chính quốc.
3. Cách mạng ở các nước thuộc địa có nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai từng bước thực hiện khẩu hiệu “ruộng đất dân cày”.
4. Nông dân và công nhân là hai lực lượng cách mạng to lớn.
5. Ngoài công – nông là hai lực lượng khác cũng như các tầng lớp khác như tư sản, tiểu tư sản, địa chủ,…
6. Phải đoàn kết quốc tế.
7. Phải có tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh để lật đổ giai cấp chính trị vì cách mạng là việc chung của cả dân tộc chứ không phải là việc của một vào người.
8. Phải có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng. Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin.
-> Những quan điểm trên đây của Nguyễn Ái Quốc được hình thành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền váo vào Việt Nam, đã chuẩn bị về chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu 13. Tân Việt Cách mạng đảng đã phân hóa trong hoàn cảnh nào?
Tân Việt Cách mạng đảng tập hợp những trí thức trẻ và thanh niên tiểu tư sản yêu nước. Hạt nhân thành lập là nhóm sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và tù chính trị ở Trung Kì đã thành lập Hội Phục Việt. Sau nhiều lần đổi tên, cuối cùng quyết định lấy tên là Tân Việt Cách mạng đảng (7-1928). Đây là một tổ chức yêu nước, lúc đầu chưa có lập trường giai cấp rõ rệt. Song nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lí luận và tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê-nin có ảnh hưởng to lớn, lôi cuốn nhiều đảng viên tiến bộ đi theo. Vì vậy, nội bộ Tân Việt Cách mạng đảng đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai khuynh hướng tư tưởng vô sản và tư sản. Cuối cùng, khuynh hướng cách mạng theo quan điểm vô sản đã thắng thế, nhiều đảng viên của Tân Việt Cách mạng đảng đã chuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự thành lập một chính đảng kiểu mới theo chủ nghĩa Mác Lê-nin.
Câu 14. Quá trình chuyển từ tự phát sang tự giác của phong trào công nhân Việt Nam trong những năm 1919 – 1929 diễn ra như thế nào? Yếu tố nào giữ vai trò ca bản nhất cho sự chuyển hoá đó?
1. Nguyên nhân: + Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời ngay từ khi thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa. Từ sau CTTG I, giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng. + Bị áp bức về giai cấp và áp bức về dân tộc, nên đời sống vật chất tinh thần của giai cấp công nhân Việt Nam hết sức thấp kém và khổ cực nên đã đấu tranh.
2. Quá trình phát triển của phong trào công nhân Việt Nam:
a. Từ 1919 đến 1925
+ Có 25 vụ đấu tranh riêng rẽ và có quy mô tương đối lớn, nhưng mục tiêu đấu tranh còn nặng về kinh tế, chưa có sự phối hợp giữa các nơi, mới chỉ là một trong các lực lượng tham gia phong trào dân tộc, dân chủ, cuộc đấu tranh còn mang tính chất tự phát.
+ Mở đầu là cuộc bãi công của thuỷ thủ Hải Phòng, Sài Gòn đòi phụ cấp đắt đỏ.
+ Năm 1920, công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn đã thành lập Công hội (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu.
+ Năm 1921, một số công nhân, thuỷ thủ Việt Nam làm việc trên các tàu của Pháp gia nhập Liên đoàn công nhân tàu biển Viễn Đông.
+ Năm 1922, công nhân viên chức Bắc Kỳ đòi chủ phải cho nghỉ ngày chủ nhật có trả lương. Cùng năm đó, còn có cuộc bãi công của công nhân thợ Nhuộm ở Chợ Lớn đòi tăng lương.
+ Từ năm 1924, nhiều cuộc bãi công của thợ nhà máy đèn, xát gạo, rượu, dệt ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương nổ ra.
+ Đặc biệt vào năm 1925, cuộc bãi công của thợ máy sửa chữa tàu thuỷ của xưởng Ba Son (Sài Gòn) đã ngăn không cho tàu Pháp đưa lính sang tham gia đàn áp cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc và các thuộc địa Pháp ở Châu Phi. Sự kiện đó, đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam, giai cấp công nhân nước ta từ đây bước đầu đi vào đấu tranh tự giác. Qua cuộc bãi công này thấy rõ tư tưởng cách mạng tháng mười Nga 1917 đã thâm nhập vào công nhân Việt Nam đã biến thành hành động của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nhận xét: Phong trào công nhân thời kỳ 1912 – 1925 diễn ra còn lẻ tẻ tự phát song ý thức giai cấp đã phát triển lên rõ rệt. Phong trào công nhân chưa có sự phối hợp giữa công nhân các ngành và địa phương, mục tiêu đấu tranh chủ yếu vẫn là đòi quyền lợi kinh tế hàng ngày. Nhìn chung, phong trào công nhân giai đoạn này còn mang tính tự phát.
b. Từ 1926 – 1929
Hoàn cảnh:
Trên thế giới, cách mạng dân tộc, dân chủ ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với những bài học kinh nghiệm về sự thất bại của Công xã Quảng Châu 1927. Đại hội V của Quốc tế cộng sản với những nghị quyết quan trọng về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.
Trong nước, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt đã đẩy mạnh hoạt động trong phong trào công nhân (mở lớp huấn luyện cán bộ), ra báo “Thanh niên”, Nguyễn Ái Quốc viết cuốn “Đường cách mệnh”, phong trào “Vô sản hoá”….
Phong trào đấu tranh:
+ Trong hai năm 1926 – 1927, ở nước ta đã liên tiếp nổ ra nhiều cuộc bãi công của công nhân, học sinh học nghề. Lớn nhất là cuộc bãi công của 1000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của 500 công nhân đồn điền cao su Cam Tiêm, tiếp đến là bãi công của công nhân đồn điền cà phê Rayna, đồn điền cao su Phú Riềng.
+ Trong hai năm 1928 – 1929, có khoảng 40 cuộc bãi công của công nhân nổ ra từ Bắc chí Nam. Tiêu biểu là:
+ Năm 1928, bãi công của công nhân nổ ra ở mỏ than Mạo Khê, nhà máy nước đá La – ruy (Sài Gòn), đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thuỷ, nhà máy xi măng Hải Phòng, đồn điền cao su Cam Tiêm, nhà máy Tơ Nam Định….
+ Năm 1929, bãi công của công nhân nổ ra ở nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy AVIA (Hà Nội), nhà máy điện Nam Định, dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng v.v:
Nhận xét:
Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong thời gian này nổ ra liên tục, rộng khắp. Nhiều nhà máy, xí nghiệp thành lập được công hội đỏ. Đặc biệt công nhân Nam Kỳ đã bắt đầu liên lạc với Tổng liên đoàn lao động Pháp.
Các cuộc đấu tranh đã có sự phối hợp và có sự lãnh đạo khá chặt chẽ, khẩu hiệu đấu tranh được nâng lên dần: đòi tăng lương, thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ, phản đối đánh đập…Phong trào đấu tranh với nhiều hình thức, ngoài mục tiêu kinh tế, phong trào thời kỳ này mang hình thức đấu tranh chính trị, mang tính tự giác.
c. Sự ra đời của các tổ chức chính trị
Phong trào công nhân ngày càng lên cao đòi hỏi tổ chức lãnh đạo cũng phải cao hơn mới đáp ứng được yêu cầu của cách mạng. Vì vậy, dẫn đến sự tan vỡ của tổ chức Thanh Niên và Tân Việt, xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (7/1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929). Đến ngày 03/02/1930 ba tổ chức đó được thống nhất lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện đó đánh dấu phong trào công nhân đã hoàn toàn phát triển tự giác.
Câu 15. Trình bày một số điểm chủ yếu trong nội dung Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930).
- Nói rõ cương lĩnh do NAQ khởi thảo, được trình bày ở HN thành lập Đảng từ 6/1 đến 8/2/1930 tại Cửu Long – Hương Cảng – Trung Quốc
- Thấu suốt sự phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là con đường kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
- Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ bọn đế quốc Pháp, phong kiến tay sai và giai cấp tư sản phản cách mạng… nổi bật lên là nhiệm vụ chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập cho toàn thể dân tộc.
- Lực lượng cách mạng là công nông, đồng thời “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam mà chưa lộ rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho họ trung lập”.
- Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới
- Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng
Câu 16. Lập bảng so sánh về các tổ chức chính trị của giai cấp vô sản, tiểu tư sản và tư sản trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam theo yêu cầu sau:
|