Cách phân biệt chim Họa mi trống mái
Thông thường thì sự phân biệt giới tính trống, mái trong các loài chim chóc không có gì khó khăn cho lắm. Gần như nhiều giống chỉ cần nhìn sơ qua là phân biệt được ngay. Dưới đây là một số đặc điểm để độc giả phân biệt chim họa mi trống mái. Thường thì trời phú cho con trống có bộ lông sặc sỡ, ...
Thông thường thì sự phân biệt giới tính trống, mái trong các loài chim chóc không có gì khó khăn cho lắm. Gần như nhiều giống chỉ cần nhìn sơ qua là phân biệt được ngay. Dưới đây là một số đặc điểm để độc giả phân biệt chim họa mi trống mái.
Thường thì trời phú cho con trống có bộ lông sặc sỡ, tươi tắn hơn; có con đuôi dài hơn, hoặc trên đầu còn có mào, có chóp lông đẹp đẽ. Con trống vóc dáng cũng cao to hơn con mái, trông hùng dũng hơn, oai phong hơn.
Trong khi đó con mái thân mình thường nhỏ nhắn, vừa tròn trịa vừa thấp; bộ lông lại quê kệch tối tăm, xấu xí, dáng vẻ lại lù đù trông chẳng hấp dẫn chút nào cả.
Sự thiên vị đó của đấng cao xanh thật ra có chủ đích rất đáng khâm phục, phải nói là có sự an bài, sắp xếp vô cùng khéo léo và thần tình. Thật ra, bộ lông con mái trời sinh xấu xí, tiệp với màu cây cỏ trong rừng lại rất có lợi cho sự sống còn của nó và cho nòi giống nó. Con mái phải , phải nuôi con, mà mẹ con nó là những miếng mồi ngon của không biết bao nhiêu kẻ thù đang chực chờ rình rập. Chính nhờ vào bộ lông tăm tối đó nó mới lẩn tránh được vào cây cỏ, bờ bụi, thoát được nanh vuốt của kẻ thù để sống mà sinh con đẻ cái bảo tồn nòi giống.
Thế nhưng, cũng có những giống chim mà trống mái lại giống nhau… như hai giọt nước, nhìn qua khó lòng phân biệt được. Chẳng hạn như Phụng, yến Hót, Nhồng, Sáo Sậu, …và cả Hoạ Mi nữa!
Tất nhiên, chúng phải có những điểm dị biệt, nếu không lộ ra bên ngoài thì cũng lộ ra ở tiếng kêu giọng hót.
Điểm khác biệt lộ ra bên ngoài như của Yến Phụng chẳng hạn là cục thịt nhỏ đóng trên hai lỗ mũi của chim có sự khác màu. Yến Phụng trống màu lông xanh dương, xanh két, xanh đọt chuối thì cục thịt ở mũi màu xanh. Còn Yến Phụng lông vàng tuyền, trắng tuyền (mắt hột lựu) thì mũi chim trống màu hồng. Trong khi tất cả chim Yến Phụng mái dù màu gì, cục thịt mũi vẫn màu trắng ngà.
Còn điểm khác biệt lộ ra bên trong là ở tiếng kêu hay giọng hót. Thường thì giọng chim trống trong, dài, và siêng kêu siêng hót hơn con mái… Như chim vành Khuyên chẳng hạn.
Riêng chim Họa Mi, nếu nhìn vóc dáng bên ngoài để phân biệt giới tính e rằng dễ bị lầm, vì trong hai con trống mái chẳng khác gì hai giọt nước: chúng giống nhau như đúc từ màu lông đến vóc dáng!
Ngay những nghệ nhân đã nuôi chim Họa Mi lâu năm nếu nhìn vào vóc dáng bên ngoài của chim, cũng ít người dám đoán chắc đúng cả mười phần, đâu chính xác là chim trống, đâu là chim mái…
Thường thì Họa Mi trống lớn con, mỏ to, hàm bạnh, chân to và thân hình cao rắn. Còn chim Họa Mi mái thì đầu nhỏ, mỏ nhỏ, hàm không bạnh, mình tròn trịa lại ngắn đòn, chân cũng mảnh khảnh, yếu ớt và thường thì Họa Mi mái chỉ to một tám một mười so với chim trống.
Thế nhưng, cũng có những con Họa Mi mái có thân mình to lớn, đứng gần bên chim trống nó chẳng chịu thua kém một chút nào. Gặp trường hợp này thì ai tài nào mà phân biệt được?
Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ nhìn vóc dáng bên ngoài mà phán đoán được trống, mái, thì nên nhìn sơ qua một lượt có thể biệt được ngay. Giống chim mà nhìn chăm chú mãi thì dễ bị hoa mắt, mà khi đã hoa mắt thì trông con nào cũng giống như con nào không sao phân biệt được!
Tốt hơn hết và chính xác hơn hết là phân biệt tiếng kêu và giọng hót của mỗi con.
Họa Mi trống có tiếng kêu trong trẻo, còn Họa Mi mái tiếng kêu khàn hơn. Giọng hót của Họa Mi trống thì lảnh lót, êm tai, lại có bài bản hẳn hoi, trong khi chim mái chỉ biết kêu sè…sè…sè mà người trong nghề gọi là xùy. Tiếng xùy của chim mái mang ý nghĩa mời gọi chim trống, cho nên hễ trống mà thoáng nghe tiếng mái thì luýnh quýnh lên hót như điên dại..
Được cái may là chim mái rất mau mồm mau miệng.
Dù là chim bổi mới bắt về đang nhát, thế mà khi thoáng nghe có giọng Họa Mi trống hót là chim mái xùy ngay. Trong khi đó Họa Mi trống bổi nếu chịu mở miệng hót cũng phải nuôi đến vài ba tháng trở lên, chứ ít con chịu hót ngay. Chim nào chịu hót ngay là do nó còn lửa rừng nên hăng hái không biết sợ…
Còn một cách khác để phân biệt Họa Mi trống, mái là quan sát ở những chiếc râu đen như râu mèo ở mũi chim. Nếu là Họa Mi trống thì mấy sợi râu này mọc ngay (xuôi theo chiều mỏ của chim) còn râu mọc thẳng là Họa Mi mái.
Chim Họa Mi mái tính tình cũng dữ dằn chẳng khác gì chim trống. Gặp chim mái đồng loại là nó sáp lại sân si đòi đá cho bằng được. Tuy vậy, xưa nay chưa ai nuôi Họa Mi mái để đá cả. Chính vì cái tính hung dữ này mà nhiều Họa Mi mái mới bị sa vào lưới lục. Trên thị trường, giá bán Họa Mi mái bổi cũng khá cao thường bằng một phần tư giá bán chim trống bổi. Mua chim Họa Mi mái người ta cũng coi tướng chim, chỉ chuộng những con nào to khỏe, lanh lợi, và nếu nghe được tiếng xùy để chọn lại càng tốt.
Nghệ nhân nuôi chim Họa Mi trống dù để hót hay để đá cũng đều phải nuôi một hai chim mái trong nhà để mái xùy thúc trống hót hoặc thúc trống hăng hái lên để lăng lực mà đấu đá.
Nếu mục đích nuôi mái để thúc trống hót căng, thì nuôi một mái có thể dùng được cho ba bốn trống, còn nếu nuôi để đá thì mỗi trống mỗi mái mới vừa. Tất nhiên là trống nào phải đi với mái đó, như vậy nó mới “ăn ý với nhau được”.
Họa Mi mái cũng có con hay con dở, con khôn con dại. Nói cách khác, không phải bất cứ con Họa Mi mái nào cũng biết xùy giỏi, thường thì nuôi vài ba con mới lựa ra được một con mà nuôi. Nếu dùng cho Họa Mi nuôi hót thì chỉ cần mái siêng xùy là được.
Mái dùng cho Họa Mi đá lại còn phải lựa kỹ hơn, nhiều khi mười con chưa lựa được một con! vì lẽ mái xùy hay là một chuyện, nhưng mái đó có hợp với trống không lại là một chuyện khác. Và điều này mới là chuyện quan trọng rất cần.
Mái và trống Họa Mi dùng để đá cần phải hợp với nhau mới tốt. Hợp ở đây có nghĩa là “đồng vợ đồng chồng”, là “đồng tâm nhất trí” với nhau, như khi chim trống lâm trận thì chim mái rối rít xùy liên hồi với giọng thúc giục để cổ vũ tái đá…
Với những Họa Mi mái khôn ngoan như vậy ai cũng quí giá cả, nếu trả giá cao vài ba chỉ vàng chưa chắc người ta đã chịu bán. Còn những con mái khôn nhà dại chợ, ở nhà thì miệng lanh chanh xùy liên hồi, nhưng khi ra trường không những câm miệng hến mà còn lơ đãng nhảy lồng trông thật vô tích sự. Những con mái bất tài này chỉ còn cách thả chúng về rừng mà sinh sản đẻ lưu truyền nòi giống lại có lợi hơn.