31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 5

Nhà Việt ngữ học là nhà khoa học nghiên cứu về tiếng Việt. Tiếng Việt có nguồn gốc bản địa có nghĩa: Tiếng Việt được hình thành ngay trên đất nước của người Việt chứ không phải là thứ tiếng được du nhập từ một quốc gia khác. Câu 1. Những kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều ...

Nhà Việt ngữ học là nhà khoa học nghiên cứu về tiếng Việt. Tiếng Việt có nguồn gốc bản địa có nghĩa: Tiếng Việt được hình thành ngay trên đất nước của người Việt chứ không phải là thứ tiếng được du nhập từ một quốc gia khác.

Câu 1.

Những kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều nhà Việt ngữ học đã chứng minh tiếng Việt cố nguồn gốc bản địa. Nguồn gốc và tiến trình phát triển của tiếng Việt gắn bó vớinguồn gốc và tiến trình phát triển của dân tộc Việt - cộng đồng người đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến tạo nền văn minh lúa nước trên địa bàn Đông Nam Á tiền sử, đặc biệt là ở vùng đồng bàng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay. Tiếng Việt được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.

1.   Đoạn văn trên được tổ chức theo hình thức quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp? Căn cứ vào đâu để nhận biết điều đó?

2.   Anh (chị) hiểu thế nào về các cụm từ ngữ nhà Việt ngữ học, tiếng Việt có nguồn gốc bản địa?

3.   Bắc Trung Bộ gồm những tỉnh nào?

4.   Đoạn văn trên nói về vấn đề gì?

Câu 2.

Tình thương là hạnh phúc của con người.

Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên bằng một bài văn khoảng 600 từ.

Câu 3.

Hãy thể hiện sự đồng cảm của anh (chị) với lời giãi bày rất chân thực về tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Hướng dẫn trả lời

Câu 1.

1.  Đoạn văn được tổ chức theo hình thức diễn dịch. Dấu hiệu nhận biết điều đó: câu mở đầu là câu có tính chất khái quát, được gọi là câu chủ đề. Các câu còn lại của đoạn triển khai cụ thể ý được nêu ở câu mở đầu.

2. 

3.  Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

4.  Đoạn văn nói về nguồn gốc của tiếng Việt.

Câu 2.

Với câu hỏi này, người viết phải giải đáp được các câu hỏi: nói tình thương là hạnh phúc của con người, nhưng đó là hạnh phức của người yêu thương hay người được yêu thương? Từ đó phân tích, bình luận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và đưa ra được những dẫn chứng tiêu biểu để củng cố cho lập luận của mình.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Có bao giờ bạn đã tự hỏi mình: ta sống trên đời vì mục đích gì? Câu trả lòi có lẽ không ai giống ai. Nhà khoa học, người nghệ sĩ tìm niềm vui trong phát minh, sáng tạo; người lao động tìm niềm vui trong những công việc bình thường. Nhưng dù là ai, ở cương vị nào thì mọi người đều giống nhau ở nhu cầu yêu thương người khác và được yêu thương. Gần gũi nhất, đó là tình thương đối với những người thân yêu, ruột thịt. Xa hơn, đó là tình thương đối với đồng bào, đồng loại. Đúng như một ai đó đã nói: Tình thương là hạnh phúc của con người.

-   Câu nói ngắn gọn, được phát biểu như một cách định nghĩa về hai chữ "tình thương". Có thể diễn đạt sáng rõ hơn câu nói trên: Tinh thương đem đến hạnh phúc cho con người, hoặc Tình thương làm cho con người hạnh phúc. Với những cách diễn đạt như vậy, ta hiểu thực chất câu nói này muốn đề cập đến ý nghĩa của tình thương.

-   Tình thương đem đến hạnh phúc cho ai? Dĩ nhiên, trước hết, là cho người được yêu thương. Những ai được hưởng tình yêu thương từ người khác, cuộc sống sẽ trở nên bớt thiếu thốn, bất hạnh. Một chút vật chất hay tinh thần được người khác chia sẻ đều trở nên hết sức quý giá đối với kẻ thiếu thốn, đói nghèo, hoặc người khát tình thương. Nghĩa là kẻ nhận tình thương sẽ cảm thấy mình được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, chủ ý của câu nói này còn muốn đề cập đến hạnh phúc của người dâng hiến yêu thương. Người biết yêu thương kẻ khác sẽ cảm thấy cuộc đời mình trở nên đầy ý nghĩa. Không gì hạnh phúc hơn khi làm được một điều tốt cho ai đó, khi thấy đời mình có ích đối với đồng loại.

-   Tại sao tình thương đem đến cho con người hạnh phúc? Trên đời, có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Có người gắn hạnh phúc với sự đủ đầy về vật chất. Có người cho hạnh phúc chủ yếu thuộc về khía cạnh tinh thần. Các quan niệm dù không giống nhau, thì vẫn gặp nhau ở một điểm: hạnh phúc là được thoả mãn một ước mơ, một khát vọng đẹp đẽ, chính đáng.

-   Vậy có thể xem tình thương là hạnh phúc được không? Hoàn toàn có thể. Khi chúng ta yêu thương dù với người thân yêu ruột thịt của mình hay với đồng bào, đồng loại, trước hết, tâm hồn ta trở nên rộng mở. Khi biết yêu thương thì mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Tố Hữu thật có lí khi viết rằng: Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người, sống để yêu nhau. Nhờ tình thương, những thiếu thốn vật chất hay nghèo nàn về tinh thần của bao người được đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ. Một khi cuộc sống của người khác tốt lên vì tình thương của ta, ta sẽ có cảm giác thoả mãn, nghĩa là một nhu cầu tinh thần của ta được đáp ứng, và đó là hạnh phúc.

-   Trên hành trình lịch sử nhân loại, có biết bao tấm gương ngời sáng về tình yêu thương. Những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu nhất trong mọi nền văn học, trước hết là những người luôn đau nỗi đau của người khác. Tình thương con người cao cả ấy được đền bù xứng đáng: họ có được những tác phẩm thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo, sống mãi với muôn đời. Và đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng của người cầm bút.

-    Truyền thông thế giới từng nói nhiều về Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta - một biểu tượng hết sức cao đẹp về tình thương con người. Nơi nào có người bệnh tật, ốm đau, nơi nào có người đói khát, nơi nào có người khổ nạn vì chiến tranh, nơi ấy có sự hiện diện và cứu trợ hiệu quả của Mẹ. Vì những hoạt động phục vụ con người không mệt mỏi, Mẹ Tê-rê-xa đã được trao nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải Nô-ben hoà bình năm 1979. Tuyên ngôn của Mẹ là: "Chúng tôi muốn làm cho những người nghèo nhất trong các người nghèo hiểu rằng: họ đang được yêu mến... Bỏi căn bệnh ghê gớm nhất không phải là bệnh cùi hủi hay lao phổi, mà là bị ném ra ngoài, bị khinh miệt, bị ruồng bỏ. Cái nghèo day dứt nhất không phải là ở cái bụng đói meo, mà chính là không được một ai yêu thương". Từ lời tuyên ngôn ấy, có thể hiểu, với tình thương con người không bờ bến của mình, Mẹ Tê-rê-xa có được niềm hạnh phúc lớn lao đến thế nào.

-   Ta cũng từng biết đến Câu chuyện cổ tích mang tên Nguyễn Hữu Ân, kể về một cậu học sinh nghèo đất Quảng Trị, không chỉ hết lòng với người mẹ bệnh tật của mình mà còn săn sóc những người bệnh cùng cảnh ngộ đau khổ. Phần thưởng lớn nhất mà Nguyễn Hữu Ân giành được là sự cảm phục của mọi người, và nhất là cậu sẽ có được sự thoả mãn tâm hồn vì được yêu thương người khác.

-   Còn biết bao tấm gương mà ta không thể kể hết. Cuộc đời sẽ trở nên đẹp đẽ, hoàn thiện hơn bởi những tấm lòng cao cả đó.

-   Yêu thương con người, đó không phải là thứ triết lí cao siêu, mà là điều hết sức gần gũi, ai cũng có thể thực thi trong hoàn cảnh sống của mình. Một thái độ tôn trọng, một sự giúp đỡ người khác dù là vật chất hay tinh thần tuỳ theo khả năng của mình... tất cả đều là biểu hiện cụ thể của tình thương. Xung quanh chúng ta không hiếm những hoàn cảnh đau khổ, bất hạnh cần đến tình yêu thương của đồng loại. Mọi người, không trừ một ai, đều có thể tận hưởng niềm hạnh phúc không cùng là yêu thương con người bằng những việc làm giản dị, thiết thực.

Câu 3.

Thể hiện sự đồng cảm ở đây thực chất là thể hiện sự lắng nghe, thấu hiểu lời giãi bày về tình yêu trong bài thơ Sóng. Trong bài viết, cần trả lòi được một số câu hỏi: Bài thơ đã cho thấy được điều gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu? Khát vọng tình yêu của nhân vật trữ tình đã được biểu lộ ra sao? Những day dứt, nhớ thương, lo âu trong bài thơ có nguồn gốc từ đâu? Khi bộc bạch tình yêu, giọng điệu của nhân vật trữ tình có điếm gì đáng chú ý? Ẩn dụ sóng có giúp người con gái đang yêu nói hết được những điều chất chứa trong lòng mình?...

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Trong số các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mĩ, Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và viết rất hay về tình yêu. Thơ tình của bà mang nhiều nét tự thuật, vẫn là những chuyện muôn thuở của tình yêu nhưng bao giờ chúng cũng có vẻ như chuyện riêng của Xuân Quỳnh. Sóng là một bài thơ hay, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Ở đây, khát vọng tình yêu đã được thể hiện theo một cách rất riêng, dù hình tượng sóng mà nhà thơ dùng làm ẩn dụ vốn chẳng xa lạ gì với các nhà thơ viết về tình yêu kim cổ.

-   Trước Xuân Quỳnh, đã có biết bao nhà thơ thiên tài viết về tình yêu. Xuân Quỳnh hình như không có ý đua tranh với họ. Nhà thơ “khiêm tốn” chỉ đem chuyện mình ra kể, không giảng giải cho ai, không xây dựng lí thuyết, không nói điều gì vượt quá trải nghiệm của chính mình. Khi Xuân Quỳnh nói: Nỗi khát vọng tình yêu / Bồi hồi trong ngực trẻ thì trước hết ta nên hiểu là nhà thơ đang nói về mình, đang thú nhận nỗi “bồi hồi” của mình cùng với sự tự biết rằng mình còn rất trẻ. Nếu mấy câu ấy ứng hợp với nhiều người thì lại là chuyện khác. Cái nhìn của Xuân Quỳnh xuất phát từ bên trong. Nó không giống sự suy đoán tuy già dặn, đúng đắn nhưng lại đi từ ngoài vào của các nhà nghiên cứu tâm lí tình yêu. Củng thế, khi nói về nơi bắt đầu của tình yêu, Xuân Quỳnh thực sự đứng giữa cái phân vân của chính mình: Trước muôn trùng sóng bể/ Em nghĩ về anh, em / Em nghĩ về biển lớn / Từ nơi nào sóng lên? / Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu? / Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau. Người ta thường đối chiếu hai câu thơ Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau của Xuân Quỳnh với câu Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? trong bài Vì sao của Xuân Diệu. Đúng là giữa chúng có sự tương đồng nhưng cái khác vẫn rõ. Mặc dù tỏ ra “ngẩn ngơ” nhưng Xuân Diệu vẫn cắt nghĩa, và sự cắt nghĩa của ông cũng khá rạch ròi. Xuân Quỳnh không hẳn giống thế. Nhà thơ không ham lí giải, phân tích, dù trong lòng có bao mối băn khoăn đòi “tìm ra tận bể” để “hiểu”, để “nghĩ”. Nhà thơ vẫn giữ nguyên vẹn tâm lí phụ nữ của mình với cái “lắc đầu” thật dễ “động lòng’’: Em cũng không biết nữa. Nhu cầu “hiểu” ở đây là nhu cầu của tình cảm hơn là nhu cầu của trí tuệ. Nó cũng như con sóng, được đẩy tới rồi thoái lui và tan trong nỗi ngọt ngào được che chở, vỗ về. Biết ta đang yêu nhau thế là đã đủ. Thắc mắc chỉ là để yên tâm hơn với hạnh phúc hiện có. Tuy nhiên, như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác (Thuyền và biển). Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?, dù không có gì thật gay cấn thì tình yêu vẫn động sóng, vẫn muốn vô suốt hai chiều không gian và thời gian: Con sóng dưới lòng sâu / Con sóng trên mặt nước / Ôi con sóng nhớ bờ / Ngày đêm không ngủ được.

-   Là con người của thời hiện đại dám sống với toàn bộ những gì mình có, Xuân Quỳnh không ngại nói thẳng ra nỗi đau đáu của mình. Trong tâm thức con người ấy, chí có anh là đáng kể mà thôi. Nhà thơ rất “kiên định” trên “lập trường tình yêu” và đề cao tuyệt đối lòng chung thuỷ: Dầu xuôi về phương bắc / Dầu ngược về phương nam / Noi nào em cũng nghĩ / Hướng về anh - một phương. Những lời khẳng định ấy thật da diết mà cũng chứa đựng thật nhiều thách thức - thách thức với hoàn cảnh và thách thức với cả tình anh nữa! Những ai hay do dự và có thói quen “vọng ngoại” trong tình yêu hẳn sẽ có cảm giác “chợn” trước sự tỏ bày dứt khoát ấy. Bình thường người ta vẫn nói ngược về phương bắc, xuôi về phương nam nhưng Xuân Quỳnh thì nói ngược lại. Đối với nhà thơ, sự xáo trộn cũng không có gì là quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là dù ở đâu em cũng “hướng về” “phương anh”. Nếu nói đến sự quyết liệt của tình yêu Xuân Quỳnh thì khổ thơ này là dẫn chứng thuộc loại tiêu biểu nhất.

-   Như nhan đề bài thơ đã nói rõ, hình tượng trung tâm của bài thơ là hình tượng sóng. Mới nhìn qua, cách biểu đạt tình yêu bằng ẩn dụ kia chưa phải đã thật độc đáo. Dù vậy, Xuân Quỳnh đã hoàn toàn đúng khi chọn đối tượng để hoá thân. Sóng - Xuân Quỳnh - nhân vật trữ tình tuy là ba nhưng cũng gần như là một. Ở Xuân Quỳnh cũng có nhiều nét đối cực như sóng, cũng không bao giờ chịu yên bề như sóng, và cũng như sóng, luôn muốn “tìm ra” với biển lớn của tình yêu, của cuộc đời: Dữ dội và dịu êm / Ôn ào và lặng lẽ / Sông không hiểu nổi mình / Sóng tìm ra tận bể. Căn cứ vào âm điệu dồi dào, nhiều biến đổi và thường là cuộn trào sôi nổi của bài thơ, có thể thấy sóng là một hình tượng sống thực chứ không hề là hình ảnh minh hoạ (hình ảnh minh hoạ chỉ là vỏ ngoài của ý tưởng, nó sẽ “chết” khi ý tưởng đã được người đọc, người nghe lĩnh hội hết). Xuân Quỳnh đã phả vào hình tượng sóng vốn khá quen thuộc hơi thở yêu đương nồng nàn của mình, và do vậy, tái tạo nó, khiến nó như mới được sinh ra lần đầu với tình yêu của nhà thơ. Đôi khi, sự hoá thân vào sóng sâu sắc đến mức sóng cũng thành ra có dáng... vất vả, lo toan, tất bật ngược xuôi. Các cụm từ dẫu xuôi, dẫu ngược... cùng những câu thơ: Ở ngoài kia đại dương / Trăm ngàn con sóng đó / Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vòi cách trở cho thấy điều đó.

-   Nhưng hình tượng sóng trong bài thơ của Xuân Quỳnh không phải là một ẩn dụ hoàn chỉnh. Đây chính là điểm thú vị nhất về phương diện nghệ thuật của tác phẩm. Ẩn dụ sóng đã được giải thích ngay từ nửa sau của khổ thơ thứ hai, không đợi người đọc phải suy đoán, phải tìm cách giải mã, dẫu rằng cuộc giải mã vẫn cần được tiếp tục ở một cấp độ cao hơn. Theo một góc nhìn nào đó, Xuân Quỳnh đã để lộ ý hơi sớm, đã không tận dụng hết sức chứa của ẩn dụ này. Nhưng điều quan trọng đối với Xuân Quỳnh không phải là sự che giấu khéo léo mà là sự bày tỏ cùng kiệt nỗi yêu thương và khát vọng của mình. Khi cần, Xuân Quỳnh đứng ra thuyết minh trực tiếp. Biết đâu nhà thơ chẳng nghĩ: đã thực hiện được sự thống nhất giữa em (cái tôi tình yêu) và sóng rồi, thì để sóng nói hay em nói cũng thế mà thôi! Thậm chí không phải thay nhau mà có lúc cả hai cùng nói, khiến cho ý nghĩa của vấn đề càng có sức tác động mạnh vào nhận thức và tình cảm của người đọc. Cách biểu đạt này từng xuất hiện trong bốn câu cuối bài Thuyền và biến. Sau khổ thơ miêu tả những con sóng “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước” “Ngày đêm không ngủ được” vì “nhớ bờ”, nhà thơ “bồi” thêm hai câu rất đột ngột, như đúng riêng ra thành một khổ, phơi lộ cái tôi của mình: Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức.

-    Khi ẩn mình trong sóng, khi đứng hẳn ra xưng em, một mà hai, hai mà một, cái tôi Xuân Quỳnh luôn thao thức, trăn trở. Vừa bộc lộ gián tiếp lại vừa giãi bày trực tiếp, khi ẩn, khi hiện, đấy mới chính là “nhịp sóng” ngầm của bài thơ, quy định những xao động bề mặt, biểu hiện qua câu chữ và âm điệu, nhịp điệu tương đối dễ thấy. Ẩn dụ sóng tuy có lúc bị “phá vỡ”, nhưng đấy chỉ là sự phá vỡ bề ngoài. Điều đó tạo điều kiện cho ta hiểu sâu hơn “tầng ẩn dụ” của cả bài thơ, hiểu sâu hơn những lo âu, khắc khoải, những hi vọng, khát vọng, những gắng sức kiếm tìm và hành động tất yếu phải có ở một tình yêu chân chính, khi đối diện với cuộc đời rộng lớn, với thời gian trôi chảy không ngừng: Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua / Như biển kia dẫu rộng / Mây vẫn bay về xa / Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ.

-    Sóng của Xuân Quỳnh có một cách thể hiện riêng về khát vọng tình yêu. Bao trùm lên là sự chân thực trong tình cảm, dường như nhà thơ chỉ nói những điều mà mình đã trải nghiệm sâu sắc. Cách nói ở đây táo bạo, nhiều khi quyết liệt chứ không hề dè dặt, sẽ sàng. Hình tượng sóng được xây dựng sinh động, hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, tuy nhiên, nó thường bị giải thích bằng những lời thổ lộ tình cảm trực tiếp của nhân vật trữ tình. Với một vẻ đẹp khá độc đáo, khá riêng đó, bài thơ đã giành được tình cảm tốt đẹp của rất nhiều người đọc trong những năm qua. Đúng như mong ước của nhà thơ, Giữa biển lớn tình yêu, con sóng thơ được Xuân Quỳnh hoá thân vào vẫn còn dào dạt vỗ.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0