06/02/2018, 15:31

Bình luận câu nói: “Khách hàng là thượng đế”

Đề bài: Anh chị hãy bình luận câu nói: “Khách hàng là thượng đế” Bài làm Đối với ai khi khởi nghiệp bất cứ một lĩnh vực nào đó, từ tập đoàn lớn đến cửa hàng nhỏ và vừa đều phải “nằm lòng” câu nói này. Bởi nó chính là kim chỉ nam, là định hướng, ...

Đề bài: Anh chị hãy bình luận câu nói: “Khách hàng là thượng đế”

Bài làm

Đối với ai khi khởi nghiệp bất cứ một lĩnh vực nào đó, từ tập đoàn lớn đến cửa hàng nhỏ và vừa đều phải “nằm lòng” câu nói này. Bởi nó chính là kim chỉ nam, là định hướng, là chiến lược quyết định sự thành bại của bạn.“Khách hàng là thượng đế” trở thành một trong những câu nói thể hiện hoàn mỹ nhất ở giới doanh nhân những người làm nghề “thiên hạ” này.

Hầu hết doanh nhân của mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thức một cách đầy đủ và nhất quán về tầm quan trọng của khách hàng. Lấy khách hàng làm mục tiêu chiến đấu. Nếu như các doanh nhân Châu Âu gọi khách hàng là “vua”, doanh nhân Trung Quốc gọi khách hàng là ông Thần Tài, thì doanh nhân Nhật gọi khách hàng là “Thượng Đế”. Nhưng nghiên cứu một cách khách quan nhất về khách hàng, thực sự coi trọng tầm quan trọng của khách hàng, phục vụ khách hàng chu đáo nhất có lẽ phải kể đến doanh nhân Nhật. Một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của họ trên thị trường thế giới.

Bạn phải nắm vững những nguyên tắc này để có thể kinh doanh thắng lợi nhất. Đầu tiên phải  xem khách hàng là ưu tiên số 1đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nếu không đủ tiền họ có thể mua trả góp; nếu không có thời gian, sẽ có người đưa đến tận nơi; nếu không biết sử dụng, chỉ cần họ gọi một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng.

Nếu người bán biết đứng trên lập trường của khách hàng, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng thì họ nhất định sẽ được khách hàng tin cậy, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc. Một doanh nhân thành đạt của Nhật Bản nói rằng: “Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì doanh nghiệp không thể làm ăn phát đạt. muốn có lợi thì trước hết ta phải gieo mầm thiện cho người cái thiện, sau đó cái thiện sẽ báo đáp ta”.

Thứ 2, toàn tâm toàn ý nghĩ cho khách hàng. Đây là phương châm kinh doanh của rất nhiều công ty lớn trên thế giới. Nhiều công ty lớn còn viết nó vào nội quy của mình.

Có thể kể đến là Nhật Bản, nhắc tới Nhật Bản có lẽ Công ty Honda chính là thương hiệu chiếm được cảm tình nhất của khách hàng, không chỉ vì chất lượng sản phẩm mà còn là thái độ phục vụ. Năm 1967, trong “làn sóng khiếm khuyết xe hơi” xảy ra ở Mỹ, thái độ của hãng Honda Nhật Bản đã khiến người Mỹ khâm phục. Vì sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng, Honda đã chủ động khai báo khiếm khuyết. Honda đã dứt khoát kiên trì nguyên tắc kinh doanh “tất cả suy nghĩ cho khách hàng” của mình. Vì sự an toàn tính mệnh của khách hàng, hãng đã chấp nhận mạo hiểm với nguy cơ bị đóng cửa. Trong số tất cả các nhà sản xuất xe hơi, Honda là hãng đầu tiên khai báo với chính phủ Mỹ về các khiếm khuyết tồn tại ở dòng xe CT2000 của mình.

Thứ 3, hàng tốt giá rẻ là phương châm kinh doanh kinh hàng đầu. Thị trường luôn biến đổi khôn lường, sở thích của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng. Nhưng có một chân lý bất biến: “hàng tốt giá rẻ” là yêu cầu chung của đa số người tiêu dùng. Doanh nhân hay thậm chí là những cửa hàng nhỏ phải kiên trì lấy thị trường làm trung tâm, tìm mọi cách tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ cho người tiêu dùng.

Thị trường xe hơi và đồ điện gia dụng của Nhật phát triển muộn hơn so với nhiều nước Châu Âu nhưng lại có chất lượng tốt, giá rẻ, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, thậm chí còn áp đảo sản phẩm cùng loại của nhiều nước tiên phong. Bí quyết của người Nhật là hệ thống quản lý chất lượng hoàn thiện và kỹ năng quản lý giá thành độc đáo.

Thứ 4, lắng nghe ý kiến khách hàng. Tuy đã thực hiện việc quản lý chất lượng toàn diện nghiêm ngặt nhưng họ hiểu rất rõ rằng quản lý chất lượng chặt chẽ đến mấy cũng không thể đảm bảo sản phẩm hoàn toàn không có vấn đề. Vì vậy họ coi dịch vụ hậu mãi là sự kéo dài tự nhiên của quản lý chất lượng toàn diện.

Trong mắt doanh nhân, khái niệm “dịch vụ” không chỉ có nghĩa là tạo sự tiện lợi cho khách hàng mà còn có nghĩa là có thái độ ứng xử đúng mực khi xử lý sự không hài lòng và khiếu nại của khách hàng một cách công bằng, nhanh chóng và không hề miễn cưỡng

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhà kinh doanh chỉ vì đồng tiền mà bỏ qua trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với khách hàng. Họ sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, thậm chí sử dụng nhiều hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của chính khách hàng của mình.

Bên cạnh đó, nhiều chủ quán, chủ nhà hàng hay doanh nghiệp vì xem mình là “bá chủ thế giới” nên khi họ sử dụng sản phẩm của mình đã nhận lại thái độ phục vụ mà đáng nhẽ ra, họ bỏ đồng tiền của mình ra thì phải nhận lại những điều xứng đáng hơn.

Điển hình cho trường hợp này, quán "bún chửi" của bà Hán Kim Thảo (61 tuổi) tại số 41 Ngô Sĩ Liên, Hà Nội đã trở thành địa chỉ ăn ngon của giới Hà thành nhưng thái độ phục vụ ở đó theo nhiều người nhận xét là quá chán. Những chính cái tên "bún chửi" dường như đã trở thành thương hiệu và chúng tôi nghĩ đây cũng là một phần nguyên nhân khiến người ta kéo đến đây nườm nượp mỗi ngày. Suy cho cùng, chính khách hàng tiếp tay cho các loại hình dịch vụ phi lý này tồn tại. Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ điển hình về việc thờ ơ, dễ dàng chấp nhận bỏ qua cho được việc của một số người, khiến văn hóa phục vụ của Việt Nam bị méo mó.

Từ đó, chúng ta thấy rằng: Xem khách hàng chính là thượng đế là phương châm kinh doanh chưa hề sai đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng xem họ là đúng, có những khách hàng “ có vấn đề” đã tìm mọi cách chống phá làm hủy hoại tới thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, họ sẵn sàng loại bỏ những đối tượng khách hàng chuyên gây nhiễu này.

Từ khóa tìm kiếm

0