Hưởng ứng sáng tạo Logo khoa Văn hóa Du lịch
(ĐHVH) - Chuyên ngành đào tạo Văn hóa du lịch lần đầu tiên được mở vào năm 1993 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Từ một chuyên ngành đào tạo của khoa Bảo tàng, Văn hóa du lịch dần phát triển, đến năm 2000, được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho phép tách ...
(ĐHVH) - Chuyên ngành đào tạo Văn hóa du lịch lần đầu tiên được mở vào năm 1993 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Từ một chuyên ngành đào tạo của khoa Bảo tàng, Văn hóa du lịch dần phát triển, đến năm 2000, được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho phép tách ra thành một khoa mới nhưng vẫn lấy tên là Văn hóa du lịch.
Năm học 2012 -2013, khoa Văn hóa du lịch có chương trình hoạt động kỷ niệm 20 năm đào tạo lấy tên là “Hành trình tuổi 20”. Hướng về chương trình này, rất nhiều các hoạt động đã, đang và sẽ được tổ chức. Thiết kế LOGO cho khoa Văn hóa du lịch là một trong những công việc đang được xúc tiến tích cực. Với sự cộng tác nhiệt tình của các nhà thiết kế chuyên nghiệp, khoa đã có được một số mẫu logo khá ấn tượng. Chắc không lâu nữa, khoa Văn hóa du lịch sẽ có logo chính thức.
Là một giảng viên của khoa Văn hóa du lịch,
lại tham gia giảng dạy cho hầu hết các khóa sinh viên của khoa (bắt đầu từ khóa DL3), tôi cũng bị cuốn hút vào
“Hành trình tuổi 20”. Tôi tham gia viết bài, tham gia tuyên truyền cho
khoa và trong một lần ngẫu hứng, tôi đã thiết kế ra một mẫu logo khoa Văn hóa
du lịch. Gọi là thiết kế logo nhưng kỳ thực đến tận lúc này tôi vẫn chưa biết
việc thiết kế logo chuyên nghiệp diễn ra như thế nào. Tôi chỉ đơn thuần tô tô vẽ
vẽ bằng bàn tay với sự say mê của riêng mình. Tôi đem logo hỏi ý kiến nhận xét
của những người xung quanh và cũng thật ngạc nhiên là mọi người đều góp ý một
cách rất nhiệt tình. Tôi miệt mài thiết kế, rồi sửa, rồi lại hỏi
ý kiến mọi người… cứ thế ròng rã 3 ngày. Khi bản thiết kế thứ 5 hoàn chỉnh cũng
là dịp 8/3, nhìn bông hoa cách điệu trong logo, tôi lại ngẫu hứng viết lời bình
(theo kiểu hài hước) rồi tự gửi tặng một nửa thế giới của chúng tôi. Tôi muốn
san sẻ niềm vui trong tôi cho mọi người. Tôi cũng không kịp suy nghĩ xem tại
sao tôi lại say mê với việc thiết kế logo. Đó không phải nghề của tôi, cũng
không phải là một nhiệm vụ được giao. Không mong ước logo do mình thiết kế sẽ được chọn, tôi chỉ thể hiện tình cảm
với công việc mà mình đã gắn bó trong bao năm qua theo một cách riêng.
Logo Khoa Văn hóa Du lịch - designed by Le Tuyet Mai
Sau đây tôi xin gửi tới bạn đọc hình ảnh logo khoa Văn hóa du lịch và lời thuyết minh ý tưởng thiết kế.
Thế mạnh của khoa Văn hóa du lịch trường Đại học văn hóa Hà Nội là đào tạo cử nhân Văn hóa du lịch có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Nói một cách vắn tắt, thế mạnh của khoa là đào tạo văn hóa du lịch.
“Văn hoá du lịch không phải là phép cộng đơn giản giữa văn hoá và du lịch mà là sự kết hợp giữa du lịch và văn hoá, là kết quả tinh thần và vật chất do tác động tương hỗ lẫn nhau giữa 3 loại: nhu cầu văn hoá và tình cảm tinh thần của chủ thể du lịch (du khách), nội dung và giá trị văn hoá của khách thể du lịch (là tài nguyên du lịch có thể thoả mãn sự hưởng thụ tinh thần và vật chất của người du lịch), ý thức và tố chất văn hoá của người môi giới phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người thiết kế sản phẩm, nhân viên phục vụ…) sản sinh ra”(1). Cũng có thể hiểu văn hóa du lịch là sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch. Biểu tượng nào tượng trưng được sự gắn kết đó? Chỉ có thể là sự gắn kết giữa các bộ phận trong một sinh vật sống. Tôi đã chọn 4 chữ cái đầu V – H – D – L của tên Văn hóa du lịch và một cây hoa làm biểu tượng thiết kế.
Cây hoa được cách điệu từ 4 chữ cái V – H – D – L, mỗi chữ cái một mầu, tượng trưng một bộ phận của cây hoa. Chữ H được cách điệu thành gốc và lá màu xanh. Lá hoa xòa xuống đất có hình bàn chân, tượng trưng cho hoạt động đi du lịch. Chữ V được cách điệu thành một cánh hoa màu cam. Cả 2 chữ V và H, chữ viết tắt của từ văn hóa, tượng trưng cho gốc rễ văn hóa. Chữ D được cách điệu thành nhụy hoa màu vàng, chữ L được cách điệu thành hai cánh hoa đỏ. Hương thơm từ nhụy và cánh hoa tỏa ra, tượng trưng cho du lịch đưa du khách đi muôn nơi.
Thức ăn được gốc rễ và lá tổng hợp để nuôi dưỡng bông hoa, cho hoa tỏa hương và khoe sắc, tượng trưng cho nội hàm văn hóa du lịch, “nội dung văn hóa do du lịch thể hiện ra”(2).
Chữ Đại học Văn hóa Hà Nội màu xanh dương ngay dưới gốc hoa tượng trưng cho mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng cây hoa Văn hóa du lịch.
Toàn bộ logo là sự kết hợp giữa Văn hóa – Du lịch – Nghệ thuật.
Văn hóa: Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Đại học Văn hóa Hà Nội, lấy văn hóa làm gốc.
Du lịch: Góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Nghệ thuật: Logo văn hóa du lịch là một tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài ra, theo trí tưởng tượng của từng người, có thể thấy biểu tượng trong logo là một ngọn đuốc cách điệu, mang ý nghĩa tượng trưng cho cái nôi đào tạo, soi đường chỉ lối cho rất nhiều người làm du lịch; hoặc hình một người đang tiến về phía trước, dang hai tay đón nhận tri thức của nhân loại.
Cũng có người liên tưởng đến biểu tượng hoa sen trong logo Du lịch Việt Nam hoặc hoa cúc cách điệu biểu tượng cho sự bền vững do các cánh hoa được cách điệu thành hai loại: cánh màu đỏ được vẽ theo motif cánh sen, còn một cánh màu cam và nhụy vàng cách điệu theo hình cánh hoa cúc.
Thân mến tặng bạn đọc.
Chú thích:
(1): Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình (2001), Kinh tế Du lịch và Du lịch học, Nhà xuất bản Trẻ T.p Hồ Chí Minh
(2) Bùi Thanh Thủy, Về nội hàm Văn hóa du lịch, www.huc.edu.vn ngày 09 tháng 03 năm 2013
Bài: Lê Tuyết Mai – Khoa Văn hóa Du lịch
Admin2.