23/05/2018, 15:58

Yêu cầu dinh dưỡng của hoa cúc

Đối với cây hoa nói chung cũng như hoa cúc nói riêng phân bón phải đảm bảo đầy đủ và cân đối. Nếu thiếu phân cây sẽ còi cọc và hoa nhỏ, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nhưng nếu bón thừa cây sẽ vống cao, dễ bị đổ, khả năng chống chịu kém. Các loại phân mà cúc cần bao gồm phân vô cơ như đạm, lân, kali, ...

Đối với cây hoa nói chung cũng như hoa cúc nói riêng phân bón phải đảm bảo đầy đủ và cân đối. Nếu thiếu phân cây sẽ còi cọc và hoa nhỏ, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nhưng nếu bón thừa cây sẽ vống cao, dễ bị đổ, khả năng chống chịu kém. Các loại phân mà cúc cần bao gồm phân vô cơ như đạm, lân, kali, phân hữu cơ như phân bắc, phân chuồng, phân vi sinh và các loại phân vi lượng như Cu, Fe, Zn, Mn..

Phân vô cơ

Đạm (N)

Đạm là thành phần cơ bản của chất nguyên sinh trong tế bào, quyết định sự sinh trưởng của cây, tham gia cấu tạo chất diệp lục của lá, thành phần chính cho sự quang hợp. Vai trò của đạm đặc biệt quan trọng nhất là trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển, liên quan đến màu sắc và kích thước của hoa. Thiếu đạm cây cằn cỗi, lá úa vàng, hoa nhỏ và xấu, nhưng nếu bón nhiều đạm cho cúc, cành nhánh sẽ phát triển nhiều, thân béo mập có thể không ra hoa. Cây cúc cần đạm vào thời kỳ “con gái” tức thời kỳ cúc chuẩn bị phân cành và thời kỳ phân hoá mầm hoa. Tuỳ theo đất giàu hay nghèo dinh dưỡng mà có thể tăng hay giảm lượng đạm bón và cũng tuỳ theo loại đạm mà cách sử dụng cũng khác nhau.

Đạm Urê thường dùng để bón thúc hoặc phun lên lá, do tỷ lệ N cao (chiếm 46% N nguyên chất) nên không được bón nhiều, bón tập trung một chỗ vì cỏ thể làm tổn thương đến rễ cây. Nếu dùng Sunfat đạm (NH4)2SO4 (chiếm 20% đạm nguyên chất) thì đây là loại phân chua nên phải bón vôi vào trước nếu sử dụng cho đất chua. Còn Nitrat đạm tuy không gây chua cho đất, nhưng không nên bón khi đất quá ẩm ướt vì loại phân này dễ bị rửa trôi. Lượng đạm dùng cho 1ha đất trồng cúc từ 280 – 300 kg/ha.

Lân (P)

Lân rất cần thiết để hình thành chất nucleoproteit của nhân tế bào, toàn bộ cơ thể hoa quả đều cần lân. Cây đủ lân bộ rễ phát triển mạnh, cây con khoẻ, tỷ lệ sống cao, thân cứng, chóng ra hoa, hoa bền màu sắc đẹp, giúp cho cây hút đạm nhiều hơn và tăng khả năng chống rét cho cây. Thiếu lân bộ rễ kém phát triển, cành nhánh ít hoa, hoa ra muộn, chóng tàn, màu sắc nhợt nhạt. Đất có nhiều mùn, nhiều chất hữu cơ thì hàm lượng lân thường cao hơn. Cúc yêu cầu lân đặc biệt mạnh vào thời kỳ sau khi hình thành nụ và ra hoa.

Cần chú ý nếu sử dụng Supe lân (chứa 16 – 18% lân nguyên chất) có thể bón với lượng nhiều vì phân này dễ tan trong nước, đối với đất chua nên sử dụng phân lân nung chảy, còn Apatít dùng để bón cho đất chua mặn. Lượng lân cần bón cho 1ha đất từ 500 – 550 kg/ha. 3/4 dùng để bón lót còn 1/4 có thể dùng để bón thúc.

Kali (K)

Kali giúp cho sự tổng hợp và vận chuyển các chất đường bột trong cây, giúp cho cây chịu hạn, chịu rét và chống chịu sâu bệnh. Cùng với lân, kali đảm bảo quá trình quang hợp của cây có hiệu quả. Thiếu kali màu sắc của hoa sẽ không tươi thắm, mau tàn. Cây cúc cần kali vào thời kỳ kết nụ và ra hoa. Nếu sử dụng Cloruakali thì phải có biện pháp khắc phục đất chua, còn Sunfat kali có thể dùng bón cho nhiều loại đất (chứa 40% kali nguyên chất). Ngoài ra nên sử dụng tro bếp vì đây là loại phân có kali tốt dưới dạng Cácbonat kali (K2CO3) cây dễ hấp thu và trong tro còn có cả canxi nên có thể khử chua cho đất Lượng kali cho 1ha đất trồng cúc từ 200 – 250 kg, 2/3 lượng phân này dùng để bón lót, còn 1/3 dùng để bón thúc.

Việc sử dụng phân vô cơ cây hấp thu dễ dàng cho hiệu quả cao và nhanh, nhưng nếu bón không hợp lý sẽ ảnh hưởng xấu đến cấu tượng của đất, làm cho đất chua và chai cứng, bởi vậy cần phải sử dụng phối hợp cả phân hữu cơ.

Canxi (Ca)

Canxi rất cần cho sự phát triển của bộ rễ cúc, giúp cho cây tăng khả năng chịu nhiệt, ngoài ra canxi có tác dụng giảm chua, ‘ăng độ phì cho đất. Canxi được bón cho cúc thông qua vôi bột. Lượng vôi bột cho 1ha trồng cúc từ 300 – 400 kg.

Phân hữu cơ

Bao gồm các loại phân xanh, phân bắc, phân rác, khô dầu, xác bã của các loại động thực vật. Loại phân này vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa cung cấp các chất mùn cải tạo lý tính của đất. Phân bắc, nước giải có hiệu quả nhanh vì đạm ở dạng dễ tiêu nhưng cần chú ý bón phân bắc trong nhiều năm sẽ làm cho đất chua và cứng, nên phải kết hợp phân bắc với phân chuồng và hầu hết các loại phân này đều phải được ủ hoai để loại bỏ các mầm mống gây bệnh và không làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Sử dụng phân hữu cơ có nhược điểm cây hút chậm nên chủ yếu dùng để bón lót.

Phân vi lượng

Tuy cây cần rất ít, nhưng không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Đối với loại phân này không nên bón thẳng vào đất vì ít có lợi mà thường bón qua lả vào thời kỳ cây con, với nồng độ thấp từ 0,01 – 0,02%. Hiện nay loại phân này được dùng dưới dạng dung dịch để tưới phun qua lá rất dễ sử dụng như Komix, Thiên Nông, Futonik…

0