23/05/2018, 15:58

Kỹ thuật cắt cành cho cây nho

Cắt cành là khâu kỹ thuật rất quan trọng trong nghề trồng nho, để loại bỏ bớt đi những bộ phận của cây như cành, ngọn, lá. Cây nho ra hoa ở những cành non. Nếu không cắt cành, cây nho vẫn có thể nảy một ít chồi, nhưng không thể cho năng suất cao. Mục đích của việc cắt cành là: – Để điều hòa ...

Cắt cành là khâu kỹ thuật rất quan trọng trong nghề trồng nho, để loại bỏ bớt đi những bộ phận của cây như cành, ngọn, lá. Cây nho ra hoa ở những cành non. Nếu không cắt cành, cây nho vẫn có thể nảy một ít chồi, nhưng không thể cho năng suất cao. Mục đích của việc cắt cành là:

– Để điều hòa lượng cành gỗ, duy trì cây nho ở dạng có lợi theo mong muốn, có thể quản lý được dễ dàng, tạo điều kiện cho cây nho có sức sống tốt nhất, ổn định năng suất qua các năm.

Để đảm bảo có những cành quả ở đứng ở vị trí đã xác định.

Để tăng cường khả năng hấp thu ánh sáng cho cành quả và để làm giảm bớt sinh trưởng thái quá của cành vượt.

Một số khái niệm sử dụng trong cắt cành:

Thân: là phần gốc chính của cây không phân chia.

Tay nho: là những cành già trên một năm. Cành mọc ra từ thân và cành cấp 2 được gọi là các tay chính.

Cành: là ngọn đã thành thục, đủ độ chin của mùa trước hoặc năm trước mà từ đỏ sẽ cho ra các ngọn sau khi cắt

Cành quả: là cành từ đó cho ra các ngọn mang quả.

Ngọn: là phần non còn xanh của cây được mọc ra trong vụ hiện tại, chùm quả sinh ra từ bộ phận này.

Cựa gà: là một phần của cành hoặc ngọn đã thành thục được chừa lại sau khi cắt, mang từ 1 – 10 mầm.

Mầm: là các chồi ngủ còn nằm trong nách lá.

Mùa vụ cắt cành

Nước ta có khí hậu nhiệt đới, cây nho sinh trưởng quanh năm, có thể cắt cành vào bất kỳ lúc nào trong năm, nhưng chú ý cần tránh vào một số thời điểm bất lợi. Không để cho nho nở hoa và chín vào thời kỳ có nhiệt độ quá cao. Với điều kiện khí hậu vùng cực Nam Trung Bộ của nước ta, cây nho có thể cắt cành để cho 2 – 3 vụ/năm. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật canh tác kèm theo để duy trì cây nho khỏe như phương pháp cắt cành, bón phân, tỉa cành nách, tỉa quả,… cần tiến hành phù hợp.

Tại vùng Nam Trung Bộ, đối với giống nho Cardinal và các giống có khả năng sinh trưởng và thời gian sinh trưởng như giống Cardinal chủ yếu cắt 3 vụ/năm:

– Vụ đông xuân (tháng 12 – 1) cho năng suất cao, màu sắc quả đẹp do thời tiết mát, quá trình đồng hóa của cây diễn ra thuận lợi.

– Vụ xuân hè cắt cành tháng 4 – 5 cũng cho năng suất khá cao, nhưng nếu cắt trễ dễ bị héo chùm hoa khi gặp thời tiết nóng vào tháng 6. Trong trường hợp cắt sớm hơn, thời gian quả chín thường rơi vào tháng nóng sẽ dễ bị “cầm màu”. Nhìn chung nho cất vụ này có màu sắc quả không đẹp.

Vụ thu đông, cắt cành vào tháng 9 – 10, năng suất đạt thấp hơn các vụ khác. Cây nho cắt vụ này sẽ ra hoa trong những tháng mưa lớn, dễ bị nấm bệnh phá hại, nhất là nấm cuống, làm teo một phần hoặc toàn bộ chùm hoa, làm giảm năng suất một cách đáng kể.

Đối với giống nho NH01 – 48 và những giống có thời gian sinh trưởng tương tự chỉ nên cắt cành để cho ra quả 2 vụ/năm.

Kỹ thuật cắt cành

Không có một biện pháp cứng nhắc nào phù hợp cho tất cả các giàn nho. Trong trường hợp cành vượt khỏe và nho tơ thì cắt xanh hơn, còn nho già, cành bánh tẻ có sức sống trung bình thì cắt đau hơn. Tại Ninh Thuận đối với giống Cardinal thường cắt cành 8 tháng tuổi vào mùa đông xuân và cắt cành 4 tháng tuổi vào mùa hè và mùa thu. Cây nho già, cành yếu cần loại bỏ cành cũ, tạo cành mới thì cắt cành 12 tháng tuổi (vụ đông xuân). Như vậy, trong một năm có 2 vụ cắt ra (cành 4 tháng), một vụ cắt vào (cành 8 đến 12 tháng). Vị trí cắt tương đối để ra hoa với các giống nho phổ biến hiện nay ở nước ta là từ mắt thứ 6 đến mắt thứ 12. Không nên cắt cành ra quá đầu cành bởi sẽ để lại trên giàn một khối lượng cành quá lớn.

Phản ứng của cây nho với việc cắt cành rất phức tạp. Trong cùng một vùng trồng, một giống nho có phản ứng khác nhau với cùng một kiểu cắt cành do tác động của điều kiện ngoại cảnh và chế độ dinh dưỡng. Trên cây nho, sự phân hóa mầm hoa xảy ra từ giai đoạn nho chuyển màu đến chín bói của vụ trước, nên nếu cắt không tốt sẽ làm mất những mầm mang hoa mà chỉ cho ra những chồi sinh trưởng với tua cuốn. Sự phân hóa mầm hoa chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng. Bón phân kali và lân vào giai đoạn 35 – 45 ngày sau cắt cành làm tăng độ hữu thụ của mầm hơn là chỉ bón riêng đạm.

0