18/06/2018, 11:36

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 (1721)

Phàm buông lưới lớn là để chọn người nổi trội trong chốn sĩ lâm, mà khắc đá đề danh là để nêu cao tiếng tăm của Nho giáo, há chỉ để làm cảnh cho đẹp mà thôi đâu! Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh lớn, nắm giữ mưu cao. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng ...

Phàm buông lưới lớn là để chọn người nổi trội trong chốn sĩ lâm, mà khắc đá đề danh là để nêu cao tiếng tăm của Nho giáo, há chỉ để làm cảnh cho đẹp mà thôi đâu!

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh lớn, nắm giữ mưu cao. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Uy minh Nhân công Thánh đức An vương]1 một đức giúp vua, đồng lòng trị nước, văn giáo thấm khắp, kẻ sĩ đông đảo, đường học vấn hanh thông mà hiền tài cùng tiến. Ba năm mở khoa thi lớn là theo lệ cũ. Tháng giữa đông (tháng mười) năm Tân Sửu thi Hội các cống sĩ trong nước. Sai Phó tướng Thiếu bảo Thự Quận công Trịnh Quế làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Lỵ Quận công Trương Công Giai làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hình bộ Hữu Thị lang quyền Lại bộ Hữu Thị lang Thuật Phương hầu Phạm Khiêm Ích và Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Nghĩa Xuyên hầu Nguyễn Huy Nhuận làm Giám thí, cùng trăm quan hữu ty chia giữ các việc.

Bấy giờ, học trò mặc áo trắng2 đến đua tài gần 3.000 người, tuyển chọn ghi tên tên ở bảng mực nhạt được 25 người, phép tuyển chọn thật hết mức tinh vi chặt chẽ!

Sang tháng sau vào Điện thí. Đề sách vấn hỏi về đạo trị nước. Sáng hôm sau, quan đọc quyển nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho Ngô Sách Hân đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Trương Thì 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Đôn 21 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền người đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ở trước cửa nhà Thái học. Lúc bấy giờ, người tới xem chen vai nối gót, áo mũ đầy đường, đều nói từ hồi Trung hưng tới nay, khoa mục được người thì khoa này là thịnh.

Mùa xuân năm sau cử hành ân điển. Ban áo mũ phẩm phục để được vẻ vang, cho dự yến Quỳnh thưởng hoa bạc. Tỏ lòng ưu ái ban cho bạc ròng, lại hậu đãi làm cho nhà cửa để có chốn chở che, theo thứ bậc cao thấp mà đặt định tước vị, ân điển chất chồng. Lại sai khắc đá dựng ở nhà Quốc học, giao cho từ thần soạn bài ký.

Thần may sinh gặp thời, do chức trách phải cầm bút, không dám lấy cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Văn chương là của chung, đường khoa mục bằng phẳng, đó là công cụ để quốc gia kén chọn hiền tài, thật hợp ý đời xưa.

Các đời thái bình xưa kia có tiếng là được nhiều người tài giỏi giúp nên nền trí trị đại để đều xuất thân từ chốn trường ốc. Gần đây tùy thời đặt ra phép tắc, dùng văn để kén chọn học trò, mới bắt đầu đặt khoa thi Tiến sĩ. Những kẻ anh tài đạt tới bến bờ vinh quang, đều biết đem tài học ra làm vẻ vang cho thánh triều, làm cho thế đạo thịnh sáng. Vì thế cho nên khoa mục đều được các đời sùng chuộng.

Kính nghĩ: Quốc triều, trời mở vận hưng thịnh, sao Khuê mở nền văn trị, người tài giỏi như của quý dành lại cho đời sau, pháp độ lập thành sáng tỏ, đáng noi theo đáng làm phép tắc.

Tới nay thánh thượng nối ngôi, lưu tâm chọn người tài giỏi, quy cách cất nhắc khen thưởng chặt chẽ, lễ nghi đãi ngộ trọng hậu, đó là lòng mến chuộng hết mức, ý đẹp muốn khích lệ khó mà kể xiết. Nay khắc đá dựng bia là cốt làm cho quy chế văn minh được đầy đủ, làm rực rỡ nếp xưa để ngươi đời sau coi là tấm gương sáng vậy.

Kẻ sĩ được ghi tên vào bia đá này ắt phải giữ tiết trong sạch, khắc sâu ơn lớn, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa mà giúp thánh chúa. Những người làm quan vinh hiển tất phải nghĩ đến bia đá này để mà làm lợi cho dân, khiến cho dân được toại chí yên vui lâu dài, hiên ngang giữ trọng trách làm cột đá chống đỡ miếu đường, đặt thiên hạ lên chốn vững yên như núi Thái Sơn thì tiếng tốt danh thơm, tài hoa phong vận đều được lưu truyền mãi mãi, đời đời không phai mờ. Thảng hoặc có kẻ đẽo vuông thành tròn3, ngoài cứng trong giòn thì vết nhơ khó giấu, ngọc đá khác nhau, ngàn năm công luận còn rõ mồn một. Đủ biết tấm bia này dựng lên để biểu dương và ngụ ý khuyên răn, bổ ích cho phong hoá thế đạo há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Hoằng tín đại phu Hàn lâm viện Thị độc Tri Thị nội thư tả Hộ phiên Đoàn Bá Dung4 vâng sắc soạn.

Hiển cung đại phu Đông các Học sĩ Hồng Hạo vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 22 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:

NGÔ SÁCH HÂN 吳策訢5 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn, Nho sinh trúng thức.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

TRƯƠNG THÌ 張時6 người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì, Sinh đồ.

NGUYỄN TRÁC LUÂN 阮卓倫7 người xã Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, Sinh đồ.

NGUYỄN TÔNG QUAI 阮宗奎8 người xã Phúc Khê huyện Ngự Thiên, Giám sinh.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 21 người:

NGUYỄN ĐỨC ĐÔN 阮德敦9 người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn, Nho sinh.

GIANG SĨ ĐOAN 江士端10 người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan, Giám sinh.

TRẦN MẠI 陳勱11 người xã Vị Hoàng huyện Mỹ Lộc, Giám sinh.

TRỊNH BÁ TƯƠNG 鄭伯相12 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Giám sinh.

TRẦN XUÂN YẾN 陳春宴13 người xã Yên Lạc huyện Thanh Lâm, Giám sinh.

NGUYỄN ĐĂNG GIAI 阮登階14 người xã Hương Triện huyện Gia Định, Giám sinh.

ĐẶNG CÔNG MẬU 鄧公茂15 người xã La Nội huyện Từ Liêm, Giám sinh.

TỪ TRỌNG ĐĨNH 徐仲珽16 người xã Phương Quế huyện Thượng Phúc, Nho sinh trúng thức.

NGÔ ĐÌNH CHẤT 吳廷礩17 người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Nho sinh trúng thức.

VŨ NHÂN CHIÊU 武仁昭18 người xã Minh Lễ huyện Tứ Kỳ, Giám sinh.

TRẦN ĐÌNH THU 陳廷楸19 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào, trú quán phường Báo Thiên huyện Thọ Xương, Giám sinh.

NGUYỄN HUY MÃN 阮輝滿20 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Giám sinh.

TRỊNH NGÔ DỤNG 鄭吳用21 người xã Vân Chùy huyện Hiệp Hòa, Huấn đạo.

TRỊNH ĐỒNG GIAI 鄭同佳22 người xã Ngọc Hoạch huyện Yên Định, làm Giám sinh.

NGUYỄN NGỌC HUYỄN 阮玉鉉23 người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa, làm Tham nghị.

VŨ KIỀU 武翹24 người xã Ngọ Dương huyện Kim Thành, Sinh đồ.

NGUYỄN CÔNG HOÀN阮公桓25 người xã Du Lâm huyện Đông Ngàn, Nho sinh trúng thức.

HỒ SĨ TÂN 胡士賓26 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, làm Huấn đạo.

NGUYỄN XUÂN VỊNH 阮春詠27 người xã Yên Phú huyện Đường Hào, Giám sinh.

NGUYỄN VIÊM 阮炎28 người xã Mỹ Xá huyện Phụ Dực, Tự ban.

ĐỖ HY THIỀU 杜熙玿29 người xã Văn Trưng huyện Bạch Hạc, Giám sinh.

Trung thư giám Hoa văn học sinh, người xã Thanh Oai là Nguyễn Đăng Toản vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

 

Chú thích:

1. Tước hiệu của Trịnh Cương được phong năm Vĩnh Thịnh 16 (1720), ở loạt bia dựng năm 1717 Trịnh Cương chưa có đủ các chữ trong tước hiệu này.

2. Nguyên văn: Ngân bào (áo bạc).

3. Nguyên văn: Phương, viên (vuông, tròn) là hai khái niệm có tính triết học, nhưng rất thông dụng trong văn cổ, các nhà Nho thường quen dùng: vật gì vuông thì vững chắc, không thay đổi; vật tròn thì dễ lăn, luôn thay đổi. Liên hệ, tính cương trực được coi là vuông; gian tà xu nịnh là tròn.

4. Đoàn Bá Dung (1681-1741) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Dần năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), làm quan Lễ bộ Thượng thư, tước Phụ Quận công. Có tài liệu ghi ông là Đoàn Quang Dung.

5. Ngô Sách Hân (1690-1747) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu nội của Ngô Sách Thí và là con Ngô Sách Tuân. Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Thị thư, Đốc đồng Sơn Nam, Đốc đồng An Quảng, Thị lang Bộ Hộ, Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, Nhập thị Tham tụng, hàm Thiếu bảo, tước Huy Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Có tài liệu ghi ông là Ngô Sách Tố.6 Trương Thì (1701-?) người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì (nay phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.

7. Nguyễn Trác Luân (1700-?) người xã Bình Lao huyện Cẩm Giàng (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão Tp. Hải Dương tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Phó Đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.

8. Nguyễn Tông Quai (1693-1767) hiệu là Thư Hiên, người xã Phúc Khê huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Hiệp Hòa huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Ngọ Đình hầu và được 2 lần cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Về sau, ông bị giáng làm Hàn lâm Thị giảng. Nhiều tài liệu ghi là ông Nguyễn Tông Khuê.

9. Nguyễn Đức Đôn (1689-1752) người xã Vịnh Kiều huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là anh của Nguyễn Công Viên, em Nguyễn Quốc Ích và làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Ngạn Xuyên bá.

10. Giang Sĩ Đoan (1694-1784) người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Hưng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông là cha của Giang Sĩ Điển, làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, tước Lam Đình bá. Do kiêng huý Trịnh Giang, đổi tên là Uông Sĩ Đoan.

11. Trần Mại (1688-?) người xã Vị Hoàng huyện Mỹ Lộc (nay thuộc phường Vị Hoàng Tp. Nam Định tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.

12. Trịnh Bá Tương (1691-1740) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội), trú quán xã Đô Lương huyện Nam Đường (nay là thị trấn Đô Lương huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Lễ, hàm Thiếu bảo.

13. Trần Xuân Yến (1689-?) người xã Yên Lạc huyện Thanh Lâm (nay là xã An Châu huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Quốc tử giám Tế tửu.

14. Nguyễn Đăng Giai (1697-?) người xã Hương Triện huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông là ông nội của Nguyễn Đăng Sở, làm quan Hàn lâm Đãi chế.

15. Đặng Công Mậu (1688-1765) người xã La Nội huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hộ, tước Uông Đình bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư.

16. Từ Trọng Đĩnh (1689-?) người xã Phương Quế huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Liên Phương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông là em của Từ Bá Cơ, làm quan Giám sát Ngự sử.

17. Ngô Đình Chất (1686-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông là em của Ngô Đình Thạc và giữ các chức quan như: Đô Ngự sử, Bồi tụng kiêm Tán lý, Thượng thư Bộ Binh, tước Nhuệ Xuyên hầu. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Ngô Đình Oánh.

18. Vũ Nhân Chiêu (1688-?) người xã Minh Lễ huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chỉ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công, tước bá. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Vũ Nhân Trứ.

19. Trần Đình Thu (1692-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên), trú quán phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh. Sau khi mất, ông được tặng chức Tham chính.

20. Nguyễn Huy Mãn (1688-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh.

21. Trịnh Ngô Dụng (1684-1746) người xã Vân Chùy huyện Hiệp Hòa (nay thuộc xã Thanh Vân huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông giữ các chức quan, như Huấn đạo, Tả Thị lang Bộ Lại, Tham tụng, tước Lại Đình hầu, được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Binh, tước Quận công.

22. Trịnh Đồng Giai (1697-?) người xã Ngọc Hoạch huyện Yên Định (nay thuộc xã Định Tăng huyện Thiệu Yên tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế.

23. Nguyễn Ngọc Huyễn (1685-1744) người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức, quan như Tham nghị, Đốc trấn Cao Bằng, Hữu Thị lang Bộ Hộ, Bồi tụng, Tham tụng, Đô Ngự sử, tước Thái Lĩnh hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công.

24. Vũ Kiều (1695-?) người xã Ngọ Dương huyện Kim Thành (nay thuộc xã An Hoà huyện An Hải Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Thừa chính sứ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hình.

25. Nguyễn Công Hoàn (1690-?) người xã Du Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế.

26. Hồ Sĩ Tân (1691-1760) hiệu là Thọ Mai , người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông giữ chức quan, như Huấn đạo, Hàn lâm Đãi chế.

27. Nguyễn Xuân Vịnh (1680-?) người xã Yên Phú huyện Đường Hào (nay thuộc xã Giai Phạm huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiến sát sứ.

28. Nguyễn Viêm (1689-?) người xã Mỹ Xá huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Hiệp huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.

29. Đỗ Hy Thiều (1693-?) người xã Văn Trưng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.

0