Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (1715)
Mừng nay Thánh thiên tử thuận trời vâng mệnh tiếp chiếu phương Nam, từ khi lâm ngự đến nay trải đã 11 năm. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] giúp sức một lòng, trăm việc sửa sang. Đầu xuân năm Ất Mùi, Bộ Lễ chiếu theo điển lệ mở khoa thi Hội cho các cống sĩ ...
Mừng nay Thánh thiên tử thuận trời vâng mệnh tiếp chiếu phương Nam, từ khi lâm ngự đến nay trải đã 11 năm. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] giúp sức một lòng, trăm việc sửa sang.
Đầu xuân năm Ất Mùi, Bộ Lễ chiếu theo điển lệ mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Bèn sai Trung quân Đô đốc phủ Đô đốc Trạc Quận công Trịnh Thực làm Đề điệu, Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Thọ Lâm bá Nguyễn Đăng Liên làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lễ bộ Hữu Thị lang Phạm Công Trạch, Bồi tụng Hình bộ Hữu Thị lang Nguyễn Đương Hồ làm Giám thí cùng trăm quan hữu ty chia giữ các việc.
Ngày mồng 10 tháng 3 vào trường nhất. Bấy giờ số dự thi đông đến hơn 2.500 người. Vào đến trường bốn, chọn hạng xuất sắc được 20 người. Hữu ty ghi tên dâng lên. Bèn cho lính đưa voi tới cửa trường chở bảng mực nhạt ra treo ở đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng. Sĩ tử bốn phương kéo đến xem như mây tụ, tiếng hô reo như sấm dậy đất bằng, đều ngợi khen khoa thi Tiến sĩ này lại được nhiều người giỏi.
Qua ngày 11 tháng 6 vào Điện thí. Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi về điều cốt yếu của đạo trị nước.
Ngày hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp. Ban cho Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Quý Ân 2 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; bọn Phùng Bá Kỳ 18 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa xướng tên người đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Quốc học. Kế đó lại ban áo mũ phẩm phục để được hiển vinh, ban yến Quỳnh hoa bạc để tỏ lòng sủng ái, ơn lớn đãi ngộ xem chừng chẳng khác gì thời trước. Nay lại cho khắc đá đề danh, theo đúng như quy chế cũ, không sớm không muộn, cho khắc bia đúng lúc, đúng là cuộc tao ngộ đầy vinh hạnh.
Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết vui mừng, không dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Phàm cây cối tốt tươi là vì nơi đó có ngọc, nước suối trong mát là vì ở đó có châu. Thế đạo nước nhà thịnh sáng, cơ đồ vững chắc là vì nước có nhiều hiền tài như cây rừng vậy. Nếu không có phương nuôi dưỡng tác thành, không có cách tuyển lựa kén chọn, ưu ái phải tăng mà khuyến khích khen thưởng phải đạo, thì làm sao có thể khiến cho tiếng đức nhà vua hòa tập được lòng người như nhổ gốc cỏ tranh được luôn cả cụm rễ, hiền tài được tuyển dụng đứng chật cả sân triều?
Xem như triều Ngu người hiền năng lớp lớp, nhà Chu thì bậc tài giỏi hàng hàng, cho nên các triều ấy thịnh trị không thể hơn mà đời sau cũng không thể theo kịp được, là có nguyên do như vậy.
Kính nghĩ: Quốc triều nắm giữ vận mệnh, thánh kế thần truyền, quy chế đầy đủ, dùng kẻ sĩ ắt phải từ khoa mục, làm cho nước vững tất phải trọng dụng nhân đức hiền tài, mưu kế hay thì được thi hành mà người dâng mưu thì được ban ơn thưởng trọng hậu. Người tuổi cao đức độ thì ban ơn phúc, ai biết mài vàng giũa ngọc thì quý như đồ báu. Sự tôn hiền dưỡng sĩ thật chu đáo, chẳng kém gì các bậc đế vương xưa. Còn việc khắc đá đề danh để truyền lâu dài thì từ xưa chưa có, nay định thành nếp cho đời sau. Làm như thế là để khích lệ sĩ khí, chấn hưng văn phong, thật đã chẳng hết mức sao!
Than ôi! Hoàng thượng dốc lòng chuộng văn, tôn Nho trọng đạo, xa nối chí người trước. Đặc biệt nghĩ rằng: thiện nhân là giềng mối đất nước, hiền tài là nền tảng quốc gia, quan yếu đến đạo trị nước nên phải tưới tắm vun trồng. Bèn xuống lệnh phàm những khoa thi Tiến sĩ từ trước đến nay chưa có bia thì nay cho dựng, mà khoa này may mắn gặp thời, hân hoan hết mức, so với xưa lại càng gấp bội. Cho nên phải giữ mình trong sạch liêm chính, giữ lòng trong trắng, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa mà giúp chủ, khiến cho thanh danh lừng lẫy, sự nghiệp lỗi lạc, thì người đời sau sẽ chỉ tên mà khen ngợi. Thảng hoặc có người tâm đổi chí dời, lời nói việc làm trái ngược, chỉ nghĩ đến tiền tài quan tước, chỉ mưu đồ toan tính được mất, bên ngoài thì tỏ ra khí khái cương trực mà bên trong thì hèn nhát dua đời, việc làm trái với sở học, mà khi thành đạt thì xa lìa chính đạo, khiến cho danh tiết nhơ bẩn, xú uế sĩ phong. Như thế thì người đời sẽ chỉ tên mà chê cười, công luận nghiêm buốt, ngàn năm sáng rệt, há chẳng đáng thận trọng sao? Ôi! Quy chế khắc bia đặt ra đâu phải chỉ để người đương thời trông vào cho đẹp mắt, mà chính là để gửi gắm khuyên răn đối với hậu thế, sự hữu ích của nó đối với phong hóa thế đạo há phải là nhỏ đâu! Phàm những ai xem bia đều nên hiểu rõ ý nghĩa sâu xa đó.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
BÙI SĨ TIÊM 裴仕暹1 người xã Kinh Lũ huyện Đông Quan.
NGUYỄN QUÝ ÂN 阮貴恩2 người xã Thiên Mỗ huyện Từ Liêm.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 18 người:
PHÙNG BÁ KỲ 馮伯奇3 người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc.
NGUYỄN NHAM 阮巖4người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất.
CAO DƯƠNG TRẠC 高陽濯5 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm.
ĐỖ ĐÌNH THỤY 杜廷瑞6 người xã Yên Lãng huyện Lôi Dương.
DƯƠNG BẬT TRẠC 楊弼擢7 người xã Cổ Lễ huyện Nam Chân.
NGÔ NHÂN HÂN 吳仁昕8 người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN CÔNG THÁI 阮公寀9 người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì.
NGUYỄN TUYỀN 阮泉10 người xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng.
NGUYỄN ĐỨC ÁNH 阮德映11 người xã Phật Tích huyện Tiên Du.
TRẦN ÂN TRIÊM 陳恩霑12 người xã Yên Lâm huyện Yên Định.
LƯƠNG LÂM 梁霖13 người xã Tào Sơn huyện Ngọc Sơn.
LÊ HOÀN VIỆN 黎完瑗14 người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm.
HOÀNG ĐĂNG XUÂN 黃登春15người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc.
ĐINH NGUYÊN HANH 丁元亨16người sở Kim Lan huyện Gia Lâm.
NGUYỄN ĐÌNH QUỸ 阮廷樻17người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.
NGUYỄN PHÙNG THÌ 阮逢時18 người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường.
NGUYỄN KIỀU 阮翹19 người xã Phú Xá huyện Từ Liêm,.
LÊ CẨN 黎瑾20 người xã Nam Hoa Đông huyện Thanh Chương.
Thị nội thư tả thủy binh phiên tướng sĩ lang phó sở sứ, người xã Phú Thị huyện Gia Lâm là Ngô Bảo vâng viết chữ (chân).
Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1. Bùi Sĩ Tiêm: Xem chú thích 3, Bài số 40.
2. Nguyễn Quý Ân: Xem chú thích 4, Bài số 41.
3. Phùng Bá Kỳ (1694-?) người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Minh Tân huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế.
4. Nguyễn Nham: Xem chú thích 1, Bia số 43.
5. Cao Dương Trạc (1681-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Bồi tụng Thượng thư Bộ Hộ, Đốc đồng Nghệ An, tước Lâm Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu phó. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Cao Huy Trạc.
6. Đỗ Đình Thụy (1680-?) người xã An Lãng huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.
7. Dương Bật Trạc: Xem chú thích 1, Bài số 42.
8. Ngô Nhân Hân (1685-?) người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Cấp sự trung, Đốc thị Nghệ An.
9. Nguyễn Công Thái (1684-1758) người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là cha của Nguyễn Huy Túc và giữ các chức quan, như Tế tửu Quốc tử giám, Tham tụng Thượng thư Bộ Lại, phong công thần, tước Kiều Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo.
10. Nguyễn Tuyền (1694-?) người xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Hiệu thư.
11. Nguyễn ĐứcÁnh (1675-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Nguyễn Đức Vĩ, ông nội Nguyễn Quýnh. Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước hầu.
12. Trần Ân Triêm (1673-?) người xã Yên Lâm huyện Yên Định (nay thuộc xã Định Tăng huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa). Ông trước thi đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Hàn lâm Thừa chỉ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.
13. Lương Lâm (1689-?) người xã Tào Sơn huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
14. Lê Hoàn Viện (1689-?) người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm (nay là xã Bát Tràng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là anh của Lê Hoàn Hạo và làm quan Thừa chính sứ Sơn Tây.
15. Hoàng Đăng Xuân (1678-?) người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc (nay thuộc xã Đại Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chính sứ. Sau khi mất, Ông được tặng chức Tả Thị lang.
16. Đinh Nguyên Hanh (1683-?) người sở Kim Lan huyện Gia Lâm (nay là xã Kim Lan huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Binh, tước Lan Đình hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
17. Nguyễn Đình Quỹ (1684-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiến sát sứ.
18. Nguyễn Phùng Thì (1685-1754) người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông là cha của Nguyễn Bá Quýnh và làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước Lâm Xuyên bá.
19. Nguyễn Kiều: Xem chú thích 1, Bài số 44.
20. Lê Cẩn (1668-?) người xã Nam Hoa Đông huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Hoành huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.