Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 21 (1760)
Mừng nay hoàng đồ bền vững, văn vận hanh thông. Kính vâng Hoàng thượng bệ hạ, thể trời mệnh lớn yên vững. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] noi đức nhà Ngu xây đắp móng nền, theo lễ nhà Chu sửa sang pháp độ. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ ...
Mừng nay hoàng đồ bền vững, văn vận hanh thông.
Kính vâng Hoàng thượng bệ hạ, thể trời mệnh lớn yên vững. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] noi đức nhà Ngu xây đắp móng nền, theo lễ nhà Chu sửa sang pháp độ. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm Chưởng chính cơ, Thái uý Tĩnh quốc công]1tổng quản quyền chính, lo việc cầu tìm hiền tài. Mùa xuân tháng 2 năm Canh Thìn chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Sai Phó Đô tướng hậu trung quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc thiêm sự Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư hành Lại bộ sự kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Nghĩa Phương hầu Nguyễn Vĩ làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Du Nhạc hầu Trần Danh Lâm, Sơn Nam xứ tán trị Thừa chính sứ ty Thừa chính sứ Viên Lĩnh hầu Đào Xuân Lan làm Giám thí.
Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Nguyễn Huy Cẩn 5 người. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Ngô Trần Thực đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:
NGÔ TRẦN THỰC 吳陳植2 người xã Bách Tính huyện Nam Chân, trú quán xã Phật Tích huyện Tiên Du, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.
NGUYỄN KHẢN 阮侃3 người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Viên ngoại lang Bộ Lại.
TẠ ĐĂNG ĐẠO 謝登燾4 người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng, Kiêm tri Tri phủ.
ĐÀO DUY DOÃN 陶惟允5 người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.
NGUYỄN HUY CẨN 阮輝瑾6 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.
Bia dựng tháng 2 mùa xuân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) Hoàng Lê.
Chánh Tiến sĩ khoa Tân Hợi Nhập thị Tham tụng Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm7vâng sắc soạn.
Chú thích:
1. Tước phong của Trịnh Sâm năm 1758.
2. Ngô Trần Thực (1722-?) người xã Bách Tính huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), trú quán xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Thự Tri phủ, sau làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Thiên đô ngự sử.
3. Nguyễn Khản (1734-?) người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Nguyễn Nghiễm, anh Nguyễn Du và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Học sĩ, Đại học sĩ, Tả tư giảng, Hữu Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Bồi tụng, tước Kiều Nhạc hầu; thăng Đại tư đồ, Bồi tụng, Đô đốc, tước Hồng Lĩnh hầu; lại thăng Tham tụng kiêm Trấn thủ trấn Sơn Tây và Hưng Hoá, Thượng thư Bộ Lại, tước Toản Quận công kiêm Trấn thủ Sơn Tây; sau lại thăng Tham tụng. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái tử, Thái bảo, tên thụy là Hoàn Mẫn. Sau khi đỗ, ông được vua ban tên là Lệ và có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Lệ.
4. Tạ Đăng Đạo (1731-?) người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông là cháu nội Tạ Đăng Vọng, con của Tạ Đăng Huân và làm quan Lễ khoa Cấp sự trung.
5. Đào Duy Doãn (1726-?) người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Chương Dương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.
6. Nguyễn Huy Cẩn (1729-1790) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cháu Nguyễn Huy Nhuận, con của Nguyễn Huy Dận. Trước khi đi thi ông từng làm Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ. Sau khi thi đỗ, ông cáo từ không ra làm quan. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Huy Cận.
7. Nguyễn Nghiễm: Xem chú thích 5, Bia số 65.