Vài nét giới thiệu về lý thuyết cấu trúc thông tin
(ĐHVH)- Cấu trúc thông tin ( information structure ) thường được hiểu như một mức độ khác để miêu tả cấu trúc câu. Cấu trúc thông tin thường không tính đến cấu trúc cú pháp và đây là lí do chính để mức độ mô tả này được đưa ra vào nửa cuối thế kỷ 19. Cấu trúc thông tin có nhiều tên gọi ...
1. Những thuyết/ mô hình đầu tiên
1.1. Mô hình tâm lí ban đầu
Vấn đề cấu trúc thông tin của câu được quan tâm nghiên cứu từ nửa cuối thế kỷ XIX với công đầu thuộc về hai nhà nghiên cứu Von der Gabelentz và Paul Herman. Gabelentz (1869) so sánh trình tự ý nghĩ với trình tự các biểu ngữ ngôn ngữ trong một câu và phân biệt hai mức độ kết cấu: mức độ ngữ pháp (grammar) và mức độ tâm lí (psychology), từ đó đưa ra thuật ngữ chủ ngữ tâm lí (psychological subject) và vị ngữ tâm lí (psychological predicate) (Gabelentz định nghĩa chủ ngữ tâm lí là cái mà người nghe nên nghĩ (that about which the hearer should think) và vị ngữ tâm lí là cái điều mà người nghe nên nghĩ về (that what he should think about)). Tiếp theo Gabelentz, Paul Herman (1880) định nghĩa câu như là biểu ngữ ngôn ngữ nối một số khái niệm (thuộc tâm lí) hoặc một nhóm khái niệm trong trí óc của người nói. Ông cho rằng mỗi câu gồm ít nhất hai thành tố, không bằng nhau và khác nhau về chức năng: chủ ngữ (subject) và vị ngữ (predicate). Những phạm trù này dựa trên mối quan hệ về tâm lí. Ông cũng quan tâm đến mối tương quan giữa ngữ pháp và tâm lí và nhấn mạnh rằng cần phải phân biệt chủ ngữ tâm lí - vị ngữ tâm lí với chủ ngữ ngữ pháp - vị ngữ ngữ pháp vì chúng không luôn đồng nhất với nhau. Ông chỉ ra những mặt chính của cấu trúc câu như: (i) Những quy tắc tâm lí cơ bản của ngôn ngữ học; (ii) Sự phân chia câu thành hai thành phần; (iii) Câu hỏi trắc nghiệm như là tiêu chuẩn cho ngữ nghĩa; (iv) Cấu trúc nghĩa có thể ảnh hưởng tới một thành tố nghĩa của một từ; (v) Mối quan hệ giữa cấu trúc nghĩa và ngữ điệu; (vi) Sự bẻ nghĩa (the thematic progression); (vii) Xem xét các thành tố trung tính trong tương quan với cấu trúc nghĩa; (viii) Điểm neo diễn ngôn của ngữ nghĩa (the discourse anchoring of thematicity). Việc chỉ ra những mặt chính của cấu trúc của Paul Herman cho thấy ông đã phân biệt được cấu trúc tâm lí và cấu trúc ngữ pháp, nhận ra được phần lớn những mặt tương quan của cấu trúc thông tin.
Một thuyết quan trọng trong Tâm lý học có ảnh hưởng nhất định đến việc nghiên cứu cấu trúc thông tin là thuyết Gestalt (cấu trúc hình thức). Thuyết này được đưa ra bới Christian von Ehrenfels năm1886 và được phát triển chủ yếu bởi Maxwerthermer (thuộc trường phái Berlin) hồi đầu thế kỷ 20. Theo đó, sự nhận thức là cả một cấu trúc hình thức chứ không phải là được cấu tạo từ những đơn vị nhỏ hơn. Sự nhận thức cấu trúc hình thức bao gồm hai phần khác nhau: hình ảnh (figure) và nền tảng (ground). Hình ảnh chỉ được xác định khi có nền tảng, cái làm cơ sở cho nhiều ví dụ về ảo thị (hình ảnh ảo giác). Ví dụ ở (a), khi mà cùng một yếu tố (đường thẳng) sẽ được lĩnh hội khác nhau phụ thuộc vào nền tảng nhìn và ở (b), cùng một yếu tố được hiểu thành hình ảnh và nền tảng khác nhau, cho phép hai cách tưởng tượng khác nhau. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy hoặc là cái ly hoặc hai khuôn mặt nhưng không thể nhìn thấy cả hai cùng một lúc.
Một luận điểm nữa trong thuyết Gestalt là mỗi quan hệ trực tiếp giữa tác nhân và nhận thức. Mặc dù thuyết Gestalt chỉ tập trung về hình ảnh, nó cũng được sử dụng để giải thích cho những kênh nhận thức khác, ví dụ như việc nói năng (speech). Vì thế, quan niệm về hai mặt đối lập của câu không chỉ là kiến thức hỗ trợ cho trường phái tâm lý này mà quan niệm này còn tiếp nhận thuật ngữ hình ảnh và nền tảng từ nó. Phần hình ảnh chính là phần chính hoặc phần nổi bật, trong khi phần nền tảng thể hiện ngữ liệu ít thông tin, hoặc đã được đưa ra của câu. Quan niệm về mối tương quan trực tiếp giữa tác nhân và chức năng được thể hiện qua mối tương quan trực tiếp giữa phần nổi bật của ngữ âm và phần nổi bật của giao tiếp.
Sau này thuyết về giao tiếp và thông tin đã thay thế cho tâm lý như là nền tảng cơ sở cho nghiên cứu ngôn ngữ. Tuy nhiên, hai mặt đối lập hình ảnh và nền tảng được sử dụng, và ý tưởng và việc làm nổi bật, và mối quan hệ trực tiếp giữa ngữ điệu chủ đạo của một biểu thức ngôn ngữ và nội dung thông tin của nó cũng được sử dụng. Hirst & Di Cristo (1998) đã tổng kết các trường phái và đưa ra một mối liên hệ với trường phái Prague.
1.2. Mô hình giao tiếp
Sang đầu thế kỷ 20, vấn đề chức năng giao tiếp của ngôn ngữ được quan tâm chú ý nhiều hơn (nhất là từ khi công trình “ Ngôn ngữ học đại cương” của Ferdinand de Saussure ra đời năm 1916).
Một trong những người có đóng góp mới là Ammann. Ammann (1928) khẳng định câu là một thông điệp và với tư cách là một thông điệp nó cũng gồm hai phần, gần tương ứng với cấu trúc câu. Để phân biệt cấu trúc ngữ pháp của câu, cấu trúc tâm lí của khái niệm, Ammann đưa ra cặp thuật ngữ mới cho hai phần của cấu trúc bản thể của thông điệp được truyền tải bởi câu là ĐỀ và THUYẾT (thuyết mượn từ ngữ pháp Hy Lạp cổ, lúc đó chỉ động từ - tương quan với ONOMA chỉ chủ ngữ).
Ammann và những nhà nghiên cứu khác thừa nhận rằng câu không chỉ được thiết lập trên cấu trúc ngữ pháp mà còn dựa trên những nguyên tắc khác. Tuy nhiên, họ không chỉ ra được là mức độ này nằm trọn trong lí thuyết ngôn ngữ học (có thể một trong những lí do là lúc đó Ngữ nghĩa học chưa được xây dựng như một chuyên ngành trong ngôn ngữ học). Thay vì đó, họ gắn nó với những ngành khác như tâm lí học và thuyết thông tin.
Những trình bày trên đây được xác định như là những mô hình đầu tiên về cấu trúc thông tin. Nó ý nghĩa như những nền móng ban đầu để các nhà ngôn ngữ học của thế kỷ 20 xây dựng lên những diện mạo mới cho một lí thuyết có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh dấu sự phát triển của ngành ngôn ngữ học thế kỷ 20. Phần tiếp sau đây, xin giới thiệu một số thuyết tiêu biểu của một số trường phái, nhà nghiên cứu về cấu trúc thông tin thế kỷ 20.
2. Một số thuyết tiêu biểu về cấu trúc thông tin ở thế kỉ 20
Sang thế kỷ 20, vấn đề cấu trúc thông tin của câu thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra cấu trúc thông tin của một câu gồm hai thành phần: một thành phần có tính cung cấp thông tin nhiều hơn (more informative) và một phần có tính cung cấp thông tin ít hơn (less informative). Sự đối lập này thường được đánh dấu bằng trật tự từ hoặc ngữ điệu (phần mang nhiều thông tin thường đi sau phần mang ít thông tin hơn, phần mang âm tiết chủ đạo, trọng âm chính sẽ tương ứng với phần mang nhiều thông tin hơn, trong khi phần còn lại sẽ mang ít thông tin hơn). Và như đã trình bày, hơn một trăm năm qua, đã có rất nhiều thuật ngữ được dùng để mô tả hai mặt đối lập này. Dù có khác nhau về cách sử dụng các thuật ngữ thì nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thông nhất tiêu chuẩn cho sự phân chia là sự đối lập về độ thông tin . Tuy nhiên, sự đánh giá độ thông tin lại có ít nhất hai bình diện để xét là : bình diện ngữ cảnh câu và bình diện ngữ cảnh văn bản. Và sự khác nhau của các trường phái, các quan điểm nghiên cứu chính ở chỗ có xem xét cấu trúc thông tin của câu ở cả hai bình diện đó hay không. Dưới đây là một số thuyết tiêu biểu về cấu trúc thông tin có sự khác biệt đó.
2.1.Trường phái Prague
Trường phái ngôn ngữ Prague (1926-1953) mà đại diện là Vilém Mathesius, R.Jacobson, N.Trubetskoy và các nhà ngôn ngữ nổi tiếng khác, là một nhánh của dòng nghiên cứu về Ngữ pháp chức năng (functional structuralism). Trong khi nhánh của Mỹ (nhóm các nhà miêu tả Mỹ-American descriptivism) chú trọng vào mặt hình thức của cấu trúc ngôn ngữ, nhánh Đan Mạch (nhóm Ngữ vị học Copenhagen - Copenhagen glossematics) chú trọng vào mặt ngữ nghĩa, thì trường phái Prague chủ yếu nghiên cứu mặt chức năng, tức là ngữ pháp có chức năng gì trong chính hoạt động giao tiếp. Đặc điểm nổi bật nhất của của trường phái Prague là phương pháp dùng ngữ pháp chức năng. Quan điểm của họ là “phải làm rõ cách thức đưa câu vào cái ngữ cảnh sự vật làm cơ sở cho câu xuất hiện” (Dt. Diệp Quang Ban, 1989:26). Với họ, ngôn ngữ được hiểu như một công cụ để giao tiếp và cấu trúc thông tin là quan trọng với cả hệ thống ngôn ngữ lẫn quá trình giao tiếp.
Từ những quan điểm mang tính chất đường hướng như vậy, các nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái Prague đề cập đến vấn đề phân đoạn thực tại của câu. Tiêu biểu nhất phải kể đến Mathesius. Ông là người đầu tiên ở thế kỷ 20 đặt lại vấn đề phân đoạn thực tại qua việc đề cập lại sự phân biệt giữa chủ ngữ ngữ pháp - vị ngữ ngữ pháp và cách tổ chức thông tin trong một câu. Theo ông, “các yếu tố cơ bản của phân đoạn thực tại là: điểm xuất phát/ hay là cơ sở của câu nói và hạt nhân của câu nói. Điểm xuất phát được hiểu là cái đã được biết trong tình huống đó hoặc chí ít cũng có thể dễ dàng hiểu ra và người nói lấy nó làm điểm xuất phát. Hạt nhân của câu là cái mà người nói thông báo về điểm xuất phát của câu nói” (Dt. Diệp Quang Ban, 1989: 26).
Trong các tác phẩm công bố năm 1939, 1941, Mathesius tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và đưa ra ý tưởng rằng cần phân biệt giữa việc phân tích về mặt hình thức của một câu (formal anylysis of a sentence) (chủ ngữ và vị ngữ - tức là mặt tĩnh) và việc phân tích về mặt chức năng của một câu (functional anylysis of a sentence) (“cái gì đang được đề cập đến” và “những điều gì được nói về nó” - mặt năng động, thay đổi ở từng hành động giao tiếp). “Cái gì đang được đề cập đến” gọi là ĐỀ (điểm xuất phát), và “những điều gì được nói về nó” là THUYẾT (hạt nhân/trung tâm/cốt lõi của thông báo). Điểm xuất phát (đề) thường là cái gì đã được biết hoặc có thể suy ra được từ ngữ cảnh tình huống. Cốt lõi của thông báo (THUYẾT) thường là cái gì mới hoặc chưa được biết vào thời điểm của giao tiếp. Phương thức tự nhiên là tiến từ thông tin đã biết đến thông tin chưa được biết, vì thế trật tự tuyến tính ĐỀ -THUYẾT là phương thức tự nhiên của việc phát triển diễn ngôn.
Mathesius coi trật tự ĐỀ - THUYẾT là mang tính khách quan (theo thông thường, không đánh dấu) và trật tự THUYẾT- ĐỀ là mang tính chủ quan (mang tính cảm xúc, được đánh dấu). Ông tập trung chủ yếu vào trật tự từ trong câu và trọng âm câu (hoặc sự nhấn giọng). Ông nói rằng tiếng Anh ít độ nhạy với trật tự ĐỀ - THUYẾT hơn tiếng Séc vì trật tự từ tương đối cố định của nó. Ví dụ :
Tiếng Séc:V dálce zaštekal pes. (theme-rheme – unmarked) (đề - thuyết – không đánh dấu)
Tiếng Anh: A dog barked in the distance. (rheme-theme – marked??) (thuyết-đề - đánh dấu??)
Tiếng Séc: Karel včera letel do Prahy. (theme-rheme – unmarked) (đề - thuyết – không đánh dấu)
Tiếng Anh: Charlie flew to Prague yesterday. (theme-rheme-theme – marked?, unmarked?) (đề - thuyết - đề - đánh dấu)
Quan điểm của Mathesius sau này được rất nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới hưởng ứng (Firbas (1964), Halliday (1967), Dahl (1969) …). Những năm 50, J. Firbas bắt đầu nghiên cứu ý tưởng của Mathesius về việc tiếng Anh ít độ nhạy với trật tự đề-thuyết hơn tiếng Séc, vì từ việc có câu trả lời phủ định cho vấn đề này, ông phát triển thuyết của riêng mình. Là một người Anh, ông viết phần lớn các tác phẩm của mình bằng tiếng Anh nhưng việc không thể dịch theo nghĩa đen cụm từ aktuální členění sang tiếng Anh đã buộc ông đưa ra một thuật ngữ mới cho hiện tượng này - Phối Cảnh Chức Năng Câu - Functional Sentence Perspective (FSP).
Tiền đề trong thuyết của Firbas (1992) như sau:
Mỗi một yếu tố truyền tải nghĩa sẽ đẩy giao tiếp về phía trước và là cái chuyên chở động lực giao tiếp. Mức độ năng động trong giao tiếp (dgree of dynamic comunication) là mức độ liên quan của sự quan trọng trong giao tiếp của các yếu tố đóng góp cho sự phát triển của giao tiếp. Mức độ năng động trong giao tiếp được quyết định bởi sự tương tác giữa các nhân tố của phối cảnh chức năng tại chính thời điểm giao tiếp.
Thay vì sự phân chia thành hai phần đơn giản ĐỀ - THUYẾT, Firbas đưa ra sự phân chia thành ba phần : ĐỀ - CHUYỂN TIẾP - THUYẾT (theme-transition-rheme), và sự đa phân chia trong phối cảnh chức năng như mô tả sau:
ĐỀ (theme) |
PHI ĐỀ (non - theme) |
|
ĐỀ (theme) |
CHUYỂN TIẾP (transition) |
THUYẾT (rheme) |
Firbas đưa ra kết luận rằng bên cạnh trật tự từ và bên cạnh ngữ cảnh cùng ngữ điệu, có một nhân tố khác - ngữ nghĩa – đóng vai trò quan trọng trong phối cảnh chức năng. Firbas đưa ra bốn nhân tố sau của phối cảnh chức năng câu:
tuyến tính |
(trật tự từ) |
ngữ nghĩa |
(cấp độ năng động ngữ nghĩa) |
ngữ cảnh |
(thuộc ngôn ngữ, thuộc tình huống, thuộc kinh nghiệm) |
ngữ điệu |
(đặc điểm ngôn điệu, ngắt nhịp..) |
Chính sự tương tác của 4 nhân tố này quyết định đến mức độ năng động trong giao tiếp của các yếu tố riêng lẻ và cuối cùng quyết định đến tính chất đề, chuyển tiếp, thuyết. Trong giao tiếp, các nhân tố trên đều có mặt (3 nhân tố đầu trong giao tiếp viết, và cả 4 trong nói) vì thế người sử dụng ngôn ngữ tận dụng tất cả các yếu tố đó khi cần thiết.
Quan điểm của Firbas về sau được tiếp tục phát triển với những tên gọi như: mức độ/biên độ về thông tin quen thuộc (Scale of Familiarity) của Prince (1981); cấp bậc về thông tin được đưa ra (Giveness Hierarchy) của Gundel & Hedberg & Zacharski (1993) hoặc những mức độ đánh dấu về thông tin hồi chiếu (Accessibility Marking Scale)) của Ariel (1990)).
Như vậy, có thể nói đóng góp quan trọng nhất của các nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái Prague chính là việc là những người đầu tiên đưa ra sự phân biệt rõ ràng cấu trúc cú pháp (chủ ngữ - vị ngữ) và cấu trúc ĐỀ - THUYẾT (cũng gọi là CHỦ ĐỀ - CHÚ GIẢI) của câu. Họ cũng chỉ ra được sự tương quan giữa ĐỀ với CŨ/CHO SẴN và THUYẾT với MỚI nhưng chưa xem xét đến sự đối lập về độ thông tin ở ngữ cảnh văn bản nên chưa chỉ ra được sự tồn tại độc lập của cấu trúc CHO SẴN - MỚI với cấu trúc ĐỀ - THUYẾT.
2.2. M.A.K. Halliday
Đóng góp lớn nhất của Halliday chính là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ đơn vị thông tin (information unit) và chỉ ra mức độ độc lập riêng cho cấu trúc thông tin .
Mối quan tâm đầu tiên của Halliday là miêu tả cấu trúc ngôn điệu trong tiếng Anh. Thực tế nghiên cứu cho thấy sự phân đoạn ngôn điệu không phải lúc nào cũng tương ứng với các cấu trúc thành tố nên ông đã đưa ra một mức độ cấu trúc riêng biệt tương quan với sự phân đoạn này. Cụ thể : Một phát ngôn được chia ra thành nhiều nhóm ngôn điệu khác nhau. Những phân đoạn này thể hiện cấu trúc bên trong. Halliday cho rằng có hai mặt cấu trúc của cấu trúc thông tin: (1) sự phân chia đơn vị thông tin trong một diễn ngôn và (2) cấu trúc bên trong của mối đơn vị thông tin. Ông gọi mặt đầu tiên là CẤU TRÚC ĐỀ (THEMATIC STRUCTURE) mặt thứ hai được giải quyết với tên gọi CÁI ĐÃ ĐƯỢC ĐƯA RA (GIVENESS). Cấu trúc ĐỀ xác định trật tự tuyến tính của các đơn vị thông tin, giống quan điểm của trường phái Prague về ĐỀ - THUYẾT (hoặc CHỦ ĐỀ - CHÚ GIẢI/ CHỦ ĐỀ - TIÊU ĐIỂM). ĐỀ chỉ đơn vị thông tin tạo thành thành phần mà phát ngôn đề cập đến, trong khi đó THUYẾT chỉ những điều được nói về ĐỀ. Halliday cho rằng ĐỀ luôn đứng trước THUYẾT. Do đó ĐỀ - THUYẾT liên quan mật thiết đến trật tự từ (ĐỀ là vấn đề đang được nói đến, là điểm xuất phát của cú như là một thông điệp, và người nói ở một mức độ nào đó đã có sự lựa chọn cho những thành phần trong cú để làm điểm xuất phát cho đề). Mặt thứ hai chỉ cấu trúc bên trong của một đơn vị thông tin, nơi mà các thành tố được đánh dấu dựa vào điểm neo diễn ngôn (discourse anchoring) của chúng. Halliday (1967): “Cùng lúc đó thì đơn vị thông tin cũng là một điểm xuất phát tiếp theo cho sự lựa chọn về tình trạng của các thành tố trong nó: lựa chọn tiêu điểm thông tin để chỉ ra thông tin mới nào đang được đưa ra” (Dt. Klaus von Heusinger ). Halliday gọi trung tâm mang tính thông tin của đơn vị thông tin là tiêu điểm thông tin (information focus). Tiêu điểm thông tin chứa thông tin mới chưa có trong diễn ngôn. Phần còn lại của của đơn vị thông tin là thông tin đã được đưa ra (given), chính là thông tin đã có trong diễn ngôn, hoặc trong kiến thức chung của những đối ngôn.
Trong quá trình nghiên cứu đến dòng chảy diến ngôn, đến ngữ cảnh văn bản, Halliday một lần nữa chỉ ra sự tồn tại song song của hai hệ thống - cấu trúc: ĐỀ - THUYẾT và CHO SẴN - MỚI
Halliday cho rằng các thành tố văn bản thuộc về ngữ pháp là cơ sở để tạo ra diễn ngôn và sự nối kết trong các văn bản (nối kết trong chính nội tại và nối kết với ngữ cảnh tình huống của nó). Những cơ sở này thuộc hai loại: (1) Cấu trúc; (2) dính kết (cohesive). Cụ thể :
+ Ngữ pháp cấu tạo các đơn vị cấu trúc lên đến mệnh đề phức (đơn vị ngữ pháp dưới câu trong tiếng Anh) và ngữ pháp dừng lại ở đây.
+ Với đơn vị lớn hơn mệnh đề phức, ngữ pháp cung cấp một nền tảng khác, không thuộc cấu trúc, để điều chỉnh dòng chảy của diễn ngôn nhằm tạo ra mối liên hệ ngữ nghĩa giữa các câu với nhau (hay nói cách khách là mối liên hệ ngữ nghĩa với cơ chế gíông nhau nối kết các thành phần trong câu và giữa các câu với nhau)- (đây chính là vấn đề liên kết và mạch lạc – ĐTL).
+ Còn với đơn vị dưới mệnh đề phức, ngữ pháp điều chỉnh dòng chảy diễn ngôn thông qua các phương tiện cấu trúc và ở đây có hai hệ thống liên quan đến nhau cùng hoạt động. Đó là hệ thống ĐỀ (the Theme system) và hệ thống THÔNG TIN (the Information system). Hệ thống ĐỀ, cấu tạo cú dưới dạng một thông điệp, bao gồm : ĐỀ và THUYẾT. Hệ thống THÔNG TIN không thuộc cú mà thuộc một đơn vị ngữ pháp khác biệt – đơn vị thông tin. Đơn vị thông tin là đơn vị song song với cú và các đơn vị khác cùng cấp độ với cú (cụm , từ, hình vị) nên nó đa dạng về mức độ như cú (có thể là lớn hơn một cú hoặc nhỏ hơn một cú).
Trong những thảo luận sâu hơn, Haliday tiếp tục khẳng định: có một mối liên hệ nghĩa rất gần giữa hệ thống THÔNG TIN và hệ thống ĐỀ - giữa cấu trúc của đơn vị thông tin (CHO SẴN - MỚI) và cấu trúc ĐỀ.
“Tuy nhiên CHO SẴN + MỚI và ĐỀ +THUYẾT không phải là một. Đề là cái người nói chọn như là điểm xuất phát. Còn CHO SẴN là cái người nghe... ĐỀ - THUYẾT hướng tới người nói, trong khi CHO SẴN - MỚI hướng tới người nghe. Nhưng cả hai đều được lựa chọn bởi người nói. Chính là người nói cấu thành hai cấu trúc, ghép cái này vào cái kia để có được một tổ hợp kết cấu cho dễn ngôn và qua đó gắn nó với môi trường của nó.
Như vậy, xem xét vấn đề ở nhiều phương diện, Halliday đã luận giải một cách thuyết phục về sự tồn tại độc lập của một đơn vị (đơn vị thông tin) và tương ứng với nó là cấu trúc CHO SẴN - MỚI. Đây là điều mà trước đó, các đại diện của trường phái Prague chưa làm được. Ở đây, có lẽ cần giới thiệu cụ thể hơn đôi chút về các thuật ngữ CHO SẴN và MỚI của Halliday:
M.A.K. Halliday (2004) mô tả thông tin CHO SẴN và thông tin MỚI dưới góc độ dự tính của người nói (vốn có thể được hiểu hơi hẹp). Ông cho rằng phần thông tin cho sẵn là “thông tin được người nói thể hiện như là có thể phục hồi được (…) nó đã được nói đến trước đó”; “nó có thể là một cái gì đó không hoàn toàn ở quanh đó mà là một cái gì đó người nói muốn thể hiện như là thông tin cũ để phục vụ cho mục đích tu từ; ý nghĩa ở đây là: nó không phải là thông tin mới”. Và “thông tin được người nói thể hiện như là không thể phục hồi được là thông tin mới (…) có thể là một cái gì đó chưa được nói đến trước đó nhưng cũng có thể là một cái gì đó ngoài dự kiến, cho dù trước đó có được nói đến hay không; ý nghĩa của nó là : quan tâm đến thông tin này, nó là thông tin mới” (Halliday, 2004). Halliday cũng cho rằng: “trong hình thức lí tưởng, mỗi đơn vị thông tin bao gồm một thành phần thông tin CHO SẴN được kèm theo bằng một thành phần thông tin MỚI. Tất nhiên là không phải trong trường hợp nào đơn vị thông tin chúng ta đang xét cũng có cấu trúc lí tưởng như vậy nên Halliday tiếp tục khẳng định: “một đơn vị thông tin bao gồm một thành phần thông tin mới bắt buộc và một thành phần thông tin cũ tuỳ thuộc” (2004:)
2.3. Von Vallduvís
Vallduví là người tiếp tục phát triển ý tưởng đóng gói thông tin (information packaging) của Wallace Chafe.
Wallace L.Chafe (1976) mở rộng quan niệm của Halliday về thông tin “mới” và thông tin “cho sẵn” sang mô hình tâm lí về ý thức của người nói và người nghe. Dùng thuật ngữ “đóng gói thông tin”, Chafe (1976) giải thích về thuật ngữ này như sau: “Tôi dùng thuật ngữ đóng gói để chỉ một hiện tượng đưa ra ở đây, là việc nó chủ yếu liên quan đến cách cách mà thông điệp được đưa ra và sau đó mới chính là thông điệp; cũng giống như việc đóng gói một hộp kem đánh răng có thể ảnh hưởng tới sản lượng bán của cái chất lượng kem đánh răng vốn có một phần độc lập bên trong” (Dt. Huesinger,
Nhà nghiên cứu này cho rằng cấu trúc thông tin gồm ba phần (do trộn những mặt quan trọng nhất của cấu trúc đề - thuyết (chủ đề (toppic) – chú giải (comment) và cấu trúc thông tin (tiêu điểm (focus) - nền (background)). Khảo sát ví dụ được đưa ra và phân tích bởi Vallduví :
- What does John drink ? (John uống gì ?)
- John drinks beer. (John uống bia.)
Cấu trúc chủ đề - chú giải và tiêu điểm - nền của câu trả lời được Vallduví phân tích như sau :
chủ đề |
chú giải |
|
John |
drinks |
beer |
nền |
tiêu điểm |
Và dưới đây là đóng gói thông tin (information packaging) theo quan điểm của Vallduví:
nối (link) |
đuôi (tail) |
tiêu điểm (focus) |
John |
drinks |
beer |
Như vậy, có thể sơ đồ hoá cấu trúc thông tin theo quan điểm của Vallduví như sau:
Quan điểm của Vallduvi mở ra một hướng mới trong nghiên cứu về cấu trúc thông tin và người hưởng ứng quan điểm này của Vallduvi gần đây nhất là Hendriks (1999).
Trong khả năng có hạn, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu những nét sơ lược nhất về một trong những vấn đề ngôn ngữ được quan tâm nhiều nhất trong thế kỷ 20 với hy vọng đem đến cho bạn đọc một tài liệu ít nhiều có giá trị tham khảo khi nghiên cứu đến phân đoạn thực tại câu, đến cấu trúc thông tin.
Tài liệu tham khảo :
1. Ales Svoboda (2005), An ABC of Functional Sentence Perspective (nguồn : http:// web.iol.cz/alesvo/vyuka/An_ABC_of_FSP.pdf)
2. Halliday M.A.K.(2004), An introduction to functional grammar (third edition), revised by Christian M.I.M. Matthiessen, Oford University Press Inc, New York
3. Heusinger, K.V. (1999), Intonation and Information structure,
(nguồn : http://elib.uni.stuttgart.de/opus/volltexte/2003/1396/pdf/heusinger.pdf)
4. Traat, M. (2006), Information structure in Discourse Representation
(nguồn : http:// www.era.lib.ed.ac.uk/bitstream/1842/1260/1/Traatthesis.pdf)
5. Halliday, M.A.K. (1998), Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Ấn bản lần thứ hai) (Bản dịch của Hoàng Văn Vân), Nhà xuất bản ĐHQG, H.,2004
6. Diệp Quang Ban (1989), Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và phân đoạn thực tại câu tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 4/1989
7. Nguyễn Hồng Cổn (2001), Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt (trên cứ liệu Việt ngữ), Tạp chí Ngôn ngữ số 5/2001
8. Lý Toàn Thắng (1981), Giới thiệu lí thuyết phân đoạn thực tại câu, Tạp chí Ngôn ngữ số 1/1981
Bài viết: Đoàn
Tiến Lực (Khoa NN &VHQT)
Admin 5
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip