Ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn đề thi trắc nghiệm tiếng Anh
(ĐHVH) - Thi trắc nghiệm là một khái niệm không mới, đã có rất nhiều các nghiên cứu về lĩnh vực này. Hình thức thi trắc nghiệm cũng ngày càng phổ biến. Các kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng cũng đang áp dụng hình thức này. Đặc biệt trọng việc ...
(ĐHVH) - Thi trắc nghiệm là một khái niệm không mới, đã có rất nhiều các nghiên cứu về lĩnh vực này. Hình thức thi trắc nghiệm cũng ngày càng phổ biến. Các kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng cũng đang áp dụng hình thức này. Đặc biệt trọng việc thi tiếng Anh lấy các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOFLE, IETLS hiện nay chủ yếu sử dụng hình thức thi trắc nghiệm. Bài viết này không nhằm mục đích trình bày các ưu điểm của thi trắc nghiệm mà muốn đề cập đến kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn đề thi trắc nghiệm ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
1. Sơ lược về các câu hỏi trắc nghiệm và hình thức thi trắc nghiệm
Ngày nay nếu truy cập vào Internet ta sẽ thấy nhiều quảng cáo mời học, mời thi, thi thử trắc nghiệm của đủ các cơ sở đào tạo khác nhau trong đó thi trắc nghiệm tiếng Anh chiếm phần lớn. Không phải ngẫu nhiên có hiện tượng như vậy, vì cho đến nay tiếng Anh là môn học duy nhất cho phép thử nghiệm tất cả các hình thức câu hỏi trắc nghiệm mà chưa môn học nào đáp ứng được. Đã có bài viết đề cập đến vấn đề này nhưng chưa thật đầy đủ, do đó tác giả muốn bổ sung hoàn chỉnh trong bài này trước khi đi vào xem xét các hình thức thi trắc nghiệm hiện hành. Hiện nay khi nói về câu hỏi trắc nghiệm có các dạng sau:
- Câu hỏi đúng sai
- Câu hỏi lựa chọn một đáp án đúng
- Câu hỏi lựa chọn đa đáp án đúng
- Câu hỏi điền từ vào ô trống
- Câu hỏi so khớp hay còn gọi là câu hỏi nối đuôi
- Câu hỏi sắp xếp thứ tự
- Câu hỏi ngân hàng từ
- Câu hỏi tô địa điểm hay nhấn bản đồ (còn gọi là lựa chọn hình ảnh).
- Câu hỏi tự luận ngắn
Ở đây cần phân biệt dạng câu 2 và câu 3. Câu 3 là câu hỏi dạng một câu hỏi lựa chọn nhưng có từ hai đáp án đúng trở lên. Người trả lời chỉ được ghi nhận là đúng khi chọn tất cả đáp án đúng theo yêu cầu. Câu hỏi dạng 7 “ngân hàng từ” là dạng câu hỏi cho một hình ảnh và một câu hỏi kèm theo, người trả lời phải lựa chọn từ trong số các từ đã cho phù hợp với hình ành. Câu hỏi dạng 8 là câu hỏi cho một bản đồ hay một hình ảnh, kèm theo một câu hỏi, người trả lời phải dùng bút khoanh hay dùng chuột bấm vào vị trí mình muốn trả lời. Các dạng câu hỏi còn có thể khác nhau về độ khó, ví dụ với câu dạng điền từ vào ô trống, độ khó sẽ tăng nên nếu trong cùng một đọan văn số lượng từ tăng. Độ khó còn tăng hơn khi thay vì chọn đáp án có sẵn người thi phải tự ghi đáp án.
Có hai hình thức thi trắc nghiệm phổ biến và các biến thể của nó là thi viết và thi có hỗ trợ của máy tính.
Thi viết là dạng thi như thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi tuyển sinh Cao đẳng và Đại học, thi lấy chứng chỉ TOEIC, TOFLE v.v. Bài thi phát cho sinh viên, người thi làm bài ra phiếu trả lời (answersheet) bằng cách dùng bút tô đen đáp án mình lựa chọn. Quá trình chấm thi có thể thực hiện bằng mẫu đục lỗ hoặc bằng máy. Biến thể chủ yếu của dạng thi này là người thi làm bài trực tiếp vào đề thi và chấm thủ công.
Thi có sự hỗ trợ của máy vi tính có hai biến thể là thi online và thi offline. Online là hình thức thi qua kết nối internet, người thi sau khi đăng ký bắt đầu thực hiện làm bài thi từng câu một, có tính hoặc không tính giờ làm bài. Khi hết thời gian hoặc sau khi người thi kết thúc làm bài máy sẽ chấm điểm và báo cho người thi kết quả đồng thời gửi kết quả đó về một file quản lý. Offline là hình thức thi tương tự như online nhưng bài thi được cài sẵn trên máy dưới dạng một file mềm tự chạy hay một file có sở dữ liệu chạy trên một chương trình nào đó. Khi người thi kích hoạt file này quá trình thi bắt đầu.
2. Sơ lược về một số phần mềm soạn đề thi trắc nghiệm
Có rất nhiều phần mềm soạn đề thi trắc nghiệm khác nhau cả có phí và miễn phí. Mỗi phần mềm đều có những ưu nhược điểm riêng, bài này chỉ điểm qua một số phần mềm thông dụng mà tác giả đã từng nghiên cứu và kiểm nghiệm. Về cơ bản phần mềm trắc nghiệm chia làm 3 loại:
Loại thứ nhất là các phần mềm như Hotpotato, Quizcreator, Ispring quizmaker v.v. những phần mềm này cho phép soạn các dạng câu hỏi khác nhau một cách độc lập sau đó trộn chúng lại thành một đề thi. Sau khi đề thi hoàn thành tùy theo yêu cầu của bài thi người soạn có thể đặt chế độ thi khác nhau như: chọn ngẫu nhiên thứ tự xuất hiện câu hỏi; tự động đảo thứ tự đáp án; cho điểm trừ với các câu trả lời sai; đặt gợi ý và phản hồi sau mỗi câu trả lời; công bố điểm và đáp án. Cuối cùng đề thi này được chuyển hóa qua định dạng có thể công bố trên Internet hoặc tạo một file dưới dạng flash để chạy trên máy tính bất kỳ có cài Flashplayer tương ứng. Các phần mềm này có ưu điểm là dễ sử dụng, giao diện thân thiện, dễ chia sẻ. Loại này có chung một nhược điểm là bài thi sau khi đã đặt chế độ trở thành bài thi cứng chỉ thích hợp cho thi một lần. Vì vậy chỉ các tổ chức lớn có ngân hàng đề thi đa dạng, hay các đơn vị đào tạo sử dụng để làm thành các bài luyện tập cho người luyện thi sử dụng. Mặt khác trong các phần mềm trên chỉ có Hotpotato với 5 loại câu hỏi là miễn phí, còn lại phải mua với giá dao động từ 150-300USD.
Loại thứ hai là các phần mềm như EasyQuiz, Uquiz v.v. dùng để soạn đề thi và tổ chức thi trên máy vi tính. Đặc điểm của các loại phần mềm này là có thể xây dựng một ngân hàng đề thi với số lượng câu hỏi không hạn chế theo mẫu, đặt cấu trúc đề thi gồm: số lượng câu hỏi, biểu điểm cho từng câu, cách phản hồi ý kiến cho người thi sau mỗi câu trả lời, lựa chọn ngẫu nhiên câu hỏi và đảo thứ tự đáp án, cách thông báo kết quả đến người dự thi. Sau khi kết thúc người soạn đề chuyển sang ghi file dưới dạng một file tự chạy có đuôi .exe và chạy trên máy tính bất kỳ. Khi chạy chương trình này nếu lượng câu hỏi đủ lớn thì hai người ngồi cạnh nhau có thể làm hai bài hoàn toàn khác nhau. Nhược điểm lớn nhất của loại này là số định dạng câu hỏi ít, thông thường chỉ có 3-5 trong tổng số 9 dạng đã trình bày ở trên. Cả hai loại một và hai đều không cho xuất để thành bài thi trên giấy.
Loại thứ 3 gồm các phần mềm: tracnghiemPr, TestPro, Vmix và phần nào là Uquiz, Vocabulary Worksheet Factory. Các phần mềm này có chung đặc điểm là dùng chủ yếu để xuất đề thi ra giấy và thi viết. Nhược điểm chung của các phần mềm này là tính tương thích yếu, giao diện không thân thiện, khó sử dụng. Có phần mềm cho phép tạo một đề thi theo một cấu trúc cho trước từ một ngân hàng có số lượng câu hỏi không hạn chế. Nhưng cũng có phần mềm chỉ cho phép lựa chọn ngẫu nhiên và xáo trộn câu hỏi trong một đề thi cố định.
3. Soạn đề thi trắc nghiệm ở Đại học Văn hóa Hà Nội (ĐHVH HN)
Hình thức thi trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm + tự luận hay vấn đáp đã được áp dụng từ lâu ở ĐHVH HN, tuy nhiên trước năm 2011 là do các giáo viên trực tiếp giảng dạy soạn để phục vụ thi cho lớp của mình vì thế không tránh khỏi một số tồn tại:
- Đề thi mang đậm dấu ấn của giáo viên giảng dạy.
- Đề thi chỉ thích hợp với một số lớp.
- Cấu trúc đề thi của một trình độ không thống nhất.
- Chất lượng các đề thi không tương đương.
- Quá trình chấm thi còn bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm tính trong quá trình dạy.
Khắc phục các yếu tố trên từ năm 2011 đề thi tiếng Anh của ĐHVH HN được ra theo nguyên tắc sau:
- Thống nhất một cấu trúc đề thi chung cho mỗi trình độ.
- Mỗi giáo viên căn cứ theo cấu trúc chung đó ra 01 đề thi nhập vào ngân hàng dữ liệu chung.
- Phần mềm sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trong ngân hàng dữ liệu số câu hỏi theo đúng cấu trúc đề thi và tỷ lệ số câu trong ngân hàng, lấy ngẫu nhiên thứ tự xuất hiện và xáo trộn đáp án rồi xuất ra thành một đề thi hoàn chỉnh cùng phiếu trả lời cũng như đáp án của từng đề.
Cách ra đề trên có ưu điểm:
- Đề ra hoàn toàn độc lập với ý muốn chủ quan của mỗi giáo viên.
- Các đề hoàn toàn tương đương.
- Nếu số lượng câu hỏi trong cơ sở dữ kiệu đủ lớn thì số đề xuất ra không hạn chế và độ trùng đề là rất thấp.
- Cho phép sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi bất cứ lúc nào và sử dụng lại.
- Tăng nhanh tốc độ chấm thi và loại bỏ hoàn toàn yếu tố cảm tính khi chấm.
Ngoài ra với cách soạn đề thi như trên còn tạo điều kiện cho trường không ngừng mở rộng, tăng số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi; đa dạng hóa các câu hỏi thi; làm các nghiên cứu thống kê đánh giá độ khó và phù hợp của từng câu hỏi để tiến tới loại bỏ các câu quá dễ hoặc quá khó; nghiên cứu sử dụng máy vi tính trong quá trình chấm thi. Tuy nhiên đó là công việc đòi hỏi khá nhiều công sức và thời gian mà tác giả hy vọng có thể đề cập tới vào một thời điểm thích hợp.
Bài: Đàm Thị Ngọc Thư (GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
Admin2.