Nguồn gốc họ của người Hán và sự ảnh hưởng của nó đến họ của người Việt
Như bất kì dân tộc nào trên thế giới, nguồn gốc tên họ của người Hán đóng một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của nó đến các dân tộc láng giềng là không nhỏ nên việc truy tìm nguồn gốc của nó là vô cùng cần thiết. Vì vậy, trong bài viết ngắn này người viết mong muốn được tìm hiểu ...
Như bất kì dân tộc nào trên thế giới, nguồn gốc tên họ của người Hán đóng một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của nó đến các dân tộc láng giềng là không nhỏ nên việc truy tìm nguồn gốc của nó là vô cùng cần thiết. Vì vậy, trong bài viết ngắn này người viết mong muốn được tìm hiểu về nguồn gốc họ của người Hán. Đồng thời qua đó cũng tìm hiểu những ảnh hưởng đến tên họ của người Việt chúng ta.
Nguồn gốc họ của người Hán
Việc hình thành họ của dân tộc Hán đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với từng thời kỳ khác nhau, sự phát triển của nó có quan hệ mật thiết với sự phát triển lịch sử văn hóa của xã hội Trung Quốc.
Người Hán từ xa xưa đã rất coi trọng họ, còn được gọi là tính(姓), điều này xuất phát từ việc sùng bái đất tổ của con người. Tính(姓) được tạo thành từ chữ nữ(女) và chữ sinh(生) điều này nói rõ họ của người Hán có từ thời công xã nguyên thủy theo chế độ mẫu hệ cổ đại hoặc quan hệ huyết thống giữa những người phụ nữ mà thôi. Theo truyền thuyết, mẹ của thần Nông tên là Nữ Đăng, do đó tất cả mọi người trong bộ lạc đều có họ là nữ hoặc lấy chữ nữ để ghép với những chữ khác tạo thành họ. Ví dụ: Viêm đế họ Khương (姜), Hoàng đế họ Cơ (姬), mẹ của Thủy tổ nhà Thương mang họ Nhung (娀) ngoài ra còn có các họ khác như: Diêu (姚), Tự (姒), Khiết (姞), Vân (妘), Quỳ (妫), Nhẫm (妊) v.v.. Những họ này tất cả đều có bộ nữ (女) bên cạnh. Điều này cho thấy, trong xã hội mẫu hệ, con cái đều lấy họ mẹ làm họ của mình và mọi người chỉ biết đến mẹ chứ không biết đến cha. Do đó có thể biết được vào thời cổ đại họ và việc sinh con có quan hệ với nhau. Giống như trong quyển “Thuyết văn giải tự”của tác giả Hứa Thận đời nhà Hán có viết “Tính, nhân sở sinh dã”(姓, 人所生也) tức họ và tên người được sinh ra cùng một lúc. Trong quyển “Bạch hổ thông – tính danh”, Ban Cố có viết: “Tính giả, sinh dã, nhân bẩm thiên khí, sở dĩ sinh giả dã”(姓者, 生也, 人禀天气所以生者也) tức là họ, sinh mệnh của con người chịu sự chi phối của thời tiết.
Như vậy, họ và ý trời lại có liên quan đến với nhau, mang màu sắc thần thánh, do đó dẫn đến việc sùng bái họ.
Trong thời cổ đại, họ thường là tộc hiệu của cả một bộ lạc. Khi lực lượng sản xuất của xã hội đã phát triển, người đàn ông dần trở thành lực lượng lao động chính trong xã hội từ đó xuất hiện xã hội phụ hệ, trong đó người đàn ông đóng vai trò chính trong gia đình. Xã hội mẫu hệ dần dần chuyển thành xã hội phụ hệ, lúc này họ lại phụ thuộc vào mối quan hệ cha con chứ không còn dùng họ có bộ “nữ” một bên nữa.
Ở thời cổ đại tính và thị không giống nhau. Trong quyển “Tư trị thông giám ngoại ký” Tư Mã Quang viết: “Tính giả, thống kì tổ khảo chi sở tự xuất; thị giả, biệt kì tử tôn chi sở tự phân.”(姓者, 统其祖考之所自出, 氏者别其子孙之所自分) Điều này nói rõ, tính là dấu hiệu của một đại tông tộc, thị là một nhánh của một họ tộc lớn. Ví dụ: Tổ tiên của người Thương họ Tử về sau con cháu lại phân ra thành các thị như: Yên, Thời, Tống, Không, Đồng v.v.. Trong quyển “Thông chí – thị tộc lược” của Trình Tiền đời Tống đã nói rõ việc phân chia họ như sau:
Trước thời Tam Đại, họ được phân làm hai: nam gọi là thị, nữ gọi là tính. Tính là dấu hiệu để chỉ huyết thống của một người và đồng thời nó cũng là dấu hiệu để chỉ cả một tập hợp người có cùng quan hệ huyết thống với nhau, thị dùng để phân biệt quý tiện. Bởi vì người quý thì có thị, còn người tiện thì có tên chứ không có thị. Thị chính là tượng trưng cho địa vị chính trị của những người sống trong thị tộc, đồng thời cũng tượng trưng cho quyền lực và của cải. Và quyền lực này được nắm giữ bởi đàn ông, được truyền lại qua các thế hệ con trai, các thế hệ này đồng thời với việc kế thừa quyền lực do được truyền lại, họ cũng kế thừa luôn tượng trưng quyền lực, đó là Thị. Trong hôn nhân tính cũng khác nhau, những người cùng thị nhưng khác tính thì có thể kết hôn, còn những người cùng tính nhưng khác thị thì không được kết hôn. Trong “Tả truyện” có nói “nam nữ đồng tính, kỳ sinh bất phồn”(男女同姓,其生不蕃), điều này thể hiện được rằng ngay từ thời Xuân Thu, người Hán đã ý thức được hôn nhân cùng huyết thống sẽ ảnh hưởng đến tố chất sức khỏe của con cái sau này.
Sau thời Tam Đại, thì tính và thị hợp lại thành một. Do sự phát triển mạnh của sức sản xuất, dẫn đến việc biến đổi to lớn chế độ Tông Pháp. Những gia đình quý tộc thủ cựu dần dần suy tàn, nô lệ được giải phóng đã trở thành những người tự do, lúc này tầng lớn bình dân do thông qua buôn bán mà giàu lên đã trở thành tầng lớp cao trong xã hội, đồng thời cũng được các tầng lớp quý tộc phong hiệu. Các đẳng cấp quý tiện trong xã hội đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thị ngày xưa giờ đây đã mất đi khả năng phân biệt quý tiện. Thị cũng dần mất đi tác dụng tượng trưng cho quyền lực và địa vị, giờ đây nó chỉ đơn thuần là một dấu hiệu để chỉ quan hệ huyết thống trong dòng tộc, do đó Thị đã biến đổi thành Tính và xuất hiện chế độ lấy Thị làm Tính, Tính Thị hợp lại làm một. Đến thời nhà Tần, chế độ ban Thị không được khôi phục lại nữa, những Thị trước kia giờ đây được sử dụng như là Tính của một gia tộc, hai chữ Tính Thị được gọi chung là Họ.
Việc hợp nhất giữa Tính và Thị dẫn đến sự thay đổi hết sức to lớn trong kết cấu tên họ của người Hán, làm cho kết cấu họ tên của họ đã được ổn định và đến nay vẫn không hề có sự thay đổi.
Ảnh hưởng họ của người Hán đối với họ của người Việt
Khi nói đến họ của người Việt thì ai ai cũng cho rằng họ của chúng ta hầu như là họ của người Hán nên có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thật ra, người Việt cũng tự đặt ra những họ cho riêng mình nhưng chủ yếu là họ của các dân tộc thiểu số, còn đối với người Kinh thì đa số vẫn mang họ của người Hán.
Những người Hán đầu tiên sống trên đất nước Việt Nam chính là bọn xâm lược, họ đã phải huy động hàng chục vạn binh lính đủ loại đến đồn trú, tuần tra khắp nơi trên vùng đất Trấn Nam, Giao Châu thời ấy. Tiếp theo đó là hàng vạn người Hán tràn qua biên giới theo đoàn quân xâm lược Hán, bao gồm đủ mọi tầng lớp: là người nhà của bọn binh lính, quan lại, quý tộc, thương nhân, nho sĩ, tội nhân bị tù đày, những người tị nạn chính trị, những người muốn tìm đến một quê hương mới với hy vọng một sự đổi đời v.v.. Họ đã ở lại, thông hôn với người Việt và trở thành người bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà người Việt có hiện nay. Ví dụ: Nguyễn Siêu nguyên là con ông Nguyễn Nê người Đà Dương tỉnh Phúc Kiến, làm quan đời Tấn đến chức Kiêu kỵ đại tướng quân. Nhân nước ta có loạn, ông này vâng mệnh vua sang đánh dẹp, sau lấy người con gái xã Thanh Quả làm tiểu thiếp, ở lại đây 39 năm, sinh được 3 con trai là Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Siêu. Ba người này đều theo quê mẹ ở đất Việt Nam mà xưng quân (1).
Ngoài ra vào khoảng thế kỷ 17 và 18, người Minh Hương di cư sang nước ta. Nhóm người này tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam Việt Nam nên đã đem một số họ người Hán vào Việt Nam. Những nhân vật lịch sử như Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tích, nhà thơ Quách Tấn đều là người Minh Hương. Đây là những nguyên nhân mà tại sao người Việt lại mang họ của người Hán nhiều như vậy.
Cho đến nay thì vấn đề người Việt bắt chước hay bị bắt ép nhận tên họ vẫn chưa có nhận định rõ ràng. Dù hai quan điểm vừa nêu trên hoàn toàn khác nhau, nhưng nhìn chung chúng tôi cảm nhận được rằng: họ của người Hán đã có ảnh hưởng lớn đến họ của người Việt. Người Việt tiếp nhận họ của người Hán xuất phát từ cả hai nguồn đó là ban đầu bị bắt ép và về sau người Việt bắt chước.
(1) Nguyễn Bạt Tụy 1954: Tên người Việt Nam. - In trong: tập kỷ yếu hội Khuyến Học Việt Nam, Sài Gòn, tr49-50.
Bài: Huỳnh Hoàng Phương
Lớp Cao học - Văn Hóa Học - K10
Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Admin3