Kết hợp các phương pháp truyền thống và hiện đại trong việc dạy ngữ pháp tiếng Anh
1 . Đặc điểm và vai trò của ngữ pháp trong dạy và học tiếng Anh . Ngữ pháp luôn chiếm một vị trí quan trọng trong dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Ngữ pháp thường được hiểu là một hệ thống qui tắc nhất định để biến các ...
1. Đặc điểm và vai trò của ngữ pháp trong dạy và học tiếng Anh.
Ngữ pháp luôn chiếm một vị trí quan trọng trong dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Ngữ pháp thường được hiểu là một hệ thống qui tắc nhất định để biến các đơn vị ngôn ngữ thành các đơn vị giao tiếp. Qui tắc ngữ pháp quyết định thứ tự của các từ trong câu qua đó quyết định nội dung giao tiếp. Nói một cách khác, ngữ pháp mô tả câú trúc của một ngôn ngữ và cách thức các đơn vị từ vựng được kết hợp để tạo nên các câu. Ngữ pháp giúp người học phán đoán chính xác hơn những thông tin khi nghe. Dựa vào kiến thức ngữ pháp, người học có thể “lấp đầy” những chỗ trống không nghe được. Điều này đặc biệt quan trọng do đặc điểm lược bỏ những từ không mang thông tin trong khi nói của người bản ngữ. Trong nhiều trường hợp, những hiểu biết về ngữ pháp có thể bù đắp cho việc không nắm được nghĩa của từ mới trong một số văn bản khi đọc. Vai trò của ngữ pháp đối với kỹ năng nói và viết là quá rõ ràng. Ngữ pháp là một phương tiện giúp người học có thể chủ động nói và viết bằng tiếng Anh thông qua việc áp dụng các qui tắc ngữ pháp phù hợp với tình huống giao tiếp để truyền tải thông tin. Có thể nói việc nắm vững kiến thức ngữ pháp sẽ giúp người học tự tin khi sử dụng tiếng Anh, góp phần giúp nâng cao hiệu quả học tiếng Anh và thu được kết quả tốt ở các kì thi tiếng Anh. Điều này hoàn toàn đúng khi kiến thức ngữ pháp chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các bài thi tiếng Anh. Ngoài ra, việc nắm vững kiến thức ngữ pháp cũng sẽ góp phần giúp sinh viên hoàn thiện tốt hơn các kỹ năng như nói, nghe, đọc, viết. Do đó, dạy ngữ pháp từ trước tới nay luôn được chú trọng trong các lớp học tiếng Anh ở Việt Nam.
2. Một số quan điểm dạy và học ngữ pháp tiếng Anh.
Có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến dạy và học ngữ pháp. Hãy cùng phân tích lần lượt những quan điểm cơ bản liên quan đến dạy và học ngữ pháp tiếng Anh ở nước ta từ trước tới nay.
- Quan điểm thứ nhất coi ngôn ngữ là một hệ thống các qui tắc ngữ pháp và từ vựng. Muốn làm chủ một ngôn ngữ, người học phải nắm được hệ thống các qui tắc ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ ấy. Đại diện cho quan điểm này là đường hướng: “ Ngữ pháp – Dịch”. Đường hướng này cho rằng việc dạy ngữ pháp tập trung vào các qui tắc ngữ pháp ở cấp độ câu và giới hạn ở việc dạy cấu trúc và dạng biến đổi từ. Hình thức luyện tập chủ yếu là làm bài tập ngữ pháp và dịc các câu riêng lẻ sang tiếng mẹ đẻ. Ngữ cảnh sử dụng ngữ pháp không được đề cập đến trong quá trình dạy học. Giảng viên dành nhiều thời gian trên lớp thuyết trình hoặc giải thích các hiện tượng ngôn ngữ. Sinh viên lắng nghe, ghi chép, ghi nhớ và trả lời các câu hỏi của giáo viên. Đại diện cho quan điểm này là phương pháp – Dịch truyền thống, những năm gần đây người ta đã nhận ra rằng đây không phải là cách tối ưu nhất trong việc dạy và học ngữ pháp tiếng Anh, thậm chí nay còn bị coi là lạc hậu bởi giáo viên không phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập của sinh viên thông qua các hoạt động tương tác trong giao tiếp, sinh viên khá thụ động, không biết ứng dụng tốt vào thực tế. Chủ yếu sinh viên chỉ ghi nhớ các công thức một cách máy móc mà không hề suy nghĩ về nó một cách sâu sắc hơn, việc học thuộc lòng lí thuyết đơn thuần sẽ khiến sinh viên dễ quên, không phát triển được tư duy và hệ thống hóa các điểm ngữ pháp và ít có cơ hội luyện tập để hình thành và phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
- Quan điểm thứ hai cho rằng ngữ pháp sẽ được tiếp thu tự nhiên thông qua việc tiếp xúc với ngôn ngữ. Nói khác đi, việc dạy ngữ pháp chỉ có hiệu quả khi sinh viên tự khái quát các qui tắc ngữ pháp thông qua thực hành. Đại diện cho quan điểm này là “ Phương pháp Trực tiếp”. Những giáo viên theo “Phương pháp Trực tiếp” thường bỏ qua việc phân tích các qui tắc ngữ pháp mà yêu cầu người học sử dụng ngôn ngữ cho mục đích giao tiếp với hi vọng người học sẽ rút ra được qui tắc chi phối ngôn ngữ ấy.
- Quan điểm thứ ba theo “ Đường hướng Giao tiếp”. Quan điểm này coi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người và ngữ pháp là một trong những phương tiện ngôn ngữ để thực hiện chức năng giao tiếp. Như vậy, dạy và học ngữ pháp là cần thiết nhưng không phải là mục đích cuối cùng của việc học ngoại ngữ. Mục tiêu của việc dạy và học ngữ pháp là:
+Giúp sinh viên có kiến thức cơ bản, tương đối hệ thống và hoàn chỉnh về ngữ pháp tiếng Anh, đặt nền móng cho việc phát triển kỹ năng giao tiếp.
+ Giúp sinh viên ý thức được những yếu tố cơ bản cũng như ý thức được sự tồn tại của ngữ pháp viết và nói để sinh viên có thể định hướng cho việc tự bồi dưỡng kiến thức ngôn ngữ.
3. Nguyên tắc dạy và học ngữ pháp.
a/ Kết hợp phương pháp qui nạp ( inductive) và diễn dịch ( deductive).
Qui nạp và diễn dịch là hai phương pháp trái ngược nhau trong dạy học. Phương pháp qui nạp là cách dạy “ từ dưới lên”, sinh viên được giảng viên hướng dẫn tìm hiểu và tự khám phá các qui tắc ngữ pháp thông qua làm bài tập. Giảng viên đưa ra các ví dụ sau đó từ từ lái sinh viên vào hướng phát triển các qui tắc, lí thuyết.
Chẳng hạn sinh viên đọc một bài đọc hiểu bao gồm hàng loạt những câu mô tả những việc mà một người đã làm trong ngày bình thường. Sau đó giảng viên có thể bắt đầu đưa ra một vài câu hỏi như : Nhân vật trong bài đã làm việc A, việc B trong bao lâu? Đã bao giờ đến địa điểm X,Y nào đó trong bài chưa? Khi nào? vv… Tiếp theo, để giúp sinh viên hiểu được sự khác nhau giữa hai thì : Qúa khứ đơn và Hiện tại hoàn thành, những câu hỏi đi sâu hơn bắt đầu được đặt ra như: Câu hỏi nào trong số những câu hỏi vừa rồi đề cập đến một điểm thời gian cụ thể trong quá khứ? Câu hỏi nào đề cập đến kinh nghiệm đã từng trải của một người? vv… Từ đó giảng viên bắt đầu quay lại giải thích về sự khác biệt giữa hai thì này; những ví dụ minh họa có thể được lấy từ chính bài tập mà sinh viên vừa làm để giúp họ tìm hiểu và tự khám phá ra qui tắc ngữ pháp và hiểu được sự áp dụng trong thực tế của lí thuyết vừa học. Sử dụng phương pháp này thường mất nhiều thời gian hơn, nhưng thường đạt hiệu quả cao nhất nếu như giảng viên muốn sinh viên :
+ Tự học cách tìm ra chủ đề chính hay các nguyên tắc của bài học.
+ Biết cách ứng dụng các khái niệm để giải quyết các vấn đề mà sinh viên chưa từng gặp phải trước đó.
+ Biết khi nào sử dụng như thế nào những cấu trúc đã được học.
+ Biết cách luôn luôn đặt câu hỏi và tư duy về những gì mình chưa biết.
+ Hiểu ra bản chất của vấn đề.
Phương pháp diễn dịch là phương pháp “dạy từ trên xuống”. Đây là phương pháp dạy đúng theo chuẩn mà trong đó giảng viên đưa ra các qui tắc, lí thuyết ngữ pháp và giải thích cho sinh viên trước khi họ làm bài tập ứng dụng.Giáo viên giới thiệu cấu trúc ngữ pháp kèm các bài tập giúp người học nắm vững cấu trúc ngữ pháp đó. Với phương pháp Diễn dịch, việc dạy ngữ pháp đạt hiệu quả cao nhất khi giảng viên muốn sinh viên hiểu bài một cách nhanh và chính xác, thường là bài tập trên lớp hoặc trong sách.
Phương pháp diễn dịch không yêu cầu sự động não nhiều, do đó ít thách thức đối với người học trong khi phương pháp qui nạp yêu cầu người học phải tự tìm tòi và suy nghĩ do đó giúp quá trình học hiệu quả hơn, cấu trúc ngữ pháp được nghi nhớ lâu hơn tuy mất nhiều thời gian hơn.
Hai phương pháp trên có thể được minh họa đối chiếu như sau:
PP Qui nạp ; PP Diễn dịch
Ví dụ cụ thể >>>> Qui tắc NP ; Qui tắc NP >>>> Ví dụ cụ thể
Vậy khi nào chúng ta nên dùng phương pháp diễn dịch hay khi nào dùng phương pháp qui nạp?
Một số giảng viên cho rằng sinh viên cần được tạo điều kiện để dễ dàng chủ động lĩnh hội kiến thức nên thường dùng phương pháp qui nạp. Tuy nhiên cũng có những lúc giảng viên cần phải giải thích các khái niệm và hiện tượng ngữ pháp thì sinh viên mới có thể thấy được tầm quan trọng của vấn đề mà họ đang học và khi đó giảng viên cần áp dụng phương pháp Diễn dịch.
Việc sử dụng phương pháp nào trong hai phương pháp trên là hợp lí nhất phụ thuộc vào mục tiêu của giảng viên với cấu trúc ngữ pháp cần dạy. Tuy nhiên, cách tốt nhất để dạy ngữ pháp là kết hợp cả hai phương pháp trong quá trình dạy học.
b/ Đảm bảo mối quan hệ giữa cấu trúc ngữ pháp và chức năng giao tiếp.
Như phân tích ở trên, các cấu trúc ngữ pháp chỉ có ý nghĩa khi chúng được sử dụng trong giao tiếp. Theo phương pháp truyền thống, cấu trúc ngữ pháp thường được tách biệt khỏi ngữ cảnh, vì vậy người học ít có điều kiện làm quen với ngữ nghĩa và ngữ dụng của cấu trúc ngữ pháp. Ví dụ khi học thể bị động, sinh viên được giới thiệu cấu trúc bị động, cách biến đổi từ câu chủ động sang bị động và thực hành làm bài tập chuyển đổi câu chủ động sang bị động. Với cách dạy như vậy sinh viên không nắm được khi nào sử dụng thể bị động thay cho thể chủ động trong giao tiếp bằng tiếng Anh.
Để khắc phục được nhược điểm trên, giảng viên cần dạy cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp thực tế, qua đó làm rõ mối quan hệ giữa cấu trúc ngữ pháp với chức năng giao tiếp. Cụ thể trong trường hợp trên, giảng viên có thể giải thích tại sao thể bị động được sử dụng thay thể chủ động trong giao tiếp để nhấn mạnh tới hành động hơn là chủ thể hành động v.v…Tóm lại, khi đưa ra một hiện tượng ngữ pháp mới, giảng viên có thể hình dung ra hoàn cảnh áp dụng của hiện tượng ngữ pháp đó. Ngữ cảnh minh họa càng cụ thể và dễ hiểu thì sinh viên càng dễ tiếp thu bài học mới, các em cảm thấy hào hứng và ghi nhớ hơn. Cũng có thể giảng viên để sinh viên tự phát hiện và nhận ra hiện tượng ngữ pháp mới trong ví dụ mà giảng viên đưa ra. Giang viên nên đưa ra ngữ cảnh bằng tiếng Anh để sinh viên quen dần với ngoại ngữ họ đang họ đang học. Giang viên cũng cần nhớ đừng lướt qua bài học mới quá nhanh để chắc chắn rằng sinh viên có đủ thời gian để “ngấm” những kiến thức mới học.Việc nhắc đi nhắc lại một kiến thức mới không bao giờ là thừa bởi việc nhắc lại thông qua luyện tập sẽ giúp sinh viên ghi nhớ dễ dàng hơn.
c/ Phát triển khả năng sử dụng ngữ pháp trong giao tiếp hơn là có kiến thức về ngữ pháp.
Ta thường gặp các trường hợp sinh viên có thể làm đúng các bài tập ngữ pháp hoặc giải thích rõ ràng về các qui tắc ngữ pháp nhưng lại mắc lỗi trong khi sử dụng chính những qui tắc ngữ pháp đó trong khi giao tiếp.
Việc hiểu và nắm vững các qui tắc ngữ pháp là cần thiết xong đó chưa phải là điều kiện duy nhất trong dạy và học tiếng Anh. Trên cơ sỏ hiểu về các cấu trúc ngữ pháp, sinh viên cần sủ dụng chúng trong nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh. Đây chính là nguyên tắc học thông qua sử dụng hay: “ Learning by doing”.
Để quán triệt điều này, giảng viên phải là người luôn động viên sinh viên giơ tay phát biểu trong giờ học tiếng Anh chứ không chỉ đơn thuần ngồi nghe giảng viên nói. Hãy để cho sinh viên đủ thời gian để có thể truyền tải những gì họ muốn nói bằng tiếng Anh và giảng viên luôn sẵn sàng lắng nghe để giúp từng sinh viên nói được nhưng câu nói bàng tiếng Anh theo cách hữu hiệu nhất.
Giang viên phải luôn yêu cầu sinh viên áp dụng tiếng Anh vào thực tế bằng cách yêu cầu sinh viên sủ dụng các mâu câu đã học để nói về cuộc sống, dự định, công việc … của mình hoặc của bạn bè hay người thân,vv…Với cách làm này, giảng viên sẽ giúp sinh viên sử dụng tiếng Anh một cách chủ động và hiệu quả.
4. Qui trình dạy và học ngữ pháp.
Cho dù giảng viên chọn kết hợp các phương pháp như thế nào thì việc dạy và học ngữ pháp cũng thường thông qua qui trình ba giai đoạn: giới thiệu, luyện tập và vận dụng.
- Giới thiệu
Mục tiêu của giai đoạn này là giúp sinh viên nhận diện cấu trúc ngữ pháp về dạng thức và ngữ nghĩa cũng như các khía cạnh khác nhau của cấu trúc. Đây là giai đoạn sinh viên sử dụng trí não ngắn hạn. Giang viên cần giớ thiệu cấu trúc trong ngữ cảnh, sau đã tách cấu trúc khỏi ngữ cảnh và giải thích cấu tạo của cấu trúc cũng như các qui luật chi phối dạng thức và hoạt động của nó. Giang viên có thể giải thích ngắn gọn các cấu trúc ngữ pháp tương đồng với tiếng mẹ.Việc giới thiệu vấn đề và cấu trúc ngữ pháp trong một bối cảnh cụ thể và có ý nghĩa sẽ khiến cho các vấn đề ngữ pháp đó dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn đối với sinh viên. Nhờ có tình huống cụ thể mà sinh viên có thể đoán được cách thức sử dụng của cấu trúc ngữ pháp. Sau đó những phỏng đoán này được giảng viên kiểm chứng lại, sinh viên sẽ có khả năng ghi nhớ lâu hơn rất nhiều. Đối với một số vấn đề ngữ pháp, việc sủ dụng hình ảnh là một sự lựa chọn tối ưu giúp giảng viên đưa ra cấu trúc một cách sinh động, trực tiếp và rõ ràng trong một tình huống cụ thể. Việc sử dụng hình ảnh thông qua sự trợ giúp của các phương tiện nghe nhìn (visual aid) trong giảng dạy sẽ giúp các giảng viên truyền tải hiệu quả và dễ dàng hơn các khái niệm khó và trừu tượng. Hình ảnh sẽ giúp sinh viên tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh hơn vì các em có thể hình dung ngữ cảnh rõ ràng. Cách thức giới thiệu ngữ pháp thông qua hình ảnh khá thú vị nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể làm được, đặc biệt trong những trường hợp cấu trúc hay vấn đề ngữ pháp khó và phức tạp cũng như khi giảng viên không có thời gian tìm kiếm hình ảnh thích hợp. Trong những trường hợp như thế này thì việc giới thiệu vấn đề hay cấu trúc ngữ pháp trong một tình huống thực tế cụ thể sẽ là cách giúp sinh viên tiếp cận vấn đề tốt và nhanh hơn. Ngoài ra, cách giới thiệu này cũng rất có ích trong quá trình thực hành sau này bởi sinh viên đã biết cách sử dụng cấu trúc ngữ pháp trong tình huống cụ thể ngoài đời. Đây là phương pháp giảng dạy ngữ pháp phổ biến nhất từ trước đến nay ở Việt Nam vì các giáo viên luôn đưa ra các câu ví dụ điển hình rồi mới phân tích cấu trúc ngữ pháp có trong các câu ví dụ đó.
Đối với một số vấn đề ngữ pháp, việc sử dụng hình ảnh là một sự lựa chọn hay giúp giảng viên đưa ra cấu trúc một cách sinh động, trực tiếp và rõ ràng.
Ví dụ, khi giới thiệu cấu trúc: “Too + adjective + to do something”
Giang viên có thể với tay lên trần nhà và hỏi sinh viên: “ Can I touch it?”
Sinh viên sẽ trả lời: “No, you can’t”.
Sau đó giảng viên có thể dễ dàng đưa ra cấu trúc bằng cách nói:
“You’re right. I can’t do it because it’s too high to touch”
Khi giới thiệu một vấn đề ngữ pháp mới, giảng viên không nên dùng những từ phức tạp hoặc sinh viên chưa biết để giải thích bài giảng mà nên đưa ra ví dụ đơn giản để làm cho vấn đề ngữ pháp trở nên dễ hiểu hơn đồng thời sinh viên cũng có thể tập trung vào bản thân cấu trúc ngữ pháp đó. Điều quan trọng nhất là giảng viên phải biết cách đơn giản hóa ngôn ngữ cũng như từ vựng khi giải thích một cấu trúc ngữ pháp. Hơn nữa, bất cứ khi nào một vấn đề mới được giới thiệu thì giảng viên cũng nên nhắc lại những vấn đề liên quan mà sinh viên đã được học trước đây để kiến thức của sinh viên có thể dần dần được nâng lên thông qua biện pháp ôn tập cuốn chiếu này. Nội dung bài học cần được giảng viên in sẵn rồi phát cho sinh viên hoặc ghi lên bảng và yêu cầu sinh viên chép vào vở ghi. Các mẫu câu và cấu trúc cần được ghi chính xác, rõ ràng và cần được đóng khung hoặc đánh dấu để dễ tra cứu. Mỗi câu cũng cần được ghi chú một cách ngắn gọn ( gồm định nghĩa, cách sử dụng, vv …). Giảng viên nên hướng dẫn sinh viên phân biệt giữa thông tin nào cần học thuộc lòng và thông tin nào cần tư duy để nhớ. Chẳng hạn khi dạy thì quá khứ đơn, giảng viên yêu cầu sinh viên học thuộc lòng các động từ bất qui tắc. Tuy nhiên khi dạy cách sử dụng của thì này, giảng viên có thể giúp sinh viên phát triển tư duy bằng cách yêu cầu sinh viên vận dụng vào các tình huống trong quá khứ, so sánh các điểm cũng như các cấu trúc ngữ pháp có mối tương quan nhằm hiểu sâu, phân biệt rõ ràng và tránh nhầm lẫn.
- Luyện tập
Sau khi dạy những khái niệm cơ bản, giảng viên cho sinh viên làm bài tập ngay dựa vào những kiến thức mới. Những bài tập này lúc đầu thường đơn giản và dễ hiểu nhằm giúp sinh viên nắm vững khái niệm cơ bản.Giảng viên cần sử dụng nhiều loại bài tập khác nhau để sinh viên luyện tập nhằm ghi nhớ sâu hơn cấu trúc mới học. Đây là giai đoạn sinh viên chuyển kiến thức từ từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Do mỗi cấu trúc ngữ pháp có nhiều khía cạnh khác nhau (dạng thức, ngữ nghĩa, ngữ dụng), nên giảng viên cần sử dụng các loại hoạt động đa dạng và phong phú như: điền vào chỗ trống; đổi dạng câu; dịch; câu hỏi đa lựa chọn; ghép câu; sửa lỗi; vv …. Các dạng bài tập này phần lớn được giới thiệu trong giáo trình. Sau đó, sinh viên cần phải được làm các bài tập nâng cao hơn để vừ tăng tính tư duy, vừa kích thích sinh viên học. Tuy nhiên các bài tập này cũng không nên quá khó khiến các sinh viên học yếu hơn sẽ dễ thấy nản.
Việc giao bài tập về nhà cho sinh viên cũng là cần thiết và giảng viên cũng cần dành thời gian chữa bài tập cũng như giải thích những khúc mắc của sinh viên. Để làm được việc này thì giảng viên phải luôn tạo không khí thoải mái trong giờ dạy, tạo điều kiện cho các em không thấy ngại khi muốn bày tỏ những vấn đề còn chưa rõ.
- Vận dụng
Nếu trong giai đoạn luyện tập, sinh viên tập trung chú ý vào hình thức và cách sử dụng của cấu trúc thì trong giai đoạn vận dụng, sinh viên thực hành sử dụng cấu trúc ngữ pháp đáp ứng các mục tiêu giao tiếp thực tế. Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt và trao đổi thông tin với người khác qua khẩu ngữ hay bút ngữ. Do đó việc dạy ngữ pháp không chỉ đơn thuần là giới thiệu và luyện cấu trúc ngôn ngữ mà còn phải giúp người học tham gia giao tiếp, trao đổi thông tin và vận dụng ngữ pháp trong các tình huống mô phỏng giao tiếp hàng ngày. Chính điều này lại giúp sinh viên tăng hứng thú giao tiếp đồng thời hiểu và sử dụng được cấu trúc đó ngoài mục đích đơn thuần.
Sinh viên luôn thích thú khi được sắm vai một người khác. Hoạt động đóng vai tạo cơ hội để cho sinh viên thực hành, vận dụng ngữ pháp có kiểm soát hay tương đối tự do. Các bài tập sử dụng các cấu trúc ngữ pháp để truyền đạt và trao đổi thông tin trong các tình huống giả tưởng sẽ mang lại hiệu quả cao và gây hứng thú học tập cho sinh viên. Chẳng hạn vận dụng sử dụng thời quá khứ sẽ thú vị hơn khi sinh viên được yêu cầu diễn vai hai người bạn lâu năm mới gặp lại nhau và ôn lại những kỉ niệm hay việc làm trong quá khứ: hay sinh viên diễn vai chỉ đường cho một khách du lịch khi các em được học về các giới từ chỉ phương hướng.
Ngoài ra các hoạt động, trò chơi có các tình huống vận dụng cấu trúc ngữ pháp được học cũng là những hình thức được nhiều giảng viên lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những hoạt động luôn mất nhiều thời gian và khó quản lí lớp.
5. Một số lưu ý khi giảng viên sửa lỗi ngữ pháp cho sinh viên.
Giảng viên thường lo lắng khi sinh viên mác lỗi và cố gắng hạn chế điều này đến múc thấp nhất bằng cách sửa lại tất cả những gì được coi là không đúng với ngữ pháp chuẩn. Điều này bát nguồn từ quan điểm dạy ngoại ngữ phổ biến vào những năm 50 và 60 của thế kỉ trước cho rằng ngôn ngữ thông qua quá trình luyện tập thực hành các dạng thức đúng cho đến khi chúng trở nên tự động.
Hiện nay, việc sinh viên mắc lỗi ngữ pháp được coi là điều tự nhiên và là một phần của quá trình học ngoại ngữ.Thay vì thái độ tiêu cực với việc mắc lỗi của sinh viên, giảng viên coi đây là tín hiệu thể hiện những gì sinh viên đã và chưa học được, qua đó tìm biện pháp khắc phục hay điều chỉnh quá trình dạy và học để giúp sinh viên giảm thiểu lỗi mắc phải hoặc sinh viên có thể chữa lỗi cho nhau. Nói như vậy không có nghĩa là giảng viên hoàn toàn không chữa lỗi cho sinh viên. Điều quan trọng là chữa khi nào và như thế nào:
+ Trong giai đoạn luyện tập, giảng viên có thể chữa lỗi trực tiếp để sinh viên nắm vững kiến thức chuẩn ngay từ đầu.
+ Trong giai đoạn vận dụng hay khi sinh viên đang làm việc theo nhóm hoặc theo cặp, giảng viên nên sử dụng biện pháp chữa lỗi gián tiếp bàng cách ghi lại các lỗi và chữa chung cho cả lớp để không làm ảnh hưởng tới quá trình tiến hành hoạt động của sinh viên.
+ Giảng viên không nên chữa những lỗi nhỏ hoặc không liên quan trực tiếp đến nội dung của bài học do hạn chế về thời gian và có thể gây phân tán sự chú ý của sinh viên đối với nội dung chính.
Kết luận
Nói tóm lại, mỗi phương pháp ra đời đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.Việc lựa chọn sử dụng phương pháp nào trong những phương pháp trên phụ thuộc vào cấu trúc ngữ pháp cần dạy và phong cách của học viên. Tuy nhiên giảng viên nên kết hợp các phương pháp trong quá trình giảng dạy một cách linh hoạt, không nhất thiết chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất. Việc kết hợp đa dạng các phương pháp trong khi giảng bài ngữ pháp tiếng Anh sẽ giúp sinh viên không thấy nhàm chán khi học và giúp giáo viên truyền tải bài giảng một cách dễ dàng, hiệu quả hơn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Azar, B.S. (1989). Understanding and Using English Grammar.
2. Nunan, D. (1991). Language Teaching Methodology.
3. Nunan, D.(Ed). (2003). Practical English Language Teaching.
4. S Thornbury, J Harmer. (1999). How to teach grammar
Bài: G/v Nguyễn Thị Thanh Huyền - Khoa NN&VHQT
Admin2.