Từ Nguyễn Ánh đến vua Gia Long (Bài 1)
MỘT GÓC NHÌN VỀ NHÂN VẬT GIA LONG NGUYỄN ÁNH QUA TIẾP CẬN MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ VÀ GIAI THOẠI DÂN GIAN Phần I: TỪ NGUYỄN ÁNH ĐẾN VUA GIA LONG Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp) Huỳnh Thiệu Phong ...
MỘT GÓC NHÌN VỀ NHÂN VẬT GIA LONG NGUYỄN ÁNH QUA TIẾP CẬN MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ VÀ GIAI THOẠI DÂN GIAN
Phần I: TỪ NGUYỄN ÁNH ĐẾN VUA GIA LONG
Huỳnh Thiệu Phong
Triều Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 70 năm, sau sự kiện Bảo Đại Hoàng đế đọc bản Tuyên ngôn Thoái vị tại Ngọ Môn vào chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945. Sự kiện đó đã tạo ra một bước chuyển mình mới cho lịch sử Việt Nam, khi vào ngày 2 tháng 9 cùng năm, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử – chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Theo quy luật vận động, không có gì là bất biến. Bởi lẽ sự phát triển là kết quả của chính quá trình vận động này. Triều Nguyễn cũng không nằm ngoài qui luật đó. Trải qua 387 năm hình thành, tồn tại và phát triển, triều Nguyễn đã góp phần tạo nên một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Có những biến động là tích cực, song cũng có những biến động là tiêu cực. Những biến động này là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào nhận thức của giới nghiên cứu; giới nghiên cứu nhận thức tích cực hay tiêu cực lại bị chi phối bởi hoàn cảnh chính trị. Chính vì thực tế này đã tạo cho triều Nguyễn một cái mác “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” trong một thời gian rất dài, bởi lẽ, đặt trong bối cảnh thực tiễn tình hình chính trị của đất nước trong giai đoạn trước (đặc biệt là từ năm 1945 đến những năm trước 1975), đây là giai đoạn mà cả nước đang ráo riết tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điều này đồng nghĩa với một thực tiễn: Độc lập dân tộc là quan trọng nhất; bất kỳ hành động nào trong quá khứ xúc phạm hay đi ngược lại với chân lý đó đều bị phê phán kịch liệt.
Khi đề cập đến “triều Nguyễn”, nhiều học giả chỉ tập trung vào giai đoạn 1802-1945 với 13 vị vua. Còn giai đoạn trước đó, họ gọi là các CHÚA NGUYỄN. Cách phân kỳ này là hiển ngôn, phản ánh chân xác về hiện thực lịch sử. Song tôi cho rằng, dù là giai đoạn chúa Nguyễn (1558-1777) hay giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945), thì suy cho cùng, đó cũng là một giai đoạn hoàn chỉnh với sự hiện diện của tất thảy các chúa và vua Nguyễn.
Trong tổng số 9 chúa và 13 vị vua nhà Nguyễn, có lẽ Gia Long Hoàng đế là một con người đặc biệt. Nói đặc biệt là vì Gia Long chính là hậu duệ của giai đoạn tiền triều Nguyễn, đồng thời ông cũng chính là người sáng lập nên triều Nguyễn. Do đó, có thể xem Gia Long Nguyễn Ánh chính là một dấu gạch nối, là nhân chứng sống cho sự chuyển giao hai giai đoạn của nhà Nguyễn nói chung. Ông còn đặc biệt vì trải qua bao khó khăn, trở ngại trên con đường phục quốc, có những lúc tưởng chừng như việc đó là bất khả thi; nhưng rồi mọi điều khó khăn, gian khổ nhất cũng đã không ngăn được Nguyễn Ánh. Có người cho rằng đó là do may mắn. Nhưng tôi lại không cho là như vậy. Bởi lẽ, sự may mắn không thể luôn mỉm cười với Nguyễn Ánh trong mọi hoàn cảnh; chỉ có lòng quyết tâm và bản lĩnh mới chính là một nguồn động lực vô biên giúp Nguyễn Ánh vượt mọi khó khăn để rồi đến năm 1802, thành quả tươi đẹp đã đến với Nguyễn Ánh như một điều tất yếu.
Như vậy, có thể thấy, so với các vị chúa và vua Nguyễn còn lại, Nguyễn Ánh có một cuộc đời rất sóng gió, từ lúc còn là một vị chúa Nguyễn cho đến khi lên ngôi Hoàng đế Gia Long là cả một con đường dài muôn vạn gian nan, trắc trở. Nhưng có lẽ, chính vì như vậy đã tạo nên một Gia Long – theo tôi là rất bản lĩnh. Bài viết này có nội dung không mới vì Gia Long đã trở thành chủ đề nghiên cứu của không ít các học giả lẫn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi muốn thử vẽ lại cuộc đời của Nguyễn Ánh ngay từ khi còn là một chúa Nguyễn cho đến khi ông trở thành Gia Long Hoàng đế thông qua việc tiếp cận một vài sự kiện lịch sử và giai thoại dân gian. Điều này có lẽ sẽ là góp phần vào việc hiểu thêm về tính cách và con người của vị Hoàng đế này.
Nguyễn Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1762 (Mậu Ngọ), là con thứ ba của nhị hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn – tức cháu nội của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Có thể nói, ngay từ năm 4 tuổi, cuộc đời của Nguyễn Ánh đã bắt đầu có sóng gió khi cha ông là hoàng tử Nguyễn Phúc Luân đã bị Trương Phúc Loan – một quyền thần trong triều đình lúc bấy giờ với chức vụ Ngoại Tả Đạt Quận Công hãm hại. Lúc bấy giờ, mặc dù di chiếu của Võ Vương đã chỉ định truyền ngôi cho Nguyễn Phúc Luân sau khi qua đời, nhưng “Trương Phúc Loan thấy ông này cương trực, khó bề điều khiển theo ý mình nên đã âm mưu bắt Phúc Luân bỏ ngục” [13, tr.75], đồng thời đưa người con thứ mười sáu của Võ vương là Nguyễn Phúc Thuần – khi ấy mới 11 tuổi lên nối ngôi (tức Định vương) để dễ bề thao túng triều đình. Sau một thời gian bị giam giữ, Phúc Luân được thả ra, nhưng vì uất ức nên ông đã bệnh nặng và qua đời không lâu sau đó.
Về phía Nguyễn Ánh, sau cái chết của cha mình, ông cùng với hai người anh của mình được nuôi trong phủ Chúa.
Đây là giai đoạn mà hoàn cảnh kinh tế-xã hội của đất nước cực kỳ khó khăn vì ở hai miền, hai chúa cát cứ mỗi nơi: Chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài “chỉ biết sống xa hoa trong nhung lụa, tiêu tiền bạc như cỏ rác, chẳng sửa sang triều chính (…), suốt ngày đắm chìm vui chơi với bọn cung tần mỹ nữ ở hậu cung” [2, tr.77]; trong khi đó Chúa Nguyễn ở Đàng Trong “cũng coi vàng bạc như cát sỏi, thóc gạo như đất bùn, xa hoa lãng phí vô cùng tận, bọn quan lại tự do chiếm đoạt ruộng đất của nông dân” [2, tr.77].
Cảm được nổi thống khổ của nhân dân, ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ đã phất cờ khởi nghĩa để đáp lại nguyện vọng của người dân vào năm 1771. Chính từ vủng đất Tây Sơn này, nghĩa quân đã đánh chiếm ra đến vùng đất Quảng Nam. Thêm vào đó năm 1773, quân chúa Trịnh từ phía Bắc nhân cơ hội đó đánh thẳng vào Phú Xuân, triều đình Đàng Trong nhanh chóng bị sụp đổ. Sự nghiệp của giai đoạn “tiền triều Nguyễn” đã chính thức bị sụp đỗ sau hơn 200 năm tồn tại. Nguyễn Ánh đã cùng với bốn người anh em trai khác theo Định vương cùng đoàn người di chuyển vào xứ Quảng để lánh nạn rồi sau đó vượt biển vào Gia Định.
Quân Tây Sơn lúc này thế rất mạnh, ráo riết truy đuổi tàn binh của nhà Nguyễn. Trong thời gian ở Gia Định, nội bộ chúa Nguyễn xảy ra tranh chấp giữa phe ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần của Đỗ Thanh Nhơn và phe ủng hộ Nguyễn Phúc Dương của Lý Tài, còn Nguyễn Ánh trú tại Ba Giồng với quân Đông Sơn.
Đến năm 1777, quân Tây Sơn đánh úp thành Gia Định, cả Định vương Nguyễn Phúc Thuần và người cháu là Nguyễn Phúc Dương đều bị giết. Do vậy, có thể xem năm 1777 chính là cột mốc chính xác nhất trong việc xem xét sự sụp đổ hoàn toàn của giai đoạn các chúa Nguyễn.
Sau biến cố đó, Nguyễn Ánh may mắn nhận được sự tin tưởng và lòng trung thành của Đỗ Thanh Nhơn. Năm 1778, tức sau đó một năm, Nguyễn Ánh tạm giữ chức nguyên soái, lãnh đạo nhóm quân này. “Được sự giúp đỡ của Đỗ Thanh Nhân (tức Đỗ Thanh Nhơn – HTP chú giải) và một số tướng lĩnh tâm phúc khác, Nguyễn Ánh tập hợp lực lượng đắp lũy dọc theo sông Bến Nghé để tìm cách chống cự. Đội quân này chỉ giữ được một thời gian ngắn, vì quân Tây Sơn đã đem đại binh đến chinh phạt (…) Lúc bấy giờ chỉ còn khoảng 100 lính trung thành cùng theo Phúc Ánh long đong mãi mới ra được đảo Thổ Châu lánh mình” [13, tr.77]. Kể từ đây, cuộc đời của vị vua thứ nhất của triều Nguyễn sau này đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết; dân gian ngày nay vẫn dùng cách gọi giai đoạn này là “Gia Long tẩu quốc”.
Với áp lực của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cùng với một số bề tôi trung thành của mình lên thuyền để qua Xiêm, mong nhận được sự đồng ý cầu viện từ Xiêm La. Có một điều tôi nghĩ cần lưu ý ở điểm này, chính vì sự kiện Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm vào năm 1784 này đã khiến cho Nguyễn Ánh bị hậu thế gắn mác “cõng rắn cắn gà nhà” về sau này.
Tháng 6 năm 1784, quốc vương Xiêm đã lệnh cho hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương thống lĩnh hai vạn thủy quân và ba trăm thuyền chiến vượt biển đánh úp Gia Định. Rạng sáng ngày 19 tháng 1 năm 1785, liên quân Xiêm-Nguyễn đang tiến vào địa phận của Tiền Giang nhằm đánh úp Tây Sơn thì bất ngờ bị quân Tây Sơn mai phục ngay đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút; bị khóa hai đầu, liên quân Xiêm-Nguyễn rơi vào thế bị động và bị tách ra. Khối quân hùng mạnh này nhanh chóng bị quân Tây Sơn đánh tan. Chiêu Sương và Chiêu Sa mở đường máu rút chạy về nước. Riêng Nguyễn Ánh cũng thoát chết.
Sau sự kiện đó, cảm thấy không còn nương nhờ được phía Xiêm La, Nguyễn Ánh tìm cách cầu viện Hà Lan, song ngay lúc đó, ông lại gặp được Giám mục Bá Đa Lộc – một nhà truyền giáo rất có thế lực ở Pháp; ông đã thuyết phục Nguyễn Ánh cầu viện với Pháp. Kết quả thương thuyết của Giám mục Bá Đa Lộc là sự ra đời của Hiệp ước Versaille vào ngày 27 tháng 11 năm 1787. Đại diện của nước Pháp là Bá tước De Montmorin và đại diện của Nguyễn Ánh là Bá Đa Lộc. Mặc dù sau này Hiệp ước Versaille không thực hiện được do nội bộ nước Pháp có mâu thuẫn nội bộ, song nó lại tạo ra một mối đe dọa khôn lường cho triều đình Tây Sơn vốn dĩ đang lục đục. Thêm vào đó, đến năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ đột ngột qua đời khiến cho nội bộ triều Tây Sơn trở nên rối rắm. Nguyễn Quang Toản tức Cảnh Thịnh Hoàng đế lên ngôi khi mới 10 tuổi. Quyền bính rơi cả vào tay của Thái sư Bùi Đắc Tuyến.
Lúc bấy giờ, lòng người lại nghiêng về phía Nguyễn Ánh-vị hậu duệ còn sót lại duy nhất của triều đình chúa Nguyễn. Nhận được sự hưởng ứng từ lòng dân, kết hợp với việc nội bộ Tây Sơn lục đục, Nguyễn Ánh đã liên tiếp giành được những thắng lợi mang tính chiến lược trên con đường phục quốc. Đến tháng 5 năm 1802, Nguyễn Ánh đã hoàn thành mục tiêu mà mình đã đề ra: khôi phục giang sơn của tổ tiên, nhưng quan trọng hơn cả đó là thống nhất quốc gia, thu về một mối với việc sát nhập Đàng Trong và Đàng Ngoài để biến cương vực lãnh thổ Việt Nam thành một chữ S hoàn chỉnh, kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Nguyễn Ánh đã lên ngôi và lấy niên hiệu là Gia Long vào năm 1802 (Gia Long năm thứ nhất).
Việc hệ thống hóa về cuộc đời của Nguyễn Ánh trong bài viết này, thoạt nhiên có lẽ là dư thừa vì đây không phải là nội dung chính của bài viết; song tôi lại muốn nêu lại vì để người đọc cảm được sự gian truân của Gia Long Nguyễn Ánh từ khi ông còn nhỏ tuổi cho đến lúc lên ngôi. 40 năm (1762-1802) của Gia Long Nguyễn Ánh đầy rẫy những khó khăn, chông gai. Chính trong thời kỳ khó khăn này, hàng loạt những giai thoại liên quan đến vị chúa Nguyễn này đã được lưu truyền trong dân gian. Tôi nghĩ rằng tiếp cận Nguyễn Ánh từ những giai thoại đó có thể sẽ cho ta có được một cái nhìn “lạ”, “thú vị” hơn (tôi không dám nói là “mới”). Bởi lẽ, đã là giai thoại dân gian, ta ít nhiều không chịu sự chi phối từ những quy định trong nhận thức về thời cuộc – đây là điều đã dẫn đường cho hàng loạt những sai lầm khi đánh giá về Gia Long Nguyễn Ánh trong suốt một thời gian dài như trên đã có đề cập.
Nếu không có được một niềm tin mãnh liệt, một động lực đủ lớn thì có lẽ, đất nước Việt Nam ngày hôm nay của chúng ta đã không được trọn vẹn như ngày hôm nay. Trong suốt những năm tháng ròng rã trốn chạy Tây Sơn, ôm mộng phục quốc, có thể Nguyễn Ánh chỉ nghĩ đến việc giành lại giang sơn của tổ tiên mình, giành lại những gì lẽ ra là của dòng tộc. Tuy nhiên, chính tư tưởng đó của ông (thoạt nhiên là vì cá nhân) đã dẫn đến một hệ quả tươi đẹp hơn – bờ cõi Việt Nam được mở rộng và trở thành một chỉnh thể thống nhất.
Trước khi tạm gác lại phần hệ thống sơ lược về cuộc đời Nguyễn Ánh, tôi muốn dẫn lại một nhận định rất xác đáng của giáo sư Phan Huy Lê khi đề cập đến vai trò của nhà Nguyễn nói chung và nhà Tây Sơn trong công cuộc thống nhất đất nước: “Phong trào Tây Sơn đã đánh bại chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và xóa bỏ tình trạng phân chia đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía Nam và quân xâm lược Thanh ở phía Bắc, đó là những thành tựu của Tây Sơn đã đặt cơ sở cho công cuộc khôi phục quốc gia thống nhất mà sau này Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã kế thừa. Như vậy là hai kẻ thù không đội trời chung lại góp phần tạo nên sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc, bề ngoài như một nghịch lý nhưng lại nằm trong xu thế phát triển khách quan của lịch sử và yêu cầu bức thiết của dân tộc” [10, tr.329].
Tóm lai, việc hệ thống lại một vài cột mốc trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh trong giai đoạn đối đầu với Tây Sơn như trên, theo tôi là tạm đủ để làm nền móng, cơ sở cho việc đi vào một vài giai thoại liên quan đến nhân vật này trên con đường phục quốc, gợi mở cho ta một cách tiếp cận thú vị hơn với người sáng lập ra triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
(hết phần 1)